Việt Nam: Dân số đạt 100 triệu – nhiều vấn đề nảy sinh

30% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và có tỷ lệ chưa qua đào tạo còn rất cao khiến cho chất lượng lao động của Việt Nam còn kém – Ảnh: Dân Việt

Theo Tổng cục Thống kê, Tháng Tư 2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu, trở thành nước đông dân thứ 15 trên thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á. 

Như vậy, Việt Nam sẽ thành một cường quốc dân số đúng nghĩa, một thị trường tiêu thụ hấp dẫn mà các công ty đa quốc gia sẽ không thể ngó lơ. Thế nhưng, loạt bài “Dân số Việt Nam 100 triệu” của Dân Việt (khởi đăng ngày 24 Tháng Tư 2023 – 27 Tháng Tư 2023) đã khắc họa bốn vấn đề lớn mà Việt Nam phải giải quyết.

Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, tức số người trong độ tuổi lao động là đa số, thế nhưng, đông lao động nhưng lại thiếu tay nghề, kỹ năng và trình độ. Theo tiêu chí của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi chiếm 30% và người già từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số, được coi là trong thời kỳ dân số vàng.

Gs. Nguyễn Đình Cử, cựu Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, thuộc trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân, cho biết giai đoạn dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30-35 năm, từ năm 2007 đến khoảng 2035. Hiện tỷ lệ người từ 15 đến 64 tuổi của Việt Nam là 67.5%, tức có khoảng gần 68 triệu người có khả năng lao động, một “mỏ vàng” thật sự.

Thế nhưng, nhìn lại 16 năm qua của thời kỳ dân số vàng, kết quả kinh tế của Việt Nam chưa đạt được sự phát triển thần kỳ giống như Nam Hàn hay Nhật Bản, theo Dân Việt. Tại sao?

Gs. Cử nhận định, Việt Nam mới tận dụng nguồn “vàng” ở mức “bảo đảm việc làm cho người có khả năng lao động” còn năng suất cao, thu nhập lớn vẫn chưa đạt. Nguyên do là trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa được đào tạo lên đến hơn 70%, cứ 4 lao động thì có đến 3 lao động chưa được đào tạo. Thậm chí, ở đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 7%, tuyệt đại bộ phận là lao động giản đơn, năng suất thấp. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 51.7 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng có tới 73.8% số người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ 26.2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học). Tính đến Quý I/2023, trong số 52.2 triệu người thuộc lực lượng lao động, vẫn có khoảng 38.1 triệu lao động chưa qua đào tạo, tức 72.9%!

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, nên tỷ lệ bé trai khi sinh đang nhiều hơn bé gái – Ảnh minh họa Dân Việt

Thứ hai, Việt Nam đang mất cân bằng giới tính khi sinh. Ước tính khoảng 15-20 năm nữa, Việt Nam phải đối diện với việc “thừa nam, thiếu nữ”, có khi phải “nhập cảng” cô dâu như hiện tại của Ấn Độ, Trung Quốc. TS. Phạm Vũ Hoàng, Tổng cục phó Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra cả thành thị và nông thôn. Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số mất cân bằng giới tính cao thứ 3 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. 

Năm 2022, tỷ số này ở Việt Nam là 113.7 (không đạt mục tiêu đề ra là 111.4). Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được đặt ra từ năm 2006, khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109.8 bé trai/100 bé gái, dù có các giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn liên tục gia tăng, có giảm cũng chỉ giảm nhẹ rồi lại dao động ở mức 112-114 bé trai/100 bé gái.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở vùng trung du và miền núi phía Bắc (114.1) tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (110.6), trong đó 6 tỉnh có tỷ số trên 120 bé trai/100 bé gái như: Bắc Giang (126.8/100), Hà Nam (125.3/100), Hưng Yên (123.6/100), Sơn La (121.8/100), Hòa Bình (121.8/100), Bà Rịa – Vũng Tàu (121.1/100).

Lạ đời nữa là Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có sự chênh lệch giới tính ngay từ đứa con đầu tiên, tức các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh con đầu tiên.  Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế khá giả lại ưng có con trai hơn con gái, khi năm 2019, tỷ số này trong nhóm nhà nghèo là 108.2 bé trai/100 bé gái so với 112.9/100 ở nhóm nhà giàu! 

Thứ ba, phụ nữ Việt Nam ở một số vùng đang có tình trạng lười sinh tiếp sau khi có một con. Khẩu hiệu của Việt Nam bây giờ là mỗi gia đình nên có đủ hai con, thay cho khẩu hiệu trước kia là mỗi gia đình chỉ nên có hai con, thế nhưng tại nhiều tỉnh thành, nhiều bà mẹ chỉ sinh một con hoặc trì hoãn việc có con, thậm chí không cần có con. 

Khảo sát của Dân Việt tại các khu nhà trọ công nhân ở Sài Gòn cho thấy nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con vì thu nhập không đủ sống, có con rồi sợ không lo được; còn những ai đã có một con thì đều gửi con ở quê nhà cho cha mẹ chăm sóc, vì chi phí sinh hoạt và học tập ở quê rẻ hơn. Mặt khác, có những cặp vợ chồng dù đã khá giả, có nhà riêng, vẫn ám ảnh thời nuôi con mọn trong cảnh nghèo khổ nên chỉ muốn tích cóp của cải để gia đình có cuộc sống an nhàn, không nghĩ việc có thêm con.  

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền. Tổng tỉ suất sinh (TFR) của nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng xuống dưới 2 con/phụ nữ, còn miền núi, thôn quê, TFR lên đến hơn 2.5 con/phụ nữ. Hiện có 21 tỉnh, thành phố thuộc Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung có mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ). Mức sinh rất thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, trong đó Sài Gòn nhiều năm gần đây dao động từ 1.3 – 1.5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Việc lười sinh tiếp sau khi có một con cũng làm gia tăng lựa chọn giới tính khi sinh là bé trai, làm mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao hơn nữa. Hệ lụy là 15-20 năm nữa, sẽ có nhiều đàn ông Việt không lấy được vợ.

Dự báo năm 2038, 20% dân số Việt sẽ từ 65 tuổi trở lên (tương đương với hơn 20 triệu người già). Nếu mức sinh thấp thì tốc độ già hóa dân số càng nhanh, đặt ra rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc người già và đặc biệt là thiếu hụt nguồn lao động…

Mục tiêu của ngành dân số Việt Nam hiện nay là “Mỗi gia đình sinh đủ hai con” thay vì “Mỗi gia đình chỉ sinh hai con” như trước kia – Ảnh minh họa Pixabay

Thứ tư, thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người chính là già hóa dân số, GS. Nguyễn Đình Cử nhận định. Hiện tại, người già chiếm 12% dân số, khoảng 12 triệu người nhưng sau 15 năm nữa, Việt Nam có hơn 20 triệu người già từ 60 tuổi trở lên trong khi hệ thống an sinh xã hội còn chưa tốt. Ông Cử phân tích: Số lượng người già tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của người già Việt Nam còn rất kém. Đa phần người già sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định, tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật, khoảng cách thế hệ giữa người già và người trẻ quá lớn. Trong khi đó, ở nhiều vùng quê, con cái di cư lên thành phố làm ăn, người già neo đơn một mình, không có người chăm sóc, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.

Chia sẻ trường hợp một người bạn, ông Cử cho biết, vợ chồng bạn ông hơn 70 tuổi phải “tha hương”, “đôi lứa chia lìa” vì người chồng có lương hưu thì con trai nhận nuôi, còn người mẹ không có lương hưu phải vào Nam sống nhờ con gái, đúng là thảm.

Cũng theo ông Cử, hiện chỉ 20% người già Việt Nam có lương hưu, nhưng số tiền này ít ỏi, không đủ trang trải khi bệnh tật nên phải nhờ con cái, cũng không đủ tiền vào nhà dưỡng lão, vì đa phần nhà dưỡng lão do tư nhân mở ra chỉ phục vụ cho người giàu. 

80% số người già còn lại, đa số phải tự bươn chải kiếm tiền, con cái còn “chê” cha mẹ, chất lượng sống rất thấp. Người già nghèo và bệnh tật ở Việt Nam cũng không trông chờ được vào chính sách xã hội, vì quá lạc hậu, chẳng hạn như phải từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và có trợ cấp 500,000 đồng/tháng/người ($21/tháng/người 80 tuổi trở lên). Trong khi đó, từ năm 1967, Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo các quốc gia nên cho người từ 65 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội.  

GS. Nguyễn Đình Cử, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định, thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu dân chính là già hóa dân số – Ảnh An Vui cắt từ video của Dân Việt

Điều lý tưởng theo ông Cử là Việt Nam phải xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già tốt, chẳng hạn trợ giúp các nhà dưỡng lão tư nhân giảm tiền thuê đất, tiền điện nước, để họ có thể giảm giá dịch vụ, giống như ở Nhật Bản, nhà dưỡng lão được nhà nước trợ giúp chi phí xây dựng đến 70% và trợ giúp một phần tiền sinh hoạt cho người già thì số tiền phải đóng còn lại rất ít. Đồng thời, Việt Nam phải xây dựng môi trường xã hội thân thiện với người già, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt cho người già như mở các câu lạc bộ,  chẳng hạn như ở Nam Hàn đã thành lập 70,000 “Nhà già” tương đương như “Nhà trẻ”, để cho các cụ đến sinh hoạt vào ban ngày và tối về nhà.

Ts. Phạm Vũ Hoàng cho biết thêm: “Việt Nam một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ mất khoảng 27 năm trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước đến hơn 100 năm”. Ngoài ra, có đến 67.2% người già Việt Nam sống ở nông thôn, đời sống vật chất thiếu thốn. Mặt khác, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao (73.6 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 63.2 tuổi đối với nam và 70 tuổi đối với nữ. Mỗi người già Việt có từ 3-6 bệnh mãn tính, đối diện với nguy cơ giảm chức năng vận động hàng ngày do quá trình lão hóa.

Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số già, theo dự báo mới nhất là sẽ bắt đầu năm 2038, đây là một thách thức rất lớn, ông Hoàng nhận định. 

Rõ là nước chưa giàu, mà dân thì rất đông… và lại sắp già, nên con số 100 triệu dân không phải là điều để người Việt tự hào.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: