Nạn thù hận ở Mỹ bùng cháy theo lò lửa Trung Đông

Cuộc biểu tình dọc Phố Steinway vào ngày 18 Tháng Mười 2023 tại quận Queens của Thành phố New York. Trên khắp đất nước, cả những người ủng hộ Israel và những người Palestine đã tổ chức các buổi cầu nguyện và biểu tình. (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Khi cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và Palestine leo thang, sự căm ghét của người Mỹ chống Do Thái và bài Hồi giáo cũng tăng theo.

Hiện nay có nhiều người lo ngại xung đột Hamas-Israel có thể đe dọa sự bùng phát một cuộc chiến tranh ở khu vực rộng lớn hơn với những hậu quả khó lường. Trong khi đó, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh khủng khiếp về bạo lực đang diễn ra, phần lớn được thiết kế để khơi dậy sự căm phẫn và đổ lỗi cho bên này hay bên kia.

Chết chóc, sự tàn phá đang phủ khắp khu vực Dải Gaza, cùng với tin đồn về một cuộc xâm lược trên bộ sắp xảy ra và có rất ít nơi ẩn náu cho thường dân ở miền đất Trung Đông, hiện đang trong tình trạng bị bao vây.

Theo các chuyên gia, tất cả những điều này xảy ra khi các hành động căm thù và cố chấp nhắm vào người Do Thái và người Hồi giáo đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Mỹ, nơi những luận điệu chống Do Thái và bài Hồi giáo trở nên gần như “chính thống”.

Nhận thấy đây là vấn đề đáng quan tâm, Dịch vụ Truyền thông Sắc tộc (EMS) đã mời các diễn giả có liên quan, tới dự hội thảo qua Zoom, được tổ chức cuối tuần qua. Hội thảo có hơn 80 nhà báo các nơi tham dự, cùng nhau thảo luận về nguồn gốc của cuộc xung đột hiện tại ở Israel; trong khi Hoa Kỳ đang phải đối mặt với tác động của sự căm thù thì liệu bạo lực ở Trung Đông có làm sâu sắc thêm các ranh giới giữa các cộng đồng ở đây hay không.

Trong đoạn băng được ghi hình trước, Jamal Dajani, nhà báo người Mỹ gốc Palestine, đồng sáng lập Arab Talk Radio, từng phục vụ trong Ủy ban Nhân quyền San Francisco (San Francisco Human Rights Commission), thời kỳ 2009-2011, cho biết: “Những gì đang xảy ra hiện nay không phải tự nhiên mà có. Trong 75 năm qua, người Palestine chưa thấy bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán, họ chưa thực hiện được nguyện vọng của mình và họ đang sống dưới chế độ phân biệt chủng tộc.”

Dajani chia sẻ quan điểm của mình về nguồn gốc của cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas cũng như cách những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Mỹ có thể tìm cách sử dụng bạo lực ở Trung Đông để khơi dậy thêm chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo.

Dajani cho rằng Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​sự gia tăng quyền lực tối cao của người da trắng, chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo kể từ chính quyền Trump, “và những người theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng là những kẻ cơ hội”. Họ có thể lợi dụng bất kỳ sự kiện quốc tế nào, dù đó là giữa người Nga với người Ukraine hay giữa người Palestine với người Israel, để kích động lòng căm thù, như tấn công vào nhà thờ Hồi giáo, tấn công vào giáo đường Do Thái…

Sinh viên Harvard bày tỏ tình cảm với Israel trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông (Craig F. Walker/The Boston Globe via Getty Images)

Tác động của chiến tranh đối với tội ác căm thù ở Mỹ

Tham dự hội thảo, Giáo sư danh dự về tư pháp hình sự tại CSU San Bernardino Brian Levin, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan (The Center for the Study of Hate and Extremism) cho biết Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​sự gia tăng tội phạm thù hận trong những năm gần đây, đạt con số kỷ lục được báo cáo là 10,840 vào năm 2021.

Kỷ lục này một lần nữa bị phá khi FBI công bố số liệu thống kê 2022 cho thấy năm ngoái chứng kiến con số khổng lồ là 11,643 tội phạm do thù hận. Hơn 56% số tội phạm này có động cơ liên quan đến chủng tộc hoặc sắc tộc, trong khi hơn 17% có động cơ tôn giáo.

So sánh mức tăng đột biến này với vài năm trước đó, như trong kỳ bầu cử 2020 và các cuộc biểu tình do cái chết của George Floyd, Giáo sư Levin đưa ra hai quan điểm, thứ nhất là tội ác xuất phát từ lòng căm thù không chỉ tăng đột biến mà còn kéo dài hàng mấy chục năm qua; thứ hai, các số liệu không chính xác, có thể ít hơn con số thực tế, do một số nhóm dân cư nhất định, như người nhập cư hoặc cộng đồng nói tiếng nước ngoài, ít có khả năng trình báo hơn.

Giáo sự Levin nói thêm rằng không phải tất cả phe tấn công người Do Thái đều là những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng. “Có nhiều loại tội phạm khác nhau,” ông giải thích. “Như người phạm tội xúc phạm với những thành kiến nông cạn, hành động theo khuôn mẫu; người phạm chỉ vì phòng thủ hoặc phản ứng; người phạm tội tâm thần; và những người phạm tội khi hành nhiệm vụ.”

Levin nói, trong khi cuộc chiến hiện tại thật sự là “cuộc tranh chấp chính trị”, “trong điều bảy Hiến chương của Hamas, họ nói rằng Ngày Phán xét (Day of Judgment) sẽ không xảy ra cho đến khi người Hồi giáo giết chết người Do Thái,” ông nói. “Cũng đã có những tuyên bố tương tự của Hezbollah và những người khác… Vì vậy, các cuộc tấn công như thế cũng có thể xảy ra ở  Hoa Kỳ.”

Estee Chandler, thuộc tổ chức Jewish Voice for Peace (Tiếng nói Do Thái vì Hòa bình), chi nhánh Los Angeles, nói đã có sự gia tăng những ngôn từ kích động thù địch và nỗ lực dập tắt tiếng nói ủng hộ Palestine trong bối cảnh bạo lực leo thang giữa Israel và Palestine. Cô cho biết Gaza đã trải qua gần 16 năm bị Israel phong tỏa quân sự và cuộc chiến chống người Palestine đã bắt đầu hơn 75 năm trước với sự chiếm đóng và chế độ phân biệt chủng tộc có hệ thống…

Biểu tình ủng hộ Israel tại New York City ngày 8 Tháng Mười (ảnh: Adam Gray/Getty Images)

Chandler nói: “Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến là cuộc di tản lớn kinh hồn, một nửa trong số hơn hai triệu người ở Gaza được yêu cầu rời khỏi nhà mình, vì Israel nói rằng họ sẽ ném bom. Chỉ trong vòng 24 giờ, hơn một triệu người cố gắng di chuyển giữa các vụ đánh bom, qua các đống đổ nát và những con đường đã bị phá hủy… và các phương tiện truyền thông chính thống không đưa tin về tình hình này, thậm chí còn có nhiều thông tin sai lệch.”

“Trong khuôn viên UCLA, chúng tôi thấy rằng các thành viên của Sinh viên vì Công lý ở Palestine đang bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội,” Chandler cho biết thêm.

Căng thẳng cũng đang làm gia tăng bạo lực bên ngoài khuôn viên trường đại học. Thứ Bảy tuần trước, một cậu bé người Mỹ gốc Palestine, 6 tuổi ở Chicago bị chủ nhà đâm chết, mẹ của cậu bé vô tội cũng bị tấn công, với lý do gia đình này theo đạo Hồi.

Tại hội thảo, Fatin Jarara, nhà tổ chức cộng đồng Palestine làm việc với Al-Awda New York: Liên minh Quyền Trở về của Palestine trong 20 năm (The Palestine Right to Return Coalition for 20 years) phản ứng khi có ý kiến nói rằng “xung đột giữa Israel và Hamas” là vấn đề giữa cả một dân tộc và một nhóm chiến binh. “Thực tế không chỉ có vậy, cô nói. “Đây là vấn đề chiếm đóng áp đặt lên người dân bản địa. (“This is an issue of occupation imposed on indigenous people”). Số người thiệt mạng vì bị ném bom trong một tuần lễ ở Dải Gaza, nhiều hơn số người chết khi bị ném bom vào Afghanistan trong một năm.”

Các diễn giả, hàng trên, từ trái: Jamal Dajani, Brian Levin. Hàng dưới, từ trái: Estee Chandler, Fatin Jarara. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Jarara nói xung đột lãnh thổ giữa Israel và Palestine không phải là tranh chấp tôn giáo.

“Là người Palestine, chúng tôi thấy mọi người đều xứng đáng được sống,” Jarara nói. Những người ở Hoa Kỳ ủng hộ chính nghĩa của người Palestine không muốn thấy bạo lực, không muốn thấy người dân thiệt mạng, nhưng muốn thấy người dân của mình xứng đáng được sống, muốn thấy người dân của mình được giải phóng.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: