Gánh nặng thừa cân của nước Mỹ và các loại “tiên dược” giảm béo phì

Minh họa: Unsplash

Béo phì là một trong những gánh nặng kinh niên của nước Mỹ. Điều tréo ngoe là công nghiệp thực phẩm liên tục tung ra những thứ hấp dẫn không thể cưỡng lại trong khi công nghiệp dược phẩm lại ngày đêm bào chế thuốc trị béo phì. Khoảng 3/4 số người trưởng thành ở Hoa Kỳ được coi là thừa cân hoặc béo phì và họ có nguy cơ gặp phải một loạt các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Minh họa: louis-hansel-unsplash

“Tiên dược” nào giảm béo phì?

Được phê duyệt vào năm 2017 dưới dạng thuốc trị tiểu đường loại 2, Ozempic của nhà sản xuất Novo Nordisk đang trở thành thần dược của những người giảm cân. Không chỉ Ozempic, Mounjaro và Wegovy của Eli Lilly cũng đang tăng vọt với tốc độ chóng mặt.

Novo Nordisk đã bán được khoảng $14 tỷ các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường và béo phì khác nhau trong nửa đầu năm 2023; và Eli Lilly đã bán được Mounjaro với trị giá gần $1 tỷ chỉ trong một quý năm nay (2023). Theo công ty nghiên cứu ngành chăm sóc sức khỏe Trilliant Health, đơn thuốc giảm cân này đã tăng 300% kể từ đầu năm 2020, với hơn 9 triệu đơn thuốc được viết ở Mỹ chỉ trong ba tháng cuối năm 2022 – TIME cho biết.

Nhu cầu lớn đến mức Ozempic, Wegovy và Mounjaro gần đây đều rơi vào tình trạng thiếu hụt và bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong một số trường hợp phải vật lộn để mua thuốc theo đơn, khi họ… giành giật nguồn cung hạn chế với những người muốn giảm cân; cùng lúc, các spa, nhà cung cấp qua mạng và các hiệu thuốc tổng hợp đều đang tranh giành Ozempic.

Béo phì là một “căn bệnh”?

Giới y tế Hoa Kỳ nêu rõ: Béo phì là một “căn bệnh mãn tính phổ biến, nghiêm trọng và tốn kém”, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã nêu. Theo ước tính của CDC, hơn 40% người trưởng thành ở Hoa Kỳ và gần 20% trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì, khiến họ có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe bao gồm bệnh tim, tiểu đường loại 2, đột quỵ và một số loại ung thư. Ngoài ra, có 30% người trưởng thành được coi là thừa cân, nghĩa là chưa đến một phần ba người trưởng thành ở Hoa Kỳ đáp ứng tiêu chuẩn của CDC về trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Nếu béo phì là một căn bệnh (“a common, serious, and costly chronic disease”) thì theo logic nó cần được điều trị. Trong lịch sử, chế độ ăn kiêng và tập thể dục là kế hoạch A để điều trị béo phì. Nhưng trên thực tế, những thay đổi lối sống như thế là chưa đủ. Glenn Gaesser, giáo sư tại Đại học bang Arizona, cho biết: “Tập thể dục nhiều thường không giúp giảm cân đáng kể”. Một phần là do mọi người có xu hướng cảm thấy đói hơn khi di chuyển nhiều, bù đắp lượng calo họ đốt cháy khi tập gym, và một phần do cơ thể đã quen với kích thước của nó và hoạt động để duy trì trạng thái đó.

Các nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh lối sống có thể có hiệu quả đối với một số người, nhưng nhiều người chỉ giảm được một lượng cân nặng vừa phải hoặc tăng cân lại theo thời gian – một quá trình được gọi là “chu kỳ cân nặng” (“weight cycling”) mà bản thân nó có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch và trao đổi chất.

Ozempic, Wegovy và Mounjaro đều hoạt động bằng cách đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa và bắt chước hormone ức chế sự thèm ăn GLP-1 thông qua việc tiêm hàng tuần. Điều này có nghĩa là mọi người cần ăn ít thức ăn hơn bình thường, dẫn đến trọng lượng cơ thể giảm trung bình 15% đến 20% sau khoảng một năm.

Ozempic (ảnh: Ricardo Rubio/Europa Press via Getty Images)
Wegovy (ảnh: Michael Siluk/UCG/Universal Images Group via Getty Images)
Mounjaro (ảnh: Sandy Huffaker for The Washington Post via Getty Images)

Chúng không có tác dụng tốt với tất cả mọi người, nhưng so với các loại thuốc cũ, thì “hiệu quả của những loại thuốc này rất đáng chú ý”. Và loại thuốc này không chỉ làm giảm chỉ số trên thang đo. Theo dữ liệu từ Novo Nordisk, semaglutide (tên chung của cả Ozempic và Wegovy) làm giảm 20% nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch lớn như đau tim và đột quỵ ở những người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì mắc bệnh tim.

Với một số người, béo phì lẽ ra không bao giờ nên được coi là một căn bệnh và do đó có thể không cần phải điều trị gì cả. Ragen Chastain thuộc thư viện Health at Every Size, cho biết: “Kiểm soát cân nặng không phải là con đường dẫn đến sức khỏe”. Theo quan điểm của Chastain và những người có cùng ý kiến, Ozempic và các loại thuốc cùng loại không phải là thuốc chống béo phì cứu mạng sống mà là những công cụ mới để củng cố các tiêu chuẩn cơ thể cũ, bắt nguồn từ sự kỳ thị chứ không phải khoa học, tất cả đều nhằm kiếm tiền (đối với các hãng dược) và kiếm được rất nhiều tiền.

Ý tưởng cho rằng béo phì không phải là một căn bệnh vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi trong y học chính thống. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa béo phì và các vấn đề sức khỏe, từ gan nhiễm mỡ, ngưng thở khi ngủ đến bệnh tim và ung thư. Nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy rằng có tới một nửa số người mắc bệnh béo phì có quá trình trao đổi chất khỏe mạnh, những người trong nhóm đó không có nguy cơ cao mắc bệnh tim và tử vong, và những người thừa cân trên thực tế có thể có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn những người ở mức cân nặng “bình thường”.

BMI là chỉ số… tào lao?

Các nghiên cứu cũng phát hiện rằng, mặc dù béo phì được coi là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim, nhưng bệnh nhân thừa cân có xu hướng khỏi bệnh tốt hơn những bệnh nhân gầy khi họ được điều trị các tình trạng liên quan, một phát hiện thường được gọi là “nghịch lý béo phì” (“obesity paradox”). Nghiên cứu cũng cho thấy giảm cân ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn thể chất hoặc chất lượng chế độ ăn uống của một người.

Chỉ số cơ thể (body mass index – BMI), thước đo thường được dùng để chẩn đoán thừa cân và béo phì, vốn đã có sai sót – một thực tế đã được các tổ chức có ảnh hưởng trong đó có AMA thừa nhận. Khi AMA coi béo phì là một căn bệnh vào năm 2013, chính Hội đồng Khoa học và Sức khỏe Cộng đồng (Council on Science and Public Health) của tổ chức này đã phản đối. Hội đồng tin rằng BMI là hoàn toàn không chính xác, rằng nó là một thước đo thô thiển về tổng cân nặng so với chiều cao, bản thân nó không nói lên nhiều điều về sức khỏe của một ai đó. Ví dụ, nó không thể phân biệt giữa chất béo và cơ bắp – đó là lý do tại sao một số vận động viên có chỉ số BMI cao, về mặt kỹ thuật, khiến họ rơi vào phạm vi béo phì.

Minh họa: elena-leya-unsplash

Con đường dẫn tới sự phổ biến BMI rất phức tạp. Công thức này – cân nặng tính bằng kilogam chia cho chiều cao tính bằng mét, bình phương – được phát triển vào những năm 1830 bởi Adolphe Quetelet, một nhà toán học người Bỉ không quan tâm đến việc chẩn đoán bệnh béo phì mà quan tâm đến việc xác định “người trung bình” (“average man”), một nỗ lực chủ yếu liên quan… vấn đề chủng tộc. Học giả Sabrina Strings, tác giả cuốn Fearing the Black Body: The Racial Origins of Fat Phobia, giải thích: Công thức thu được, được gọi là Chỉ số Quetelet (Quetelet Index), hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực “khoa học chủng tộc” đang phát triển thời điểm đó.

Đầu những năm 1900, các nhà ưu sinh (eugenicist) nổi tiếng của Mỹ đã bám vào ý tưởng rằng béo là dấu hiệu cho thấy sự suy đồi đạo đức liên quan đến người da màu! Sabrina Strings nói: “Chúng ta nghĩ rằng béo phì liên quan đến bệnh tật”, nhưng “lịch sử kỳ thị người béo thực sự đã lan truyền qua khoa học chủng tộc và thuyết ưu sinh”.

Minh họa: diana-polekhina-unsplash

Vào những năm 1970, hơn một thế kỷ sau khi Chỉ số Quetelet lần đầu tiên được phát triển, nhà sinh lý học nổi tiếng người Mỹ Ancel Keys đã hồi sinh nó. Keys nhận thấy các công ty bảo hiểm sử dụng các phương pháp thiếu sót để đánh giá rủi ro sức khỏe liên quan đến cân nặng của những người mà họ bảo hiểm.

Thay vào đó, ông đề xuất sử dụng Chỉ số Quetelet (được đổi tên thành BMI), mặc dù, trong một nghiên cứu do ông là đồng tác giả vào năm 1972, Keys đã không chứng minh được rằng BMI có mối tương quan nhất quán với nguy cơ mắc bệnh tim. Ngày nay, các chuyên gia đều đồng ý rộng rãi rằng BMI là không hoàn hảo. Tuy nhiên vậy, nó vẫn được sử dụng trong nghiên cứu, chẩn đoán béo phì và xác định ai đủ điều kiện sử dụng các loại thuốc như Wegovy!

Béo phì là vấn đề sức khỏe của xã hội chứ không phải gánh nặng của các công ty dược phẩm. Một số nhà quan sát ngành dự đoán rằng Mounjaro sẽ trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất mọi thời, giúp giá cổ phiếu của nhà sản xuất Eli Lilly tăng vọt khoảng 25%. Trong khi đó, Ozempic và Wegovy đã giúp Novo Nordisk đạt mức vốn hóa thị trường gần $442 tỷ tính đến cuối Tháng Mười – cao hơn tổng sản phẩm quốc nội của toàn bộ đất nước quê hương họ, Đan Mạch.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Acrylic nails
Móng tay acrylic (acrylic nails) là một kiểu móng tay nhân tạo từ việc sử dụng một loại polymer (bột) và một monomer (lỏng), kết hợp với nhau sẽ tạo…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: