Hơn 30 gia đình xanh mặt vì dự án “xanh” của cà phê Trung Nguyên

Hơn 30 gia đình ở khu vực hồ Suối Xanh phải sống tạm bợ nhiều năm nay vì dự án “xanh” của Trung Nguyên không thực hiện – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau 20 năm, dự án ngàn tỷ xây dựng khu du lịch sinh thái – văn hóa cà phê Suối Xanh (phường Tân Lợi, TP. Ban Mê Thuột, Đăk Lăk) của tập đoàn cà phê Trung Nguyên vẫn đang “đắp chiếu”, khiến hơn 30 gia đình sống trong vùng quy hoạch phải trú ngụ tạm bợ trong căn nhà không được sửa chữa, không được mua bán.

Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Bảy phản ảnh có hơn 30 gia đình thuộc tổ dân phố 1, phường Tân Lợi, ở sát hàng rào khu bảo tàng Cà phê Trung Nguyên cho biết họ phải chịu cảnh “ba không”: Không đường, không điện, không nước sạch, trong nhiều năm ròng rã.

Nhà cửa ở khu vực quy hoạch “treo” này hầu hết tồi tàn, lụp xụp, đường sá bết đất bùn, người dân phải uống nước giếng ô nhiễm vì không có nước sạch, cũng như không thể sửa chữa, sang nhượng, vay vốn bằng tài sản của mình. Trong một tấm hình, Tuổi Trẻ còn mô tả: Bên kia hàng rào là bảo tàng Cà phê với tiếng nhạc du dương, còn bên này nhà cửa người dân kín mít, ẩm thấp!

Bên kia hàng rào là bảo tàng cà phê với tiếng nhạc du dương, còn bên này nhà cửa người dân kín mít, ẩm thấp – Ảnh: Tuổi Trẻ

Quá khốn khổ, người dân nhiều lần làm đơn kiến nghị, phản ảnh trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu quốc hội tỉnh nhưng nguyện vọng của họ không được đoái hoài. Suốt 20 năm qua, họ lâm cảnh “sống tạm” trong chính nhà của mình.

Một người dân trong khu quy hoạch “treo” là bà Nguyễn Thị Nội Hà (62 tuổi) cho biết gia đình bà và các hộ dân ở đây vốn là công nhân (hoặc người dân đã mua lại phần đất được cấp của công nhân) của công ty Cà phê Ban Mê Thuột, công ty chia đất dốc ven hồ Suối Xanh cho công nhân làm nhà, trồng rau, trồng cây ăn trái.

Năm 2003, nhà cầm quyền tỉnh quy hoạch khu vực này để xây dựng khu đô thị sinh thái – văn hóa Suối Xanh với trị giá đầu tư hơn 2,000 tỷ đồng của Trung Nguyên.

“Chúng tôi được thông báo đất nằm trong vùng quy hoạch nên nhà không được cấp sổ đỏ, không được cầm cố, sang nhượng. Đã vậy, vì “sống tạm” nên đến hiện tại khu vực này chưa có nước sạch. Dân phải dùng nước giếng mà phía trên là bệnh viện, khu xả thải của Trung Nguyên, trại heo xung quanh gây ô nhiễm” – bà Hà phàn nàn.

Ông Trương Nguyên (52 tuổi) kể lể: “Hàng chục năm nay dân chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố mà sống tối thui. Cách đây ba năm trước họ mới cho kéo đường dây điện, xóm mới có chút ánh sáng về đêm”.

Người dân nơi đây kiến nghị nếu Trung Nguyên cứ “ngâm” dự án, thì nhà cầm quyền phải hủy bỏ dự án này đi, để dân được quyền sở hữu nhà cửa của mình.

Sống ở khu quy hoạch “treo” người dân vô cùng khổ sở về đường đi, nước sinh hoạt – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tháng Chín 2009, Ủy ban tỉnh Đăk Lăk đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu đô thị sinh thái – văn hóa Suối Xanh có quy mô 45.45ha, thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Tháng Tám 2015, trong báo cáo gửi Ủy ban tỉnh Đăk Lăk, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đăk Lăk cho biết đã lập phương án đền bù giải tỏa mặt bằng dự án này từ Tháng Ba 2011.

Văn bản mới đây của Sở Xây dựng Đắk Lắk cho hay tổng mức đầu tư toàn dự án là 2,792 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1,247 tỷ đồng đã xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, khu bảo tàng, công viên cây xanh, nhà ở thương mại (đã thi công 285/611 căn, hoàn thiện 200 căn).

Giai đoạn 2 của dự án có mức đầu tư 1,545 tỷ đồng, thời gian triển khai từ Quý I/2018 đến ngày 31 Tháng Mười Hai 2023, nhưng đến nay chưa hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng, bàn giao đất.

Chiều 10 Tháng Bảy, tại buổi họp báo định kỳ do Ủy ban tỉnh Đăk Lăk tổ chức, lãnh đạo Ủy ban TP. Ban Mê Thuột khẳng định dự án của Trung Nguyên vẫn dây dưa, thuộc trường hợp phải thu hồi.

Ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban TP.Ban Mê Thuột, cho biết giai đoạn 2 của dự án này đã quá hạn ba năm, nhưng lại không có trong danh mục phải thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, vì thế thành phố đã có báo cáo để tỉnh sớm có hướng xử lý.

Theo kế hoạch đến hết năm nay, giai đoạn 2 của dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên tập đoàn Trung Nguyên không rót vốn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất nên hiện thành phố vẫn chưa thể thực hiện bất kỳ công việc nào của giai đoạn 2.

Về nguyên nhân dự án dây dưa, ông Thắng cho biết có trách nhiệm của địa phương trong việc đôn đốc chủ đầu tư, ngoài ra, Trung Nguyên liên tục thắc mắc về tiền sử dụng đất mà công ty này phải nộp cho nhà nước có giá cao.

Phía sau tấm bảng giới thiệu về không gian kiến trúc cảnh quan của dự án khu du lịch sinh thái – văn hóa cà phê Suối Xanh là bãi giữ xe – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về hướng xử lý dự án này, ông Thắng dẫn quy định Luật Đất đai thì dự án (giai đoạn 2) của Trung Nguyên đã quá hạn ba năm, chủ đầu tư tiếp tục dây dưa, phải thu hồi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc lại một lần nữa với chủ đầu tư rồi mới tham mưu cho Ủy ban tỉnh thu hồi theo quy định.

Ngày 9 Tháng Bảy, Tuổi Trẻ liên lạc với đại diện truyền thông của tập đoàn Trung Nguyên thì vị này đề nghị phóng viên gửi câu hỏi, kèm bản chụp công văn của báo qua email. Tuy nhiên, đến ngày 10 Tháng Bảy, dù phóng viên tiếp tục liên hệ nhưng vị này vẫn chưa cho biết địa chỉ email!

Bàn luận dưới bài viết, một bạn đọc hỏi: Dự án có liên quan ông Vũ “qua” không? Người khác trả lời: “Qua biết hết mọi chuyện đó, nhưng qua bỏ qua!” (nhại cách nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nguyên).

Một bạn đọc mỉa: “Do có liên quan đến họ dây leo với dưa chuột, nên đa phần người dân ai cũng xanh mặt cả”.

Đằng sau các dự án xây dựng của các công ty, tập đoàn tại Việt Nam đều có sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền để “thu hồi đất của dân”. Lợi ích của doanh nhân và cán bộ là một, nên người dân có nhà, đất trong vùng quy hoạch đành ngậm đắng nuốt cay, có khiếu kiện cũng bằng thừa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: