Thông điệp bất ngờ của người biểu tình Trung Quốc: Tự do điện ảnh!

Doanh số các rạp chiếu phim Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách “zero-Covid” (Getty Images)

Khi người biểu tình Trung Quốc (TQ) chống “zero-Covid” họ cũng muốn “Tự do điện ảnh”. Hollywood nên xem đây là cơ hội để lấy lại vị thế của mình sau thời gian dài bị o ép.

“Tự do điện ảnh” nên được hiểu là “tự do xem phim Hollywood”

Sau gần ba năm phong tỏa hà khắc vì coronavirus, người dân TQ có rất nhiều điều để phản đối. Hệ thống mã QR xác định họ đi đâu giống như vòng chân theo dõi tù nhân tại ngoại. Nhốt người trong chung cư là hành vi man rợ. Đổ lỗi cho những nạn nhân bị chết cháy vì “quá yếu” để tự cứu mình tại Tân Cương là vô nhân tính! Nhưng tiếng hô vang từ đám đông kêu gọi “Tự do điện ảnh” trong những cuộc biểu tình chống “zero-Covid” đã khiến các nhà làm phim và giám đốc điều hành Hollywood cũng như chính quyền TQ phải suy nghĩ nghiêm túc.

Với việc bộ phim bom tấn “Avatar: The Way of Water” của đạo diễn James Cmeron sẽ ra rạp tại TQ chỉ sau vài ngày nữa, sự cổ vũ cho “Tự do điện ảnh” đã tạo ra cơ hội mới để Hollywood phản ứng trước những o ép phải chịu đựng bấy lâu nay. Thực tế cho thấy, trong vài chục năm nay, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ khi mang phim sang TQ đã phải chấp nhận những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt của chính phủ sở tại đối với cách kể chuyện của Hollywood. Bất chấp sự can thiệp thô bạo vào câu chuyện hay nhân vật trong phim, họ vẫn phải tìm mọi cách kiếm kiền từ thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới với lợi nhuận cực kỳ béo bở (dĩ nhiên là nếu phim của họ lọt qua được các vòng kiểm duyệt nội dung).

Người biểu tình Trung Quốc giờ đây đòi cả quyền “tự do điện ảnh” (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Nhưng điều bất ngờ là vào thời điểm khả năng tiếp cận thị trường TQ giảm dần do nhiều bộ phim Mỹ bị cấm chiếu hay phải “biến hình” vì lý do này hay lý do khác, công nghiệp điện ảnh Mỹ lại có vị trí tốt hơn bao giờ hết. Lý do:

Lần đầu tiên khán giả TQ đã công khai kêu gọi “Tự do điện ảnh” (tức là quyền được xem các bộ phim họ thích, ở đây là phim Hollywood) bên cạnh nhiều quyền tự do khác. Trong ba năm qua, thị trường điện ảnh TQ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi coronavirus, nếu không nói là xuống đến đáy, một phần là do việc đóng cửa phong tỏa nhiều thành phố. Hệ thống rạp chiếu phim thường đông đúc ở thành phố thương mại hàng đầu Thượng Hải đóng cửa trong thời gian dài ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu phim.

Việc hầu hết khán giả TQ mất tiếp cận với phim Mỹ còn do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đảng cộng sản cai trị đã tìm mọi cách để phim nội địa được ưu tiên đến với đại chúng. Chiến lược “dị ứng với phim ngoại” này đã dẫn đến việc một số hãng phim Mỹ phải chia tay hoàn toàn với TQ. Ông Tập và phần còn lại của Đảng Cộng sản TQ có thể đã đẩy Hollywood vào thế không còn chọn lựa nào khác là từ bỏ thị trường TQ. Hệ quả là doanh thu phòng vé của bộ phim “Middle Kingdom” (Vương quốc Trung Hoa) tại TQ bằng… không cho dù đã được bật đèn xanh. Trong khi đó, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua nêu rõ “Cấm sử dụng tiền liên bang hỗ trợ các dự án giải trí có quan hệ với Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Đói phim Hollywood và tuyệt vọng vì không thể có nó đã khiến những người yêu thích điện ảnh Hollywood tại TQ chấp nhận rủi ro khi hô hào “tự do điện ảnh” trong các cuộc biểu tình chống “zero-Covid”. Tờ Hollywood Reporter đưa tin video chiếu cảnh những người biểu tình ở Thượng Hải hô vang: “Tôi muốn xem một bộ phim (Mỹ)” đã được những người hâm mộ điện ảnh TQ chia sẻ rộng rãi trên WeChat vào cuối tuần qua.

Lựa chọn của James Cameron

Các hãng phim Mỹ thấy họ không còn gì để mất về doanh thu khi khán giả TQ bị cô lập quá tàn nhẫn trong chiến dịch “zero-Covid” và bị tước đi cơ hội xem một bộ phim được nhiều người mong đợi như “Avatar: The Way of Water”. Đối với họ, nếu nhà văn kiêm đạo diễn Cameron của bộ phim lên tiếng ủng hộ “Tự do điện ảnh” cũng chẳng mang lại sự thay đổi gì, nhưng họ vẫn thất vọng khi thấy người đứng sau các bộ phim bom tấn “Titanic”, “The Terminator” và “Avatar” giữ im lặng trước tình trạng bất ổn dân sự lớn tại TQ.

Từ “TQ” cũng không xuất hiện lần nào trong bài báo dài gần 5,000 từ của Hollywood Reporter viết về Cameron và phần tiếp theo của “Avatar” được chờ đợi rất lâu. Điều đó thật kỳ lạ không chỉ là vấn đề nhân quyền. Cameron cho biết “Avatar: The Way of Water cần phải là một trong năm bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại để có lãi”. Ông dư biết mục tiêu “thần kỳ” này không thể đạt được nếu không có khán giả TQ tham gia (nhiều người TQ vẫn say mê “Avatar” gốc). Cần biết, trong 10 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, chỉ có một phim không được chiếu ở TQ.

The Washington Post đã yêu cầu Cameron và hãng phim Lightstorm Entertainment của ông bình luận về các cuộc biểu tình ở TQ và việc bộ phim sắp được 20th Century Studios ra mắt tại TQ nhưng không nhận được hồi đáp. Cameron có lợi thế lớn tại TQ do ông có nhiều phim nổi tiếng chiếu tại quốc gia này. Giám đốc điều hành phim ảnh Chris Fenton, người đã giúp mở cửa thị trường TQ cho Hollywood, đã nhiều lần cảnh báo: “Chính quyền TQ nên làm mọi cách duy trì sự cân bằng trong cuộc sống xã hội và giữ cho người dân vừa đủ hạnh phúc để họ không tham gia nổi dậy công khai”.

Nhưng với cuộc biểu tình ầm ĩ đang diễn ra, chưa bao giờ là thời điểm tốt hơn để Hollywood và Cameron lên tiếng. “Với bộ phim mới nhất của mình được chờ đón ở TQ, Cameron đã vượt qua được những thoái bộ của Hollywood trong năm nay – Fenton nhận xét – Chính quyền Bắc Kinh tôn trọng ông ta, khán giả TQ ngưỡng mộ ông ta, và các nhà hát cần ông ta”. Có lẽ chính vì thế mà Cameron phải giữ im lặng để bảo đảm doanh thu cho bộ phim mới – The Washington Post cho biết.

‘Avatar’ định dạng IMAX 3D chiếu tại Trung Quốc Tháng Ba 2021 (ảnh: Tong Yu/China News Service via Getty Images)

Hollywood cần reset lại sự chọn lựa của họ

Nhưng bất kể Cameron chọn làm gì (hay không làm), Hollywood nên coi sự suy giảm doanh thu phòng vé tại TQ như cơ hội để reset lại và suy nghĩ lại mối quan hệ của họ với chính quyền TQ, đặc biệt là khi khán giả TQ (ít nhất là những người yêu phim Mỹ) đang đứng về phía họ. Dù sao thì nếu TQ là một thị trường bị mất, các hãng phim Mỹ nên áp dụng cái mà gọi là “Tiêu chuẩn Tarantino” (ám chỉ đạo diễn Quentin Tarantino, người mạnh mẽ chống lại sự kiểm duyệt Trung Quốc và không đồng ý luồn cúi để phim của mình được chiếu tại Trung Quốc). TQ có thể cho phép hoặc từ chối một bộ phim, nhưng khán giả TQ sẽ được tự do xem phim Mỹ bằng cách này hay cách khác.

Việc Hollywood âm thầm tuân thủ “Danh sách đen” các nghệ sĩ vi phạm chính sách của chính phủ TQ (do khai thác các chủ đề nhạy cảm như Tây Tạng) cần phải chấm dứt ngay lập tức – nhà bình luận Sonny Bunch viết trên The Washington Post. Trước hết, một hãng phim lớn nên nhờ Richard Gere (diễn viên không được TQ chào đón vì những hoạt động tích cực thay mặt đức Đạt Lai Lạt Ma) đảm nhận một vai trò lớn để chứng tỏ họ không quan tâm đến việc phim của mình bị TQ cấm cửa vì “dám” sử dụng những người chính quyền TQ căm ghét.

Bây giờ cũng là lúc để người khổng lồ phát trực tuyến Netflix xây dựng uy tín trong thế giới phương Tây bằng cách cho phổ biến miễn phí nhiều bộ phim tài liệu và phim chỉ trích Đảng Cộng sản TQ cùng các chính sách đàn áp của nó. Netflix chưa được hoạt động ở TQ, vì vậy nó không có gì để mất, trong khi những người sành phim TQ biết cách vượt tường lửa và chống chặn bằng VPN (virtual private network-mạng riêng ảo) dễ dàng truy cập những bộ phim đó. Các cuộc biểu tình gây chấn động tại TQ có những tác động to lớn khác ngoài điện ảnh. Nhưng không có thời điểm nào tốt hơn trong thời gian gần đây để các hãng phim Hollywood thể hiện “sức mạnh mềm” của mình bằng cách đáp ứng tiếng kêu gào “Tự do điện ảnh”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: