Công nghiệp dầu hỏa Nga “dính chưởng”

Các bộ trưởng năng lượng EU họp bàn về vấn đề thị trường năng lượng trước những chuyển biến khó lường về nguồn cung dầu; Brussels, Bỉ, ngày 28 Tháng Hai (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Dầu hỏa của Nga không bị trừng phạt, nhưng hiện không có mấy người muốn đụng đến nó! Khi cuộc chiến ở Ukraine khốc liệt hơn, thị trường dầu hỏa hỗn loạn và người tiêu dùng trên thế giới trở thành những nạn nhân đầu tiên, vì vậy, phương Tây không hề muốn ban bố lệnh cấm vận dầu Nga. Nhưng thực tế rất khác!

Dầu mỏ Nga không phải mục tiêu trực tiếp các lệnh trừng phạt của phương Tây, ít nhất là cho đến thời điểm này. Trên thực tế, Mỹ và châu Âu đã hết sức tránh đề cập đến dầu khí của Nga. Nhưng phản ứng của thị trường lại rất khác khi nói đến việc mua dầu do Nga sản xuất. Hầu hết thương nhân, nhà máy lọc dầu, công ty bảo hiểm và ngân hàng không muốn đụng đến nó, vì sợ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này có nghĩa là một lượng dầu đáng kể của Nga đã bị ngăn chặn “một cách hiệu quả” dù phương Tây không muốn điều này xảy ra.

Mặc dù phương Tây đã loại lĩnh vực năng lượng khỏi các mục tiêu trừng phạt áp đặt đối với Nga, nhưng trừng phạt các ngân hàng, cá nhân và Ngân hàng Trung ương của Nga lại tạo ra “hiệu ứng dây chuyền” cho ngành năng lượng của quốc gia này. Nhu cầu dầu Nga xuống thấp là vì thế. Nguồn cung dầu hỏa đã không theo kịp nhu cầu thị trường từ lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai. Vì vậy, mất thêm bất cứ thùng dầu nào của Nga cũng quá sức chịu đựng của một thị trường đã quá căng thẳng (năm 2021, Nga là nhà sản xuất dầu thô số hai thế giới). Nhưng đó chính là những gì đang xảy ra! Ước tính, mỗi ngày có khoảng 4.3 triệu thùng dầu của Nga không được giao dịch trên thị trường vì người mua phương Tây từ chối mua nó.

Dĩ nhiên, thiếu hụt sẽ đẩy giá lên cao hơn. Giá dầu đã tăng hơn 20% kể từ trước ngày Nga xâm lược Ukraine. Dầu thô Mỹ tăng đến $116.57/thùng vào sáng Thứ Năm ngày 3 Tháng Ba,  cao nhất kể từ Tháng Chín 2008 trước khi giảm lại. Giá dầu Brent tiêu chuẩn thế giới, gần chạm mức $120 một thùng trước khi xuống. Giá xăng cũng đang tăng nhanh chóng. Mức trung bình toàn nước Mỹ đối với xăng là $3.73/gallon vào ngày 3 Tháng Ba, tăng 7 cent trong một tuần và 19 cent trong một tháng.

Do mức tăng giá xăng còn thấp so với mức tăng của giá dầu nên sẽ còn cao hơn trong những ngày tới. Cú sốc giá dầu sẽ làm tăng phí nhiên liệu máy bay, các phương tiện chuyên chở khác và vô số sản phẩm lệ thuộc vào dầu mỏ. Tất cả đều áp lực mạnh lên lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm tại Mỹ. Các nhà phân tích thị trường nhiên liệu cho biết “lệnh cấm trên thực tế” đến từ phản ứng của người dùng đối với dầu Nga là “chất xúc tác” chính của đợt tăng giá mới nhất.

Một trong những vấn đề lớn và khó giải quyết nhất là nhiều nhà máy lọc dầu từ chối mua dầu của Nga. Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển và nhiều nơi khác đang né tránh dầu Nga. Tình hình tương tự cũng xảy ra với các công ty kinh doanh năng lượng. Một công ty đã chào bán một lô hàng dầu thô Nga với mức chiết khấu lớn, thấp hơn giá Brent đến $18.60 thay vì mức chiết khấu nhẹ như thường lệ trước cuộc xâm lược, nhưng vẫn không có người mua! Đồng thời, nhiều ngân hàng như Credit Suisse, Societe Generale, ING, Rabobank, Bank of China từ chối cung cấp các khoản tài chính cho bất cứ ai muốn dùng nó để mua dầu Nga. Vương quốc Anh, Canada và các nước khác đã cấm các tàu chở dầu của Nga.

Không cấm, nhưng chẳng có người mua cộng với không vay được tiền để mua và không có tàu chở dầu cũng chẳng khác gì cấm vận dầu Nga. Giá xăng, dầu diesel cao hơn là đương nhiên. Động thái nhanh chóng tẩy chay hay tránh né dầu Nga ngay cả khi chưa có lệnh trừng phạt đã khiến một số người ở Wall Street và Washington DC bất ngờ. Jason Bordoff, một cựu quan chức năng lượng tại Tòa Bạch Ốc thời Obama, cho biết: “Luôn xảy ra trường hợp các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến việc tuân thủ quá mức. Quá mức đến đâu rất khó tiên liệu. Thực tế này đang xảy ra với dầu Nga và vượt khỏi lượng định của nhiều người”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: