Nước Nga hôm nay, Việt Nam ngày mai

Vladimir Putin trong buổi tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Sochi, Nga, ngày 6 Tháng Chín 2018 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Cách mạng Tháng Mười Nga có khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. Và hôm nay, những gì đang diễn ra ở nước Nga, sau hơn một thế kỷ, là một vòng lặp kỳ lạ của lịch sử. Điều đó cho thấy, nước Nga của Putin đã không trưởng thành hơn và hoàn toàn không rút được gì từ những bài học lịch sử. Một nhà độc tài sụp đổ sẽ được thay thế bằng một nhà độc tài khác, thậm chí tàn bạo, sắt máu hơn.

Ba tháng trước, trong bài “Từ giấc mộng Đại Nga đến sự sụp đổ một đế quốc”, tôi có nói đến sự ra đi của Putin cũng như quá trình tan rã của “đế quốc Đỏ vĩ đại” chỉ còn là vấn đề thời gian. Nước Nga sẽ lại bước theo quán tính được dẫn dắt bởi tâm thức chủng tộc và lại hân hoan đón mừng một Ivan Bạo chúa mới lên ngôi. Nhưng không ai nghĩ một cường quốc lục địa khổng lồ với bề dày lịch sử như nước Nga lại đang suy tàn theo cách không thể tồi tệ hơn như những gì chúng ta đang thấy.

Trớ trêu thay, Yevgeny Prigozhin, con quái vật được Putin một thời “cưng như trứng mỏng”, đang nổi lên trở thành “Đấng cứu rỗi” của nước Nga. Trong khi ông chủ điện Kremlin, Putin, người tự coi mình là hiện thân của “Sa hoàng” với mộng tưởng phục hưng đế quốc Đại Nga, mới đây còn được bình chọn là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, hóa ra là một con hổ giấy thảm hại.

Thông tin mới nhất về cuộc binh biến cho biết có bước ngoặt bất ngờ, một thỏa thuận ngầm đã được thông qua. Theo đó, Prigozhin sẽ tới Belarus, những chiến binh Wagner sẽ trở về doanh trại mà không ai bị truy tố hình sự. Thật khó tin cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt tại đây. Nhưng dù thế nào thì từ giờ khắc này, Prigozhin sẽ phải luôn tránh xa những khung cửa sổ và bỏ thói quen uống trà. Trong khi Putin sẽ sớm trải nghiệm kết cục bi thảm của nhà độc tài khi quyền lực đã tuột khỏi tay.

Có một câu bình luận rất hay của một Facebooker nói rằng “Yevgeny Prigozhin sẽ đi vào lịch sử hiện đại đáng xấu hổ của nước Nga như một gã giang hồ dám đập tan cái hũ đặt trên bàn thờ, khiến làm tung tóe những thứ bẩn thỉu chứa trong đó”. Công bằng mà nói thì chính Putin đã tự tay đập vỡ cái hũ đó bằng cuộc xâm lược Ukraine. Cuộc chiến đã bộc lộ rõ “đội quân thứ hai thế giới” đã bị tham nhũng và thói dối trá, sự hủ bại của hệ thống chính trị băng đảng đục ruỗng nó từ lâu. Đó cũng là thực trạng chung của nước Nga. Prigozhin chỉ là kẻ đóng cái đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của đế quốc Nga ở thời điểm lịch sử lựa chọn.

Khi những đoàn quân Wagner theo lệnh của Prigozhin vượt hàng ngàn dặm từ biên giới Ukraine, thẳng tiến về Moscow mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Họ tiến chiếm dễ dàng các thành thị, trung tâm điều hành quân sự, tình báo của quân đội Nga trên đường tiến quân. Các đơn vị cảnh sát, quân đội được phân công chặn đánh các đoàn quân Wagner hầu như chỉ đứng nhìn cuộc “tuần hành vì công lý” của Prigozhin.

Nó cho thấy điều gì? Nó cho thấy một nước Nga thực chất đã hoàn toàn tan rã từ bên trong. Quân đội là một đám “quân hồi vô phèng”, không có năng lực chiến đấu, lẫn ý chí để kháng cự, chỉ huy bỏ trốn hoặc đơn giản chỉ đứng nhìn tấn tuồng giữa Putin, Prigozhin và đám tướng lĩnh bộ quốc phòng diễn. Họ không có lý do chết cho một cuộc chiến phe đảng mà họ không có lợi ích liên quan.

Hãy nhìn phản ứng của dân chúng, họ cũng thờ ơ không kém, xem đó như một màn giải trí. Khi những nhóm chiến đấu Wagner bao vây Sở chỉ huy quân khu miền Nam ở thành phố Rostov-on- Don, đám đông đứng vây quanh, quay phim chụp ảnh và bắt chuyện với những lính Wagner. Một nước Nga nghèo khó, được che giấu sau những phồn hoa ở Moscow và St. Petersburg, nay đã kiệt quệ mọi mặt, trơ lỳ cảm xúc. Nhà độc tài thì say mê với giấc mộng vĩ cuồng. Còn đám đông dân chúng quay cuồng với rượu vodka, những thú vui sa đọa, mánh lưới chụp giật cho cuộc sinh tồn ngày một khó khăn.

Họ không thấy có lý tưởng gì đáng phải hy sinh hơn miếng bánh mì và tấm áo choàng lông thú mà những góa phụ Nga nhận được cùng với tấm giấy báo tử của chồng hay con trai. Những người Nga có trình độ và lương tri đã rời bỏ đất nước, chỉ còn lại một đám đông bị xóa bỏ ký ức, nhân tính và cả khả năng nhận thức đúng thực trạng của đất nước. Một kết cục thực sự bi thảm cho nước Nga “vĩ đại”, một đất nước từng có những đại văn hào và nền văn hóa giàu bản sắc cũng như vinh quang.

Mặc dù phía sau cơn giận dữ và cuộc binh biến của Prigozhin thực chất là cuộc xung đột lợi ích với đám tướng lĩnh Bộ quốc phòng Nga và cả với Putin. Nhưng lý do mà ông ta đưa ra công khai, đòi hỏi “công lý” và phơi bày sự thực về cuộc chiến ở Ukraine là một cú sốc chấn động tới tận gốc xã hội Nga bấy lâu nay sống trong lừa bịp và dối trá.

Với rất nhiều người Nga, lần đầu tiên họ được nghe từ một “người ái quốc chân chính” một sự thực rằng trong suốt tám năm từ 2014 đến 2022, Ukraine không hề đánh bom Donbass như chính quyền Nga tung tin làm cái cớ cho cuộc xâm lược; rằng người Ukraine không hề muốn chiến tranh với Nga và thất bại của Nga trên chiến trường thảm khốc hơn nhiều những gì họ biết…

Prigozhin hoàn toàn có tư cách để lớn tiếng, ảnh hưởng của ông ta thậm chí đã lấn át cả “Sa hoàng Nga” bấy lâu nay không rời khỏi bongke hoặc loay quanh bên chiếc giường bệnh. Người Nga luôn tôn sùng sức mạnh và sự quyết đoán của “lãnh tụ” và Prigozhin có tất cả yếu tố đó, cùng sự ma mãnh, tàn bạo của một Ivan Bạo chúa mới.

Một đám đông người Việt theo dõi diễn biến cuộc binh biến vừa qua ở Nga với sự hồ hởi và hy vọng về sự sụp đổ nhanh chóng của “Sa hoàng Nga” giống như cuộc Cách mạng Tháng Mười. Cũng có thể lắm chứ. Bởi vì, Prigozhin đã lựa chọn một thời điểm rất tốt. Khi mà toàn bộ lực lượng vũ trang Nga đã phải dồn về phía biên giới Ukraine và Crimea để chuẩn bị đối phó với cuộc tổng phản công của Ukraine, để lại khoảng trống mênh mông trong nội địa. Đám lính “vắt mũi chưa sạch” của lực lượng vệ binh quốc gia và những quân đoàn thực chất chỉ còn phiên hiệu rõ ràng không phải là đối thủ của 25,000 lính Wagner.

Thế nhưng Prigozhin cũng biết rõ, ông ta có thể nhất thời kiểm soát được Moscow nhưng không thể duy trì được quyền lực. Ông ta không có tính chính danh và cũng không đủ thực lực để trở thành “Đại đế”. Do đó, đồng ý lui quân với thỏa thuận “hòa giải” mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian, rõ ràng là một bước lui đúng lúc. Không ai có thể hiểu rõ hậu trường chính trị bẩn thỉu, cũng như xã hội Nga bằng Prigozhin và ông ta thừa khôn ngoan để hiểu phía sau thỏa thuận với Kremlin sẽ có vô số cạm bẫy chết chóc. Tấn tuồng vẫn còn dài, nhưng “Trạng chết thì chúa cũng băng hà”.

Cuộc binh biến của Prigozhin đã cho toàn thể thế giới thấy một nước Nga hỗn loạn, nơi mà bộ máy cai trị của những băng đảng mafia đã tới hồi cắn xé nhau, một đế quốc đến thời điểm suy tàn và sụp đổ. Nó cũng cho thấy cơ cấu quyền lực của những nhà nước độc tài thực ra rất mong manh. Những vết nứt phía dưới nền móng của chế độ được che giấu bởi vẻ bề ngoài rất mạnh mẽ, sắt máu của bộ máy đàn áp khổng lồ.

Nó có thể sụp đổ theo cách khó lường nhất và vào thời điểm bất ngờ nhất. Nhưng vấn đề có lẽ đáng suy nghĩ hơn cả, là những đổ nát và di chứng mà một chế độ độc tài để lại cho xã hội là cả cơn ác mộng kéo dài. Bởi lẽ, không có “giải pháp chính trị” thay thế nào được chuẩn bị. Đất nước rơi vào hỗn loạn và bạo lực, trên một nền tảng xã hội bị tha hóa, cùng kiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một kết cục bi thảm nhất.

Từ câu chuyện về nước Nga, người Việt cần suy nghĩ về tương lai của đất nước, cũng như chính bản thân và gia đình mình với tâm thế Chủ Nhân thực sự chứ không phải là khán giả của một cuộc hý trường. Tất cả chúng ta, hơn 90 triệu người Việt, vẫn còn gửi gắm sinh mạng, thân xác mình trên mảnh đất hình chữ S này, từ lâu bị coi như đàn vịt ngan ngoan ngoãn cho nhà cầm quyền vặt đến cái lông cuối cùng, trước khi bị vứt vào nồi nước sôi. Chế độ chuyên chế được xây dựng lên từ dối trá và bạo lực mà những người Cộng sản lấy nguyên mẫu từ Nga Sô và Trung Cộng đem về áp đặt, đã và đang hủy hoại dân tộc, quốc gia này tới tận xương tủy.

Non sông Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng cẩm tú, có tài nguyên dồi dào, với dân số gần 100 triệu, phân nửa là sức trẻ, sở hữu một vị trí địa chính trị kinh tế vô cùng thuận lợi, nhẽ ra đã phải trở thành một Hàn Quốc hay chí ít là một Malaysia thịnh vượng và hùng mạnh. Thế nhưng, hàng triệu người Việt hôm nay vẫn phải bỏ nước mà đi để mong tìm kiếm một công việc hạ bạc nơi xứ người. Hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam phải chịu kiếp nô lệ tình dục, bán thân khắp năm châu.

Ngay cả những sinh viên xuất sắc cũng sẵn sàng lựa chọn con đường “xuất khẩu lao động” bởi thực tế là không có một cơ hội nào cho những thanh niên thực tài có thể phát triển ở đất nước nơi mà mọi ngóc ngách đều bị chiếm cứ bởi đám “con em lãnh đạo”. Tài nguyên quốc gia bị khai thác đến cùng kiệt nhưng cái mà người dân nhận được là ô nhiễm, là nô dịch, và Gánh Nặng Nợ ngày một cao cao mãi.

Bộ máy cai trị Việt Nam cũng giống hệt như bộ máy cai trị của nước Nga. Tham nhũng và dối trá đã trở thành thuộc tính hữu cơ và nó không có khả năng sửa đổi. Hôm nay, những gì đang diễn ra nước Nga, cũng có thể là ngày mai của Việt Nam. Những phẫn uất bùng nổ ở Tây Nguyên chỉ là một tàn lửa nhỏ. Nó có thể nhanh chóng bị dập tắt nhưng không thể biết rồi một ngày nào đó, một tàn lửa khác lại bùng lên trên cánh đồng cỏ khô chất chồng oán thù của hàng triệu người dân là nạn nhân của một chế độ tham tàn, bạo ngược.

Cũng có thể một Prigozhin phiên bản Việt sẽ xuất hiện trong đám tướng lĩnh công an, quân đội… những lực lượng đang bảo vệ cho băng đảng cầm quyền. Khi một xã hội không còn không gian dân sự và tự do ngôn luận, đối thoại giữa người dân và nhà cầm quyền bị triệt tiêu thì khi đó bắt đầu một quá trình suy vong không thể đảo ngược.

____________

Các nước độc tài “học chiêu” của nhau như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Boeing bất an!
Mạng xã hội mấy ngày qua xôn xao sau cái chết bất ngờ của Joshua Dean, người từng công khai tố giác vấn đề kiểm soát chất lượng tại Spirit…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: