350 ngàn tỷ để chấn hưng văn hóa, làm sao đủ?

Tranh hý hoạ: La Thanh Hiền

Tin hot nhất trong mấy ngày nay trước khi vụ cháy chung cư mini Khương Hạ xảy ra là Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du lịch đệ trình chính phủ phê duyệt chương trình mà họ gọi là mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2045” với dự kiến vốn lên đến 350,000 tỷ.

Nội dung trọng tâm của chương trình liên quan đến chín nhóm dự án: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhìn sơ qua chín nhóm dự án này được chia đều trong 20 năm như vậy mỗi nhóm chiếm hai năm để thực hiện, trong hai năm đó số tiền kinh phí sẽ là 3,500 tỷ. Với con số “khiêm tốn” chừng này làm sao thực hiện được chí ít là trong hai nhóm đầu: “Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”

Cái nhóm thứ nhất này quan trọng bậc nhất vì nó có tỷ lệ con người cần phải “phát triển nhân cách” rất lớn, mà hầu hết trong ấy là cán bộ từ nhỏ nhất tới lớn nhất. Chỉ cần nói tới cán bộ thôi cũng đủ… hết tiền rồi còn tiền đâu tới nhân dân nữa. Ba ngàn năm trăm tỷ mới nghe thì lớn thật nhưng cứ lấy thời giá hiện nay thì thấy ngay số tiền phải bỏ ra để “phát triển nhân cách” của thành phần này.

Nói đến nhân cách là người ta nghĩ ngay tới cách ăn nói, hành xử, đối đãi giữa cộng đồng người đồng văn đồng chủng cũng như người nước ngoài. Ăn nói trước nhất là ánh mắt, là nụ cười, là vốn liếng chữ nghĩa, là sự khéo léo trước người lạ ít nhất là không làm cho người khác xem thường về sự hiểu biết của mình. Những thứ đó thật khó mà xảy ra trong một con người của cán bộ. Trước nhất là nụ cười xã giao, nhưng khi họ mở miệng ra cười thì người đối diện sẽ che mặt vì chứng kiến một hàm răng vàng ố vì thuốc lào, thuốc lá, kể cả nhiễm Penicilin làm hàm răng không thể ố hơn. Muốn tẩy rửa những chất dơ bám vào răng ấy của hàng triệu cán bộ thì 3 ngàn 500 tỷ làm sao chi trả cho đủ?

Rồi nữa, cái nón cối thô kệch với hầu hết người miền Nam và ngoại quốc thì lại được người miền Bắc xem là truyền thống, là kỷ vật một thời chống Mỹ làm sao mà thay đổi đây? Vấn đề này thuộc phạm trù mỹ học mà muốn cho người dân từ Nam ra Bắc cùng một gout thẩm mỹ như nhau thì bao nhiêu tiền mới san bằng được khoảng cách ấy?

“Bố mày là ai” cũng nằm trong phạm trù văn hóa cần thay đổi. Đồng ý, nhưng tiền bạc liệu có làm cho loại người phát ngôn câu này chột dạ mà thôi không nói nữa, hay tiền bạc càng làm cho anh/chị ta hung hăng thêm vì cảm thấy bố mẹ/ông bà của họ bị xúc phạm? Lẽ dể hiểu là khi nói lên câu ấy anh/chị ta gián tiếp khoe cái gia tộc họ hàng của mình có người làm quan hay đại gia đỏ trong chế độ hiện hành, tiền của nào đốt được ý tưởng dựa dẫm vào cái tư duy “ăn mày quá khứ ấy”?

Còn hằng trăm thứ khác cần chấn hưng trong danh mục này, nếu bỏ qua nhảy sang danh mục thứ hai lại càng… tốn tiền hơn gấp bội. Trước tiên tạm tìm hiểu thế nào là “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. À, thì cứ tạm cho là môi trường văn hóa lành mạnh là không gian văn hóa phục vụ con người chẳng hạn như thắng cảnh, khu du lịch, các di tích di sản văn hóa, đền đài miếu mạo… nơi mà khách du lịch cùng với người Việt va chạm với nhau trong các ngưỡng văn hóa khác nhau và trước hết vẫn là làm sao để người ngoài nhìn mình với một ánh mắt khác với xưa nay và người Việt với nhau cũng ứng xử với nhau trong tinh thần… văn hóa.

Vụ này thì mệt đây, không những cần tiền mà cần tri thức để thực hiện “hoài bão” của các ngài trong Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch. Mà tri thức thì tìm ở đâu ngoài môi trường giáo dục?

Xếp hàng vào xem một khu di tích cũng như lên máy bay là phong cách tự nhiên giống như hơi thở đối với người ngoại quốc nhưng với Việt Nam thì chưa thấy triệt để ngoại trừ những Việt kiều xa xứ về thăm quê nhà. Người Việt không biết xếp hàng vì trong trường học không ai dạy các em như thế cả. Năm mươi năm qua những người sinh vào những ngày “giải phóng” không thể biết tại sao khi đi đường thấy đám ma phải dỡ nón cúi đầu. Ám ảnh mậu dịch quốc doanh đã biến những con người hiền lành trở thành chụp giật để sống còn nảy sinh tâm lý ai tranh trước sẽ được lợi hơn người tới sau và vì thế chuyện xếp hàng cho được tiếng có văn hóa là một loại xa xỉ đối với họ.

Môi trường văn hóa ảnh hưởng trực tiếp tới người dân khi hàng năm kéo nhau hàng chục ngàn người tới đền Trần xin ấn, hay tới các ngôi chùa cực lớn xin các loại bùa chú, hay cùng nhau mua chim thú phóng sinh. Những tệ nạn văn hóa đó được nhà nước đỡ đầu thì lý gì chính phủ bỏ hàng chục ngàn tỷ ra để chấn hưng văn hóa chứ?

Mà lạ, chính Bộ Văn Hóa Thông tin và Du lịch đề ra chương trình này thì người dân tưởng họ sẽ nêu gương sáng trước khi nhận tiền làm nên nghiệp lớn, ngờ đâu chính họ mới cần chấn hưng trước tiên. Câu chuyện thương tâm xảy ra lúc 23h ngày 12 Tháng Chín tại chung cư mini 10 tầng ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình khiến 56 người tử vong cùng hàng chục người nằm viện nhưng qua ngày hôm sau, 13 Tháng Chín  chính Bộ VHTT&DL lại tưng bừng tổ chức lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Người dân thường nói “Miệng nam mô bụng chứa một bồ dao găm” thật đúng trong trường hợp này. Cái văn hóa khốn kiếp của quan lại thời nay thật khó tưởng tượng nổi! Làm sao, tiền của nào cho đủ để tẩy xóa tư duy quan chức đã và đang trực tiếp gây chấn thương cho một nền văn hóa vốn đã lụi tàn? 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: