Với “siêu giày” của Adidas, vận động viên như được gắn thêm lò xo!

Vận động viên Tigist Assefa đã phá kỷ lục trong cuộc thi BMW Berlin-Marathon 2023 ngày 24 Tháng Chín 2023 với đôi giày Pro Evo 1 của Adidas (ảnh: Luciano Lima/Getty Images)

Với trọng lượng 138 gam, tức chưa đến 1/3 pound, chiếc giày nhẹ đến mức những vận động viên chạy chuyên nghiệp ban đầu thậm chí nghi ngờ rằng nó không thể chịu nổi thử thách trong một cuộc đua dài. Amanal Petros, vận động viên chạy bộ người Đức lập kỷ lục quốc gia ở nội dung marathon nam vào năm 2021, từng cười mỉa mai khi lần đầu tiên cầm nó.

Khi một số vận động viên mang đôi Adizero Adios Pro Evo 1 tại cuộc thi Berlin Marathon vào cuối tuần trước, giới điều hành và thiết kế của Adidas tập trung trong một căn lều gần vạch đích mà không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Thế rồi, khi vận động viên Tigst Assefa của Ethiopia phá kỷ lục thế giới nữ hơn hai phút, vượt qua thời gian của chính mình ở cuộc đua năm ngoái gần bốn phút – một khoảng cách rất lớn ở giải chạy chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới, người ta mới thở phào và tự tin khẳng định rằng Adizero Adios Pro Evo 1 thật sự là một “siêu giày” (super shoes). Năm vận động viên khác mang đôi giày Pro Evo 1 cũng có thành tích đặc biệt, trong số đó có Amanal Petros, người đã phá kỷ lục quốc gia của chính mình ở nội dung đua nam.

Chiến thắng của Tigst Assefa là một thắng lợi cho Adidas trên đấu trường công nghệ thể thao cạnh tranh khốc liệt. Adidas đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn kể từ khi chấm dứt quan hệ đối tác với Kanye West vào năm ngoái. Sự hợp tác với Kanye West từng mang lại lợi nhuận cao và chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của Adidas. Công ty gần đây cho biết kế hoạch cải cách đang bắt đầu mang lại kết quả, được thúc đẩy bởi quyết định bán hết hàng tồn kho mẫu giày Yeezy còn sót lại với trị giá khoảng $1 tỷ.

Adidas chỉ sản xuất 521 đôi Adizero Adios Pro Evo 1 và bán ra thị trường vào giữa Tháng Chín 2023 (ảnh: ADIDAS)

Trong khi đó, Nike, đối thủ truyền kiếp của Adidas, đang trong giai đoạn khó khăn, với giá trị cổ phiếu giảm khoảng 30% kể từ Tháng Năm. Cổ phiếu Nike đã phục hồi vào Thứ Năm, sau khi công ty báo cáo doanh thu tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy công ty đang lấy lại động lực. Nike cho biết trong một tuyên bố rằng họ “đi tiên phong trong cuộc cách mạng hiện đại về công nghệ giày đua” và họ có một số mẫu giày đang được các vận động viên thử nghiệm trước Thế vận hội Paris năm tới. Tuy nhiên, Nike dường như đang chật vật trên đường đua với Adidas.

Adidas đã tung ra thị trường 521 đôi Pro Evo 1 vào giữa Tháng Chín với giá bán lẻ $500. Pro Evo 1 được tiêu thụ cái vèo trong vòng vài giờ, cho thấy nhu cầu loại giày có thể giúp cải thiện thành tích cá nhân của giới vận động viên nhà nghề đang tăng cao. Patrick Nava, phó chủ tịch phụ trách hoạt động thể thao của Adidas cho biết, công ty có kế hoạch tung ra thị trường ào ạt hơn vào Tháng Mười Một.

Trong một thời gian dài, Nike từng dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu-sản xuất giày chạy bộ cho dân nhà nghề kể từ khi tung ra mẫu “siêu giày” đầu tiên tại cuộc thi marathon trong khuôn khổ Thế vận hội Hoa Kỳ (US Olympic) năm 2016. Khi cuộc tranh cãi ban đầu nổ ra về tính hợp pháp của đôi giày, các kỷ lục bắt đầu bị phá vỡ. Năm 2018 tại Berlin, ngôi sao Kenya Eliud Kipchoge đã phá kỷ lục thế giới marathon nam hơn một phút khi mang siêu giày Nike. Năm ngoái Eliud Kipchoge thực hiện được kỳ tích này với phiên bản nâng cấp của “siêu giày” của Nike, có tên Alphafly 2.

Alphafly 2 của Nike (ảnh: NIKE)

Thiết kế của siêu giày ngày càng phát triển và được cải tiến nhưng các yếu tố vẫn giữ nguyên: Đế dày được làm bằng bọt siêu nhẹ có khả năng hoàn trả năng lượng (energy-returning) và được gắn với một đĩa cứng thường làm bằng sợi carbon. Sự kết hợp tạo ra hiệu ứng giống như lò xo.

Khi siêu giày lần đầu tiên xuất hiện, những người chỉ trích cho rằng chúng dường như vi phạm các quy tắc do World Athletics, cơ quan quản lý thể thao toàn cầu đặt ra, bài xích những loại giày mang lại “sự trợ giúp hoặc lợi thế không công bằng”. Tuy nhiên, vào năm 2020, họ đã “hợp pháp hóa” giày Nike, bằng cách ban hành các quy định giới hạn độ dày của đế không quá 40 mm và cho phép sử dụng các tấm sợi carbon. Phán quyết này được áp dụng cho những đôi giày tiên phong của Nike, mở ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt cho đến tận nay.

Charlotte Heidmann, quản lý điều hành sản phẩm toàn cầu của Adidas, cho biết, để vượt qua Nike, Adidas đã thay đổi cách thiết kế và cả cách thử nghiệm. Thay vì để người tiêu dùng bình thường thử nghiệm, kỹ thuật viên Adidas chỉ thử giày với các vận động viên chuyên nghiệp, trong đó có nhóm vận động viên hàng đầu ở Kenya.

Nhóm thiết kế kỹ thuật của Adidas đã tạo ra những bước đột phá trên một số thành phần riêng biệt để có thể kết hợp trong Pro Evo 1. Đặc biệt, việc phát minh các vật liệu nhẹ mới cho phép tạo ra chiếc giày chỉ nặng 138 gram – bằng 60% trọng lượng loại “siêu giày” trước đây của Adidas. Trong đó có chất liệu cao su mới cho đế ngoài của giày giúp giảm trọng lượng mà không làm giảm độ bám.

Trong một cải tiến khác, cần lắc (the rocker, hình thù như cái móng ngựa – điểm xoay của chiếc giày) được di chuyển về phía sau xa hơn, sau khi phân tích cho thấy nó sẽ cải thiện yếu tố tiết kiệm năng lượng khi chạy. Bản thân đế được làm bằng một loại xốp mới, kết hợp với sợi carbon, mang lại độ nảy giúp di chuyển nhanh. Adidas cho biết các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn dựa trên công nghệ mới làm nền tảng cho Pro Evo 1 sẽ được tung ra thị trường trong thời gian thích hợp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: