Tham gia thi áo dài trên mạng, nhiều phụ nữ bị lừa mất hàng trăm triệu đồng

Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi, nhiều phụ nữ bị kẻ mạo danh lừa hàng trăm triệu đồng – Ảnh: Tiền Phong

Nghe bạn bè rủ tham gia cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc” trên mạng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 Tháng Mười, nhiều phụ nữ bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Đó là phản ảnh của độc giả báo Tiền Phong.

Ngày 15 Tháng Mười 2023, Tiền Phong cho biết những người phụ nữ này bị sập bẫy vì tin cuộc thi này là do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cùng với VTV – Đài truyền hình Việt Nam.

Nghĩa là những người phụ nữ này vẫn có niềm tin vào cái tổ chức vô dụng nhân danh phụ nữ và tin vào sự chính danh của VTV, kể ra thật tội nghiệp.

Họ đã bị lừa như thế nào?

Bà T., sinh sống ở một quận nội thành Hà Nội kể được một người bạn gửi đường link giới thiệu tham gia cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc” nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Bà đã nhắn tin hỏi thể lệ cuộc thi.

Kẻ mạo danh đã yêu cầu bà gửi số điện thoại, kết bạn, lập nhóm chat năm người trên Zalo (tên app nhắn tin và hội thoại miễn phí ở Việt Nam, tương tự Viber, WhatsApp).

Qua nhóm chat, các đối tượng gửi các văn bản phối hợp với VTV, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (có logo và con dấu) để làm tin và nêu điều kiện: Để được tham gia cuộc thi, các thí sinh cần thực hiện một thử thách, đó là vào trang của đơn vị tài trợ là “https://vuahanghieu.com” đặt mua hàng để tăng doanh thu, uy tín, thu hút khách hàng cho đối tác.

Từ ham tham gia cuộc thi áo dài, các bà bị đánh vào lòng tham sẽ có ngay lãi suất cao khi chuyển tiền mua hàng – Ảnh: Tiền Phong

Những kẻ mạo danh mồi chài: Sau khi mua hàng, chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng gửi, các thí sinh sẽ được nhận lại tiền và tặng 25% giá trị tiền đã mua hàng. “Được lời ngay 25% chỉ bằng cách chuyển tiền”? Cú lừa này cũ rích, trên mạng nói đầy, thế nhưng lòng tham đã khiến bà này mờ mắt, quên hết mọi sự.

Khi bà T. đặt hai mã hàng đầu tiên với số tiền hơn 20 triệu đồng, thì các đối tượng gửi trả ngay tiền gốc và tặng thêm 25% giá trị số tiền mua hàng. Thấy các “chim mồi” trong nhóm đặt tiền mua hàng liên tục với trị giá vài trăm triệu đồng, bà T. ham quá cũng làm theo, gửi 200 triệu đồng.

Lúc này, bà không được tiền trả lại, hỏi thì kẻ mạo danh yêu cầu: “Đặt thêm tiền và nhận tiền trả lại một lần, chuyển đi chuyển lại nhiều mất thời gian”.

Sợ mất tiền, bà gửi tiếp lên đến 400 triệu ($16,332), nhưng vẫn không nhận lại tiền gốc và lãi như đã hứa, mà bị dụ nộp tiếp 200 triệu đồng hoặc 100 triệu đồng.

Nghi ngờ, bà T. xin địa chỉ văn phòng đến nộp tiền trực tiếp, thì các đối tượng gửi địa chỉ của VTV. Sau đó, bọn mạo danh im bặt, nhắn tin không ai trả lời. Bà T. tuyệt vọng, tố cáo với công an để mong lấy lại tiền nhưng… hầu hết những dạng bị lừa tự nguyện để “ăn tiền lời” này không bao giờ tìm ra thủ phạm!

Đến mặt mũi còn làm giả được thì việc giả công văn VTV tổ chức cuộc thi thì có là gì? – Ảnh: Tiền Phong

Cũng với thủ đoạn tương tự, một phụ nữ khác tên H. ở Hà Nội bị lừa hơn 450 triệu đồng ($18,373); bà K. ở Bắc Ninh mất 200 triệu đồng ($8,166).

Phóng viên Tiền Phong đã thử liên hệ vào đường dây nóng của VTV và cán bộ phụ trách truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để xác minh. Cả hai đơn vị này đều khẳng định không phối hợp với doanh nghiệp nào tổ chức cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc” trong dịp 20 Tháng Mười năm 2023!

Báo Phụ Nữ Việt Nam cùng ngày cho biết công an các tỉnh phía Bắc đã nhận được nhiều trình báo tương tự, cho thấy nhiều người bị lừa mất tiền vì cuộc thi giả mạo này.

Phụ Nữ Việt Nam cũng dẫn thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định đơn vị này không hề tổ chức cuộc thi nào trên Facebook, dù là “Duyên dáng Áo dài”, “Ảnh đẹp Áo dài”, “Áo dài Việt Nam trong tôi”, “Cuộc thi Duyên dáng Áo dài Dân tộc”.

Lừa đảo trên mạng lấy tiền thật có nhiều kiểu khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là đánh vào lòng tham của người tham gia – Ảnh: Tiền Phong

Nhân vụ lừa đảo “Cuộc thi” mà mất tiền này, Tiền Phong dẫn lời của Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên viên tội phạm học, Cục Truyền thông (Bộ Công an) cho biết, tỷ lệ điều tra phá các vụ án lừa đảo qua mạng rất thấp so với thực tế.

Việc điều tra việc lừa đảo trên mạng rất khó khăn, vì nhóm lừa đảo trên mạng thường ở nước ngoài, tìm ra địa chỉ cũng khó bắt giam, nên mỗi người phải tự tạo cho mình thói quen kiểm chứng, bằng cách gọi điện thoại đến các cơ quan bị mạo danh để kiểm chứng.

Mặt khác, những chương trình mời tham gia mà đích đến liên quan đến tiền và lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng thì đều là lừa đảo!

Nói chung, những phụ nữ bị lừa này đều sập bẫy vì có lòng tham trước con số lãi suất 25% – chiêu lừa cũ nhưng luôn hiệu quả!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: