Cộng đồng Việt ở Israel ra sao giữa lò lửa Trung Đông?

Kim Golbari, ‘cô dâu Việt’ ở Israel kể về những ngày chạy loạn
Kim Gobalri, “cô dâu Việt” đang sinh sống ở Israel và hai con trai. Ảnh: Kim Golbari

“Trong tình trạng chiến tranh này, không cần nhà nước kêu , các bạn trẻ khắp nơi tự động quay về nước nhập ngũ. Mình thấy họ yêu quý mảnh đất của họ, đoàn kết với dân tộc của họ, làm cho tôi cũng bị ảnh hưởng, không muốn rời bỏ mảnh đất này, muốn sát cánh với họ.”

Từ Tel Aviv, thủ đô của Israel, Kim Golbari, “cô dâu Việt” định cư ở Israel 14 năm, nói với SGN qua cuộc gọi Viber vào khoảng 3 giờ chiều ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Mười (giờ địa phương).

Muốn sát cánh cùng mảnh đất này

Khi ấy, Kim cùng với chồng và hai con trai đang ở nhà một người bạn của gia đình cách đó không xa. Những đứa trẻ cần có khoảng sân rộng để gặp gỡ, chạy nhảy sau gần một tuần phải trú ẩn trong nhà. Gia đình của cô sống ở “vùng cam”, không quá nguy hiểm so với vùng chiến sự, gọi là “vùng đỏ,” không ai được phép bước ra đường. Người dân ở “vùng cam” như gia đình của Kim Golbari dù vẫn được ra ngoài, nhưng theo lời cô, chính phủ khuyến cáo không được tụ tập quá 10 người.

Gia đình “cô dâu Việt” Kim Golbari. Ảnh: Kim Golbari

Cuộc chiến ở Trung Đông đã bước sang ngày thứ tám, nhưng “tình hình không khá hơn, hoả tiễn rơi ít hơn nhưng vẫn phải chạy mỗi khi có còi báo động,” Kim nói.

Cô cho biết về những sinh hoạt trong thành phố trong một tuần qua: “Trong nhà, tối thiểu là 50 người. Khi ra ngoài phải để ý những toà nhà kiên cố để khi có chuyện là phải chạy. Các công viên đóng hết. Tất cả trường học, trường mẫu giáo đều nghỉ.”

Theo lời cô nói, tuy các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa nhưng các cửa hàng bên trong thì đóng. Nhà thuốc vẫn hoạt động. Chợ, siêu thị vẫn mở cửa nhưng khan hiếm thực phẩm như nước, thịt gà, dưa leo, cà chua thì thiếu hơn lúc trước.

Trong hầm trú ẩn. Ảnh: Kim Golbari

Vài giờ đồng hồ trước khi có cuộc phỏng vấn Kim Golbari, Dải Gaza gần như bị cô lập hoàn toàn trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Người dân ở Dải Gaza đối diện với chiến tranh trong tình thế vô vọng. Kim kể lại:

“Khoảng hai, ba ngày đầu tiên khi chiến sự diễn ra, vẫn là cơ hội cho những ai muốn chạy loạn. Ngày Israel phong tỏa, Ai Cập muốn đưa tiếp tế vào thì Israel cho biết họ sẽ đánh bom cả những đoàn tiếp tế. Do đó mà Ai Cập cũng đóng cửa biên giới.”

Kim Golbari không nằm trong số người muốn chạy loạn. Ở Israel ngoài chồng và hai con trai, cô còn gia đình chồng, bạn bè, và hơn nữa, còn một mảnh đất mà cô đã xem là quê hương thứ hai.

Cô nói: “Tôi yêu mảnh đất, con người ở đây. Sống với họ, dù đất nước lộn xộn, nhưng họ có những sự khác biệt mà tôi nghĩ không nơi nào khác trên thế giới có cả. Giống như trong tình trạng chiến tranh này, nhà nước không cần phải kêu gọi, các bạn trẻ tự động lên đường trở về để nhập ngũ. Mình thấy họ yêu đất nước, đoàn kết dân tộc của họ, làm cho tôi cũng ảnh hưởng, không muốn rời bỏ mảnh đất này.”

Những ngày qua, Kim nói gia đình cô bên Việt Nam rất lo lắng. Nhưng cô luôn trấn an mọi người, nói rằng “dù cộng đồng Việt bên này tuy sống không xa vùng chiến sự lắm nhưng tôi tin vào nhà nước và quân đội Israel. Nhìn thấy tinh thần đoàn kết dân tộc của họ, tôi tin là họ sẽ thắng cuộc chiến này. Bà con Việt Nam bên này vẫn an toàn.”

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Israel cho biết, tổng số người Việt hiện đang sinh sống và làm việc, học tập ở Israel khoảng 500 người, trong đó khoảng 180 sinh viên mới qua. Theo lời của Kim Golbari, những năm trước có khoảng 800 sinh viên, tu nghiệp sinh, nhưng sau Covid đã ít lại, và một số đông vừa quay về nước, nên chỉ khoảng 180 sinh viên còn kẹt ở Israel. Đặc biệt, gần Dải Gaza, hiện còn rất ít người Việt sinh sống.

Những người Việt Nam định cư ở Israel từ cuối những năm 1979, đầu năm 1980 làm rất nhiều việc, chủ yếu là nhà hàng, khách sạn. Sau này, những người lập gia đình theo chồng như Kim Golbari làm thêm những ngành nghề khác như tiệm nail, kỹ thuật vi tính, hoặc du lịch. Sinh viên Việt Nam qua Israel chủ yếu học về nông nghiệp và sống ở miền Nam  theo lời Kim nói.

Chiến tranh chưa bao giờ nặng nề như lúc này

Kim sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai. Cô sống và làm việc ở Sài Gòn một thời gian dài. 14 năm trước, cô lập gia đình, theo chồng về Tel Aviv định cư đến nay, làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Để làm tốt công việc, Kim học lịch sử người Do Thái rất kỹ. Cô hiểu khá nhiều về bản chất cuộc xung đột kéo dài hơn 40 năm giữa Israel và Palestine.

Trong 14 năm “làm dâu Israel,” cô nói “chưa bao giờ thấy chiến tranh nặng nề như thế này.”

“Những ngày đầu ai cũng sợ vì lần này chiến tranh ác liệt quá. Số người thương vong nhiều. Không chỉ là thương vong, mà cách họ giết hại quá dã man, rất dã man. Cho nên những người hàng xóm tôi quen biết, những người Israel, Do Thái, ngay cả người Israel gốc Ả Rập họ cũng lo lắng.”

“Họ không đi ra ngoài đường. Người Ả Rập không dám qua khu Israel làm việc. Cho nên những tòa nhà đang xây phần lớn có nhân công là từ Ả Rập hoặc Palestine qua, đều đóng hết,” Kim kể về những gì cô nhìn thấy trong cuộc sống xung quanh một tuần qua.

Ba mẹ con Kim Golbari ra đường hít không khí trong thời gian rất nhanh, theo lời cô là “cho đỡ ngột ngạt”. Ảnh: Kim Golbari.

Chia sẻ về gia đình mình, Kim Gobalri nói hai con nhỏ của cô vẫn an toàn. Con trai lớn của Kim bình tĩnh hơn do hiểu được câu chuyện chiến sự. Cậu con trai út khoảng năm tuổi rất hoảng sợ, khóc thét mỗi khi nghe đến hoả tiễn hoặc còi báo động mà không có mẹ bên cạnh. Nhưng khi được mẹ ôm vào lòng để chạy trốn thì cậu lại mỉm cười.

Kim kể một chuyện mới xảy ra gần đây: “Khi đang tắm cho bé thì còi báo động vang lên. Tôi ôm cháu chạy đi, trên đầu cháu vẫn còn đầu xà bông. Khi an toàn quay lại, hai mẹ con chụp với nhau tấm ảnh làm kỷ niệm, cháu cười tươi như không có chuyện gì.”

Leo thang và chết chóc

Lò lửa Trung Đông đã âm ỉ cháy hơn 40 năm nay. Nhưng, đây là lần đầu tiên diễn ra một cuộc tổng tấn công bất ngờ và đẫm máu nhất trong lịch sử xung đột Israel-Palestine. Nhóm vũ trang Hamas gọi đây là chiến dịch “Bão Al-Aqsa”. Mohammed Deif, chỉ huy cấp cao của kiểm soát Dải Gaza nói đây là “ngày khởi đầu trận đánh vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng” và 5,000 quả đạn pháo phản lực đã được phóng vào lãnh thổ Israel.

Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, không phải chiến dịch quân sự đơn lẻ, mà là một cuộc chiến.” Ông thẳng thừng loan báo sẽ buộc đối phương “trả giá chưa từng thấy.”

Thiệt hại bên trong một ngôi nhà sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 13 Tháng Mười 2023 tại Rehovot gần Tel Aviv, Israel. It nhất 1,400 người thiệt mạng và hơn 300,000 người phải di tản sau một cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas. Binh lính và dân thường Israel cũng bị Hamas bắt làm con tin và chuyển đến Gaza. (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

 Cuộc chiến khốc liệt và không ngừng leo thang, không ai biết trước ngày mai. Truyền thông trong nước liên lạc được với một người Việt có tên Nguyễn Thị Hương, hiện đang sống ở Rehovot, Nguyễn Thị Hương, cách dải Gaza khoảng 50km. Bà cho biết trong ngày 7 Tháng Mười, tức ngày đầu tiên Hamas tấn công Israel, chỉ trong vòng hai tiếng bà phải chạy vào hầm trú ẩn bốn lần.

Cũng như cô Kim Golbari, bà Hương đã ở trong nhà suốt gần một tuần lễ qua, theo dõi tình hình chiến sự trên tivi 24/24.

Cho đến cuối ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Mười, phía Israel có hơn 1,300 người chết, ít nhất 3,526 bị thương. Trong đó có ít nhất 29 công dân Mỹ. Khoảng 1,500 dân quân Hamas đã chết bên lãnh thổ Palestine. Phía Palestine thì ít nhất 2,215 người chết, hơn 8,714 bị thương.

Ảnh: Kim Golbari

Khoảng 30 phút sau cuộc nói chuyện qua Viber với Kim Golabri, cô gửi qua một tấm ảnh và cho biết “chúng tôi vừa chạy xuống hầm trú ẩn sau tiếng còi báo động.” Trong ảnh, có trẻ em, phụ nữ và đàn ông. Họ ngồi sát bên nhau. Trên gương mặt của họ, vẫn đọng lại một nụ cười.  

ĐỌC THÊM:

LÒ LỬA TRUNG ĐÔNG

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: