Thế giới lên án Nga bắn hỏa tiễn vào các thành phố Ukraine

Lính cứu hỏa Ukraine đang tìm người bị nạn trong một khu chung cư bị phá sập vì hỏa tiễn của Nga hôm thứ Hai 10 Tháng Mười tại Zaporizhia miền Nam Ukraine.Ảnh Jose Colon/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tung ra hàng loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa vào nhiều thành phố của Ukraine gây chết người, đánh sập nguồn điện và nước, phá hủy các tòa nhà trong hành động được cho là nhằm trả đũa cho một cuộc tấn công vào một cây cầu quan trọng nối Nga với bán đảo Crimea mà Nga chiếm được từ Ukraine năm 2014.

Hãng tin AP dẫn nguồn từ Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp của Ukraine cho biết có 14 người chết và gần 100 người bị thương trong các vụ tấn công vào giờ cao điểm buổi sáng Thứ Hai 10 Tháng Mười bằng các loại hỏa tiễn mà Nga bắn từ trên không, trên biển và trên bộ nhằm vào ít nhất 14 thành phố từ Lviv ở phía Tây đến Kharkiv ở phía Đông. Nhiều địa điểm bị tấn công nằm rất xa chiến tuyến.

Tổng thống Putin nói các lực lượng của ông nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng và các căn cứ chỉ huy quân sự bằng “vũ khí chính xác” để trả đũa cái mà ông tuyên bố là hành động “khủng bố” của Kyiv – ám chỉ nỗ lực của Ukraine nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Moscow, bao gồm cả cuộc tấn công hôm Thứ Bảy vào một cây cầu quan trọng nối Nga và Bán đảo Crimea đã sáp nhập. Putin cáo buộc vụ tấn công cây cầu là do lực lượng đặc nhiệm Ukraine chủ mưu.

Mặc dù Nga cho biết hỏa tiễn của họ chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự và năng lượng, nhưng thực tế các mục tiêu bị tấn công lại là các khu vực dân sự trong khi mọi người đang đi làm và đi học; một hỏa tiễn đánh trúng một sân chơi của trẻ em trong công viên Shevchenko, một cây cầu cho người đi bộ ở trung tâm thành phố Kyiv và một hỏa tiễn khác rơi vào một trường đại học. Trụ sở của tập đoàn Samsung tại Ukraine và Tổng lãnh sự quán Đức tại Lviv được biết cũng bị hư hại nặng trong các vụ tấn công.

Các cuộc tấn công đã khiến phần lớn Ukraine rơi vào cảnh mất điện vào đêm Thứ Hai và gây ra tình trạng nghiêm trọng đến mức chính quyền Ukraine yêu cầu người dân tiết kiệm điện và tuyên bố ngừng xuất cảng điện sang châu Âu bắt đầu từ Thứ Ba. Tình trạng mất điện cũng thường làm tắc nghẽn việc cung cấp nước do hệ thống nước phụ thuộc vào điện để chạy máy bơm và các thiết bị khác.

***

Putin tuyên bố sẽ có phản ứng “cứng rắn”“tương xứng” nếu các cuộc tấn công của Ukraine tiếp tục đe dọa an ninh của Nga; ám chỉ cuộc phản công rất hiệu quả của quân Ukraine nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm ở miền Đông và miền Nam của đất nước. 

Putin đang chịu áp lực lớn từ thành phần diều hâu trong chính trị Nga, thúc giục ông ta hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine và có phản ứng mạnh sau cuộc tấn công hôm Thứ Bảy vào cầu Kerch – cây cầu được xây để củng cố việc sáp nhập Crimea năm 2014.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang tiến tới mốc tám tháng và Kremlin đang quay cuồng vì những thất bại ê chề trên chiến trường. Những người theo dõi tin chiến sự cho rằng Putin có thể có những hành động táo bạo và hung hãn hơn khi ông ta liên tục tố cáo Ukraine là lực lượng khủng bố.

***

Trong khi đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố Nga là một quốc gia khủng bố vì các vụ tấn công dân thường và bị cáo buộc tội ác chiến tranh.

Andriy Yermak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết các cuộc tấn công không có “ý nghĩa quân sự thực tế” và mục tiêu của Nga là gây ra một “thảm họa nhân đạo”.

Người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine cho biết các cuộc tấn công hôm Thứ Hai đã làm hư hại 70 cơ sở hạ tầng như hệ thống điện nước và giao thông, trong đó 29 điểm hư hại trầm trọng. Ông Zelenskyy cho biết, trong số 84 tên lửa hành trình và 24 máy bay không người lái mà Nga bắn vào đất nước ông, lực lượng Ukraine đã bắn hạ 56 tên lửa.

Trong một phát biểu video tối Thứ Hai 10 Tháng Mười, ông Zelenskyy đề cập đến thời gian tấn công là giờ cao điểm sáng Thứ Hai, khi mọi người bắt đầu đi làm, đi học; ông nói rằng Nga “đã cố ý chọn thời điểm như vậy và các mục tiêu như vậy để gây ra thiệt hại lớn nhất”.

Để tránh thương vong vì các vụ tấn công tương lại, Ukraine đã ra lệnh đóng cửa hệ thống trường học, chuyển việc dạy học sang phương thức trực tuyến.

Các cuộc tấn công của Nga đã thay đổi rất ít hoặc không thay đổi được gì tình hình trên chiến trường, nơi Nga đã mất đất trong nhiều tuần, nhưng chúng khiến các khu vực lân cận trên khắp Ukraine bị tàn phá và đổ máu. Cuộc tấn công của Nga cũng kích thích lòng thù hận và quyết tâm của người Ukraine đẩy mạnh cuộc phản công giành lại lãnh thổ và kích thích các đồng minh của Kyiv gia tăng nỗ lực hỗ trợ người Ukraine chiến đấu.

***

Việc Nga nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự bị các nhà lãnh đạo trên khắp phương Tây lên án mạnh mẽ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết dân thường “một lần nữa chứng tỏ sự tàn bạo hoàn toàn trong cuộc chiến bất hợp pháp của ông Putin đối với người dân Ukraine.” Ông Biden cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ “tiếp tục áp đặt những cái giá phải trả cho Nga vì hành động xâm lược của họ, buộc Putin và Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh của họ, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng Ukraine để bảo vệ đất nước và tự do.” Trong một cuộc điện thoại sau đó vào Thứ Hai, Biden nói với Zelenskyy rằng Hoa Kỳ đã đồng ý với yêu cầu của ông về việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói bà bị sốc và kinh hoàng trước các cuộc tấn công ác liệt vào các thành phố của Ukraine. “Putin một lần nữa đã cho thế giới thấy nước Nga tượng trưng cho điều gì: Sự tàn bạo và khủng bố”.

Tổng thống Pháp Emanuel Macron bày tỏ “quan ngại cực độ”. Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã tweet rằng “Việc Nga bắn tên lửa vào các khu vực dân sự của Ukraine là không thể chấp nhận được.”

Ngay cả các quốc gia thường tránh chỉ trích Kremlin cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại, theo thông tin của The New York Times. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Tất cả các quốc gia xứng đáng được tôn trọng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Tại New Delhi, một quan chức cho biết, “Ấn Độ quan ngại sâu sắc về sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine.”

Tuy vậy, giới quan sát cho biết các chính phủ phương Tây dường như vẫn chưa muốn cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí tân tiến nhất mà nước này yêu cầu, có thể do lo ngại chiến tranh sẽ mở rộng và lôi kéo cả châu Âu vào cuộc binh lửa. 

Trong một động thái đáng lo ngại, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng ông ta và ông Putin đã đồng ý thành lập một “Liên minh quân sự khu vực” mà không cung cấp chi tiết.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: