Dân Việt hết thời làm giàu vì buôn bán bất động sản

Không ít nhà đầu tư thắng đậm khi đầu tư đất nông nghiệp, đất vườn nhưng cũng không ít nhà đầu tư rủi ro dẫn đến vỡ nợ – Ảnh: Tạp chí Tài Chính

Nhiều người chuyên buôn bán bất động sản ở Việt Nam đang rơi vào tình cảnh vỡ nợ.

VnExpress hôm 27 Tháng Giêng 2023 kể nhiều câu chuyện buồn về tình cảnh của những người buôn bán bất động sản. Đó là ông Toàn, 50 tuổi, nông dân, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, hiện vỡ nợ cả chục tỷ đồng. Từ một nông dân trồng cà phê, ông Toàn bán lô đất đang canh tác với giá bạc tỷ và lấy đó làm vốn mua nhiều lô đất, thậm chí vay nóng.

Đầu năm 2022, có hơn chục tỷ đồng, ông Toàn đặt cược mua một lô đất đồi, vị trí gần đường lớn với giá 15 tỷ đồng, trong đó vay nóng 6 tỷ đồng, lãi suất 6% một tháng, tức phải trả 360 triệu đồng/tháng. Sau đó, mãi đến Quý III/2022 vẫn không bán được, ông hạ giá bán lỗ chỉ còn 12 tỷ đồng nhưng vẫn chẳng ai mua, còn tiền lãi đã phải trả đến 2.5 tỷ đồng, trong khi nợ gốc 6 tỷ đồng vẫn chưa có thể thanh toán dứt điểm. Thảm cảnh đến mức ông Toàn phải trốn biệt xứ, giao đất cho người quen bán dùm.

Câu chuyện tiếp theo là bà Thủy buôn đất ở Bảo Lộc từng lãi to hồi năm 2021 nay bị chủ nợ bủa vây, phải hầu tòa, tường trình với địa phương liên tục. Một nhà thầu xây dựng là bà Hồng ở Lâm Đồng kể với VnExpress hiện thị trường đất nền ở Di Linh và Bảo Lộc đang “ngủ đông”, có bán lỗ cũng chẳng ai mua, khiến nhiều người vỡ nợ tiền tỷ vì vay nóng, lãi suất cao, chỉ cần vài tháng bán chậm là nhà đầu tư “chết” trên đống tài sản.

Tương tự, nhiều người ở Sài Gòn đã vay vốn đầu tư căn hộ, đất vùng ven với mộng làm giàu và hiện cũng đang vỡ mộng. VnExpress ghi nhận số người ôm bất động sản xả hàng giảm giá diễn ra ngày càng phổ biến trên thị trường thứ cấp vào cuối quý IV. Ghi nhận tại khu Nam Sài Gòn như quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cũng cho thấy giá chào bán bất động sản giảm mạnh so với đầu năm nay.

Người Việt đã hết thời ôm mộng làm giàu nhanh từ buôn bán bất động sản – Ảnh: Cafeland

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam được tờ báo này dẫn lời cho biết thị trường địa ốc ở Việt Nam nửa cuối năm 2022 (các điểm nóng Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Phước, Bảo Lộc, Di Linh) hoàn toàn mất thanh khoản, khiến rất nhiều nông dân vỡ nợ vì lao theo cơn sóng đầu tư “sốt đất” ảo. Từ mảnh đất sinh nhai bị bán đi, họ dùng tiền lời từ lô đất này làm vốn buôn những mảnh đất khác chờ tăng giá, chấp nhận vay nóng vì kỳ vọng sẽ có lãi lớn, nhưng sau đó là vỡ nợ, mất cả chì lẫn chài.

Bà Lương Đình Thúy Vân, CEO Công ty Tư vấn đầu tư Mogin Holdings đánh giá, năm 2022 khép lại với không khí trầm lắng khi các nhà đầu tư sử dụng vốn vay với lãi suất cao phải bán bớt tài sản, giảm giá bán lỗ nhằm giảm số tiền vay nếu không muốn sa lầy. Đa phần nhà đầu tư ngắn hạn, ôm mộng làm giàu nhanh chỉ trong 6-12 tháng đều nếm trái đắng thua lỗ.

Cafebiz cũng có một câu chuyện do một nữ doanh nhân kể lại: Một năm trước, tới thăm từng nhà người thân trong họ hàng ở quê để hỏi thăm, bà đã “sửng sốt” khi 10 người mình gặp gỡ có tới 7 người đang buôn đất. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi chỉ chưa đầy một năm. Những câu chuyện buôn đất lời lớn đã không còn là chủ đề chính của cuộc trao đổi ngày Tết 2023, mọi người quay trở về công việc thường ngày để kiếm tiền như vận tải, trồng cây….

Trao đổi với VietnamFinance về thị trường bất động sản năm 2023, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân nhận định, vướng mắc pháp lý, thiếu hụt dòng tiền sẽ là khó khăn lớn nhất của thị trường trong năm 2023. Nhà đầu tư có khả năng vỡ nợ nếu không có phương án giải bài toán nợ vay bất động sản. Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, tổng lượng giao dịch bất động sản cả năm 2022 xấp xỉ năm 2021 nhưng chủ yếu tập trung trong quý I và II. Trong đó, quý I tăng nóng, quý II chững lại, và thị trường đảo chiều khi quý III giảm mạnh, còn quý IV rất ít giao dịch.

Thị trường lệch pha cung cầu khi nhiều phân khúc sản phẩm nhà ở cao cấp dư thừa, còn nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp lại hiếm. Ở góc độ tài chính, tổng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động chiếm tỷ lệ cao, việc kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản thiếu giám sát chặt chẽ, nhất là việc phát hành trái phiếu do các công ty bất động sản phát hành đã gây rủi ro cho hệ thống, làm mất niềm tin của nhà đầu tư.

Ông nhận định: Năm 2023, thị trường bất động sản vẫn chưa thể thoát sự ảm đạm, sẽ cần vài năm nữa để phục hồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: