CSVN mở đợt đàn áp tàn bạo vào các nhánh Tin Lành Tây Nguyên

Tin từ truyền thông Người Thượng vì Công Lý cho biết, vào sáng ngày 16 Tháng Bảy, hàng trăm lực lượng công an, tay sai mật vụ… đã đến đến làng của người Thượng Tây Nguyên gồm Buôn Dhiă, Buôn Cuôr Knia 3, Buôn Êa Khit thuộc tỉnh Đăk Lăk để tìm cách vây bắt những người theo đạo Tin Lành, thuộc Hội thánh Tư Gia Độc Lập.

Đây là một chiến dịch ruồng bố lớn, được tổ chức công phu trên diện rộng, cùng ra quân ở nhiều nơi. Từ 4g sáng, nhiều xe thùng chở các lực lượng đàn áp bao vây những nơi đã định trước và ngăn chặn người dân đang quay phim, chụp hình lại khung cảnh này. Lực lượng công an một mặt chặn các nẻo đường ra vào, mặt khác xông vào lục soát nhà ở, áp giải các lãnh đạo và tín đồ thuộc Hội Thánh tư gia độc lập, bắt cóc mang đi mà không có bất kỳ một văn bản hành pháp nào.

Lý do công an CSVN lại tập trung vào các nhánh của  Hội thánh Tư Gia Độc Lập, bởi nhiều thành viên của Hội thánh này, đã từng hưởng ứng các chương trình quốc tế như Ngày Quốc tế Tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo hay niềm tin (ngày 22 Tháng Tám), Ngày Nhân quyền Quốc tế (ngày 10 Tháng Mười Hai), ký thư chung gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kêu gọi ngừng đàn áp bắt bớ, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là những người thiểu số.

Được biết tại buôn Dhiă, xã Cư Ne, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, lực lượng công an đã lục soát nhà ở và bắt cóc, mang đi những người sau:

  • Y Kheng Kpă, sinh năm 1990
  • H Lisa Niê, sinh ngày 20 Tháng Ba 2000
  • H Lana Niê, sinh năm 28 Tháng Ba 2006
  • Y Roet Mlô
  • Y Săk Mlô

Còn vào lúc 06 giờ 30 phút, tại buôn Cuôr Knia 3, xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, lực lượng công an đã lục soát, tịch thu điện thoại, tiền ( bảy triệu đồng của anh Y Krec Bya) và nhiều cuốn lịch của Hội Thánh. Công an đã bắt cóc mang đi ba người:

  • Y Krêč Byă, sinh năm 1978
  • Y Yuăn Byă, sinh năm 1966
  • Y Et Byă, sinh năm 1992

Cũng cùng ngày, lúc 5 giờ sáng nay, tại Buôn Ako Mlieo, xã Hòa Thắng, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, lực lượng công an đã áp giải hai người:

  • Y Čơi Bkrông, sinh năm 1975
  • Y Nguyêt Bkrông, sinh năm 1985

Hình ảnh các cuộc vây bắt tại Daklak, sáng 16-7 (Ảnh: Người Thượng Vì Công Lý)

Nhiều người Thượng theo Tin Lành đã đổ ra đường để tìm cách ngăn chận các cuộc bắt bớ vô lý, tàn bạo này. Anh Y Quynh Dap, người gửi tin đi cho biết là công an, mật vụ đã xông vào vật ngã thầy truyền đạo Ykhen Bdap (sinh năm 1964) và tấn công một phụ nữ đang mang thai hai tháng, vì người này lên tiếng chất vấn cuộc bắt bớ và bảo vệ thầy Y Khen Bdap. Sau đó, do người dân đổ xô đến ngày càng đông ngăn cản nên công an không áp giải được thầy Ykhen Bdap.

Câu chuyện tráo trở của nhà nước CSVN, là im lặng đàn áp, bắt bớ… kể cả thủ tiêu các người lãnh đạo tinh thần của người sắc tộc thiểu số, nhưng lại ra mặt chứng tỏ mình luôn có nhân quyền.

Cùng thời gian, Hà Nội thông báo cho biết chính quyền nước này tự nguyện thực hiện báo cáo giữa kỳ tự nguyện theo UPR (Kiểm Định Phổ Quát Về Nhân Quyền) của Liên Hiệp Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đặng Hoàng Giang trơ trẽn tuyên bố tại hội nghị, khẳng định Việt Nam ủng hộ và tôn trọng các nguyên tắc của UN về công bằng, minh bạch và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền.

Bên cạnh đó, CSVN hiện cũng đang chạy đua vào một ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 -2025.

Ngay sau cuộc vây bắt nhiều thầy truyền đạo không thành, công an đã vội vã gửi giấy triệu tập, đề sai cả thời gian.

Các hành động hai mặt này của CSVN cũng qua mặt được nhiều người. Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong quá trình xây dựng Báo cáo. Bà nói việc Việt Nam quyết định thực hiện báo cáo giữa kỳ tự nguyện là dấu hiệu cho thấy sự quyết tâm thực hiện các khuyến nghị đã được đề xuất và chấp thuận trong chu kỳ III.

UPR là cơ chế báo cáo của Liên Hiệp Quốc được thực hiện mỗi năm năm một lần kể từ khi bắt đầu vào năm 2008. Việt Nam đã tham gia ba kỳ vào các năm 2009, 2014 và 2019.

Trong các lần báo cáo trước, phía Việt Nam luôn khẳng định việc tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền nhưng lần nào cũng gặp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức xã hội dân sự và chính phủ các nước khác về tình hình vi phạm dân chủ và nhân quyền. Đặc biệt các bằng chứng vi phạm nhân quyền như các đợt bắt bớ nói trên, dù được trưng ra rành rành, Hà Nội vẫn một mực nói là những điều dàn dựng, không có thật.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: