Người Mỹ bi quan về nền dân chủ

Hôm nay 17 tháng Bảy 2023 các bạn trẻ trong nhóm Design For Us đặt hàng trăm biểu ngữ tại cánh Tây tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu các nghị sĩ ra luật buộc các tập đoàn công nghệ (Big Tech) đặt sự an toàn và hạnh phúc của giới trẻ lên trên lợi nhuận, thiết kế những nền tảng trực tuyến cho trẻ em, thanh thiếu niên. Mỗi biểu ngữ ghi tên một người trẻ bị xâm hại vì sử dụng mạng xã hội. Ảnh Leigh Vogel/Getty Images for Design It For Us

Nước Mỹ từ lâu được coi là lực lượng tiên phong dẫn dắt phong trào dân chủ thế giới, chống lại các chế độ độc tài chuyên chế từ phát xít đến cộng sản. Thể chế dân chủ tự do của Mỹ hiện là niềm cảm hứng cho các cuộc đấu tranh đòi quyền sống khắp thế giới. Nhưng ngày nay, người dân Hoa Kỳ lại cảm thấy bi quan về nền dân chủ của đất nước mình, còn trên trường thế giới, nền dân chủ Hoa Kỳ bị đánh giá là nhiều khiếm khuyết và xếp vị trí rất khiêm tốn.

Một cuộc thăm dò của AP-NORC công bố hôm 13 tháng Bảy 2023 cho thấy chỉ 1 trong 10 người Mỹ trưởng thành đánh giá cao hoạt động của nền dân chủ Hoa Kỳ, tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay, cho thấy người Mỹ càng ngày càng thất vọng với thể chế chính trị của đất nước.

Dân chủ, nói ngắn gọn, là một chế độ chính trị mà “chính quyền là của dân, do dân và vì dân” (a democracy, that is, a government of all the people, by all the people, for all the people) như định nghĩa của Theodore Parker, nhà cải cách xã hội Mỹ trong bài diễn văn nổi tiếng chống chế độ nô lệ năm 1850. Theo nghĩa đó, mà Parker gọi là một “ý tưởng Mỹ”, chính quyền phải đại diện cho lợi ích của đa số người Mỹ.

Cuộc thăm dò của AP-NORC cho thấy chỉ có 10% dân Mỹ đánh giá cao mức độ mà chính quyền hiện nay đại diện cho lợi ích của người Mỹ; đa số người trưởng thành nói rằng luật pháp và chính sách của Mỹ không thể hiện tốt những gì mà hầu hết người Mỹ mong muốn về các vấn đề từ kinh tế và chi tiêu của chính phủ đến chính sách súng đạn, nhập cư và phá thai.

Trong hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ, Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực cao nhất, soạn thảo tất cả các đạo luật mà hành pháp và tư pháp phải tuân thủ. Nhưng hiện có tới 53% người Mỹ nói Quốc hội đang rất tệ hại trong việc duy trì các giá trị dân chủ; chỉ 16% cho rằng Quốc hội đang làm tốt.

Michael Brown, một nhân viên tài chính 45 tuổi và là cha của hai đứa trẻ ở Bristol, bang Connecticut, tự nhận là một người theo đảng Cộng hòa ôn hòa, anh đặc biệt thất vọng với Quốc hội Mỹ, coi những vấn đề đang bàn thảo tại Quốc hội là không phản ánh ý chí của người dân. “Họ đang tranh giành một thứ gì đó, và nó không liên quan gì đến nền kinh tế,” Brown nói và chỉ ra cuộc điều tra của Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát về con trai của Tổng thống Joe Biden. “Hunter Biden – điều đó có liên quan gì đến chúng tôi?” anh đặt câu hỏi.

Brown cũng nghĩ rằng Mỹ đã không đạt được lời hứa dân chủ kể từ khi Đại Cử tri đoàn (Electoral College) cho phép ai đó trở thành tổng thống khi không giành được đa số phiếu bầu trên toàn quốc. Ông Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ thứ 45 dù thua kém số phiếu bầu so với đối thủ Hillary Clinton. 

Xã hội Mỹ có đa đảng, nhưng cuộc cạnh tranh chính trị diễn ra chủ yếu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Gần đây cả hai đảng đều có xu hướng cực đoan, và đặt lợi ích của đảng lên trước quyền lợi của đất nước. Cuộc thăm dò cho thấy khoảng một nửa cử tri nói rằng cả hai đảng chính trị đều không làm tốt công việc bảo vệ nền dân chủ, gần một nửa (47%) nói như vậy về đảng Dân chủ và hơn một nửa (56%) nói như vậy về đảng Cộng hòa.

Xu hướng cực đoan làm cho xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chính trị. Cuộc thăm dò cho thấy 53% người Mỹ nói rằng quan điểm của họ và “những người như họ” không được chính phủ đại diện đầy đủ; khoảng 6 trong số 10 thành viên đảng Cộng hòa – đảng chiếm đa số ở Hạ viện và Tối cao Pháp viện – cảm thấy dường như chính phủ không đại diện tốt cho những người như họ; còn ngay trong đảng Dân chủ – đảng đang nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc và Thượng viện – cũng có khoảng 4 trên 10 thành viên có cảm tưởng như vậy.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (Cộng hòa-California) họp báo về dự luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA vừa được Hạ viện thông qua hôm 14/7/2023. Dự luật do đảng Cộng hòa đưa ra được thông qua với số phiếu 219-210, cho thấy một sự chia rẽ đảng phái rất sâu sắc trong Quốc hội. Hiện có tới 53% người Mỹ nói Quốc hội đang rất tệ hại trong việc duy trì các giá trị dân chủ. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images

Nhìn chung, khoảng một nửa quốc gia — 49% — nói rằng nền dân chủ không hoạt động tốt ở Hoa Kỳ, so với 10% nói rằng nó hoạt động rất tốt và 40% chỉ hơi tốt.

Nỗi thất vọng về nền dân chủ làm cho ngày càng có nhiều người Mỹ xa rời chính trị, giảm quan tâm đến đời sống công cộng và chỉ tập trung vào việc làm ăn, kiếm sống và hưởng thụ.

Mark Short, 63 tuổi, một doanh nhân đã nghỉ hưu, đảng viên đảng Cộng hòa sống ở Dana Point, California, chán ghét chuyện chính trị và không muốn đi bỏ phiếu để thể hiện quan điểm của mình nữa. Là người Cộng hòa ở một tiểu bang “xanh”, nơi đảng Dân chủ luôn thắng thế, Short thấy lá phiếu của mình chẳng có mấy giá trị và những nguyên tắc bảo thủ của ông hầu như không được chính quyền quan tâm. “Ở California, tôi có cảm giác rằng lần nào tôi cũng vứt bỏ lá phiếu của mình và đây chính là thứ mà chúng tôi nhận được.”

Sự phân cực đã đặt một số tiểu bang vào chế độ thống trị của một đảng, chẳng hạn như tiểu bang đông dân nhất California là do đảng Dân chủ kiểm soát, ngược lại các tiểu bang Texas và Florida nằm trong sự cai trị của đảng Cộng hòa. Các tiểu bang này xung đột với nhau quyết liệt về gần như mọi lĩnh vực, nếu Dân chủ cởi mở về các vấn đề người nhập cư, phá thai, cộng đồng LGBTQ+, chi tiêu của chính phủ và cứng rắn về súng đạn thì các bang Cộng hòa chống nhập cư, ưu tiên giảm thuế, đề cao đạo đức Thiên Chúa giáo và giá trị gia đình. Bất đồng giữa các tiểu bang đã đẩy chính quyền liên bang vào những tình huống khó xử, không thể nào đề ra những luật lệ, chính sách, biện pháp được đa số người Mỹ chấp nhận. Có những lúc người Mỹ có cảm tưởng các tiểu bang xanh và đỏ không dung hòa được với nhau đến mức có thể dẫn tới ly khai, chia năm xẻ bảy. Trong một mức độ nhất định, có thể nói nền dân chủ Mỹ bị tê liệt một phần, chủ yếu do những mâu thuẫn trong nội bộ đất nước.

Vì sự chia rẽ chính trị như vậy làm cho hình ảnh nền dân chủ Mỹ trong mắt cộng đồng thế giới xấu đi đáng kể. Bảng Chỉ số Dân chủ 2022 do tuần báo The Economist của Anh thiết lập (The Economist Democracy Index 2022 – EDI) đánh giá nền dân chủ Mỹ chỉ đạt 7.85/10 điểm, đứng trong nhóm các nền dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy) và xếp vị trí 30/176 nước được khảo sát. 

Điểm số của EDI dựa trên năm nhóm lĩnh vực: Quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị; các quyền tự do dân sự; hoạt động của chính phủ; sự tham gia chính trị của người dân và văn hóa chính trị. Ở cả năm lĩnh vực này, nền dân chủ Hoa Kỳ đều kém xa so với nước láng giềng Canada (8.88 điểm, xếp thứ 12), các đồng minh Tây Âu và Úc, thậm chí thua kém cả Đài Loan (8.99 điểm, xếp thứ 10) và Nam Hàn (8.03 điểm, xếp thứ 24).

Đã đến lúc người Mỹ cần suy nghĩ nghiêm túc về thực tế của nền dân chủ và nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa các xu hướng chính trị. Nếu cứ tiếp tục bị chia rẽ giữa Dân chủ và Cộng hòa, cấp tiến và bảo thủ, da trắng và da màu, xanh và đỏ… thì Hoa Kỳ sẽ không thể tiếp tục là ngọn hải đăng dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống độc tài chuyên chế do Nga và Trung Quốc cầm đầu. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: