Khám phá siêu tàu đổ bộ USS Somerset LPD 25 của Hải Quân Mỹ

USS Somerset (LPD 25) là một trong ba tàu vận tải đổ bộ thuộc nhóm tàu tác chiến của Hoa Kỳ. (Hình: Kalynh Ng.)

SAN DIEGO, California – Chủ Nhật, 23 Tháng Năm, tàu đổ bộ Somerset LPD 25 thuộc lớp San Antonio vừa trở về Căn Cứ Hải Quân San Diego (Naval Base San Diego) sau thời gian diễn tập chung ở vùng biển quốc tế trong khu vực Biển Đông cùng hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt.

Đây là một trong ba tàu vận tải đổ bộ thuộc nhóm tàu tác chiến của Hoa Kỳ gồm: USS Somerset (LPD 25), USS Makin Island (LHD 8) và USS San Diego (LPD 22). Ba tàu này luôn đi cùng với nhau trong những chuyến triển khai quân sự, chở theo lính Thuỷ quân Lục chiến, máy bay chiến đấu, tàu đổ bộ đệm khí, và xe tăng.

Naval Base San Diego. (Hình: Kalynh Ng.)

“Một khối sắt” hiện đại khổng lồ

Căn Cứ Hải Quân San Diego trưa Thứ Tư, 26 Tháng Năm, tấp nập Hải Quân Mỹ mặc quân phục đi lại trên cảng. Bên dưới cảng biển, những “khối sắt khổng lồ” với ký hiệu 22, 8, 25, 101… sừng sững đậu kế tiếp nhau. Nhìn đoàn tàu chiến màu xám tro mạnh mẽ, to cao vượt tầm mắt, có thể cảm nhận rõ sức mạnh của lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ.

Nhìn đoàn tàu chiến màu xám tro mạnh mẽ, to cao vượt tầm mắt, có thể cảm nhận rõ sức mạnh của lực lượng hải quân Hoa Kỳ. (Hình: Kalynh Ng.)

Đón chúng tôi ngay tại cổng chính của căn cứ là anh Liêm Phạm, lính Hải Quân phục vụ trên tàu USS Somerset (LPD 25.) Anh vừa trở về sau bảy tháng viễn dương diễn tập tại các căn cứ quân sự ở Mỹ và các quốc gia khác. Sau khi trình giấy tờ chứng minh “lính tại ngũ,” anh Liêm hướng dẫn chúng tôi lên tàu LPD 25.

Ý nghĩa lịch sử của USS Somerset (LPD 25) được đặt trang trọng ngay giữa lối vào chính.

Tên của tàu được đặt theo tên quận Somerset, bang Pennsylvania, là nơi chiếc máy bay chở khách United Airlines 93 bị không tặc ngày 11 Tháng Chín, 2001 và đâm xuống khu vực này khi hành khách chống trả.

LPD 25 là loại tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio thứ chín, được cấp cho lực lượng Hải Quân Mỹ ngày 1-3-2014, và là tàu tác chiến thứ năm của Hải Quân Hoa Kỳ mang tên Somerset. Tên của tàu được đặt theo tên quận Somerset, bang Pennsylvania, nơi chiếc máy bay chở khách United Airlines 93 bị không tặc ngày 11-9-2001 và đâm xuống khu vực này khi hành khách chống trả.

LPD 25 là loại tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio thứ chín, được biên chế cho lực lượng hải quân Mỹ ngày 1 Tháng Ba, 2014, và là tàu tác chiến thứ năm của Hải Quân Hoa Kỳ mang tên Somerset.

Qua khỏi cửa chính, bước lên phần đuôi tàu, một không gian rộng trải dài trước mặt. Đây chính là bãi đáp (fly deck) với diện tích khoảng 2.173m2, có sức chứa khoảng bốn máy bay trực thăng vận tải CH-46 Sea Knight, hoặc hai chiếc máy bay vận tải cánh quạt V-22 Osprey với khả năng cất hạ cánh cùng lúc.

Không một chi tiết nào trên LPD 25 có kích thước và trọng lượng “khiêm tốn,” từ sợi dây thừng, dây xích, cho đến cánh cửa, ổ khóa của mỗi khoang tàu, chỉ trừ cầu thang và giường nằm của lính.

Anh Liêm Phạm đưa chúng tôi đến khu vực nghỉ ngơi của những người lính trên tàu. Diện tích “giường” cho mỗi một người không lớn hơn nhiều so với một “single bed.” “Mỗi một giường có ba tầng, gọi là “rack” – rack một, hai và ba. Mỗi một tầng có những tủ nhỏ cho quân nhân cất đồ dùng cá nhân và một tủ đựng thiết bị trợ thoát lúc nguy cấp EBD (Emergency Escape Breathing Device). “Chỉ đủ không gian để đựng vật dụng tối cần thiết nên chúng tôi không có đồ dùng nhiều” – anh Liêm giải thích.

Diện tích “giường” cho mỗi một người không lớn hơn nhiều so với một “single bed.” (Hình: Kalynh Ng.)

Tất cả lối đi trong LPD 25 đều nhỏ hẹp, có những nơi chỉ vừa cho khoảng đúng một người, người muốn đi chiều ngược lại phải đứng chờ. Không gian bên trong gần như rất kín, không như con tàu du lịch có ô cửa kính để hướng tầm mắt ra đại dương. Chưa kể, khu vực “engineering” luôn trong tình trạng “âm thanh vượt tần suất bình thường”. Những người lính làm nhiệm vụ ở khu máy tàu đều phải mang tai nghe bảo vệ thính giác.

Trên tàu LPD 25 còn có cả một máy ATM. Lính hải quân trên tàu sẽ dùng thẻ ngân hàng dành riêng cho Navy để sử dụng khi cần thiết.

Các khu vực thông với nhau bằng những cánh cửa sắt to, nặng. Thoạt nhìn, những cánh cửa này trông giống cửa thoát hiểm trên máy bay, nhưng cơ chế hoạt động thì khác. Đây là những cánh cửa thiết kế theo hình thức “double door”. Theo lời  lính Hải Quân Liêm Phạm, những cánh cửa này có chức năng ngăn khói, hoặc nước từ bên ngoài tràn vào nếu xảy ra sự cố. Khi bước vào, nếu không đóng cửa này lại mà mở cửa kế tiếp thì áp suất bên ngoài sẽ tràn vào, đẩy cánh cửa ngược ra, ai đứng bên ngoài sẽ bị cửa đập vào mặt.

“Tàu chiến này có thể chở được gần 1.200 người. LPD 25 được trang bị cả nhà ăn, thư viện, bệnh viện, và một nhà nguyện (chapel) nhỏ. Nơi này không giới hạn về tín ngưỡng” – Liêm nói.

Phòng ăn của lính hải quân trên tàu LPD 25 có sức chứa khoảng vài chục người. Với tổng số lính thủy và nhân viên trên tàu thì hình ảnh xếp hàng dài để chờ lấy thức ăn là chuyện diễn ra mỗi ngày. Thực đơn trên tàu theo đúng “lập trình” từ thứ Hai đến Chủ nhật. Những người lính gốc Á như Liêm Phạm chắc chắn phải thích nghi dần, anh nói:

“Tuần lễ đầu rất khó ăn vì tôi không quen khẩu vị của những món ăn này, thèm món ăn Việt Nam lắm. Nhưng rồi sau đó quen dần thôi”.

Nơi quan trọng nhất của một chuyến hải hành chính là buồng lái. Buồng lái của LPD 25 chằng chịt những hệ thống điện toán, bản đồ, radar, dây cáp điện, hệ thống điện thoại, máy thăm dò… Nơi này mang trọng trách như một “Ngũ Giác Đài” của quân đội Hoa Kỳ.

Nơi quan trọng nhất của một chuyến hải hành chính là buồng lái. (Hình: Kalynh Ng.)

Mỗi một người lính như Liêm Phạm đều luân phiên có nhiệm vụ làm vệ sinh sạch sẽ những vật dụng trong khu buồng lái. Đó cũng được xem là một trách nhiệm chung trong kỷ luật quân đội.

“Những người lính tụi em phải bỏ hết tất cả những quy tắc bình thường trong cuộc sống mình từng có, trở thành một con người hoàn toàn mới, con người của quân đội.”

Kỷ luật quân đội khắt khe

Có thể nói, khó có nơi nào rèn luyện con người, từ thể lực cho đến tinh thần, nghiêm khắc như quân đội. Tuy chức vụ khác nhau, nhưng sự tuân thủ quân lệnh của mọi người lính đều phải như nhau, ở cấp độ cao nhất.

Anh Liêm Phạm và đồng đội trên tàu đổ bộ LPD 25. (Hình: Kalynh Ng.)

Theo lời Liêm, từ khi anh gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ, cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn. Liêm nói: “Em thấy cuộc sống mình có trách nhiệm hơn, trách nhiệm trong công việc của mình, trách nhiệm với các đồng đội của mình. Tại vì khi mình ở trên tàu này rồi thì tất cả mọi thứ không phải chỉ riêng mình nữa, mà liên kết cùng mọi người xung quanh. Đôi khi chỉ vì một sơ suất nhỏ của mình nhưng sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng”.

Trên tàu LPD 25 có bốn vị trí gác tàu, gồm ba vị trí trên khu vực buồng lái và một vị trí ở đuôi tàu. Mỗi một nơi gác có nhiệm vụ khác nhau. “Trong những ca gác, nếu người lính chỉ vô tình “lỡ” chợp mắt một chút, trong lúc đó xuất hiện tàu xung quanh, mình không kịp thông báo cho phòng điều khiển biết thì có thể làm cho hai con tàu đụng nhau” – Liêm nói.

“Sau khi trúng tuyển, chúng tôi phải trải qua hai tháng trong  “boot camp” của Navy. Trong hai tháng đó, người ta huấn luyện để những người lính tụi em phải bỏ hết tất cả những thói quen bình thường trong cuộc sống mình từng có, trở thành một con người hoàn toàn mới, con người của quân đội,” Liêm nói về những thử thách một người lính Hải quân phải vượt qua.

“Ví dụ như đó là sự tuân lệnh tuyệt đối” anh nói thêm, “Dù mệnh lệnh đó có bất hợp lý với mình nhưng mình phải tuân theo.

“Để giữ một quân đội mạnh hay yếu, thì kỷ luật là quan trọng nhất” – Liêm chia sẻ.

Cửa vào buồng lái của LPD 25 (Hình: Kalynh Ng.)

Kỷ luật đó, đôi khi không phải chỉ đến từ mệnh lệnh trực tiếp của người chỉ huy mà nó còn là những nguyên tắc chung trong một tập thể. Một ví dụ, theo Liêm, khi khoảng 100 người lính chỉ có đúng một giờ tắm rửa, thì khi ấy, thời gian và thói quen về tắm rửa của mỗi người sẽ không còn như họ từng có trước khi bước vào quân ngũ.

Siêu tàu vận tải đổ bộ USS Somerset (LPD 25) sẽ ở lại Naval San Diego Base khoảng một năm để nâng cấp và sửa chữa. Sau đó, nó lại ra khơi, cùng với nhóm tàu tác chiến thực thi nhiệm vụ của lực lượng tấn công, biểu dương sức mạnh và trách nhiệm của quân đội Hoa Kỳ trên khắp các vùng biển theo đúng luật pháp quốc tế, ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: