Cái chết của tham vọng chống biến đổi khí hậu

Sau 18 tháng đề nghị luật chống biến đổi khí hậu, ông Biden phải buông tay trước thực tế chính trị bị chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ.
TNS Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) phản đối dự luật lớn về gia đình và khí hậu của đảng ông chỉ để bảo vệ ngành khai thác than đá và dầu mỏ của tiểu bang mà ông ta đại diện. Ảnh Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images.

Tổng thống Joe Biden có tham vọng đưa nước Mỹ lên dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cứu hành tinh Trái Đất, nhưng sau 18 tháng cầm quyền, ông đã phải buông tay trước thực tế chính trị bị chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ.

Hôm thứ Sáu, ông Biden thừa nhận đảng của ông đã không thể thuyết phục một thượng nghị sĩ Dân Chủ và bất kỳ đảng viên Cộng Hòa nào trong Thượng viện ủng hộ một dự luật mà ông hy vọng là chương trình pháp lý lớn nhất để đối đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Gian nan một đạo luật

Khi nhậm chức, Tổng thống Biden cam kết sẽ loại bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu thảm khốc. Ông đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris về chống biến đổi khí hậu (COP15) mà người tiền nhiệm Donald Trump đã rút ra. Ông đề ra những kế hoạch đầy tham vọng:

Tới năm 2035 ngành năng lượng Mỹ sẽ không phát ra khí thải CO2 nữa, một nửa số xe cộ chạy trên đường ở Mỹ sẽ là xe điện v.v… Ông tuyển mộ các cố vấn giàu kinh nghiệm và năng nổ về chính trị khí hậu quốc tế và trong nước. Ông bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Ông tự nhận mình là một nhà đàm phán bậc thầy, người đã trải qua gần bốn thập niên tại Thượng Viện và có thể xây dựng liên minh lưỡng đảng về những đạo luật lớn.

Đạo luật lớn liên quan tới khí hậu mà ông đề ra có tên là “Xây Dựng Lại Tốt Hơn” (Build Back Better), gọi tắt là 3B, trong đó có điều khoản chính phủ liên bang sẽ dành khoảng $300 tỷ để ưu đãi thuế cho các công ty năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió; xây dựng một mạng lưới các trạm sạc (charge) công cộng cho xe điện dọc các tuyến đường cao tốc và ưu đãi thuế cho người mua xe điện. Để có ngân sách thực hiện các chương trình an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu nêu trong dự luật, dự luật sẽ tăng thuế lên các thành phần giàu có trong xã hội Mỹ. 

Người tiêu dùng Mỹ sẽ không hứng thú mua xe điện nữa nếu khoản ưu đãi thuế $7,500 bị bãi bỏ do đạo luật 3B không được thông qua. Tiến trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện của Mỹ có thể sẽ bị chậm đáng kể. Ảnh Jan Woitas/picture alliance via Getty Images

Dự luật lúc đầu có chi phí dự kiến khoảng $3.5 ngàn tỷ, nhưng sau nhiều cuộc thương thảo đã bị thu hẹp còn một nửa ($1.75 ngàn tỷ) và đã được Hạ Viện thông qua ngày 19 tháng Mười Một 2021 với toàn bộ các dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống. Tuy vậy dự luật không thể qua cửa Thượng Viện, nơi tỷ lệ giữa hai đảng là 50/50 nhưng có tới hai thượng nghị sĩ Dân Chủ là Joe Manchin (West Virginia) và Kyrsten Sinema (Arizona) đứng về phía Cộng Hòa phản đối dự luật.

Khi phản đối dự luật 3B, lập luận chính của đảng Cộng Hòa là việc chi tiêu quá nhiều vào các chương trình xã hội sẽ làm tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát, hiện đã ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Họ cũng nói rằng những khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ sẽ có tác dụng ngược là không khuyến khích người lao động tìm việc làm.

“Vào thời điểm người Mỹ phải trả giá cao hơn một cách kinh khủng cho xăng dầu và thực phẩm, đảng Dân Chủ đã thông qua một cuộc chi tiêu và thuế trị giá hàng nghìn tỷ đôla sẽ khiến lạm phát thậm chí cao hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của những gia đình khó khăn nhất,” khối Cộng Hòa tại Hạ Viện ra tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu ngày 19 tháng Mười Một năm ngoái cho biết.

Chính trị Mỹ: Sự thống trị của thiểu số

Một năm đàm phán căng thẳng trôi đi không có kết quả nhưng đảng Dân Chủ hy vọng có thể thông qua dự luật ở Thượng Viện theo thể thức gọi là “hòa giải” (reconciliation) theo đó dự luật được thông qua chỉ với đa số phiếu đơn giản thay vì phải hội đủ túc số 60-40. Với 50 thượng nghị sĩ Dân Chủ cộng với lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris ở cương vị Chủ tịch Thượng Viện, đảng Dân Chủ có thể vượt qua sự cản trở của đảng Cộng Hòa. Nếu được Thượng Viện thông qua, đạo luật 3B có thể giúp nâng cao uy tín của Tổng thống Joe Biden – hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức – và củng cố lợi thế của đảng Dân Chủ trước cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ sẽ diễn ra sau vài tháng nữa.

Nhưng niềm hy vọng đó đã tan vỡ ngày hôm qua thứ Sáu 15 Tháng Bảy 2022, khi ông Joe Manchin nói với Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (New York), lãnh đạo phe Dân Chủ đa số, rằng ông ta không sẵn sàng hỗ trợ việc tài trợ cho các chương trình khí hậu hoặc năng lượng hoặc tăng thuế đối với người Mỹ giàu có và các tập đoàn.

Cú lắc đầu của một thượng nghị sĩ, đại diện cho một tiểu bang có 1.8 triệu dân – chỉ bằng 5% dân số tiểu bang California và kinh tế dựa vào khai thác than đá, dầu mỏ – đã làm sụp đổ tham vọng của cả một đảng và gây khó khăn đáng kể cho công cuộc đấu tranh với biến đổi khí hậu – mối đe dọa trầm trọng nhất đối với nền văn minh.

Từ thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, nơi ông đang chủ trì hội nghị tổ chức Hợp tác vùng Vịnh, Tổng thống Biden kêu gọi các thượng nghị sĩ Dân Chủ điều chỉnh lại dự luật 3B, thu hẹp nó, chỉ còn các điều khoản về trợ cấp bảo hiểm y tế và giảm chi phí thuốc kê đơn. Hành động đó có nghĩa là chính phủ Biden chấm dứt nhiệm vụ đối với một đạo luật lớn về biến đổi khí hậu và các kế hoạch đi kèm, trừ khi đảng Dân Chủ nắm giữ thế đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười Một sắp tới – một nhiệm vụ bất khả thi.

Mặc dù tại cuộc họp báo ở Jeddah, ông Biden thề: “Tôi sẽ không bỏ cuộc” trong cuộc chiến chống khí hậu và nói: “Tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực mà tôi có với tư cách là tổng thống để tiếp tục thực hiện cam kết đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu”. Nhưng tổng thống Hoa Kỳ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép nên chưa biết ông Biden sẽ có thể làm gì sau khi dự luật 3B bị bóp chết ở Quốc Hội.

Các chuyên gia cho rằng ông Biden có thể theo đuổi các hành động hành pháp để điều chỉnh lượng khí thải trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, mặc dù các lựa chọn của ông đã bị thu hẹp đáng kể bởi phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện bảo thủ hạn chế quyền hạn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) liên bang trong việc hạn chế khí thải phát ra từ các nhà máy điện, nguồn ô nhiễm lớn thứ hai của quốc gia.

Ảnh hưởng sâu rộng

Các nhà phân tích trong ngành công nghiệp xe hơi cho rằng cái chết của dự luật 3B có thể sẽ làm chậm tiến trình chuyển đổi sang xe điện của Mỹ và khiến một số nhà sản xuất ô tô phải suy nghĩ lại về các khoản đầu tư của họ.

Dự luật (đã chết) quy định người mua xe điện sẽ được khấu trừ thuế $7,500 – một điều khoản khuyến khích người Mỹ chuyển sang sử dụng xe điện, giúp đạt được mục tiêu của chính phủ Biden rằng một nửa số xe hơi mới được bán ở Hoa Kỳ năm 2030 sẽ là xe chạy hoàn toàn bằng điện, tăng từ mức chỉ 6% hiện nay.

Nếu không có sự khuyến khích đó, người tiêu dùng sẽ không còn muốn mua xe điện, thứ mà các chuyên gia khí hậu cho là cần thiết để giảm lượng khí thải trong giao thông.

Biến đổi khí hậu khiến cho tiểu bang California bị khô hạn chưa từng thấy. Có khoảng 97% diện tích tiểu bang bị hạn hán, trong đó hơn 60% bị hạn hán trầm trọng sau ba năm liên tiếp không mưa. Ảnh nông dân thu dọn cánh đồng đậu bắp mà cây đã bị chết do hạn. Ảnh chụp ngày 13-7-2022 của Mario Tama/Getty Images.

Cái chết của dự luật 3B cũng giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp năng lượng sạch của Mỹ ngay cả khi ngành này đang được phát triển mạnh ở khắp thế giới. “Sau vụ này, nếu bạn đi khắp thế giới để tìm cơ hội để đầu tư [vào năng lượng tái tạo], thì chắc chắn bạn sẽ bỏ qua Hoa Kỳ. Các quốc gia khác đều đã đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch. Họ ban hành những quy định chắc chắn, không thay đổi một sớm một chiều. Chúng tôi không có điều đó,” bà Heather Zichal, giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng Lượng Sạch Mỹ, đại diện cho các công ty năng lượng gió và năng lượng mặt trời và các nhà sản xuất pin, nói với báo The New York Times.

Trong nhiều thập niên qua, chính phủ Mỹ đã cung cấp các khoản ưu đãi thuế ngắn hạn cho các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng các khoản ưu đãi này thường hết hạn sau một đến hai năm, khiến nhà đầu tư không thật yên tâm. Dự luật 3B đề ra những khoản ưu đãi thuế kéo dài 10 năm, giúp các công ty tự tin đưa ra quyết định đầu tư dài hạn.

Trên bình diện quốc tế, không có dự luật 3B, Mỹ sẽ khó mà tập hợp được các đồng minh trong các hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hiệp Quốc để gây sức ép buộc các nước gây ô nhiễm không khí nhiều nhất như Trung Quốc và Ấn Độ phải có những chính sách cứng rắn hơn để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry chắc chắn sẽ khó thúc đẩy các quốc gia khác cắt giảm ô nhiễm khí hậu của họ, để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng lên 1.5 độ C, so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Mức 1.5 độ C là cái ngưỡng tối đa mà nếu vượt quá thì khả năng xảy ra các thảm họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn và các đợt nắng nóng sẽ tăng lên đáng kể. Trái Đất hiện đã nóng hơn thời kỳ tiền công nghiệp trung bình khoảng 1.1 độ C, tức khoảng 2 độ F.

Ông John Kerry dự tính sẽ từ chức sau hội nghị khí hậu sắp tới của Liên Hiệp Quốc tại Ai Cập vào Tháng Mười Một 2022. Bà Gina McCarthy, chuyên gia hàng đầu về khí hậu hiện phụ trách văn phòng chính sách khí hậu của Tòa Bạch Ốc, cũng sẽ từ chức vào cuối năm. Không rõ quyết định thôi việc của họ có liên quan tới cái chết của dự luật 3B hay không.

Mỹ từng là nước phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới trước khi bị Trung Quốc vượt qua. Và do đó Mỹ có vị thế đặc biệt, dẫn đầu công cuộc đấu tranh làm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tổng thống Trump đã từ bỏ vai trò lãnh đạo đó. Khi ông Biden lên cầm quyền, ông tuyên bố nước Mỹ “đã trở lại” và sẽ dẫn dắt các nước khác chống lại tình trạng ô nhiễm khí thải đang làm trái đất nóng lên một cách nguy hiểm.

Bây giờ thì Hoa Kỳ “sẽ khó mà dẫn dắt thế giới nếu chúng ta không đi được những bước đầu tiên ở đây, ngay trong đất nước mình,” ông Nat Keohane, Chủ tịch của Trung tâm Giải pháp về Khí hậu và Năng lượng – một tổ chức hoạt động môi trường, nhận xét.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: