“Nặng gánh” khi bảo lãnh gia đình em gái sang Mỹ

(Minh họa: Isabella and Zsa Fischer/Unsplash)

Tôi theo chồng qua Mỹ định cư gần 20 năm, chồng tôi về hưu cách nay vài năm, tôi vẫn còn đi làm part time, con cái đã lớn và dọn ra riêng. Cuộc sống thăng trầm đã qua, nay cũng có phần tạm ổn định.

Tôi còn mẹ già và một em gái ở Việt Nam. Sau khi nhập tịch, tôi có bảo lãnh mẹ và gia đình người em gái, nhưng mẹ tôi từ chối, muốn ở lại, còn gia đình em gái thì đã được gọi làm visa nhưng trận COVID vừa qua khiến giấy tờ bị hoãn chưa thấy tăm hơi.

Mặc dù mong em qua, nhưng trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy lo lắng. Không lo sao được, khi mới ngơi nghỉ chưa lại sức thì sắp cưu mang một gia đình khác. Cứ nghĩ đến ngày đón vợ chồng đứa em cùng hai con nhỏ chân ướt chân ráo chẳng có một chút kinh nghiệm nào nơi xứ lạ, làm tôi lo đến độ sụp xuống như người đau nặng. Chồng tôi hỏi, tôi cứ nói không có gì, nhưng thật ra đêm hằng đêm tôi tưởng tượng cảnh mình phải cáng đáng bốn miệng ăn nữa mà hãi hùng.

Bao năm nay, dù có chồng bên cạnh, nhưng chồng tôi yếu ớt từ thể chất đến tinh thần, mọi việc trong nhà, mình tôi cáng đáng, nay nghĩ mình sẽ phải đảm trách từ đầu tới cuối, tài chánh, xe cộ, nhà cửa, bảo hiểm. Lại nữa là hai đứa cháu thì đang tuổi ăn học, rồi tôi sẽ phải tìm công ăn việc làm cho hai vợ chồng người em vì họ cũng đều trên 40 tuổi và trình độ học vấn thì trung bình.
Người em tôi có lẽ cũng hiểu, nên cô ấy nói tùy tôi quyết định, điều này càng làm tôi buồn phiền trăn trở hơn. Tôi tự hỏi mình có ích kỷ, yếu đuối quá không? Vì có nhiều gia đình, chỉ cần một người mà có thể lãnh nhiều gia đình khác từ Việt Nam qua. Tôi đã cố gắng bù đắp bằng cách gửi tiền giúp đỡ thường xuyên. Mặc dù không nhiều, nhưng cũng chẳng giúp tôi bớt được nỗi khổ tâm.

Xin quý báo giúp đỡ tôi một đôi lời để tôi có thể bớt đi những nỗi khổ tâm này. Chân thành cám ơn và xin gửi tới quý báo những lời chúc tốt đẹp nhất. (Hảo)

GÓP Ý 

– Ý Nhi

Chị hiểu nỗi nặng lòng của Hảo. Chẳng qua em sống quá thiên về tình cảm, nên ngại nói những điều mà mình nghĩ sẽ làm tổn thương đến người khác. Trong khi đó, nếu nói ra thì chuyện đã xong, không kéo dài từ năm này đến năm khác, làm khổ cả hai đàng.

Theo chị, em nên nói thẳng với em gái hết mọi suy nghĩ và lo âu của mình. Em cứ nói với em gái những nỗi băn khoăn, áy náy, ray rứt của mình bấy lâu nay. Nói với em gái rằng chị sợ không lo được cho hai em chu toàn, trong hoàn cảnh anh đã nghỉ hưu và chị thì chỉ đi làm part time. Hãy cho hai em biết tất cả những khó khăn về nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm, ngôn ngữ, công việc…

Nói hết những điểm tiêu cực, sau đó em cũng nên cho em gái của mình thấy những điểm tích cực của việc qua Mỹ, hai cháu nhỏ sẽ được học hành tốt, hưởng được nền giáo dục tối ưu của thế giới. Sau khi nói hết em cũng nói thêm rằng nếu hai em muốn qua thì hãy cùng chị khổ thời gian đầu, hãy cũng xắn tay với chị lo cho cả hai gia đình, có như thế mình mới dìu nhau đi lên được. Chị tin em gái sẽ hiểu sự thành thật của em, là muốn xây dựng tốt hơn cho cả hai gia đình. Thân chúc em mau lấy lại bình an trong cuộc sống.

– Thu Huyền

Tôi thấy rất nhiều gia đình, sau khi bầu đoàn thê tử qua Mỹ, hai vợ chồng lo cho con cái vào trường, khi con cái ổn định, mà họ thì không tìm được lối đi cho mình, họ không sao hội nhập được, thì họ nên về lại Việt Nam. Vì thế khi nói chuyện với em gái, mà bạn nên nói chuyện liền với hai em để sớm cất gánh nặng của cả hai bên, bạn cũng nên khuyên em gái nếu có nhà cửa thì khoan bán đã để còn phòng đường lui.

Tôi tin với lòng yêu thương, cách nói chân tình của bạn, sẽ làm cho hai chị em hiểu nhau mà cùng nhau giải quyết sự việc tốt đẹp hơn.

(Minh họa: Ksenia Chernaya/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, năm nay con 24 tuổi, con đang học về fashion design. Con có một băn khoăn riêng không biết thố lộ với ai. Trời sinh con không bình thường!

Con thấy đâu phải con muốn vậy, con bị vậy con cũng khổ lắm chứ, con đang rất lo sợ mọi người biết chuyện của con. Mặt khác con lại mong gia đình biết cho rồi. Hôm con chọn ngành học là fashion design, mẹ con la rằng, “Con trai con tráng gì mà học ba cái nghề may vá đó.” Anh con thì nói, “Mẹ hãy để nó sống cuộc đời của nó.”

Con nghe mà lạnh xương sống, con đoán rằng anh con đã biết bí mật của con. Từ ngày đó, mỗi khi đi đâu mà trên xe chỉ có hai anh em là con tìm cách này hay cách nọ để từ chối hay kéo thêm một người nào khác, vì con nghĩ chỉ có hai anh em thì thế nào anh con cũng hỏi cho ra lẽ. Và con biết nói làm sao đây.

Có một lần người bạn gái của anh con hỏi: “Em có boyfriend chưa?” Con không trả lời, sau đó con tiếc quá là tại sao con bỏ qua một cơ hội để thú nhận với gia đình.

Mỗi lần có một người bạn nữ nào đến nhà là ba mẹ con cứ chọc ghẹo con với cô ấy, làm như con và cô ấy là bồ của nhau và gia đình đồng ý. Con bực mình ghê lắm!

Thưa cô, con nên nói với gia đình cho xong, hay chờ thêm một năm nữa, con ra trường đi xa là xong chuyện. (Con, Fashion)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: