Biết chữ để làm gì?

Một hàng xe xếp hàng chờ đăng kiểm tại Thủ Đức (ảnh: Zing)

Câu hỏi này xem ra làm cho người bị hỏi hơi bối rối, thường thì câu trả lời rằng cần biết chữ để đi karaoke sau những ngày làm việc vất vả, hay để ký tên, đọc báo, lên Facebook hay ít nhất biết chúng nó… chửi mình như thế nào để mà đối phó… Mấy cách trả lời vừa nói đều đúng phân nửa, tức với người bình thường còn giám đốc một doanh nghiệp, một công ty không nhất thiết phải biết chữ mới điều hành được công ty ấy.

Đối với một giám đốc thì đi karaoke cần gì biết chữ vì vào trong đấy có phải để ca đâu mà vào đấy để tận hưởng sự tươi mát từ các em phục vụ. Đứa nào ca cứ ca còn giám đốc cứ tận hưởng những bài ca không lời hấp dẫn gấp bội lần căng mắt ra đánh vần từng con chữ trên màn hình. Còn ký tên ư? Chỉ cần thằng phụ tá lo lắng vụ này bằng hai chữ “ký thế” là được, bởi mọi sự kinh doanh đã có đệ tử lo, chỉ cần chúng biết trả tiền hàng tháng cho giám đốc là mọi phía đều OK!

Thời buổi này cũng không cần đọc báo, hôm nào muốn biết thêm thằng nào bị bắt, đứa nào vừa mới trốn ra khỏi nước hay Covid tới đâu rồi thì cứ bảo bọn đệ tử mở YouTube ra mọi thứ đều có người đọc thay rồi. Xem ra một giám đốc trong tình thế hiện nay cái cần nhất là quan hệ đặc biệt với quan viên phụ mẫu còn việc biết chữ hay không đã có đứa khác nó lo hết từ A tới Z.

Sự thật này tuy có gì đó sai sai nhưng vừa được ông Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an khui ra trước bàn dân thiên hạ. Ông Xô cho biết Giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Sài Gòn không biết chữ!

Thì ra là vậy! Cháy nhà ra mặt chuột.

Các trung tâm đăng kiểm xe đang bị bốc phốt nặng nề vì những gì chúng làm cho người sở hữu các loại xe bốn bánh. Từ không chúng biến thành có, rồi từ có chúng biến thành không… những thủ đoạn o ép chủ sở hữu ngày càng lộng hành, không xem luật lệ pháp luật ra gì. Xe mới mua về từ trong xưởng chưa chạy km nào cũng bị đăng kiểm, kể cả các loại xe đắt tiền nổi tiếng của thế giới, vốn hoàn chỉnh từng chi tiết nhỏ nhất. Hình ảnh của những đăng kiểm viên lấy thước đo từng cm của má trước chiếc xe khiến người xem không khỏi buồn cười. Cách làm này cho thấy sự dốt nát thảm hại lại muốn sách nhiễu chủ xe bằng những hành vi thấp kém.

Những hàng dài xe nối đuôi nhau chờ đến lượt đăng kiểm làm cho bức tranh xã hội đen tối hơn dưới mắt người dân. Những chiếc xe ấy dĩ nhiên là muốn thoát ra để làm ăn thì phải chung chi cho… giám đốc, vì ông này không tự dưng mà ngồi ngay vào chiếc ghế giám đốc trung tâm ngon lành mà không cần biết một chữ A hay B nào. Việc ông ta cần biết nhất là đếm tiền và phân phối nó cho ai. Xem ra ông ấy không cần biết chữ là phải, bởi biết chữ chưa chắc đã làm giàu được như ông ta trong cái thế giới tranh nhau từng… con chữ một này.

Hàng chục tỷ bị công an phát hiện do bao che cái sai, cái cần phải kiểm định! Xe mòn lốp, thắng không ăn, khói quá nhiều hay đèn pha không đủ sáng…, tất cả sẽ trôi tuột nếu biết đóng tiền dưới gầm bàn. Việt Nam đã quá quen thuộc với loại tiền này nên người đưa kẻ nhận đều hài lòng và dĩ nhiên không có một chữ viết nào xuất hiện giữa hai bên! Vậy thì cần gì biết chữ?

Loại hình được mang mỹ danh xã hội hóa này đang xuất hiện tại hầu hết các doanh nghiệp được nhà nước bán môn bài. Từ kinh doanh xuất bản tới giấy phép lưu hành một tờ báo. Từ một viên công an đứng đường thu hụi chết tới một nhân viên hải quan cửa khẩu đều có hình thức mua môn bài của nhà nước để hoạt động. Chính thức là nhân viên nhà nước nhưng những “nhân viên” này vốn được mua bằng tiền nên họ phải bỏ công thu lại như ông giám đốc trung tâm đăng kiểm xe kia. Khác chăng là họ biết chữ và cái chữ họ biết được dùng vào việc kiếm tiền!

Vài ngày gần đây xuất hiện cái tên Kugan Pillai, gốc người Singapore đã trình bày việc đòi tiền của một nhân viên hải quan Việt Nam khi anh vào Phi trường Nội Bài trong chuyến du lịch Việt Nam mới đây. Anh kể lại trên tài khoản Facebook của mình rằng: “Tôi đến cổng hải quan của sân bay Hanoi để đi Singapore rồi nhân viên hải quan viết chữ “TIP” trên vé máy bay của tôi. Anh ta cứ giữ hộ chiếu của tôi và yêu cầu tiền tip.

Tôi hỏi anh ta lý do giữ hộ chiếu của tôi thì anh ta cứ chỉ tay vào cái chữ “TIP” anh ta mới viết. Tôi không biết phải làm sao và phải nhờ ai giúp đỡ trong khi máy bay sắp đến giờ cất cánh. Cuối cùng tôi phải đưa cho anh ta 500,000 VNĐ để kịp đi.

Tôi đã trình báo toàn bộ sự việc lên Bộ Ngoại giao Singapore. Tôi biết rằng chuyện này quá bình thường ở đất nước này nhưng tôi cảm thấy như là đã bị giữ làm con tin nếu không chịu trả tiền chuộc và lấy hộ chiếu về.”

Trong status, anh Kugan Pillai đã tag cho Bộ ngoại giao Singapore, Tòa đại sứ Singapore Hà Nội cũng như Lãnh sự quán Singapore tại Sài Gòn.

Câu chuyện này ngược lại với câu chuyện của ông giám đốc mặc dù nội dung cả hai đều muốn thu lại số tiền mình đã bỏ ra mua môn bài của nhà nước. Trên Facebook là cả một núi đá ném vào anh nhân viên hải quan kia và cho rằng anh ta làm nhục quốc thể không tha thứ được. Hỡi ơi, anh ta là nạn nhân chứ nào phải là kẻ tội phạm, bởi muốn vào cái vị trí kiếm tiền bạc tỷ ấy anh ta phải bỏ ra biết bao nhiêu là tiền để mua nó. Anh ta biết viết chữ TIP trên cái vé máy bay của khách ngoại quốc đã là một thái độ lịch sự. Chỉ tiếc một điều anh ta thiếu một chi tiết nhỏ, nếu biết được chi tiết này có lẽ anh ta đã được tha thứ.

Khi mở lời cho một việc nhờ vả, xin ban ơn… những nước nói tiếng Anh đều có thêm thán từ “Please” đặt cạnh. Nếu anh hải quan này viết TIP, Please! May ra anh chàng người Singapore này sẽ phá ra cười và mọi chuyện trở nên bình thường chăng?

Vậy thì suy ra biết chữ cũng không hơn gì không biết chữ, cả xã hội không màng tới việc này nữa thì học làm con quỷ gì cho tốn công hao của?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: