Ấn Độ: Ở bẩn là lạc thú?

Thống kê mới nhất cho thấy hơn phân nửa hộ gia đình Ấn Độ được trang bị điện thoại nhưng không có nhà vệ sinh riêng. Gần phân nửa trong 1.2 tỷ dân không có toilet trong nhà. Và chỉ có 3.2% số người này dùng thường xuyên toilet công cộng, số còn lại đi… lộ thiên! Chỉ có 46.9% trong 246.6 triệu hộ gia đình có bồn rửa mặt trong khi 49.8% dùng vòi nước lộ thiên. 77% hộ gia đình ở bang phía Đông Jharkhand không có toilet. Ở Orissa là 76.6% và ở Bihar là 75.8%. Đây là ba bang nghèo nhất Ấn Độ với dân số rất đông nhưng thu nhập bình quân chưa tới $1 /người/ngày. 

Lạc thú dân tộc?

Nếu đã từng ghé qua hay sống tại Ấn Độ, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh cánh đàn ông tiểu bậy một cách thản nhiên nơi công cộng. Tình hình tệ đến nỗi, tại bang Rajasthan, những người tình nguyện đã nghĩ ra một phương pháp khá sáng tạo để ngăn chặn tệ nạn này: Họ đánh trống và huýt sáo khi thấy có ai đó tiểu bậy. 

Có người tin rằng vấn đề chỉ được giải quyết khi chính quyền xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng, nhưng không phải ai cũng đồng tình như thế. Một nhà báo cho biết chỉ vài ngày sau khi ông dọn đến Ấn Độ, đứa con trai của ông chỉ cho ông thấy một nhóm thanh niên đứng tiểu vào bức tường nằm cạnh căn hộ anh mướn. Họ không hề ngượng ngùng mà cười nói rôm rả. Cậu bé nhìn cha hỏi trong sự kinh ngạc: “Sao họ lại dám làm thế?”. 

Năm năm sau đó, nhà báo vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác. Đi du lịch quanh đất nước dân chủ lớn nhất thế giới này và tại bất cứ nơi nào ghé qua, bạn cũng dễ dàng nhìn thấy những người đàn ông tiểu tiện và khác nhổ bừa bãi. Một người Ấn Độ nói đùa với khách một cách… hãnh diện: “Tiểu bậy đã trở thành lạc thú dân tộc, và chúng tôi có thể thưởng thức lạc thú này ở bất cứ nơi nào mà không sợ bị phê phán!”. 

Quyết định “tấn công trực diện vào những người đang tiểu bậy” của chính quyền bang Rajasthan từng gây ra một cuộc tranh luận dữ dội. Một nhà bình luận của một trong những tờ nhật báo tiếng Anh nổi tiếng nhất Ấn Độ. Đã đặt câu hỏi: “Người Ấn có phải mất vệ sinh bẩm sinh” (Are Indians by nature unhygienic?). Câu trả lời gây tức giận cho nhiều độc giả: “Đúng thế!”. 

Dùng bài viết này, một nhà báo nước ngoài đi hỏi ý kiến các bạn bè Ấn Độ khi họ gặp nhau tại một quán cà phê. Anh bạn Bikram thuộc thành phần trung lưu trẻ mới giầu ngày càng đông đảo của Ấn Độ là người đầu tiên đưa ra câu trả lời. Sau khi thoáng nhìn vào người hỏi vài giây, anh nói: “Tại sao bạn lại hỏi một câu ngốc nghếch như thế? Câu trả lời khá đơn giản: Không có đủ toilet!”. Nhiều người ngồi quanh bàn gật đầu đồng ý. 

Bikram có lý của anh. Cựu Bộ trưởng Phát triển nông thôn Ấn Độ Jairam Ramesh từng nhận xét: “Ấn Độ hiện cần toilet hơn… đền đài, vì gần phân nửa gia đình không có toilet riêng!”. Nhận xét của Ramesh dẫn đến cuộc chống đối ngay bên ngoài nhà ông. Không chịu thua, vài ngày sau, ông kêu gọi các phụ nữ Ấn “đừng lấy chồng nếu nhà chồng không có toilet riêng cho gia đình mới”! 

Lời kêu gọi này khiến những người chống đối ông phải im tiếng, và cuộc tranh luận tạm gác lại. Một phụ nữ có chồng tên Tina ngồi gần nhà báo nước ngoài đưa ra ý kiến: “Vấn đề ở đây không phải là nhà vệ sinh mà còn là thiếu ý thức công dân”. Chị nói: “Tôi vừa chứng kiến một gã đứng tiểu trên đường ngay bên ngoài nhà vệ sinh công cộng! Có rất nhiều kẻ vô ý thức như thế. Tôi rất ghê tởm hành vi của họ!”. 

Nhà báo nước ngoài nhìn vào Bikram với hy vọng anh sẽ có ý kiến khác, nhưng anh im bặt và giả vờ phải nhận một cuộc gọi điện khẩn cấp. Raju, một người bạn đến từ Mumbai lắc đầu: “Bạn đã từng đi vào toilet công cộng chưa? Chúng nhầy nhụa, nhớp nháp. Có một toilet công cộng gần nhà tôi nhưng đã bị phá bỏ vì đứng từ xa 50 mét đã ngửi thấy mùi hôi hám. Nhiều người phát bệnh vì nó!”. 

Tina bỗng nổi nóng: “Nguyên nhân có cả yếu tố giai cấp khi ai cũng để phần làm vệ sinh toilet cho tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Chỉ khi nào mọi người cùng chung tay giải quyết vấn đề, ngày đó mới có sự thay đổi”. 

Brinka, ngồi cạnh Tina nhìn những bạn nam ngồi quanh bàn nói: “Tôi hỏi các bạn, tại sao phụ nữ chúng tôi chờ được đến khi về nhà mới làm ‘chuyện đó’ còn các bạn thì không?”. Câu hỏi rơi vào khoảng trống vì không có trang nam nhi nào dám lên tiếng.

Phải nhờ đến thần thánh

Chia tay nhóm bạn Ấn Độ, trên đường đi bộ về nhà, nhà báo nước ngoài thấy một gã đứng tiểu trên lề đường. Anh hỏi: “Tại sao bạn không chờ về nhà?. Người đàn ông trợn tròn mắt nhìn nhà báo, nói: “Vì đây là Ấn Độ, nơi mà ai cũng làm giống tôi!”. Thấy một cảnh sát nghe cuộc nói chuyện, nhà báo kín đáo hỏi ông ta tại sao lại không ngăn chặn một hành vi như thế. Ông ta chỉ cười, nói: “Để làm gì?”. 

Hai câu trả lời này ám ảnh nhà báo nhiều ngày cùng với câu hỏi: “Làm sao đất nước này có thể giải quyết được vấn nạn vệ sinh môi trường nếu nhiều người tiếp tục phóng uế thoải mái?”. Dọc những bức tường thường bị tiểu bậy, người ta dán cả những bức ảnh… thánh thần với hy vọng không ai dám xúc phạm. Nhiều ngôi nhà cũng làm như thế. 

Giải pháp sáng tạo này phát huy hiệu quả tốt hơn nhiều so với các dòng chữ như “Cấm đái!”. Sự tự giác và tự trọng hầu như không có nên thần thánh mới phải vào cuộc. Ấn Độ cần thêm toilet hơn đền đài, nhưng tại một đất nước còn rất tin vào tôn giáo và sự thần bí thì sự can thiệp của thần thánh đã hạn chế phần nào hành vi tiêu tiểu và khạc nhổ bừa bãi. Và thần thánh là những người duy nhất có thể làm được việc này. 

Nếu có sự xếp hạng các nước tùy theo mức độ tôn trọng các tiêu chuẩn vệ sinh và sạch sẽ thì có lẽ Ấn Độ thuộc số xếp hạng chót. Cách nay không lâu, nữ nghị sĩ Anh Lucy Ivimy tuyên bố một cách cực đoan: “Nhiều người Ấn Độ hầu như không biết cách vất rác đúng chỗ và có người mang nhiều mầm bệnh lây trên cơ thể!”. Dĩ nhiên, nhận xét của bà gặp phản ứng dữ dội từ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. 

Thỉnh thoảng lại có những người đến từ thế giới công nghiệp phát triển do quá bức xúc trước tình hình vệ sinh tại Ấn Độ đã có các tuyên bố hớ hênh như thế. Nhưng đa số du khách phương Tây đến Ấn Độ đều cho biết họ “muốn bệnh” chỉ sau vài giờ lưu ngụ tại đất nước này. Gần như không thể che giấu được tình trạng bẩn thỉu và mất vệ sinh, từ khách sạn trung bình, bệnh viện, nhà ga đến những nơi công cộng, phi cảng, đền đài và nhà riêng. Du khách gần như không có quyền chọn lựa, vì …ở đâu cũng bẩn! 

Những chuẩn mực về vệ sinh thường thức gần như bị bỏ qua. Các bồn chứa nước thường bẩn, ly tách cũng bẩn và để gần thùng rác hay cống thoát nước. Tuyệt đại bếp ăn trường học đều rất bẩn. Rác và phóng uế là “đặc trưng” của xã hội Ấn Độ khi không gian quanh các đền đài, bãi biển, công viên vỉa hè đều bốc mùi hôi thối với phân và nước tiểu vung vãi.

Người giầu cũng bẩn

Cách nay vài năm, khi ngụ tại nhà khách Guest House, một doanh nhân nước ngoài chứng kiến vợ của một đồng nghiệp Ấn đưa con ra ngoài sân khách sạn để đi vệ sinh thay vì vào toilet. Khi được hỏi tại sao lại làm thế bà nói xởi lởi “thằng bé không thấy thoải mái khi tiêu tiểu trong phòng”! Một thực tế thật khó tin. 

Thật sự là thế! Nếu bạn không muốn ói khi ăn thì tránh đi vào nhà bếp của khách sạn hay nhà bếp của chủ nhà. Ngay tại sảnh ăn của các khách sạn nổi tiếng trong tiệc cưới người ta cũng thấy đầy rác và giấy bẩn vất bừa bãi khắp nơi. Một nghiên cứu do Hội đồng Vệ sinh Ấn Độ (Hygiene Council) thực hiện cho thấy những khăn lau nhà bếp tại Ấn Độ thuộc loại bẩn nhất thế giới. 

Các hộ gia đình Ấn Độ cũng chứa nhiều thứ rất mất vệ sinh. 92% dao nĩa bị nhiễm trùng nặng. 45% gia đình Ấn Độ không có thói quen rửa trái cây trước khi ăn và 51% không rửa rau. Chỉ có 44% trẻ con rửa tay sau khi đi chơi về. Chỉ có 44% hộp đựng thức ăn được rửa sạch trước khi cho vào thức ăn mới. Bẩn thỉu tràn lan đến nỗi cựu Bộ trưởng Tầu biển Ấn Độ G. K. Vasan from không dám bước xuống bãi biển Chennai khi ông đến đây kiểm tra việc giải thoát cho một tầu chở dầu bị mắc cạn. 

Nếu bạn nghĩ rằng các hành khách sử dụng toa xe lửa hạng sang tại Ấn Độ là những người thích sự sạch sẽ thì bạn đã lầm. Trên những toa hạng nhất cũng đầy rác và khạc nhổ bừa bãi. Phòng vệ sinh hư hỏng nặng và rất hôi hám. Không chỉ các cơ sở tư nhân mới bẩn mà các cơ quan chính phủ cũng mất vệ sinh không kém. Lẽ ra bệnh viện là nơi vệ sinh được đặt lên hàng đầu thì nó không kém cạnh các nơi khác về sự bẩn thỉu và mất vệ sinh. 

Đối với các đền đài thì đền thờ của người theo đạo Hồi luôn sạch sẽ hơn đền thờ của người theo đạo Hindu. “Đi vệ sinh lộ thiên là… thuộc tính của hơn phân nửa người dân Ấn! – cựu Ủy viên Dân số Chandramouli nhận xét – Văn hoá, truyền thống và thiếu giáo dục là ba nguyên nhân chính của tình trạng xem nhẹ các biện pháp vệ sinh. Ấn Độ còn phải làm rất nhiều để đẩy lùi tệ nạn này”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: