Khi được cám ơn miết đâm ra bực mình

(Minh họa: alleksana/Pexels)

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi cũng có phần đắn đo khi nói ra vấn đề này mà chính bản thân không biết là mọi người cư xử đúng, còn mình thì sai bét. Tôi nêu ra đây để xin được nghe ý kiến.

Chồng tôi từng chiến đấu trong quân đội VNCH, anh có nhiều bạn cũng như anh em chiến hữu. Năm nay anh đã hơn 70, anh là người vui vẻ, hoạt bát vì thế bạn bè khắp nơi đều thương mến. Họ thường luân phiên tụ tập nhà người này người kia để hát hò và ăn uống.

Cách nay vài năm anh bệnh nặng, cơn bệnh kéo dài nhiều tháng, khiến anh không còn có thể đi gặp gỡ bạn bè thường xuyên như trước. Bạn bè ban đầu cũng thăm viếng nhưng sau đó vì bận bịu cũng thưa dần. Điều này đã khiến anh suy sụp từ thể chất đến tinh thần.

Thấy anh như vậy, tôi xin nghỉ làm, ở nhà để chuyên tâm săn sóc anh. Cũng may các cháu đều có công ăn việc làm nên vấn đề nhà cửa hay tiền bill trả hằng tháng đều cáng đáng giúp bố mẹ. Có lẽ nhờ tình gia đình ấm cúng mà anh đã trở lại bình thường nhanh chóng. Những ngày vui cũ trở lại với đời sống của anh. Bạn bè lại thăm viếng, lại tụ họp. Thấy anh vui tôi và các cháu vui lây.

Tuy nhiên có một điều tôi vẫn lấy làm khó chịu là hầu hết những người bạn gặp tôi đều nói đại ý: “Chúng tôi cám ơn chị đã chăm sóc anh chu đáo.” Có người còn mang hoa tặng, với dòng chữ cám ơn chị đã chăm sóc bạn chúng tôi. Những câu có khác nhau chút chút nhưng đại để là ý cám ơn tôi đã chăm sóc chồng tôi.

Tôi nghĩ rằng không có gì vô duyên bằng câu đó. Chăm sóc chồng là bổn phận của người vợ, người bạn lấy tư cách gì để cám ơn. Nếu cám ơn thì tôi phải là người cám ơn họ đã đến thăm chồng tôi. Tại sao họ lại cám ơn tôi khi tôi chăm sóc chồng tôi. Còn chỉ khi tôi chăm sóc vợ hay chồng họ thì họ mới nên cám ơn tôi chứ?

Tôi nghĩ ngay cả ba mẹ chồng hay anh em chồng cũng không nên cám ơn tôi, huống chi là những người bạn. Mà khổ nỗi khi nói câu đó họ cho rằng họ lịch sự, biết điều và đang làm một cử chỉ đẹp. Nhưng thật ra họ chỉ làm tôi bực mình và muốn nói thẳng với họ là “đồ vô duyên!”

Như trên tôi đã thưa, dù tôi đã hỏi một số người phụ nữ chung quanh, và họ đều có chung ý như tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nêu ra đây để rộng đường hơn. Cô Nguyệt Nga chắc là nữ, rất mong cô và các bạn cho tôi ý kiến. Xin cám ơn! (Đào Kiều)

GÓP Ý

– Hồng Lý

Qua việc trên cháu thấy tại cô chiều chú quá, chú nhậu quá mà sinh bệnh, bây giờ hết bệnh cô lại chiều chú bày cho nhậu tiếp để sinh cớ sự.
Cháu thấy cô chiều là hại chú, chú bệnh nữa thì các bác ấy có ai lo dùm không hay họ chỉ nói cái miệng thôi. Theo cháu, cô lấy lý do chú hết bệnh nên cô kiếm việc làm thêm, cho chú dần dần sáng mắt ra, cũng là một cách gián tiếp không muốn tham gia tiệc tùng để khỏi bực mình với những lời nói của các “chiến hữu” trên bàn nhậu.
Chúc cô đạt kết quả. Cháu xin chào cô!

– Huệ

Tôi thấy bà chị hơi khó tính, mình già rồi, nghe rồi bỏ qua, hơi đâu giữ trong lòng chi cho khổ. Họ nói xong là về, là quay mặt đi quên mất, trong khi mình cứ nhớ câu nói của họ để mà bực. Cuối cùng chỉ có thân mình khổ, bực thì mau già, mau xấu, mau bệnh, mau chết.

Đã chiều chồng thì chiều cho trót, đã nghĩ rằng cho ổng gặp bạn bè để ông vui thì mình cứ chú tâm vào mục đích đó, ổng vui là mình đạt thành quả rồi, bẻ ngoặt làm gì cho phiền cái tâm mình.

Họ nhậu rồi, ngà ngà say, nói năng cũng đâu chín chắn, đắn đo, suy trước nghĩ sau nên cứ phát ngôn bừa. Cái câu cám ơn đó vô duyên thật nhưng nó vô hại, nói ngoài cửa miệng, gió thổi bay đi. Những câu nói của mấy ông có tí rượu ngà ngà trong người thì phần lớn là vô duyên vậy đó. Chồng người ta thì người ta chăm sóc, tự nhiên mình ở ngoài nói lời cám ơn, nghĩ cũng thấy tức thật. Nhưng bà chị ơi, tức thì mau già!

– Jen

Đọc thư chị, tui cũng thấy bực, nhưng không nhiều, có lẽ ai chảy máu thì người đó đau. Nhưng suy cho cùng thì mấy câu cám ơn đó chỉ vô duyên thôi chứ không đáng lo sợ. Cứ tưởng tượng nó là từ miệng của người đàn bà nào đó, mới ớn hơn! Cũng may, theo ý thư chị viết thì toàn mấy ông cám ơn chị, chứ có một bà nào tới nói: “Chị ơi, em cám ơn chị vì chị đã chăm sóc anh!?”

Hãy tưởng tượng điều đó xảy ra, để thấy điều hiện tại là nothing! Phải không chị, nghĩ vậy đi chị ơi!

– Yến Ng

Tôi đọc thư chị mà nhớ hồi mình mới qua Mỹ, thấy mấy người chung quanh cái gì cũng cám ơn. Người ta khen mình mặc áo đẹp cũng cám ơn, khen mình trẻ cũng cám ơn, khen mình có duyên cũng cám ơn…

Hồi đó tui nghĩ, ủa cám ơn vậy là sao? Tức là nghĩ áo mình đẹp thật, mình trẻ thật, mình có duyên thật… nếu không nghĩ như người ta khen thì tại sao cám ơn, phải đính chính lại chứ. Nhưng ở lâu quen dần, hóa ra “cám ơn” đây có nghĩa là mình cám ơn người ta đã hảo tâm khen mình, chứ không phải cũng công nhận mình đẹp hay trẻ.

Trong trường hợp của chị, mấy người bạn cám ơn, họ chẳng có ý giành chồng của chị, đơn giản là họ chỉ thấy chị thương bạn họ, mà họ cũng thương bạn quá, nên ai làm gì cho bạn thì mình cám ơn, họ quên mất là đương nhiên “làm” cho bạn họ là bổn phận của chị.

Chỉ là lòng tốt thôi, không có ý gì cả, thật ra mọi câu chuyện đều do cách suy nghĩ của mình mà ra. Mở lòng đi thưa chị, khó khăn làm gì cho mệt mình và mệt người.

(Minh họa: SHVETS production/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga,

Cháu năm nay 32 tuổi, có hai con trai 3 và 5 tuổi. Chồng cháu đi làm còn cháu đã xin nghỉ làm từ ngày sinh cháu thứ hai.

Hồi sinh cháu đầu, vì bận đi làm nên hàng ngày cháu đem gửi con cho bà nội ở gần đó, đến khi sinh đứa thứ hai thì bà nội không chịu giữ cháu nữa, nên cháu phải ở nhà trông con vì tiền gửi cũng xém hết tháng lương của cháu.

Chồng cháu nói thôi ở nhà trông con, để con được gần mẹ, đi gửi cũng không an tâm, mà phải chở con đi, đón con về thì quá tốn thì giờ. Đó là chưa kể chỗ gửi cũng có mấy đứa trẻ khác nên nếu có bệnh gì thì lây cả đám cho nhau. Nghe chồng nói, cháu cũng thấy phải, nên quyết định xin nghỉ dài hạn.

Thời gian đầu nghỉ ở nhà, cháu thật thích, có thì giờ chăm con, chẳng bù với ngày trước, tan sở là tức tốc chạy về nhà nội đón con. Về nhà thì chưa kịp thay áo quần đã bắt vội nồi cơm lên, nhào vào tắm rửa cho con, quơ vội áo quần bỏ vào máy. Làm hai ba việc cùng lúc, vừa ngơi tay thì chồng về, cháu lại phải lo dọn cơm nước, ăn xong, lo cho con ngủ, dọn dẹp, cũng đến 11, 12 giờ mới lên giường. Ở nhà, cháu có nhiều thì giờ hơn, nấu bữa ăn chu đáo hơn, lo cho con cũng chu đáo hơn, nhà cửa không bừa bộn như xưa. Cháu hài lòng lắm.

Nhưng nếu cứ thế thì cháu đã không thư cho cô. Số là cháu ở nhà chừng hơn năm thì cháu bắt đầu thấy… chán! Cả năm trời ở nhà, cháu không còn nhu cầu make up, tóc cháu cũng thấy không cần phải đi tiệm cắt, cháu đâu kiếm ra đồng nào mà tốn tiền cắt tóc? Tóc cứ túm lên là xong, không còn đi tiệm, sấy tóc, hấp tóc, kiểu này kiểu nọ.

Từ ngày ở nhà cháu đâu có thả tóc như xưa, hai đứa con nó phá, lúc nào cháu cũng quấn tóc lên cao. Cháu đã không còn chăm sóc mái tóc dài mà ngày xưa chồng cháu yêu nữa. Năm thì mười họa cháu mới đụng đến những bộ áo quần lịch sự để ra ngoài. Không đi làm nên nhiều khi trong bữa cơm chồng cháu đề cập đến những vấn đề thời sự thì cháu mù tịt.

Chẳng bù với ngày xưa, khi cháu còn làm cho một đài phát thanh, tin tức cháu cập nhật từng ngày, từ Việt Nam cho đến thế giới, từ chiến tranh đến thể thao hay văn nghệ. Những câu chuyện giữa hai vợ chồng cháu ngày nay chỉ xoay quanh hai đứa con, chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền. Thậm chí cháu còn không biết hôm nay là thứ mấy trong tuần.

Cháu thấy dần dà đầu óc cháu nhỏ dần nhỏ dần. Hồi xưa một đứa con thì còn dễ, nay hai đứa nó hùa nhau phá, làm cái gì cũng hùa nhau làm, một đứa đói thì đứa kia cũng đòi ăn, một đứa cần thay tã thì đứa kia cũng cần. Một đứa khóc thì đứa kia cũng khóc. Hai đứa làm cháu điên đầu, cháu lại thấy mình xoay mòng mòng như ngày xưa. Khi thằng lớn vào tuổi đi học, cháu tay dắt, tay đẩy xe, rồi túi, rồi cặp… cháu thấy chung quanh cháu lại bề bộn. Tệ nhất là người cháu đổ ra, bụng cháu cứ càng ngày càng to, áo quần cũ không mặc vừa nữa, mà sắm cái mới thì tiếc tiền, không làm ra tiền cháu đâu dám xài phí. Thật lòng cháu cũng ngại khi mua sắm cho bản thân, mặc dù chồng cháu không nói năng gì, cháu mua thì cứ cà thẻ, nhưng lòng cũng không thoải mái như tiền của mình làm ra. Rồi mẹ cháu ở Việt Nam, cả năm nay cũng không cho mẹ đồng nào, cháu lấy tiền chung ra cho mẹ cũng được nhưng lại ngại chồng nghĩ ngợi.

Cô ơi! Tự nhiên từ ngày ở nhà cháu đâm ra sợ chồng, cháu thấy mình thua kém, nhiều khi chồng cháu nói cái gì đó không phải thì cháu lại nhịn, cháu thấy mình đâm hèn với chồng. Mới tháng nay, cháu thấy chồng cháu hay về trễ, anh giải thích phải ở lại sở làm thêm. Lòng cháu không vui nhưng không dám nói. Ngày xưa là cháu sẽ hỏi và tìm hiểu thật hư, nhưng ngày nay cháu lại không muốn tìm hiểu vì sợ rằng sự thật làm cháu đau lòng thì sao.

Cháu thấy cháu không còn tự tin nữa cô ơi! Cháu không còn là cháu từ bề ngoài cho đến tâm hồn. Cháu sợ tình trạng này càng ngày sẽ càng lôi cháu xuống, cháu phải làm sao đây thưa cô, cô giúp cháu với. Cháu rất cám ơn cô. (TrangNguyen)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: