Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (15)

Đã được chứng kiến cảnh thi hành án Cai tổng Quýnh, đội Hảo, Quận trưởng Yên Mỹ… bây giờ tôi, một kẻ vốn nhát gan từ nhỏ, lại trải qua những cuộc đấu tranh giảm tô, giảm tức, đấu tranh chính trị, đấu tranh cải cách, có thể nói không còn chút dũng khí, đến nỗi tay cầm bút run run, không viết nổi hai chữ “Tử Hình”!

Tôi rút tờ giấy nháp và như người tập viết, viết đi viết lại hai chữ “tử hình”… Viết đi viết lại mãi cho quen tay, và rồi cuối cùng cũng xong việc cầm bút giống cầm súng chĩa thẳng vào ngực mình! Tôi thở dài hạ bút…

Ngoài sân nhà bác Tống – đối tượng án tử hình đã trốn biệt tích – du kích thôn Nhân Lý khiêng về cỗ quan tài mới đóng, nhưng gỗ rất xấu, bào đẽo qua loa, ngoài vỏ xù xì. Chắc hẳn nó dành cho Chu Văn Nhu. Thế là toà án đặc biệt đã tử tế lắm, nhân đạo lắm!

Chỉ nội ngày mai, kẻ địa chủ bóc lột phản cách mạng sẽ được, phải được người ta “đào thật sâu, chôn thật chặt” để tiệt nòi hết giống. Từ nay các đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít, đời gì gì… nhà chúng nó… không bao giờ ngóc đầu dậy được nữa. Nhưng không may mà lại may, Nhu lấy tới bốn vợ mà chẳng sinh con đẻ cái được mống nào! Theo triết lý nhà Phật, chết là thoát kiếp, thoát khổ. Nhưng người ta ai chẳng tham sinh uý tử? Mâu thuẫn này đâu dễ giải quyết. Hơn nữa, chết chắc đâu được giải thoát, nếu theo lý luân hồi, luật nhân quả của nhà Phật, người ta cứ luẩn quẩn sống-chết-chết-sống… trong vòng lục đạo, không bao giờ dứt như bánh xe quay, để gánh lấy quả báo do nghiệp chướng mình gây nên khi sống!

Sáng sớm hôm sau, nông dân trong vùng cơm đùm cơm nắm nô nức kéo nhau đi xem xử án Chu Văn Nhu như một ngày hội. Tôi dẫu không muốn đi cũng phải đi. Đó là “vinh dự” cho một kẻ như tôi được tham gia vào hàng ngũ bần cố trung nông vùng lên đánh đổ giai cấp địa chủ phản động đầu sỏ trong vùng.

Đấu trường là một bãi cỏ rộng dùng chăn thả trâu bò, bây giờ chật ních người. Trời mới sáng sớm đầu hè đã nắng gay gắt. Tiếng cười nói ồn ào càng làm cho bầu không khí thêm oi ả, mùi mồ hôi nồng nặc. Toà án đặc biệt thiết lập cạnh bãi cỏ phía xa xa, có cán bộ Đoàn uỷ, cán bộ Đội, Thẩm phán Toà án…

Du kích giải phạm nhân ra. Chu Văn Nhu bị trói cánh khỉ vào một cái cọc chôn trước Toà án đặc biệt. Vây quanh Nhu là mười tay du kích đeo súng trường, những khẩu súng trường trước đây nhằm vào giặc Tây, bây giờ chờ chực chĩa vào dân ta – kẻ thù giai cấp – mà Nhu là đại diện. Không rõ Nhu có biết, có nghĩ gì không?

Các cốt cán, chuỗi rễ lần lượt nhảy lên, chỉ vào mặt Nhu tố cáo, đại khái toàn những tội bóc lột, ức hiếp, cường hào… Khí thế căm thù giai cấp được phát động mỗi lúc một bốc lên ngùn ngụt hoà lẫn hơi nóng Mặt trời càng thêm hầm hập như muốn thiêu cháy Nhu thành tro than!

Nhưng Nhu một mực chối phăng tất cả tội ác. Riêng tội lấy tới bốn vợ để bóc lột nhân công, Nhu trình bày lý do hiếm muộn con cái và hai vợ đã bỏ đi lấy chồng khác từ lâu. Chỉ còn hai vợ chung thuỷ với chồng, gia đình có ba người tự chung tay gánh vác mọi việc. Chính Nhu ngày ngày vác cày ra đồng…

Đã gần 12 giờ trưa, cái nắng như đổ lửa. Không ít người bị say nắng ngã lăn quay. Các quan toà đội nón mang ô cũng thấy lao đao. Chánh án phiên toà là một cán bộ cấp trên do Đoàn uỷ Cải cách phái về đành phải lệnh cho phiên toà tạm dừng đến 1 giờ 30 xử tiếp.

Tạng người tôi vốn yếu từ nhỏ, may ngồi nấp sau hàng ghế quan Toà, đầu lại đội nên cũng chịu được nắng, chờ anh Đoàn Hưng Nông cùng vào nhà dân ăn cơm trưa. Đội du kích chia phiên, cắt lượt giở cơm nắm ra ăn, tay không rời khẩu súng trường. Họ ngồi chui dưới gầm ghế bắc bậc rất cao của các quan Toà để tránh nắng.

Trước hàng ghế quan Toà chơ vơ và trên bãi cỏ bị xéo nát chỉ còn can phạm tử hình Chu Văn Nhu. Tay Nhu bị trói gắn chặt vào cái cọc chôn sâu, đầu trần chân đất, áo nâu cũ… Toàn thân Nhu một màu với cái cọc đen thui như cột nhà cháy. Tôi cảm thấy người Nhu đang bốc khói, những tia khói thi nhau nhảy múa… Sợ quá, tôi vội bước theo anh Nông, đầu không dám ngoảnh lại!

Trong khi các anh Đội trưởng, Đội phó đi hội ý, tôi nằm ghé lưng xuống giường nghỉ trưa, suy nghĩ miên man về kiếp người rồi ngủ thiếp đi. Lúc tôi giật mình tỉnh dậy, đầu nhức như búa bổ! Đã đến giờ xử án buổi chiều.

Buổi chiều, trên bãi cỏ người thưa hẳn. Tội phạm Chu Văn Nhu vẫn đứng đó. Hai cánh tay Nhu gắn chặt vào cái cọc sau lưng, đầu gục xuống, nghẹo về một bên như người đã chết, chỉ đôi chân không chịu ngã khuỵu. Nhu đã chết chăng? Án chưa xử xong, chẳng lẽ lại tuyên án một cái xác chết? Ông Chánh án bảo du kích sờ mũi xem Nhu còn thở không. May quá Nhu chưa chết! Ông nói:

-Thằng này ngoan cố quá! Hắn dám thi gan với Toà án đặc biệt, với cả trời, với cả trời cao đất dày!

Ông sai du kích đem nước cho tội phạm uống. Chung quanh bãi cỏ, ruộng đã bị khô cạn, họ vục nón xuống vũng trâu đầm đục ngầu đem lên đổ vào miệng Nhu. Nước đổ tràn trề tung toé khắp mặt mũi, ướt đẫm cả cổ chảy ròng ròng xuống thân mình kẻ tội đồ. Một con đỉa đói khát máu bò trườn dài trên ngực Nhu, loi ngoi cái vòi lên cổ Nhu…

Họ phải đổ tới ba nón nước lộn bùn, Nhu mới hồi tỉnh. Ông Chánh ánh dỗ:

-Can phạm Chu Văn Nhu kia! Nghe cho rõ đây! Chỉ cần thành khẩn gật đầu nhận tội, Toà khoan hồng tha ngay cho về gia đình để người thân chăm sóc. Nghe rõ không?

Bây giờ Nhu đã tỉnh, cố gượng ngóc lên cái đầu bùn đất nặng trĩu lắc lia lịa. Cổ họng ông đã bị tắc lại.

Toà nổi giận hô lên “Đả đảo địa chủ phản quốc Chu Văn Nhu!”. Đấu trường lập tức hô theo. Tiếng hô không được vang dội như buổi sáng vì số người đã giảm bớt, và giọng cũng khàn khàn, bởi ai nấy hô to mãi tất bị khản cổ.

Các thẩm phán đều có ý kiến, chiều nay dù tên Nhu chịu nhận tội hay không cũng cứ “đùng đoàng” càng sớm càng nhẹ nợ! Chánh toà nhìn cán bộ Đoàn uỷ giám sát rồi xua tay:

-Kiên trì chờ đến 5 giờ chiều! Rút kinh nghiệm những lần trước, chúng ta bắn nhanh quá, cấp trên cho là dư luận quần chúng không phục, bàn tán tên này oan, kẻ kia đáng lẽ phải thế này thế khác…

Nhưng khốn nỗi chờ lâu mệt nhọc lắm! Xem chừng Toà không chịu nổi, mà nông dân cũng cứ nhấp nhổm muốn đứng dậy để được chứng kiến tên Nhu… Mười tay du kích súng đã nạp đạn từ sáng sớm cũng nóng ran cả lên! Ông Chánh toà mấy lần giơ đồng hồ tay lên.

Giờ phút chờ đợi dài dằng dặc cuối cùng rồi cũng đến. Ông Chánh toà đứng lên, tay giơ cao bản án dõng dạc đọc to. Trống ngực tôi đập liên hồi. Đội du kích cởi tay Nhu, nhưng cùng với dây trói, cánh tay Nhu như đã dính chặt vào cây cọc…

Bỗng một người vượt qua đám đông chạy thẳng tới chỗ Toà xử án đưa một công văn hoả tốc. Ông Chánh toà mở công văn ra xem. Nội dung chỉ vỏn vẹn dòng chữ: “ĐÌNH HOÃN CÁC VỤ ÁN, THẢ NGAY CÁC CAN PHẠM”. Ông Chánh án sững sờ, đầy vẻ thất vọng. Mọi người đều ngạc nhiên. Không thể hiểu nổi!

Anh Nông bảo tôi:

-Chúng ta như thiên lôi theo lệnh trời. Tôi thấy rất rõ cái dấu son đỏ chót và chữ ký Bí thư Đoàn uỷ Cải cách ruộng đất. Không còn nghi ngờ gì nữa!

Tôi thấy người mình nhẹ nhõm, ngửa mặt lên trời thầm hỏi: Liệu mai trời còn nắng nữa không? Anh Nông bảo tôi:

-Chúng ta cũng về thôi!

Trên bãi hoang cỏ bị xéo nát, hai người vợ chung thuỷ của Nhu ôm lấy chồng, dùng răng mình cắt đứt dây thừng rời khỏi cái cọc xử án rồi thay nhau cõng chồng chạy tắt đồng về nhà…

Đấu trường xử án vắng lặng hơn bao giờ hết. Ở góc bãi cỏ hoang chỉ còn đứng trơ lại hai cây cột dùng để trói tội nhân, bắt giăng tay giăng chân rồi “đùng đoàng” như Cai tổng Quýnh mà tôi đã chứng kiến. Phía sau “Thần Chết” là cỗ hòm gỗ xấu phơi nắng bị nứt toác, há hốc cái mồm khổng lồ của con quái vật!

Tôi bỗng giật nẩy mình nghe tiếng anh Nông gọi:

-Sao cậu đi chậm thế?!

Tôi cúi đầu cố rảo bước cho nhanh…

Ngày hôm sau, Đội CCRĐ họp chuẩn bị tổng kết công tác. Tôi tiếp tục nằm dài trong xó bếp bỏ hoang nhà địa chủ, ngày hai bữa sang văn phòng Đội ăn cơm. Đến hôm Đội lên đường, hai anh Đội trưởng và Đội phó hỏi tôi: “Bây giờ anh muốn đi đâu, chúng tôi sẽ cấp giấy giới thiệu?”

Tôi nghĩ cứ ở lại mãi nhà thờ Nhân Lý không tiện, muốn chuyển đi đến nơi khác thay đổi không khí, nhưng không xa lắm. Ví dụ ở phố Huyện Yên Mỹ kề bên. Hai anh Đội trưởng, Đội phó cười gật đầu.

Phố Huyện và làng quê xưa Nhân Lý của tôi chỉ cách nhau một cánh đồng rộng. Thời Tây cai trị, phố Huyện là quận lỵ, đường phố dài khoảng 500m, “Thượng chí Trai Trang, hạ chí Đỗ Xá”. Sát kề phố Huyện là chợ Huyện, lều quán đông đúc, buôn bán tấp nập, nơi trung tâm kinh tế của cả Yên Mỹ. Bên này chắn chắn không khí dễ thở, vui hơn làng quê Nhân Lý vừa trải qua “một cuộc bể dâu”…

Lúc chia tay, anh Đội trưởng CCRĐ tặng tôi một cái mũ cối cũ nhưng còn khá tốt. Tôi cảm ơn anh và nói: “Vâng, xin anh, để đội đầu cho khỏi nắng!” Không ngờ tôi đã nói một câu, các cụ xưa thường bảo là “Xuất khẩu thành trái!”

Anh Nông, người gắn bó với tôi nhiều nhất, kỷ niệm tôi một đôi dép lốp xâu quai mới mua ở phố chợ Yên Mỹ. Tôi nói: “Các anh cho tôi toàn những vật quý, hẳn là biết trước cuộc đời tôi, đường đời tôi còn phải trải nhiều chông gai, mưa nắng, nắng mưa gian nan. Tôi xin cảm ơn…”

Cả ba người đều cười vui.

Đúng là “vui gượng”. Tôi chưa biết đời mình ngày mai mưa nắng ra sao, bàn chân vô định đi đến đâu. Còn hai anh do thành tích công tác CCRĐ chắc sẽ được thăng tiến. Các anh có đoán biết tôi thuộc thành phần con cái “địa chủ phản động” bỏ trốn cải CCRĐ không? Hẳn là biết! Nhưng lờ đi để sử dụng tôi, vì dùng tôi chỉ có lợi, cần thiết cho công việc các anh đang cần! Còn tương lai tôi, tôi phải tự đi tìm.

____________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: