Tại sao Tập Cận Bình lột lon tướng chỉ huy lực lượng hỏa tiễn?

Nhiều năm qua, Bắc Kinh đầu tư rất mạnh vào Lực lượng tên lửa (ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Có một điều gì đó rất không bình thường trong nội bộ Trung Quốc. Sau vụ bất ngờ sa thải Tần Cương khỏi ghế ngoại trưởng, mới đây, Tập Cận Bình lại cách chức chỉ huy lực lượng tên lửa, một động thái mà giới phân tích cho rằng nhằm bảo đảm sự trung thành đối với Tập Cận Bình.

Việc trừ khử Tướng Li Yuchao (李玉超 – Lý Ngọc Siêu), một sĩ quan cấp cao đầy kinh nghiệm của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân (中国人民解放军火箭军 – Trung Quc nhân dân gii phóng quân ha tin quân), cho thấy dường như trong hàng ngũ cấp cao quân đội Trung Quốc, ngày càng có nhiều người ngầm chống đối hoặc ít ra không tỏ ra trung thành với Tập Cận Bình.

Tướng Li, người được bổ nhiệm làm tư lệnh Lực lượng hỏa tiễn (People’s Liberation Army Rocket Force – PLARF) vào Tháng Giêng 2022, đã không xuất hiện trước công chúng trong vài tháng. Việc lột lon Tướng Li đã được xác nhận tại một buổi lễ được tổ chức một ngày trước khi Trung Quốc thực hiện lễ kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), rơi vào ngày 1 Tháng Tám 2023.

Trong một bài bình luận ngày 1 Tháng Tám 2023 đánh dấu lễ kỷ niệm, tờ Quân đội Nhân dân Nhật báo kêu gọi tất cả quân nhân phải kiên quyết giữ vững vị thế “nòng cốt” trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản của đồng chí Tập Cận Bình, và phải kiên trì nỗ lực thực thi kỷ luật và chống tham nhũng trong lực lượng vũ trang.

Tại buổi lễ trước đó một ngày, Tập chính thức bổ nhiệm ghế tư lệnh PLARF cho Wang Houbin (王厚斌 – Vương Hậu Bân), và ghế tân chính ủy của lực lượng này cho Xu Xisheng (徐西盛 – Từ Tây Thịnh). Việc bổ nhiệm Wang (người có kiến thức về hải quân) và Xu (được xem chỉ có kinh nghiệm trong không quân) cho thấy có một sự bất thường, vì thông lệ lâu đời của PLA là luôn đặt lực lượng tên lửa chiến lược dưới sự chỉ huy của các sĩ quan có kinh nghiệm chuyên biệt về hỏa tiễn.

Hỏa tiễn ICBM DF-41 của Trung Quốc (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Taylor Fravel, giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định rằng quyết định bổ nhiệm hai nhân vật không thuộc Lực lượng Tên lửa cho thấy, ngoài chuyện Li có thể không tỏ ra trung thành với Tập Cận Bình còn có những vấn đề khác liên quan bối cảnh chiến tranh trong tương lai, khi hỏa tiễn là vũ khí đóng vai trò rất quan trọng.

Dưới sự kiểm soát chính trị theo mô hình Liên Xô, PLA hiện vẫn duy trì hệ thống lãnh đạo kép, theo đó các đơn vị quân đội do hai sĩ quan thường có cấp bậc ngang nhau đứng đầu: Một sĩ quan chỉ huy có thẩm quyền chính thức đối với các quyết định chiến đấu; và một chính ủy thi hành chỉ thị của đảng.

Tương tự vụ sa thải Tần Cương khỏi ghế ngoại trưởng, báo chí Trung Quốc tuyệt đối không nêu bất kỳ lý do nào về sự kiện lực lượng hỏa tiễn thay tướng chỉ huy. Craig Singleton, thành viên cấp cao thuộc Foundation for Defense of Democracies, tổ chức nghiên cứu độc lập tại Washington DC, cho biết, việc thanh trừng Tướng Li Yuchao, người đang giám sát chương trình vũ khí hạt nhân và vốn được xem là thân tín của Tập, đã đánh dấu một cuộc cải tổ lãnh đạo sâu sắc nhất của quân đội Trung Quốc trong nhiều năm.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Tập đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng trong quân đội Trung Quốc, thanh trừng nhiều tướng lĩnh cấp cao, trong đó có cựu Tổng tham mưu trưởng Fang Fenghui (房峰辉 – Phùng Phong Huy). Họ Phùng bị kết án tù chung thân vào năm 2019.

Craig Singleton nhận định thêm rằng, sự kiện binh biến tại Nga dưới sự chỉ huy của Yevgeny Viktorovich Prigozhin, trùm đội quân đánh thuê Wagner, đã nhắc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn và phải nhổ tận gốc bất kỳ cá nhân hoặc băng nhóm nào tỏ ra không trung thành. Việc thanh trừng phải được thực hiện với quyết tâm cao tuyệt đối, bất chấp có thể khiến nội bộ chính trị xáo trộn, dẫn đến việc phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế và làm ảnh hưởng quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra.

PLARF kiểm soát các chương trình tên lửa đất đối đất và hạt nhân, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn đến đất liền Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân những năm gần đây và đang trên đà sở hữu khoảng 1,500 đầu đạn hạt nhân vào trước năm 2035, so với khoảng 400 đầu đạn hiện nay – Ngũ Giác Đài cho biết trong một báo cáo vào năm 2022.

Trung Quốc đã xây dựng các hầm chứa tên lửa ICBM ở sa mạc phía Tây và hiện có số bệ phóng ICBM nhiều hơn Mỹ. Trong khi Tập Cận Bình giám sát việc cắt giảm quy mô tổng thể của quân đội Trung Quốc thì PLARF liên tục phát triển những năm gần đây. Điều đó phản ánh tầm quan trọng của lực lượng này đối với chiến lược của Bắc Kinh trong việc sử dụng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm xa trong cuộc chạy đua sức mạnh quân sự với Mỹ; và trong kịch bản tiêu diệt Đài Loan nếu cuộc chiến xâm lược hòn đảo này được thực hiện.

Một nghiên cứu gần đây cho biết, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lữ đoàn tên lửa chiến đấu trong 10 năm qua. PLARF có hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể được sử dụng để nhắm vào Đài Loan hoặc đe dọa các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Nhật và Guam. Trung Quốc cũng đã đầu tư và phát triển tên lửa siêu thanh; cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa rất khó tiêu diệt.

“Lực lượng Tên lửa PLA đang tăng cường khả năng đáng tin cậy trong việc ngăn chặn và phản công hạt nhân, tăng cường lực lượng tấn công chính xác tầm trung và tầm xa, đồng thời tăng cường khả năng đối trọng chiến lược, nhằm xây dựng một lực lượng tên lửa mạnh và hiện đại hóa,” Sách trắng Quốc phòng mới nhất (2019) của Trung Quốc viết.

Có vẻ như chiến dịch thanh trừng của Tập Cận Bình chưa ngưng. Người ta đang đồn đoán về số phận của Liu Guangbin, phó của Tư lệnh Li Yuchao (李玉超 – Lý Ngọc Siêu). Nhiều tháng qua, chẳng ai biết hoặc nghe gì về tông tích Liu Guangbin. Truyền thông nhà nước không nhắc đến Liu và cũng không cho biết ai thay thế Liu ở ghế Phó tư lệnh Lực lượng tên lửa.

Thêm nữa, việc bổ nhiệm tân tư lệnh Lực lượng tên lửa vào ngày 31 Tháng Bảy 2023 diễn ra vài ngày sau khi tờ báo nổi tiếng Trung Quốc, tờ The Paper (澎湃新闻 – Bành Bái Tân Văn), loan tin rằng một cựu phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa đã qua đời vào đầu Tháng Bảy ở tuổi 66. Bài báo dẫn tin từ người thân và bạn bè của nhân vật. Tuy nhiên, bài báo ngay sau đó biến mất, hệt như sự biến mất đầy nghi vấn của tay cựu phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: