40 năm GHPGVNTN trong âm mưu bức tử: Chuyện vẫn còn rướm máu

Hòa thượng Thích Quảng Độ (bìa trái) bị kết án tù lần 3, vào năm 1995 vì “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

Tháng Mười 2021, nhân kỷ niệm 40 ngày Giáo hội Phật giáo phục vụ Nhà nước ra đời, báo Giác Ngộ có bài viết mang tên “Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” để mô tả lại câu chuyện mang tính lịch sử, là sau năm 1975, chính quyền vô thần đang cầm quyền muốn tổ chức thống nhất mọi chùa chiền, tăng ni, Phật tử về một mối, dưới sự kiểm soát của Ban tôn giáo chính phủ và quan điểm chính trị của Nhà nước.

Câu chuyện là lịch sử của chính Phật giáo và dân tộc, với đủ mọi tình huống đã diễn ra trước và sau đó, bao gồm những án tù, chết chóc, tịch thu, bắt bớ… nhưng không hiểu sao, một tờ báo như Giác Ngộ đã “tập hợp có hệ thống các tài liệu và sưu khảo từ những ngày đầu tiên công cuộc thống nhất Phật giáo diễn ra”, trong đó có những chi tiết không đúng với sự thật, nếu không nói là lừa dối. Nhiều chi tiết đọc trong bài báo này, khiến bất kỳ ai hiểu biết đều ngạc nhiên về sự che đậy đến rợn người. Nhưng đáng nói nhất, đó là sự mô tả về sự đồng thuận phục vụ của hai bậc trí giả của Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là Hòa thượng Thích Trí Thủ và Thích Đôn Hậu.

Thống nhất Phật giáo trong giai đoạn đó là gì? Sau năm 1975, chính quyền mới nhận ra hệ thống hành chính, tổ chức và nhân lực của Giáo hội Phật giáo Thống nhất là một mối lo, không khác gì như môt tổ chức hùng mạnh nằm ngoài đảng trị. Việc thống nhất Phật giáo là một cách để kiểm soát, cùng với loại trừ những gì bị coi là nguy hiểm.

Thật ra, từ vĩ tuyến 17 vào Nam, chỉ có Phật giáo là còn tổ chức và hoạt động liên kết. Còn từ đó ra Bắc, nói theo nhận định của ông Đỗ Trung Hiếu – cán bộ tôn giáo từ Trung Ương được giao nhiệm vụ để theo dõi vấn đề thống nhất Phật giáo năm 1981, người đã phản tỉnh năm 1994 – viết trong hồi ký rằng:

“Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Cán bộ Tôn giáo vận ở trung ương và các tỉnh miền Bắc văn hóa thấp kém, chính trị non nớt, nghiệp vụ chuyên môn giáo điều cũ kỹ và tổ chức bộ máy tôn giáo vận xộc xệch quê mùa. Như vậy làm sao đối ứng nổi với bộ máy hiện đại của các tôn giáo ở miền Nam. Cho nên rốt cuộc chỉ áp dụng “chuyên chính vô sản”.

Bốn chữ “chuyên chính vô sản” sau Tháng Tư 1975 mà ông Đỗ Trung Hiếu dè dặt mô tả, thực tế là vô số đất đai, chùa chiền, cơ sở giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) đã bị tịch thu vô lý, vô cớ. Nhiều vụ tự thiêu ở Sài Gòn và Cần Thơ của tăng ni, Phật tử để phản đối đàn áp tôn giáo. Nhiều vị đại đức ở toàn miền Nam đã bị bắt giam, bỏ tù không án. Các hòa thượng như Thích Thiện Minh, Thích Trí Thủ, Thích Thiện Ân… thì đột tử một cách bất minh, liên quan đến việc công an bắt đi, điều tra, giam lỏng.

Bài báo trên tờ Giác Ngộ

Lướt qua tình hình nhằm nói rõ thêm về cách diễn đạt ngọt ngào của bài báo Giác Ngộ, để thấy mọi thứ hôm nay không thể nói ngược, bóp méo và lừa mị các thế hệ tin vào đạo Phật chân chính được.

Đầu năm 1980, ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, đã mời hai vị hòa thượng Thích Trí Thủ và Thích Đôn Hậu đến họp cùng nhiều hệ phái khác. Khi hỏi ý kiến về việc hòa nhập các hệ phái Phật giáo toàn Việt Nam, cả hai vị đều từ chối và nói rằng sự có mặt hôm đó chỉ là tính cách cá nhân và không thể trả lời thay được cho toàn bộ hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tháng Chín 1981, trong một cuộc họp khác về vấn đề thống nhất Phật giáo, hai vị hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ được cử đến phó hội đã trực tiếp phản đối bản Hiến Chương Giáo hội nhà nước đang được soạn thảo, vì cho rằng nó chỉ thể hiện tính chất một tổ chức phục vụ cho Đảng Cộng sản mà thôi. Chính vì vậy, Tháng Mười Một 1981, cả hai vị hòa thượng đều bị bắt và kết án, nhằm tước quyền phát biểu và ý kiến.

Sau năm 1975, với tư cách Giám đốc Sở Công an TP.HCM, khi mời Hòa thượng Thích Trí Thủ làm việc, ông Mai Chí Thọ nói với Hòa thượng rằng: “Phật giáo có theo chính quyền không? Nếu không theo là chống. Nếu Phật giáo chống chính quyền, chính quyền có công an, có quân đội, có nhà tù…”. Hòa Thượng cười và trả lời: “Phật giáo chúng tôi không theo mà cũng không chống”. Tự hiểu vị trí mình là cầu nối để đối thoại với chính quyền, Hòa thượng Thích Trí Thủ cố bảo toàn những gì mà GHPGVNTN còn lại, đặc biệt là lên tiếng cho các tăng, ni, Phật tử đang mắc nạn.

Những văn bản ký tên Hòa thượng Thích Trí Thủ, với tư cách Viện trưởng Viện Hóa Đạo, vào Tháng Mười Một 1975, đặc biệt một văn thư (0316/VHĐ/VT) gửi cho chính quyền mới, đã chỉ rõ những quan điểm của ông, khi bênh vực người bị bắt, khi đề cập việc sinh hoạt chùa chiền bị cấm đoán và tăng ni tự thiêu ở chùa Dược Sư (Cần Thơ) bị vu oan. Bút ký của Chu Sơn (Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản) đã ghi lại lời nhận xét của Hòa thượng Thích Trí Thủ: “Không có mình, đảng Cộng sản cũng sẽ làm như thế. Nhưng có mình (tham gia hình thành GHPGVN – CS), họ làm dễ hơn. Họ duy vật, vô thần, chống phá tôn giáo là tất nhiên. Còn mình là người tu hành, lại tiếp tay họ hủy diệt tôn giáo và loại bỏ giáo hội của mình thì là một tội lỗi, dù lòng mình không như thế. Đó tại vì mình bất trí, nhẹ dạ, cả tin. Đến thời điểm này, 1984, mình mới hiểu tường tận về đảng Cộng sản mà mình từng kêu gọi Phật tử và mọi người hợp tác. Thì ra, họ không có gì cả, ngoài tham-sân-si. Tội của mình không nhỏ…”.

Năm 1984, công an bao vây chùa Già Lam, bắt và kết tội Hòa thượng Thích Trí Thủ là mượn danh Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tức Giáo hội của nhà nước, để bao che và giúp đỡ cho các vị học giả, tăng ni… âm thầm phát động chống chính quyền. Sau đó không lâu, do lâm bệnh, công an đưa hòa thượng vào Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân cũ). Trong bệnh viện vài ngày, đột nhiên, hòa thượng viên tịch một cách bí ẩn. Một tháng sau, Hòa thượng Thích Thanh Trí, Chánh đại diện GHPGVNTN, cánh tay mặt của Hòa thượng Thích Trí Thủ, cũng viên tịch bất thường tương tự tại Bệnh viện Huế.

Còn về Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Ngài đã phản ứng dữ dội trước cái chết bất minh của Hòa thượng Thích Thiện Minh, bằng cách viết thư chất vấn về cái chết này, sau đó, từ chối hai chức vụ mà nhà nước muốn đặt để là Đại biểu Quốc hội và Ủy viên MTTQ Trung Ương. Sau đó ngài cũng từ chối chức Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật của giáo hội nhà nước (thư 8-2-1982, Phật Lịch 2525).

Trong chúc thư để lại, Hòa thượng Thích Đôn Hậu ủy quyền cho chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN kết nối và thống nhất với Phật giáo hải ngoại. Ngoài ra di nguyện của ngài là không muốn tang lễ mình liên quan gì đến Phật giáo nhà nước hay chính quyền. Theo một vài sử liệu, Nhà nước muốn tổ chức lễ tang để chứng minh Hòa thượng Thích Đôn Hậu là “cánh nhà nước”, nhằm thuyết phục hàng triệu Phật tử và hệ thống GHPGVNTN còn ẩn tàng, nhưng với sự quyết liệt bảo vệ di chúc, Hòa thượng Thích Huyền Quang (Đệ tứ Tăng Thống, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo) đã bảo vệ thành công, gạt bỏ được các kịch bản dự định như điếu văn của cấp lãnh đạo, phong tặng huân chương nhà nước…

Đây không phải lần đầu tiên mà báo Giáo Ngộ – cũng phục vụ nhà nước – nói một điều gì đó về Phật giáo khiến nhiều người khó chịu. Làm truyền thông phục vụ cho một nhà nước độc tài, thủ tiêu cái tôi lương thiện là điều có thể thấy, nhưng đến mức lấp liếm mọi sự, bôi xóa lịch sử để sống mòn với chút lợi danh thấp hèn thì lại là tội đồ của dân tộc, của đạo pháp. Đó mới là điều nên giác ngộ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: