Thay bàn phím bằng cây bút

Minh họa: eleni-koureas-unsplash

Thử nhìn một học sinh thời nay gõ thoăn thoắt trên máy vi tính hoặc thiết bị cảm ứng nào đó, chắc chắn bạn sẽ “hết hồn” với tốc độ gõ. Dĩ nhiên gõ phím tiện và nhanh hơn nhiều hơn viết tay, chữ nghĩa cũng không rối nùi lộn xộn với kiểu viết “chữ bác sĩ” đối với một số người viết quá nhanh và viết ẩu. Tuy nhiên, thậm chí “viết ẩu” vẫn tốt hơn gõ phím. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định như vậy.

Trên The Washington Post ngày 2 Tháng Mười Một 2023, tác giả Gina Rich cho biết, viết tay là một kỹ năng vận động không phải bẩm sinh học được mà cần được dạy và thực hành. Nghiên cứu cho thấy, viết tay giúp kích thích não bộ và nhờ đó chúng ta ghi nhớ tốt hơn. Trong khi đó, không chỉ thời đại công nghệ đang thảm sát không thương tiếc chữ viết tay mà thậm chí giới giáo dục cũng (từng) hí hửng khai tử nó. Chữ thảo (cursive) đã bị loại khỏi chương trình giáo dục quốc gia Common Core State Standards của Mỹ vào năm 2010. Và kể từ đó, học trò tiểu học gần như không có cơ hội học và thực hành viết chữ.

Vấn đề không chỉ là sự biến mất của chữ viết tay trong đời sống. Xét ở góc độ khoa học, nếu chúng ta chỉ gõ phím thay vì viết tay thì nhiều vấn đề sẽ xảy ra với bàn tay và cổ tay, chẳng hạn như đau, yếu và thậm chí dẫn đến thay đổi thần kinh (nerve changes). Mellissa Prunty, nhà trị liệu nghề nghiệp (occupational therapist) thuộc Đại học Brunel London (Brunel University London) và chủ tịch Hiệp hội Chữ viết tay Quốc gia ở Vương quốc Anh, nói rằng việc viết tay cũng tương tự thể dục, rằng nếu không viết thường xuyên, “bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.”

Minh họa: ire-photocreative-unsplash

Paula Heinricher, nhà trị liệu nghề nghiệp và người dẫn chương trình Learning Without Tears, cho biết thêm: Sự kết nối tay và não trở nên mạnh hơn khi chúng ta viết tay. Nghiên cứu cho thấy khi viết tay, “não sẽ kết nối sâu hơn và hiểu sâu hơn, đồng thời bạn ghi nhớ thông tin đó lâu hơn”.

Một phân tích tổng hợp năm 2020 kết luận rằng sinh viên có kết quả học tập kém hơn khi họ gõ vào thiết bị so với chép ra giấy. Và một nghiên cứu năm 2014 cho thấy sinh viên chép tay sẽ hiểu tốt hơn những bạn sử dụng máy tính. Còn nữa, một nghiên cứu 2013 cho thấy những đứa trẻ có kỹ năng viết tay tốt ở trường mầm non sẽ học tốt hơn ở môn đọc và toán ở lớp hai. Và trong một nghiên cứu năm 2019 trên 141 học sinh lớp một ở bốn trường học tại Ý, những đứa trẻ được dạy viết chữ thảo đã phát triển kỹ năng đọc và viết tốt hơn so với nhóm đối chứng.

Những nghiên cứu sâu này cho thấy không chỉ thời đại ngày nay bị “hỏng” khi xem thường chữ viết tay mà người ta cũng chứng minh rằng trong lịch sử cũng có quan niệm sai về chữ viết tay. Một trong những người như vậy không ai khác hơn là triết gia vĩ đại Socrates – như được thuật từ bài viết của The Economist ngày 14 Tháng Chín 2023. Cách đây một thiên niên kỷ rưỡi, Socrates lèm bèm rằng việc viết lách chỉ tổ làm hại học sinh!

Như nói ở trên, việc viết trên giấy có thể giúp nhớ lại một chuỗi từ ngẫu nhiên lẫn việc nắm bắt khái niệm tốt hơn khi đụng phải những ý tưởng phức tạp. Khi viết, nội dung thông tin in sâu hơn vào não. Việc viết tay buộc người ghi chép phải tổng hợp các ý tưởng thành từ ngữ của chính họ. Điều này hỗ trợ sự hiểu biết khái niệm tại thời điểm viết.

Chẳng phải tự nhiên sau khi người ta đào huyệt và lắp mộ bia cho chữ viết tay thì nhiều người cũng hoảng hồn hô hấp nhân tạo cho chữ viết tay sống lại. Dù từ năm 2010, chương trình Common Core State Standards của Mỹ không bắt buộc dạy viết chữ cho học sinh lớp một, nhưng kể từ đó, khoảng một nửa số tiểu bang Hoa Kỳ đã yêu cầu dạy viết chữ thảo.

Mới đây, ngày 13 Tháng Mười 2023, Thống đốc California Gavin Newsom đã ký Dự luật 446 thành luật, yêu cầu trẻ em từ lớp một đến lớp sáu phải học viết chữ thảo. Tính đến thời điểm hiện tại, có 21 tiểu bang Hoa Kỳ yêu cầu dạy chữ thảo trong chương trình giảng dạy ở trường công – theo một báo cáo vào Tháng Hai 2022 của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ.

Minh họa: jerry-wang-unsplash

Tại Thụy Điển, AP ngày 10 Tháng Chín 2023 cho biết, nhiều trường học đang kêu gọi học trò yêu thích sách in hơn là sách điện tử, và tập viết chữ viết tay hơn là gõ phím. Bộ trưởng Học đường (Minister for Schools) Thụy Điển Lotta Edholm là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ việc khai thác quá mức công nghệ. Tháng Tám 2023, Lotta Edholm nói rằng chính phủ muốn đảo ngược quyết định của Cơ quan Giáo dục Quốc gia về việc bắt buộc sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong các trường mầm non; rằng Thụy Điển thậm chí muốn chấm dứt hoàn toàn việc học kỹ thuật số đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Tháng Tám 2023, khi đề cập chiến lược số hóa quốc gia trong giáo dục, Viện Karolinska của Thụy Điển nói rằng: “Có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy công cụ kỹ thuật số làm suy yếu hơn là nâng cao khả năng học tập của học sinh”. Việc áp dụng công cụ học tập kỹ thuật số cũng thu hút sự quan tâm từ Liên Hiệp Quốc. UNESCO “kêu gọi khẩn cấp việc sử dụng công nghệ phù hợp trong giáo dục”, rằng các nước cần tăng tốc kết nối internet tại trường học, nhưng làm sao tất cả phải được triển khai theo cách để công nghệ không bao giờ thay thế việc giảng dạy trực tiếp do giáo viên hướng dẫn và hỗ trợ mục tiêu chung là giáo dục chất lượng cho học sinh.

Tóm lại, thế giới đang có khuynh hướng trở lại những giá trị truyền thống trong giáo dục, trong đó có việc giảm thiểu lệ thuộc công nghệ. Thay thế bàn phím bằng cây bút là cách mà nhiều người tin rằng đó là một sự “đảo ngược dòng chảy thời đại” thật sự cần thiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: