Intel, bài học bạc tỷ

Một nhà máy của Tập đoàn Intel tại Việt Nam, nơi mà họ từng đầu tư $1.5 tỷ kể từ năm 2006 (Ảnh: Intel Corporation)

Khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam và ký kết “Đối tác chiến lược toàn diện” Hà Nội như bừng tỉnh sau nhiều chục năm ngủ quên trên chiến thắng. Một chân trời mới rộng mở trước mặt với nhiều dự định mà trước đó chưa bao giờ nghĩ tới.

Những dự án giúp kinh tế Việt Nam thực sự cất cánh được bàn cãi trong tinh thần lạc quan và chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó khẳng định tiếp vai trò mới, mà Mỹ tin tưởng giao cho Việt Nam, được ông Chính chuyển tải tới người dân trong nước một cách phấn khích. Và dân chúng cũng lây lan niềm hưng phấn tương tự cho một xã hội mới với tiềm năng kinh tế vượt trội so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh những dự án về giáo dục, môi trường, điện gió cũng như nhiều lãnh vực khác người Việt chú ý nhất là chương trình sản xuất chip bán dẫn mà Mỹ hứa sẽ giúp đỡ đào tạo chuyên viên cũng như khuyến khích nhiều công ty lớn của Mỹ sẽ có mặt trong thời gian ngắn sắp tới.

Khi Trung Quốc bị Mỹ cấm vận chất bán dẫn thì ngay lập tức nước này đối diện với khó khăn trong sản xuất các thiết bị tối tân khi chưa sản xuất được những con chip cao cấp như Mỹ, Đài Loan… Việt Nam được người Mỹ mang vào tầm ngắm để thay họ làm việc này là một biến chuyển lớn trong nền khoa học kỹ thuật Việt Nam, vừa có lợi về kinh tế vừa được đào tạo những chuyên gia trong ngành đang ‘hot’ nhất thế giới không phải là điều đáng mừng sao?

Nhưng điều đáng mừng ấy chưa xuất hiện thì việc đáng buồn, đáng xấu hổ như tiếng sét đánh vào niềm tin của người Việt: Công ty Intel chính thức cho biết sẽ không mở rộng thêm nhà máy tại Việt Nam sau nhiều năm hoạt động.

Bản tin được báo Thanh Niên loan tải xuất hiện trên mạng vào sáng ngày 7 Tháng Mười Một, hai tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Biden. Nếu để ý một chút người ta sẽ thấy ông Biden không hề đá động gì tới Intel hiện đang có mặt tại Việt Nam và cũng là công ty sản xuất chip lớn nhất tại nước này, nhưng ông lại cho biết những công ty Amkor, Synopsys và Marvell sẽ tiến hành nghiên cứu về khả năng đặt nhà máy tại Việt Nam.

Dĩ nhiên việc ấy không lạ đối với việc kinh doanh của các tập đoàn Mỹ, và dĩ nhiên Tổng thống Joe Biden cũng thừa biết rằng Intel rời bỏ Việt Nam và sang Ba Lan đặt một nhà máy khác lớn gấp bốn lần số tiền mà hãng này đầu tư tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Ba Lan thì hãng Intel của Mỹ sẽ xây dựng nhà máy thử nghiệm và tích hợp chất bán dẫn tại khu tập trung Wrocław ở Miękinia. Số tiền mà Intel đầu tư tại đây là xây dựng một nhà máy khổng lồ với $4.6 tỷ và 2,000 việc làm. Bản tin này không phải mới đây mà từ Tháng Bảy năm 2023.

Cả hai nơi xuất phát nguồn tin và xác định từ Reuters và mặc dù không nói nguyên nhân nhưng theo VOA thì những nguyên nhân khiến Intel bỏ Việt Nam mà tìm tới Ba Lan cũng như Malaysia đều là những lý do xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ qua chứ không hề mới: Thiếu điện và một nền hành chánh rườm rà.

Hiện trạng thiếu điện liên tục xảy ra tại Việt Nam trong vài năm qua và nhà nước gần như bất lực trước việc điều hành và cung cấp điện công nghiệp. Trong khi nguồn điện gió phát triển mạnh tại nhiều tỉnh miền Nam nhưng không được công ty EVN hòa vào mạng lưới điện và công ty này lại mua điện từ Trung Quốc một cách bình thường.

Câu hỏi liệu có sự tiếp tay của Trung Quốc phá hoại kinh tế Việt Nam thông qua những vụ bê bối điện năng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Mặc dù ai cũng thấy khả năng này là rất cao, nhưng cấp cao nhất của Việt Nam lại đang là tay mặt tay trái của Trung Quốc thì ai là người giải quyết câu hỏi có tính quốc gia này?

Còn thủ tục hành chánh rườm rà là sao?

Nếu Intel là một công ty của Mỹ thì chắc chắn không thể có chuyện hoạnh họe kiếm tiền của quan chức địa phương hay trung ương, vì nguyên tắc tham nhũng của Mỹ cấm ngặt công ty của họ ra nước ngoài đầu tư. Vấn đề rườm rà ở đây là từ gốc, từ những nơi tự cho phép mình ra luật lệ về tài chánh, đầu tư, thuế khóa mà theo các văn bản quy định người ta khó lòng thực hiện cho rốt ráo theo tinh thần mà văn bản đưa ra. Những khó khăn ấy không hề xuất hiện tại các nước phương Tây nơi mà người dân có quyền theo dõi những hoạt động của chính phủ qua lá phiếu và quyền lên tiếng của người dân nước họ.

Một nguyên nhân thứ ba nữa là công nhân Việt Nam dù được huấn luyện tay nghề, kỹ năng rất kỹ nhưng không ai có thể huấn luyện họ thứ văn hóa làm việc như các nước phương Tây. Những vấn đề nảy sinh trong xưởng làm việc từ khác biệt văn hóa không thể một sớm một chiều hòa nhập vào cách làm việc của các nước có đời sống văn hóa cao, chí ít như Hàn quốc, Đài Loan…

Intel bỏ Việt Nam mà đi khiến người Việt hụt hẫng và tức giận. Tấm vé số tưởng trúng lô độc đắc bị hủy bỏ không khác gì giấc mơ tươi đẹp về con chip bị lỗi không chạy được trong chiếc máy kinh tế Việt Nam. Nó như cái tát đau đớn cho những người mơ được thoát Trung nhưng hôm nay lại cảm nhận được rằng những di hại từ phương Bắc khó lòng trốn khỏi.

Bài học này vừa đắt giá vừa đau đớn vì nó có giá hàng tỷ đô la trong khi đất nước vẫn còn đi vay mượn tứ bề.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: