“Ba cấm” có làm giới nghệ sĩ Việt sống tử tế hơn?

Ca sĩ Hiền Hồ bị nhiều khán giả tẩy chay, đòi loại khỏi các show diễn sau bê bối tình ái – Ảnh: Thanh Niên

Kể từ Tháng Mười 2023, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp cấm diễn – cấm sóng – cấm quảng cáo đối với các nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó giao Cục Phát thanh, truyền hình – thông tin điện tử (Bộ Thông tin truyền thông) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa- thể thao-du lịch) xây dựng quy trình hạn chế hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo của nghệ sĩ và KOLs vi phạm pháp luật, có lối sống, hành vi và phát ngôn trái với thuần phong mỹ tục.

Các biện pháp cấm trên gợi nhớ đến biện pháp “phong sát” của Trung Quốc đang áp dụng, một cách phong tỏa toàn diện đối với bất cứ nghệ sĩ nào bị “đưa vào tầm ngắm”, nhằm ngăn chận họ xuất hiện trước công chúng.

Vài năm gần đây, giới nghệ sĩ ở Việt Nam vướng hàng loạt tai tiếng như ấu dâm, quảng cáo dược phẩm và thực phẩm chức năng không đúng sự thật, tung tin thất thiệt, loạn ngôn, quảng bá mê tín dị đoan, quỵt tiền, vỡ nợ, sử dụng chất kích thích, buôn bán ma túy, bị cáo buộc ăn chận tiền từ thiện, bị cáo buộc hiếp dâm nữ giới ở ngoại quốc, làm “tiểu tam” (người thứ ba) mà vẫn vênh váo là “anh em nương tựa”…v.v…

Theo VOV ngày 19 Tháng Tư 2023, để tránh tình trạng giới nghệ sĩ sống vô đạo đức, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, quyết định này của Bộ Thông tin và Truyền thông “nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận”, nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này không chỉ “thanh lọc” giới giải trí mà còn giúp định hướng lối sống, suy nghĩ của giới trẻ, đặc biệt trong giai đoạn mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ.

Diễn viên Hữu Tín bị tòa án quận 8 ngày 28 Tháng Tư 2023 tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy – Ảnh ghép của VOV2

Tuổi Trẻ dẫn lời bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: “Phong sát” của Trung Quốc là cấm vĩnh viễn, còn Việt Nam áp dụng biện pháp cấm có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng hay 24 tháng, tùy vào mức độ vi phạm.

Bộ Văn hóa – thể thao – du lịch và Bộ Thông tin truyền thông sẽ xem xét các vi phạm trước, sau đó đề nghị các cơ quan truyền thông, đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty không mời các nghệ sĩ vi phạm, cũng theo bà Ly.

Tại buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng được tổ chức ở Hà Nội hôm 19 Tháng Tư 2023, người mẫu Hạ Vy và diễn viên trẻ Hàn Trang được trang mạng Vnexpress dẫn lời nói họ ủng hộ làm mạnh tay với những nghệ sĩ tự bôi xấu hình ảnh của mình nhưng “đừng đến mức phong sát” như ở Trung Quốc.

Thanh Niên ngày 18 Tháng 4 2023 cũng cho biết, trong năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên internet, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng.

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình -thông tin điện tử, cho biết thêm hiện nay chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ và KOLs trên môi trường mạng có các mức từ 5 – 10 triệu đồng hoặc từ 10 – 15 triệu đồng ($212- $638). Mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe nghệ sĩ và KOLs, nên ngoài xử phạt hành chính phải có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và sắp tới sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn.

Khi bình về quy định “ba cấm” này, Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Mười Hai 2022 từng khẳng định “Phong sát là quyền của khán giả. Không có gì kinh khủng hơn với nghệ sĩ khi bị khán giả quay lưng”. Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Hoàng Quân, nhà sản xuất phim điện ảnh, từng làm việc với hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng qua nhiều dự án phim, cho rằng nếu đề xuất “cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm quảng cáo” được quy định chính thức thì lại là điều tốt với nghệ sĩ. Bản thân ông Quân chia sẻ luôn cẩn thận khi lựa chọn đối tác cùng làm việc, vì hợp tác với những nghệ sĩ gặp vấn đề về pháp luật hay đạo đức còn khiến tác phẩm bị khán giả quay lưng, không ai thèm xem.

Gia Đình & Xã Hội ngày 29 Tháng Tư đã đúc kết giới nghệ sĩ Việt khi vướng scandal “toàn xin lỗi online cho có”, thiếu sự chân thành và sửa sai, thậm chí nhiều người chọn im lặng, sau đó đăng tải bài xin lỗi ra vẻ thống thiết rồi điềm nhiên trở lại làng giải trí như không có chuyện gì.

Tờ báo này dẫn trường hợp của nữ ca sĩ Hiền Hồ, hồi cuối Tháng Ba 2022, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ca sĩ Hiền Hồ thân mật bên một thương nhân U60 đã có gia đình, núp bóng dưới mỹ từ “anh em nương tựa”. Ca sĩ này giữ im lặng, một tháng sau mới xin lỗi trên trang mạng xã hội… nhưng không đủ làm dư luận cảm thông. Rồi trường hợp ca sĩ Jack (Phương Tuấn) cũng bị cộng đồng mạng chỉ trích sau khi bạn gái cũ Thiên An tố anh “bắt cá hai tay” trong khi cả hai có con chung. Trong tâm thư xin lỗi, ngoài phân trần chuyện tình cảm, nam ca sĩ “xin lỗi cả thế giới” – trừ Thiên An và con gái ruột, hai nhân vật được coi là nạn nhân!

Diễn viên Hồng Đăng ngừng xuất hiện trên truyền hình, dù đang có vai diễn trong phim nhiều tập “Thương ngày nắng về”, sau “cáo buộc hiếp dâm” ở Tây Ban Nha – Ảnh: Gia Đình&Xã Hội

Hay như trường hợp scandal “cáo buộc hiếp dâm” ở Tây Ban Nha của diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh giữa năm 2022, cả hai nam nghệ sĩ này đến nay vẫn im lặng. Tuy nhiên, vai diễn dở dang trong phim truyền hình “Thương ngày nắng về” có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp nghệ thuật của Hồng Đăng. Còn Hồ Hoài Anh sau khi về nước cũng không dám chường mặt xuất hiện trước truyền thông.

Gia Đình & Xã Hội dẫn lời chuyên viên truyền thông Ngô Bá Lục cho rằng văn hóa xin lỗi rất quan trọng, nhưng nhiều nghệ sĩ vướng lùm xùm chỉ muốn xin lỗi cho xong, vì chưa nhận thức được lỗi lầm của mình. Hoặc có nghệ sĩ chờ làn sóng phản ứng của khán giả qua đi mới biên vài dòng xin lỗi cho có. Lời xin lỗi không xuất phát từ sự chân thành dễ dẫn đến tình trạng “ngựa quen đường cũ”. Mặt khác, khán giả cũng tinh khi lập ra hội nhóm anti, phản đối thói hư tật xấu của nghệ sĩ và chọn cách tẩy chay các chương trình có Hiền Hồ xuất hiện là một ví dụ, chứ không dễ dàng “cho qua” như trước.

Nói chung, Việt Nam ra quy định “ba cấm” để giới nghệ sĩ và KOLs khi phát ngôn, hành động trong đời sống và trên mạng xã hội cẩn trọng hơn; biết xử sự đúng mực hơn; sống đàng hoàng hơn… thì cũng là điều tốt. Nhưng căn bản vẫn là thái độ và sự đánh giá của khán giả, độc giả. Khi khán giả và độc giả có nhận thức ngày càng cao, họ sẽ kén chọn chương trình để giải trí và quay lưng với những nghệ sĩ hay KOLs thường tự nhận mình là “Vua”, “Diva” hay “siêu” các thể loại… luôn cho mình là “ngoại lệ” nên muốn làm gì cũng được!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: