Mỹ-Nhật tập trận, Kremlin và Bắc Kinh “nóng mũi”

Mỹ-Nhật tập trận khiến Bắc Kinh lẫn Moscow điên tiết; tại chân Núi Phú Sĩ, Shizuoka, Nhật, ngày 15 Tháng Ba 2022 (ảnh: David MAREUIL/Anadolu Agency via Getty Images)

Nga đang lớn tiếng cảnh cáo Nhật Bản là sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng nếu Nhật mở rộng các cuộc tập trận Hải quân chung với Mỹ gần biên giới phía Đông của Nga.

Yếu tố Ukraine

Lời đe dọa mới chỉ là động thái nữa của ​​Moscow, vốn tức giận trước sự ủng hộ Ukraine của Nhật Bản và mối quan hệ ngày càng nồng ấm của Nhật với khối NATO trong bối cảnh cuộc tranh chấp kéo dài về chủ quyền các hòn đảo Nhật bị Liên Xô chiếm sau khi Nhật Bản đầu hàng các lực lượng Đồng minh trong Thế chiến thứ hai.

CNN cho biết, ngày 26 Tháng Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov dọa: “Các cuộc tập trận Hải quân Mỹ-Nhật về bản chất là tăng cường khả năng tấn công. Những hành động như thế của phía Nhật Bản là đe dọa an ninh cho đất nước chúng tôi. Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa vì lợi ích quốc gia”. Tuy nhiên, Morgulov không nói rõ cuộc tập trận Mỹ-Nhật nào sẽ bị trả đũa cũng như cách trả đũa.

Tuần trước Hải quân Mỹ-Nhật đã kết thúc thành công cuộc tập trận chung ở Biển Hoa Đông và Biển Philippines với nhóm hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln dẫn đầu. Đầu Tháng Tư, tàu Abraham Lincoln cũng dẫn đầu các cuộc tập trận chung tương tự ở Biển Nhật Bản, nơi có đường bờ biển dài của Nga. Theo Hải quân Mỹ, Mỹ và Nhật Bản thường xuyên tổ chức tập trận Hải quân chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “nhằm duy trì sự ổn định tại một vùng biển tự do đi lại và rộng mở”.

Tuần trước, lần đầu tiên trong hai thập niên, Nhật Bản gọi bốn hòn đảo đang bị Nga trấn giữ là “chiếm đóng bất hợp pháp”. Trong báo cáo ngoại giao hàng năm vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Nhật cũng gọi quần đảo Nam Kurils (theo cách gọi của Nga) là “Lãnh thổ phía Bắc” của Nhật Bản. “Nhật Bản xem quần đảo này là lãnh thổ với đầy đủ chủ quyền đang bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp” – báo cáo viết.

Trong khi tranh chấp đảo chưa bao giờ ngừng trong nhiều thập niên qua, sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Ukraine đã làm nóng hơn cuộc đối đầu giữa Moscow và Tokyo. Hôm Thứ Ba, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã đồng ý cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ thêm tài chính, máy bay không người lái nhỏ và mặt nạ chống độc cho Ukraine. Thông báo của Kishida được đưa ra sau khi ông nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần thứ tư trong năm nay. Đầu tháng này, Nhật Bản đã trục xuất tám nhà ngoại giao và quan chức Nga do cuộc chiến Ukraine. Nga cũng có phản ứng tương tự.

Cuộc tận trận Mỹ-Nhật tập trung vào việc cải thiện khả năng tác chiến trên bộ, biển và không trung với những tình huống giao chiến phức tạp (ảnh: David MAREUIL/Anadolu Agency via Getty Images)

Yếu tố Trung Quốc

James D.J. Brown, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo khẳng định: “Nhật Bản và Mỹ không làm bất cứ điều gì khác thường để dẫn đến phản ứng quá lố của Nga”. Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng cho rằng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ là điều hợp lý mà Tokyo nên làm. Ông nói: “Nhật Bản đang dần thức tỉnh trước các mối đe dọa an ninh ở ngoại vi đất nước”.

Đô đốc Hayley Sims, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, xem cuộc tập trận chung ở Biển Nhật Bản vào đầu Tháng Tư là “Hoạt động song phương thường lệ để nâng cao độ tin cậy của khả năng răn đe thông thường và thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác”. Nhưng Nga lại nghĩ khác. Nga xem việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh NATO như Anh và Pháp, những quốc gia mà Nga có tranh chấp ở châu Âu, chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng ở khu vực Thái Bình Dương. Một điều mà người Nga thực sự không thích là trong những năm gần đây hợp tác quốc phòng của Nhật với các nước khác ngoài Mỹ – dẫn lại từ Newsweek.

Nga đã tăng cường sức mạnh quân sự xung quanh biển Nhật Bản vài năm qua. Satoru Mori, giáo sư chính trị quốc tế đương đại tại Đại học Keio, Nhật Bản, nhận xét: “Đã có nhiều hành động khiêu khích của Nga trong vài tháng qua. Ví dụ cuộc tập trận trên các đảo tranh chấp và các vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm ở Biển Nhật Bản. Nga đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần Nhật Bản để chứng tỏ vẫn có thể tác chiến bình thường ở Viễn Đông ngay cả khi bận xâm lược Ukraine”. Thompson lưu ý: “Các máy bay ném bom có khả năng hạt nhân của Nga đang đến gần không phận Nhật Bản hơn và Nga hợp tác với Trung Quốc trong các cuộc tập trận Hàng không và Hải quân, gồm cả một cuộc tuần tra chung Hải quân Nga-Trung ngoài đảo Honshu chính của Nhật Bản vào năm 2021”. Ông kết luận: “Những động thái mới của Nhật Bản là cách nước này đáp trả việc tăng cường hợp tác quân sự Nga-Trung và những hành động khiêu khích khác. Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản là tăng cường năng lực ngăn chặn sử dụng vũ lực chống lại nó”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: