Meta bán đứng nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam

Ảnh: Unsplash

Việc Facebook bán rẻ họ để thỏa hiệp với các chính phủ độc tài và chuyên quyền như Trung Quốc hay Việt Nam không còn là chuyện mới. Dù luôn mồm “cổ xúy” ngôn luận tự do nhưng Facebook đã trở thành đồng phạm với những chính thể độc tài trong việc kiểm soát ngôn luận. Số trường hợp bài viết bị khóa một cách vô tội vạ trên newsfeed Việt Nam không thể kể hết.

Washington Post phanh phui: Facebook đi đêm với chính quyền Việt Nam như thế nào?

Trong bài báo ngày 19 Tháng Sáu 2023 trên The Washington Post, tác giả Rebecca Tan, chánh văn phòng Đông Nam Á của The Washington Post, tiết lộ rằng Facebook thậm chí có một danh sách viên chức cộng sản Việt Nam “bất khả xâm phạm”, tức bất kỳ thông tin gì liên quan họ đều bị Facebook kiểm duyệt!

Theo The Washington Post, Meta – công ty mẹ của Facebook – đã thông qua một danh sách lưu hành nội bộ với tên các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam không được phép bị chỉ trích trên Facebook. Danh sách này, được giữ kín trong công ty và chưa từng được báo cáo công khai trước đây, được đưa vào phần hướng dẫn sử dụng để kiểm soát nội dung trực tuyến và phần lớn được định hình bởi chính quyền Việt Nam. Theo tiết lộ của những cựu nhân viên Facebook, đây là danh sách duy nhất ở khu vực Đông Á!

Sắp tới đây, trước áp lực chính quyền cộng sản Việt Nam, Facebook sẽ càng thắt chặt chính sách kiểm duyệt, đặc biệt khi chính quyền Việt Nam yêu cầu Facebook phải đặt hệ thống máy chủ lưu dữ liệu bên trong Việt Nam, có nghĩa, cái gọi là quyền riêng tư và bảo mật thông tin của những người sử dụng Facebook ở Việt Nam giờ đây có thể bị theo dõi bất kỳ lúc nào và dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong một tuyên bố, Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công của Meta tại Đông Nam Á, vẫn nhai nhải rằng Meta tự hào với những khoản đầu tư của họ tại Việt Nam. Đương sự nói: “Trọng tâm của chúng tôi là bảo đảm ngày càng có nhiều người Việt Nam có thể sử dụng nền tảng của chúng tôi để xây dựng cộng đồng và thể hiện bản thân.”

Meta không là công ty truyền thông duy nhất nhân nhượng trong việc gỡ bỏ nội dung “nhạy cảm” ở Việt Nam. Kể từ năm 2019, Google, nơi sở hữu YouTube, đã nhận được hơn 2,000 yêu cầu của chính phủ cộng sản Việt Nam về việc gỡ bỏ nội dung và họ đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu. TikTok cho biết họ cũng xóa hoặc hạn chế hơn 300 bài đăng ở Việt Nam vào năm 2022 vì vi phạm luật địa phương.

Với nhiều người ở Việt Nam, Facebook đồng nghĩa với internet. Dữ liệu chính phủ Việt Nam cho thấy hơn 70% trong 97 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nền tảng này có nhiều người dùng hơn bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào khác và mang lại những khoản lợi kếch sù từ quảng cáo kỹ thuật số.

Dù một số chính phủ trên thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung nhưng những nhượng bộ mà Meta thực hiện để có thể sống khỏe tại Việt Nam – quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới – vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác tại khu vực Đông Á.

Meta bắt đầu theo dõi những yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam từ năm 2017. Tính đến Tháng Sáu 2022, Facebook đã chặn hơn 8,000 bài đăng trong nước, hầu hết bị cáo buộc chứa “nội dung chống Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam” hoặc thông tin “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” các tổ chức hoặc cá nhân. Việc kiểm duyệt lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 với 3,044 lượt xóa – vào thời điểm trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021. Dữ liệu kiểm duyệt trong 11 tháng qua không được công bố, nhưng Bộ Thông tin Việt Nam cho biết từ ngày 15 Tháng Tư đến ngày 15 Tháng Năm 2023, bộ máy kiểm duyệt Việt Nam đã xem xét hơn 400 bài đăng trên Facebook được xem là lừa đảo hoặc “chống phá nhà nước”; và Meta đã loại bỏ 91% trong số đó.

_______________

Với nguồn lợi lớn từ thị trường có thể được xem là khổng lồ ở Việt Nam, Facebook đã bẻ cong mọi thứ. Họ bẻ cong ngòi bút của tự do ngôn luận. Họ bẻ cong tinh thần dân chủ ngôn luận. Họ bẻ cong những ý kiến trái chiều với chính quyền cộng sản Việt Nam. Và họ bẻ cong chính họ.

_______________

Khi Meta trở nên ngoan hơn, mềm hơn và… hèn hơn

Trần Phương Thảo, vợ của Đặng Đình Bách, một luật sư môi trường Việt Nam đang thụ án năm năm tù về tội “trốn thuế”, nhớ lại rằng, trước khi bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Việt Nam, Facebook là một trong những không gian duy nhất cho tự do ngôn luận. Bây giờ, khi Meta trở nên ngoan hơn, mềm hơn và… hèn hơn, gần như không còn ai lên mạng để bày tỏ chính kiến hoặc thể hiện sự ủng hộ cho những người hoạt động như luật sư Đặng Đình Bách.

Trong các cuộc phỏng vấn với The Washington Post, 13 nhà hoạt động độc lập ở Việt Nam cho biết Meta đã tăng cường kiểm duyệt kể từ năm 2017. Họ kể những câu chuyện tương tự về việc bị buộc tội “vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng”, bài đăng của họ bị gỡ xuống một cách vô tội vạ, tài khoản của họ bị đóng băng mà không một lời giải thích.

Tại một số quốc gia, chính phủ sở tại có thể gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp. Mỗi yêu cầu được đánh giá dựa vào những nguyên tắc cụ thể của quốc gia đó. Với Việt Nam, cái gọi là những “nguyên tắc cụ thể” bao gồm cả danh sách đám viên chức chóp bu không được phép “đụng vào”. Theo một số nhân viên Meta rời khỏi công ty này từ năm 2018 đến năm 2023, bất kỳ thông tin tiêu cực nào liên quan những kẻ máu mặt của bộ máy chính quyền cộng sản Việt Nam có tên trong danh sách “bất khả xâm phạm” đều bị xóa.

Trong tình hình phe bảo thủ trong đảng cộng sản thắng thế, áp đảo những kẻ hiếm hoi có chủ trương cải cách, bộ máy an ninh Việt Nam chưa bao giờ nắm trong tay nhiều quyền lực bằng lúc này. Chế độ cộng sản cai trị Việt Nam ngày càng kiểm soát thế giới mạng gắt gao, ban hành hàng loạt điều luật để kiểm duyệt nội dung mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác.

Các nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch tại Đại học Oxford có bằng chứng cho thấy một đơn vị mạng do quân đội Việt Nam quản lý với 10,000 người được giao nhiệm vụ kiềm chế những lời chỉ trích trực tuyến. Tháng Chín 2022, nhà chức trách Việt Nam đã thông qua một đạo luật do Bộ Công an soạn, yêu cầu các công ty công nghệ phải thành lập các thực thể địa phương và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống máy chủ địa phương.

Trong khi đó, các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, ngày càng tảng lờ những vi phạm nhân quyền và quyền tự do ngôn luận ở các nước độc tài như Trung Quốc hoặc Việt Nam.  Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore, nhận định rằng Washington thỉnh thoảng đưa ra các tuyên bố “lên án” nhưng không hề gây áp lực về ngoại giao hoặc tài chính để có thể tạo ra sức ép chính trị, thay vào đó, họ đặt ưu tiên cao hơn cho việc cải thiện quan hệ với Việt Nam như một phần trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Alberti thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Việt Nam đã không tuân thủ đầy đủ những lời hứa với EU để cải thiện nhân quyền. Nhưng ông lại nói thêm rằng, sẽ là “thiển cận” nếu phương Tây chỉ tập trung vào điều đó, xét đến tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam.

_______________

Nhìn chung, với nhiều nhà hoạt động nói riêng và dư luận nói chung, Facebook tại Việt Nam đã chết. Ngôn luận tự do đã chết. Nhân quyền tại Việt Nam đã chết. Chỉ có Meta và chính quyền Việt Nam là sống.

_______________

Năm 2018, sau khi viết một bài quan điểm trên tờ The Washington Post về việc Facebook Việt Nam tràn ngập bọn “vệ binh” được tung ra để bảo vệ đảng, nhà hoạt động nhân quyền Mai Khôi, 39 tuổi, đã được mời gặp đại diện Meta ở Menlo Park, California.

Kêu gọi Meta cần làm nhiều hơn để bảo vệ người dùng, Mai Khôi trình bày loạt trường hợp điển hình về cách mà chính quyền Việt Nam sử dụng Facebook để tấn công những người bất đồng chính kiến. Sau buổi nói chuyện tại Meta, Mai Khôi vẫn giữ liên lạc với bộ phận nhân quyền của Meta, thông báo cho bộ phận này khi phát hiện tài khoản của các nhà hoạt động bị khóa. Tuy nhiên, phản hồi từ công ty ngày càng gượng gạo, chậm dần, sau đó dừng hoàn toàn!

Nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng, 51 tuổi, từng dựa vào Facebook để tổ chức các sự kiện và tuyển thành viên cho tổ chức phi lợi nhuận của bà ở Sài Gòn. Vấn đề quan tâm của nhóm Minh Hồng chỉ là môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi nhóm CHANGE của bà bị đưa vào danh sách đen của chính phủ, phạm vi tiếp cận của nhóm trên Facebook đã giảm từ hàng nghìn người xuống còn một số ít và bà Hồng bị cấm mua quảng cáo trên Facebook để quảng bá cho các sự kiện của mình.

Năm 2022, bà Hồng phải đóng cửa nhóm hoạt động trên Facebook. “Thật đau đớn vì chúng tôi đang xây dựng một phong trào,” bà Hồng nói vào Tháng Tư, vài tuần trước khi bà bị bắt vì tội “trốn thuế” vào ngày 31 Tháng Năm 2023.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Acrylic nails
Móng tay acrylic (acrylic nails) là một kiểu móng tay nhân tạo từ việc sử dụng một loại polymer (bột) và một monomer (lỏng), kết hợp với nhau sẽ tạo…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: