Lễ hội “Rạng danh Văn hóa ẩm thực Việt” toàn món ăn vặt

Lễ hội Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt toàn món ăn vặt diễn ra từ ngày 20-22 Tháng Mười 2023 – Ảnh: Minh Anh

Mang cái tên rất kêu là Lễ hội Rạng danh Văn hóa  ẩm thực Việt và được tổ chức từ ngày 20-22 Tháng Mười 2023 trong vườn cây của dinh Độc Lập, tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, thế nhưng những gì diễn ra cho thấy không giống vậy.

Món nướng ăn cùng cơm lam có rất nhiều gian hàng bán – Ảnh: Minh Anh

Dịp vui chơi của bạn trẻ và gia đình, nhìn kỹ cũng có thứ mới mẻ, thú vị

Khách tham quan lễ hội, gọi đúng là hội chợ, đa số là dân Việt, ít có du khách ngoại quốc, dù họ vào tham quan dinh cũng nhiều và có thể ghé qua hội chợ. Có hai nhóm khách chính: nhóm bạn (toàn người trẻ) và nhóm gia đình. Vì Sài Gòn ít chỗ vui chơi, công viên cũng ít, nên hội chợ ẩm thực là dịp để mọi người hẹn nhau đi ăn uống cuối tuần.

Bạn trẻ thì ăn gì cũng thấy ngon, ăn cùng nhau lại càng ngon – Ảnh: Minh Anh

Trên những cái bàn nhựa giữa các gian hàng, thấy nhóm bạn hoặc nhóm gia đình (trẻ em đi cùng cha mẹ, ông bà hoặc cha mẹ già được thanh niên hộ tống) vui vẻ ngồi ăn uống rất vui. Đây là điểm cộng của hội chợ.

Nhóm bạn thì khám phá các món chiên, món nướng xiên que  – chiếm chủ yếu ở đây; nhóm gia đình thì kêu đủ thứ, trong đó có các thể loại bún, phở, mì, hủ tiếu… cho trẻ em (hoặc người già) dễ nuốt.

Khách Việt chiếm chủ lực, chia thành nhóm bạn và nhóm gia đình – Ảnh: Minh Anh

Món rẻ nhất ở hội chợ có giá 10,000 đồng là ly kem tươi, còn đa số các món nước và que xiên (cá/tôm/mực/thịt heo) có giá từ 20,000 đồng – 100,000 đồng.

Cá biệt có gian hàng bán “đặc sản” côn trùng, từ dế và bọ cạp chiên nước mắm giá 30,000 đồng/con, đến nhộng ve sầu chiên và cả con đuông dừa còn sống ngo ngoe trong thau nước (phải mua ít nhất ba con, mỗi con 15,000 đồng).

“Mua bọ cạp chiên nước mắm ăn thử đi cô, 30 ngàn một con” – người bán mời – Ảnh: Minh Anh

Ngoài các món mặn, hội chợ còn bán cả món chay (mì xào, bánh cuốn) và có rất nhiều món bánh miền Tây ăn cùng nước dừa, giá 20,000 đồng/hộp. Nước uống thì ngoài chanh dây, trà mãng cầu, thốt nốt, còn có ép lựu Thái Lan, giá 40,000 đồng/chai, đắt nhất, nhưng rất đông khách.

Nước ép lựu Thái Lan đắt nhưng ngọt bán rất chạy – Ảnh: Minh Anh

Điểm thú vị của hội chợ là có những gian hàng bán sản phẩm mang đặc tính địa phương, kiểu OCOP (tên viết tắt của cụm chữ tiếng Anh “One Commune One Product”, báo mạng trong nước dịch là “Mỗi xã một sản phẩm”) như các loại mắm miền Trung, bún gạo có màu từ rau củ, các loại trà từ thảo mộc, thực phẩm chế biến từ các nông trại nuôi tôm-cua Cà Mau, các loại túi-ví-nón… đan thủ công, từ lá và sợi tự nhiên.

Gian hàng này có vẻ lạc loài, chả mấy ai chú ý – Ảnh: Minh Anh

Trong số đó, gian hàng Huỳnh Đức giới thiệu sản phẩm bún khô có màu rau củ bằng cách bán món bún xào bốn màu trông rất hấp dẫn.

Bún khô pha trộn rau củ như khoai lang tím, rau ngót và bí đỏ là một sản phẩm OCOP – Ảnh: Minh Anh

Nhân dịp này, cũng có những công ty, nhà hàng giới thiệu sản phẩm của họ, như nhà hàng Le Chef quận Phú Nhuận giới thiệu món phở nhân sâm Wisconsin nhập từ Mỹ, nấu với bò Mỹ, có nước dùng thanh mát.

Ai đến gian hàng này cũng được mời thử món phở nhân sâm và mời mua những hộp sâm đã được thủy phân trông giống như viên kẹo, được giới thiệu là dùng được cho người cao huyết áp, khác với sâm Korea.

Phở bò nấu từ bò Mỹ và sâm Wisconsin do nhà hàng Le Chef giới thiệu – Ảnh: Minh Anh

Ngoài những công ty chế biến thực phẩm quen tên như Mikko (các loại bột), Tân Huê Viên (bánh pía và lạp xưởng), còn có công ty mới là Hato Food với các loại gia vị băm sẵn hoặc xắt lát mỏng sấy khô rất tiện lợi, đóng gói đẹp, như hành, tỏi, sả, nghệ, ớt, gừng… Hato còn có những gói gia vị nước dùng từ hải sản, nấm để nấu hủ tiếu hoặc dashi để nấu các loại xúp miso, lẩu.

Chà, những gói gia vị khô này thật tiện lợi cho những ai thích vào bếp – Ảnh: Minh Anh

Tại một gian hàng có đến ba nhãn hiệu khác nhau, tôi thấy quầy bánh PDD (Pretty Damm Delicious) của một người Mỹ tên Guy khá thú vị. Quầy bánh của ông rất nhỏ, trưng bày một ít bánh chuối, bánh berry… do vợ chồng ông (chồng Mỹ, vợ Việt) tự làm, giá từ 60,000 đồng – 85,000 đồng.

Cách giới thiệu bánh của ông thật nhẹ nhàng, chậm rãi, bảo rằng bánh PDD không sử dụng men công nghiệp, tất cả nguyên liệu đều theo tiêu chuẩn organic, thuần chay theo tiêu chuẩn Ayurveda (trường phái ăn uống thuận tự nhiên của Ấn Độ).

Có một người Mỹ tự hào bán các loại bánh thuần chay rất nên thử – Ảnh: Minh Anh

Ông thổ lộ mình đã sống ở Việt Nam 20 năm, thỉnh thoảng mới về Mỹ (lần gần nhất là bốn năm trước) và bảo sống ở Việt Nam ông cảm thấy “crazy happy”.

Bánh chỉ vài chục ngàn, mà ông đựng trong hộp làm từ bã mía thân thiện với môi trường, chắc cả hội chợ chỉ có mình ông sử dụng loại hộp đắt tiền này!

Bánh làm bằng nguyên liệu organic, theo nguyên tắc ăn uống tự chữa lành của Ayurveda – Ảnh: Minh Anh

Người chủ cơ sở trái cây sấy dẻo bán chung gian hàng với ông cho biết vợ chồng ông rất hiền và dễ thương, họ gặp nhau ở một hội chợ ở Thảo Điền (TP.Thủ Đức), từ đó hội chợ nào cũng rủ nhau.

Một đôi bạn người Thụy Sĩ lần đầu tiên đi du lịch Việt Nam mà tôi gặp trong hội chợ, trông họ rất vui khi thưởng thức món bánh tráng nướng cầm trên tay. Chàng trai nói: Bánh rất  ngon. Còn cô gái thì khi nghe nói giá một bịch trái cây sấy dẻo 90,000 đồng thì liền rút ra tờ 100,000 đồng để trả – có vẻ như cô cũng đã quen với tiền đồng Việt Nam.

Đôi bạn người Thụy Sĩ tham quan hội chợ mua ăn thử món bánh tráng nướng và khen ngon – Ảnh: Minh Anh

Giống phố ẩm thực đêm bán món ăn vặt

Điểm trừ lớn nhất của hội chợ này là cách bố trí gian hàng rất lộn xộn, không phân theo ngành hàng; danh mục các món ăn giới thiệu nghèo nàn, không phản ảnh được sự đa dạng vùng miền của Việt Nam, đa số là món ăn vặt, kiểu xâu que, y như tại phố ẩm thực đêm.

Hai bạn trẻ chờ mua xiên thịt nướng ăn cùng cơm lam – Ảnh: Minh Anh

Để giảm chi phí, nhiều gian hàng chia nhau hai – ba cơ sở cùng thuê, nhưng ngành hàng có khi chả liên quan gì với nhau. Chẳng hạn nông trại Kiến Huy chuyên bán rau củ Đà Lạt cùng chung một gian hàng với cơ sở sản xuất nhang trầm; một gian hàng khác bán các loại trà thảo mộc dạng túi lọc, thì lại bày thêm các loại chả từ thịt heo.

Rau củ quả tươi từ nông trại trưng bày và bán chung cùng nhang trầm – Ảnh: Minh Anh

Lối đi giữa các gian hàng cũng không đều nhau, chỗ chật, chỗ rộng. Tổ chức hội chợ giữa trời, dưới hàng cây mà nhiều người vào hội chợ phải cầm theo quạt tay vì quá nóng nực.

Ở khu vực lối vào, gọi là khu “check-in” có một “Bức tường danh vọng – Vinh quang nghề bếp” với rất nhiều màn hình, nhưng đều… đen thui, chả hiển thị gì trên đó, nên bên dưới bức tường bỗng trở thành chỗ nghỉ chân cho khách tham quan khi họ ăn uống xong.

“Bức tường danh vọng” không hề có thông tin trở thành chốn nghỉ chân – Ảnh: Minh Anh

Ngoài ra, ngay từ cổng đã thấy lộn xộn. Khách tham quan hội chợ sẽ được chỉ lối vào qua cổng chính – nơi ra vào của các loại xe du lịch, hoàn toàn không an toàn, vì không phải mua vé.

Còn khách tham quan dinh sẽ phải mua vé và vào lối cổng phụ có người soát vé. Khách tham quan dinh có thể ghé qua hội chợ nếu thích nhưng khách đi hội chợ không được vào dinh (vì có thêm người soát vé lần nữa khi bước vào dinh).

Tổ chức hội chợ trong dinh mà chỉ bán món ăn vặt thì quá uổng – Ảnh: Minh Anh

Có người chỉ vào hội chợ mà vẫn tốn tiền vé, đó là một vị khách nữ khoảng trên 50 tuổi ở quận 10. Khi nói chuyện với nhau, bà mới biết vào hội chợ không phải mua vé. Thông tin nói chung từ đầu cổng vào đã không rõ ràng.

Nhận xét về hội chợ, vị khách nữ ở quận 10 nói: “Hội chợ này xoàng, chả có gì đặc biệt. So với hội chợ ẩm thực Thái Lan ở công viên 23 Tháng Chín không bằng, càng không thể so với hội chợ bánh dân gian Nam Bộ tổ chức ở Cần Thơ, quá trời món ăn ngon”.

Về giá cả món ăn trong hội chợ, bà chê đắt, bảo ra ngoài ăn rẻ mà ngon hơn.

Món bánh dân gian này ở ngoài bán 10,000 đồng, trong hội chợ bán 20,000 đồng – Ảnh: Minh Anh

Một phụ nữ khác khoảng trên 40 đi cùng con trai khoảng 16-17 tuổi, cho biết: “Ngày tổ chức đầu tiên hôm Thứ Sáu, tôi đi với mấy chị em trong nhà, lúc đó ít gian hàng, không chật chội như hôm nay. Hôm nay nhiều gian hàng hơn, coi đông vậy mà ít món, hầu hết là cơm lam, đồ nướng, đồ chiên, chỉ bọn trẻ thích”.

Bà mẹ này nhớ lại có lần đi hội chợ ẩm thực ở Văn Thánh, trông thì đẹp, chứ ăn tô bún cá ngừ 70,000 đồng mà mặn quá, thua nhà nấu.

Cả hai bà kết luận: Đi xem cho biết hội chợ tổ chức trong dinh như thế nào thôi, xem rồi thấy không xứng.

“Hậu trường” của một gian hàng bán đồ ăn vặt, toàn ly nhựa, hộp xốp để đựng thực phẩm, thức uống – Ảnh: Minh Anh

Kể ra, tổ chức một hội chợ trong dinh – một di tích đẹp ngay trung tâm Sài Gòn, nơi có nhiều du khách nước ngoài vào tham quan, mà ồn ào, nhộn nhạo, toàn món ăn vặt, giống như phố ẩm thực ban đêm tại một góc phố nào đó thì đúng là uổng!

Tội nghiệp nhất là bãi cỏ  – nơi tổ chức hội chợ, khi bị khách tham quan đi, đứng, ngồi… dày xéo không thương tiếc. Sau hội chợ, đơn vị quản lý dinh khôi phục lại mặt cỏ cũng tốn bộn.

Mặt cỏ xanh bị giẫm đạp không thương tiếc, khôi phục lại cũng tốn bộn tiền – Ảnh: Minh Anh

Đúng là lợi bất cập hại, khi bày chợ giữa di tích quan trọng phải ưu tiên bảo tồn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: