Hà Nội: Trẻ bốn tuổi đã mắc bệnh tiểu đường

Bé trai bốn tuổi ở Hà Nội bị tiểu đường type 1, gia đình phát giác muộn nên bé bị hôn mê và phải thở bằng máy – may mắn là sau đó bé đã tỉnh táo và tự thở được – Ảnh: VOH

Mắc bệnh tiểu đường nhưng gia đình không hay biết, đến khi bé trai bốn tuổi bị biến chứng dẫn đến hôn mê thì gia đình mới đưa vào bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng đường trong máu tăng rất cao, đến 37 mmol/l (chỉ số bình thường là 7.8 mmol/l).

Các bác sĩ phải đặt nội khí quản cho bé, kiểm soát đường thở, bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục cùng nhiều biện pháp khác. Sau ba ngày điều trị tích cực, bé trai tỉnh táo, tự thở, bắt đầu ăn uống được, tuy nhiên, bệnh viện phải sử dụng biện pháp kiểm soát đường huyết cho bé bằng cách chích bốn mũi insulin dưới da.

VOH cho biết bé trai tên Đ.M.Q. (4 tuổi, ngụ phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) nhập viện ngày 23 Tháng Mười 2023 và dẫn lời mẹ bé cho biết từ trước đến giờ bé ít khi bị bệnh. Đột nhiên, trong vòng ba tuần nay, bé bị sút khoảng ba ký và đi tiểu nhiều vào ban đêm. Trước đó hai tuần, bé ho, sốt, kèm đờm, khò khè.

Theo Ths. BS. Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi của bệnh viện, bệnh tiểu đường ở trẻ em chủ yếu là tiểu đường type 1, tức là thể phụ thuộc insulin. Bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng, nếu không được phát giác và điều trị kịp thời.

Điểm khó của Q. là gia đình không phát giác bệnh của cháu từ lúc đầu, đến khi biết thì cháu đã ở giai đoạn nặng.

Vì vậy, bác sĩ Kết khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi phát giác con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, kèm sút ký nhanh trong thời gian ngắn, thì nên đưa con đi khám để phát giác bệnh sớm, nhằm điều trị đúng cách, tránh các tai biến trầm trọng có thể xảy ra.

Người dân kiểm tra huyết áp, đường huyết trong ngày 13 Tháng Mười Một 2022 – Ảnh: VnExpress

Tiểu đường type 1 là bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được (hoặc sản xuất rất ít) insulin, dẫn đến thiếu hụt insulin trầm trọng. Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu, dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose.

Điều đáng tiếc là hiện y học chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh tiểu đường type 1 mà bệnh nhân cần khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị.

Tiểu đường type 1 chiếm khoảng 5-10% số người bệnh tiểu đường nói chung, trong đó 95% là do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân.

Một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến căn bệnh này như nhiễm virus coxsackie, rubella, cytomegalo… Một số em bé có chế độ dinh dưỡng tiếp xúc sớm với sữa bò cũng liên quan tới việc khởi phát bệnh.

Trẻ em và thanh thiếu niên bị tiểu đường type 1 nhiều, trong khi tiểu đường type 2 chiếm đa số là người trưởng thành hoặc người già, bị bệnh do lối sống ít vận động, béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, tiền sử gia đình…

Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh của type 1, bệnh tiểu đường type 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng, cho đến khi xuất hiện dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành… thì bệnh đã nặng.

Người dân kiểm tra đường huyết tại bệnh viện Nội tiết – Ảnh: VnExpress

Hồi cuối năm 2022, VnExpress dẫn thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho hay có gần 5 triệu người Việt bị bệnh tiểu đường, tăng gần 43% so với năm 2019, nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán và biết mình mắc bệnh, còn lại thì không.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương còn cho biết thêm chỉ có 23% số người bị tiểu đường đang điều trị tại các cơ sở y tế.

PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam, nhận xét mối nguy hiểm của bệnh tiểu đường là biến chứng – gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết quốc gia, trong đó, nhiều nhất là bị mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân, phải đoạn chi.

Ở Việt Nam, hơn 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, trong đó 34% bị biến chứng tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lúc đó còn nhận định mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát, trong khi các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, bệnh thận mạn, tiểu đường, ung thư… tăng mạnh.

Ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 77% nguyên nhân gây tử vong của người Việt hiện nay, trong đó tim mạch là nguyên nhân hàng đầu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: