(ảnh: Phạm Công Luận)

Anh Đại Thành vẫn cao gầy như hơn bốn mươi năm trước khi anh ghé nhà tôi. Nhưng tóc anh đã bạc trắng và đôi mắt to ngày xưa đã nheo lại sau đôi kính trắng. Anh cười tươi khi tôi tình cờ nhìn thấy anh ngồi một mình bên cái ghế thấp của quán cóc nhà dì Hai Lành trên đường Nguyễn Trọng Tuyển.

Anh Thành kể: Giữa năm 2022, sau khi đại dịch đã lắng xuống, anh bay từ Mỹ về, cùng anh chị em trong nhà thay nhau chăm sóc mẹ già đang bệnh nằm một chỗ. Có lúc rảnh rỗi, anh đi bộ lang thang đến mấy con hẻm gần nhà, uống ly cà phê cho tỉnh táo sau một đêm thức trắng.

Từng học trường Vẽ Gia Định, dù nhắm mắt lại anh cũng có thể tả từng chi tiết những gì đọng lại trong trí nhớ của anh về chuyến thăm quê lần này, cho dù đã sống ở nước ngoài hơn 20 năm. Bên ly cà phê, câu chuyện quy cố hương của anh cứ mênh mang giữa hai chúng tôi.

Khác với hồi mới biết nhau, gần nhà anh bây giờ không còn cái chuồng ngựa dưới mấy cây gòn, chỗ ngày xưa ông Bảy Nị nuôi ngựa đánh xe đi chở hàng lagim cho mấy chợ đầu mối.

Cũng không còn mấy tiệm mì Tàu hai bên phố. Con đường Nguyễn Minh Chiếu, nay là Nguyễn Trọng Tuyển, bây giờ chỉ còn sót lại tiệm hớt tóc Tô Mỹ mang dấu vết ngày xưa, hẹp và cũ kỹ, bảng hiệu vẽ thẳng lên vách kính, do vợ chồng người con thứ của ông Tô Mỹ đứng hớt cho khách, còn ông chủ đã quy tiên từ lâu.

Anh bảo hẻm bác sĩ Thế, nơi anh đang ngồi uống cà phê ở cái quán cóc mở ngay tại nhà cô Hai Lành, thay đổi quá nhiều. Không còn cây duối dại bên trái hẻm. Dãy tường xi măng chia đôi con hẻm đã đập bỏ khiến hẻm trở nên phong quang, rộng rãi. Cây sung đầu dãy tường đó, nơi đám con nít đồn đại có ma để nhát nhau cũng không còn.

Anh hỏi tôi có nhớ hẻm 155 đường Nguyễn Minh Chiếu, bây giờ đổi thành hẻm 164 Nguyễn Trọng Tuyển (thật lạ vì số lẻ biến thành số chẵn) được gọi là hẻm Tư Từ không?

Tư Từ là tên ông thợ hồ, có bà vợ bán chè đậu đen ngon tuyệt đỉnh. Bà đi bán dạo vòng quanh khu Phú Nhuận. Buổi tối, tiếng rao của bà lanh lảnh: “Ai chè đậu đen đường cát nước dừa hôn!”.

Đám con nít hé cửa tìm dáng người bé nhỏ của bà đang lầm lũi đi trong đêm tối. Sau năm 1975 một thời gian, cán bộ phường yêu cầu xóm nào cũng có thanh niên ra gác đường ban đêm.

Một anh bạn là cư dân Xóm Mô trên đường Nguyễn Văn Trỗi gần đó kể lại là tối nào anh cũng chờ gánh chè của bà Tư. Có lần bà không ra bán, buồn quá nên giữa đêm vắng teo anh ta ngồi ngoài đường cất tiếng rao: “Aiiii… ăn chè đậu đen nước dừa… bún tàuuuu… bước qua hàng rào kẽm gai chà nát quừn hônnnnn…!”.

Lúc đó anh này còn là trai mới lớn nên giọng quá tốt, tiếng rao lanh lảnh trong đêm vắng nghe còn đã hơn tiếng bà Tư rao. Chắc vậy nên có một chị xách cái ca nhựa ra kiếm gánh chè để mua. Thấy anh ta ngồi đó, chị ấy hỏi: “Em có thấy gánh chè đậu không?”. Anh lắc đầu. Chị ấy xách cái ca lủi thủi về, điệu bộ ngơ ngác chắc tự hỏi bà Tư bán chè sao lại biến nhanh như ma vậy!

Những người bán rong ngày xưa trong trí nhớ của chúng tôi đa số là đàn ông. Vì sao? Vì họ có sức đi bán ở khắp nơi, có hơi khỏe để rao. Giọng rao của họ mỗi người mỗi khác nên là điều đặc biệt đáng nhớ. Như ông đẩy xe bán mía hấp, rao “mía hấp” mà hai từ đó dính liền nhau nghe như là “mép”.

Buổi tối, ông người Hoa đẩy xe bán chè lục tàu xá, chí mè phù. Ông và những người bán hàng gốc Hoa không ai kết thúc tiếng rao bằng chữ “đây..ây..ây..y..y…” kéo dài như người Việt.

Mỗi lần ông đi qua hẻm là lũ con nít chạy ra cả chục đứa. Có đứa lớn đẩy ông đứng qua một bên, tự múc bán giùm luôn, một lát sau cứ đếm chén tính tiền. Ông cũng dễ dãi, mặc kệ mấy đứa nhỏ quậy cái xe của mình. Nhờ vậy mà nhiều người nhớ ông đến giờ.

Anh Thành kể cách nay một tuần, anh ngồi trong một quán ăn ở Gò Vấp. Quán bán món bò bảy món khá ngon khiến anh nhớ miên man nhà hàng bò bảy món gần nhà những ngày thơ bé trước 1975.

Đó là nhà hàng lớn, rất đông khách vào cuối tuần. Thỉnh thoảng, thằng nhỏ Thành đi thẩn thơ ra cổng số 8 sát bên nhà hàng này, đứng xem ông thợ rèn nhà đối diện làm việc và để được hít mùi thơm của món chả đùm, bò lá lốt và cả mùi bia thơm sực nức từ nhà hàng bay sang.

Ngồi rảnh đợi bạn cùng xóm cũ đến, anh lẩm nhẩm câu thơ hiện lên trong đầu mà tác giả làm bài thơ như viết riêng cho anh: “… này Bi này Lữ ơi/ hồi tụi mình còn học lớp ba/ nắng chắc vàng hơn bây giờ nhỉ?/ con phố nhỏ dăm con đường giản dị/ mỗi đêm mưa bàng rụng lá biết bao nhiêu!…” .

Anh nói sao anh nhớ quá những ngày mùa mưa đi học, có cây bàng lá lớn rụng vài chiếc trên con phố hẹp hầu như không có lề đường. Thời ấy nghèo khó sao luôn thấy vui vì mỗi ngày được đến trường, được gặp bạn bè chơi cò cò, bắn bi trong giờ ra chơi.

Đó chính là hình ảnh quê hương hiện hữu trong tim, không quá lớn lao như trong thơ nhạc, chỉ là con hẻm nhỏ, con đường đến trường ngày xưa và vài kỷ niệm vụn vặt vậy thôi, mà sao nhớ hoài nhớ hủy trong những đêm khuya ở xứ người, như vậy đó.

Lần đi ăn đó, anh Thành bảo thật ngỡ ngàng khi nhận ra bàn bên kia hai chị em Yến, Oanh là những cô bạn ngày xưa thỉnh thoảng chạm mặt nhau trên con đường Nguyễn Minh Chiếu, cùng học trường Tiểu học Võ Tánh.

Sáp lại chuyện trò, cả ba nhắc lại quán chè cô Ba, là mẹ của Yến và Oanh. Quán chè hình thành khoảng cuối năm 1968, khi tình hình chiến sự đã êm dần sau trận đánh Tết Mậu Thân, ở căn nhà số 85 Nguyễn Minh Chiếu.

Nửa thế kỷ rồi từ khi ăn miếng chè đậu đỏ đầu tiên ở đó, anh mới rõ ngọn ngành về quán chè này. Cô Ba, mẹ của hai bạn Yến – Oanh, vốn lo việc nội trợ trong nhà, mọi chi tiêu đã có thầy Ba.

Thầy Ba làm công chức hãng tàu của Pháp, mỗi ngày cưỡi chiếc xe vespa xanh đi làm. Ở nhà, thấy vẫn còn có lúc rảnh rỗi khi các con đã lớn, cô Ba mở quán chè bán ngay trong sân nhà, vừa đỡ quên tay nghề nấu chè từ hồi còn thiếu nữ, vừa kiếm thêm để cùng thầy Ba lo cho đám con nhỏ.

Thầy Ba chiều vợ, giúp cô chuẩn bị đâu ra đó. Thầy cho xây một cái quầy bằng xi măng, sơn màu xanh đẹp mắt để có chỗ đặt các nồi chè khác nhau, đặt hũ thủy tinh… rồi liên lạc với hãng BGI để họ giao nước đá, các loại nước ngọt như Coca, Limonade bán cho khách.

Nước đá giao tận nhà, được bỏ trong thùng thiếc giữ lạnh và phủ thêm bao bố tời lớn bên ngoài cho lâu tan. Khi nào cần, cô Ba dùng dao lớn có răng cưa để chặt cây nước đá lớn thành từng miếng nhỏ. Cô làm thêm yaourt bằng cách mua hũ “yaourt cái” ở tiệm Givral trên đường Cách Mạng 1 tháng 11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi), về làm mẻ yaourt mới với sữa, đổ vào từng hũ thủy tinh rồi dùng giấy pelure bọc nắp, cột dây thun xong mới bỏ vào tủ lạnh, nhìn rất sạch sẽ ngon lành.

Chè của cô Ba bán cho khách có nhiều món: Chè đậu xanh bánh lọt, chè đậu đỏ bánh lọt, sương sáo, sương sa hột lựu, có cả xi rô đá nhận… Bánh lọt do nhà tự làm chứ không lấy ở chỗ khác.

Mỗi ngày cô chuẩn bị nhồi bột làm bánh lọt, nấu nước đường, nấu các món chè, làm hạt lựu cho món sương sa… khá bận rộn nhưng rồi cũng đâu vào đó nhờ có các con phụ mẹ. Quán có sẵn một máy xay đá để làm món xi rô đá nhận. Một ly chè giá 5 đồng, trả bằng tiền đồng hình tròn có khía.

Đa số khách đến mua mấy bịch chè cùng lúc để cả nhà ăn. Con cái đi học thì thôi, về là xúm vô phụ bán hàng, rửa hũ yaourt, rửa ly, dọn dẹp… Quán chè cô Ba nổi tiếng trong giới học trò thời đó, vì giá rẻ, đi học về chìa 5 đồng ra là có một ly chè thơm ngọt, ly xi rô bạc hà the lạnh hay xi rô dâu thơm mát.

Quán vắng vẻ, nhóm bạn mới hình thành cao hứng ôn lại những món ăn hồi xưa trên đất Phú Nhuận hiền hòa. Đó là xe chè chí mà phù của ông già người Hoa đội nón cời lối bằng tre có chóp nhọn, bận cái quần ngắn và cái áo xá xẩu, bộ trang phục giờ không còn thấy nữa.

Cô Oanh nhớ mỗi khi ông mở nắp nồi ra, hơi và mùi chè nóng bay ra thơm ngào ngạt. Thùng chè của ông có hai ngăn, chia ra bằng một chữ S như biểu tượng “lưỡng nghi” trong Kinh Dịch, một bên là chè chí mà phủ nấu bằng mè đen và một bên lục tầu xá là chè đậu xanh.

(ảnh: Phạm Công Luận)

Ông bán từ thập niên 1960 tới năm 1975, giải nghệ sớm hơn quán chè của cô Ba vài năm. Một cô nhắc đến hàng nem nướng đầu ngã ba Lò Đúc, vị trí một tiệm kính mắt bây giờ. Hai chị em chủ quán nem nướng toàn bận áo bà ba khi bán, dùng rổ rá bằng tre, khách ngồi bàn ghế cao như trong nhà hàng.

Giống như nhà hàng Ánh Hồng, quán này dành cho giới trung lưu vì giá không rẻ, chế biến rất ngon, ai đi ngang nghe mùi nem nướng từ đó tỏa ra là bắt thèm. Phía dưới ngã ba một chút, gần con hẻm đi vào đền thờ Đông Cuông Vọng Từ của những người Bắc theo đạo Mẫu, có tiệm tạp hóa bán các món đồ phục vụ cho đám con nít là học trò Tiểu học Võ Tánh trên đường đi học về ngang.

Chủ nhân của tiệm là hai ông bà già, dành phần nhà phía trước để bán các thứ bánh tráng, bánh kẹo, đồ chơi dích hình. Tiệm rộng rãi nhưng ẩm thấp vì xây từ rất lâu, vách gỗ, cột kèo đã mục dần, loáng thoáng trong bóng tối nhà trong là những tủ thờ, bàn ghế gỗ kiểu xưa…

Chuyện trò một hồi, cả nhóm và anh bạn ngồi cùng bật cười thấy nãy giờ toàn nói về những món ăn, hàng quán ngày xưa trong ngày đầu gặp lại sau mấy chục năm. Làm sao quên được và làm sao không nhắc đến tiệm bánh bao Ông Cả Cần ở góc Đại lộ Cách Mạng 1 tháng 11 – Trương Quốc Dụng, trước đó là nhà hàng Tân Lâm Điểu. Hiện nay địa điểm này là showroom bày bán xe gắn máy của Nhật.

Làm sao quên cháo cá giò heo hẻm Cô Bắc. Nhớ và thèm ăn lại quá món cá nướng trên đường Hồ Biểu Chánh, quán không tên, bên cạnh bụi tre. Cá nướng trên bếp than, đánh tróc vảy cháy đen, ăn vừa dai vừa thơm, vừa ngọt thịt. Nhớ cả bánh tiêu kem của tiệm Phi Phượng, bánh cốm tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng, bánh xu xê đối diện Hội đồng xã Phú Nhuận, sát bên tiệm Radio Hà Nội.

Ngồi trên xe trở về nhà sau bữa ăn, anh Thành nghĩ về cuộc sống quá khứ tưởng đã chìm khuất sâu trong đáy tâm hồn bỗng nhiên có cơ duyên bất ngờ vùn vụt quay lại với anh và những người quen thuở ấu thơ. Chúng mình từng có thời tuổi thơ trên xã Phú Nhuận thân thương phải không?

Những hàng quán đó, món ăn đó, có khi chưa từng nếm qua nhưng lạ là dư vị đậm đà còn đọng lại rất lâu trong tâm khảm, chỉ đợi nhắc lại là rưng rưng hồi sinh trong lòng.

(trích sách Hồi ức Phú Nhuận – công ty sách Phương Nam xuất bản 2023)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: