Lang thang trên thảo nguyên Mông Cổ

Mông Cổ có nickname “Đất nước của bầu trời xanh”. Gần 1000 năm trước dưới thời Thành Cát Tư Hãn, bầu trời Mông Cổ bao trùm hết gần hết châu Á, lấn sang cả châu Âu. Sử sách từng ghi lại “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó” để nói về cuộc chiến xâm lược các nước của đế quốc Mông Cổ xa xưa.

Hiện tại Mông Cổ vẫn là vùng đất rộng lớn mênh mông hơn triệu rưỡi cây số vuông, nhuộm màu sắc bí ẩn của những huyền thoại về thời huy hoàng khi các Đại hãn chinh phục thế giới, kết nối phương Đông và phương Tây, giúp Con đường tơ lụa phát triển rực rỡ nhờ các quy định miễn trừ ngoại giao và tự do tôn giáo.

Chúng tôi đến Mông Cổ những ngày giữa Tháng Bảy, thời gian đẹp nhất năm với lễ hội Naadam đầy màu sắc diễn ra khắp mọi nơi từ thành phố đến nông thôn. Người dân được nghỉ lễ gần trọn một tuần trong thời tiết nắng ấm, nên hoạt động được ưa thích nhất là cả nhà cùng nhau ra ngoại ô đi cắm trại ở một bãi cỏ ven hồ, ven sông, trẻ con thì chơi đùa, người lớn thì tụ tập làm tiệc nướng ngoài trời, xem các hoạt động đua ngựa, bắn cung, đấu vật, các trò chơi dân gian. Các lực sĩ đô vật thắng trận trong Naadam thường được trao tặng giải thưởng rất lớn và nguyên năm sẽ được các nhãn hàng cũng như các chương trình quảng cáo chọn làm gương mặt đại diện với các hợp đồng giá trị cao.

Để được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm phần nào cuộc sống của dân du mục, chúng tôi không chọn chương trình du lịch phổ biến sẵn có của các công ty du lịch mà tự chọn một chương trình riêng thăm hết miền Trung và Bắc Mông Cổ. 80% tuyến đường là off-road trên những chiếc 4WD giữa đồng cỏ không hề có chỉ dẫn nào, mênh mông vô định đến nỗi chúng tôi thực lòng tin rằng các bác tài đã lái theo sự chỉ bảo hướng dẫn của thần linh và tổ tiên mới đến đúng nơi mà không hề lạc đường.

Bình minh trên hồ nước lớn

Trong hai tuần rong ruổi với chặng đường gần 2,500 km từ thủ đô Ulaanbaatar, chúng tôi đến khu bảo tồn thiên nhiên Batkhaan để trải nghiệm ngủ lều du mục bên bờ suối, cùng ăn ở với dân địa phương; đến Elsen Tasarhai Sand Dune với thử thách cưỡi lạc đà trên tiểu sa mạc; thăm cố đô Kharkhorin với tu viện cổ nhất Erdenezuu; ngâm mình trong làn nước quý giá của suối nước nóng Tsenkher; leo hơn 400 m lên miệng núi lửa Khorgo ngủ yên từ gần 8,000 năm trước.

Chưa hết, chúng tôi còn khám phá khu hồ Terkhiin Tsagaan vùng sinh quyển của nhiều loài chim, hoa và thực vật quý hiếm; thăm hồ Khuvsgul, viên ngọc xanh chứa 70% lượng nước ngọt của toàn quốc gia và còn được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Mông Cổ”, nơi du khách được trở thành những kỵ sĩ thực thụ ngồi trên lưng ngựa ngắm trời mây và thả hồn phiêu du cùng bản tình ca thảo nguyên và núi đồi.

Hoàng hôn trên thảo nguyên

Hành trình tiếp nối với điểm dừng là miệng núi lửa già nua Ural Togoo từng hoạt động mạnh mẽ 20-25 triệu năm trước nhưng nay là một viên ngọc xanh phủ đầy những thảm hoa rực rỡ. Chuyến viếng thăm tu viện cổ Amarbayasgalant đã kết thúc hành trình off-road để quay về với thủ đô, nơi sinh sống tập trung của hơn phân nửa dân số Mông Cổ.

Giữa Tháng Bảy được coi là thời điểm du lịch tốt nhất trong năm nhưng thời tiết thay đổi liên tục trong ngày, hết nắng lại mưa, nhiệt độ ban ngày buổi trưa có thể tầm 27-28 độ C nhưng khi đêm xuống còn có 10-12 độ, nhất là lên phía Bắc khi ngủ trong Ger (lều truyền thống của người Mông Cổ). Người ta phải đốt bếp củi liên tục để sưởi ấm. Mà bạn biết chất đốt chính cho bếp lửa trung tâm, nơi được coi là linh hồn của Ger, là gì không?

Đó là phân bò phơi khô (argal), một thứ dễ kiếm, có ở mọi nơi mà chúng tôi hay đùa gọi là “mìn thảo nguyên”, thứ chất đốt được người Mông Cổ sử dụng bao đời nay và được người dân tin tưởng mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống: Giảm độ ẩm, khử khuẩn và vi nấm có hại trong lều, làm thanh sạch không khí, xua đuổi côn trùng, hơn thế còn mang ý nghĩa tâm linh giải tỏa và xua đuổi năng lượng xấu.

Ngắm mặt trời lặn trên thảo nguyên

Và họ có lý do chính đáng để tin như vậy, vì gia súc nơi đây không chỉ ăn cỏ mà còn rất nhiều loại thảo dược tự nhiên trên thảo nguyên với dược tính mạnh mẽ. Thực phẩm sấy khô hay nấu với argal thường có mùi vị thơm ngon hơn các chất đốt thông dụng khác. Dù luôn say sưa chụp ảnh, chúng tôi vẫn phải luôn giữ tinh thần “cảnh giác cao độ” nếu không muốn đạp trúng “mìn” thảo nguyên, khi mà dân số Mông Cổ chỉ có 3.2 triệu nhưng số lượng gia súc bò, ngựa, dê, cừu lên đến hơn 70 triệu con, được thả tự do trên đồng cỏ. Chất thải của chúng la liệt mọi nơi, kiếm một bãi cỏ sạch “mìn” còn khó hơn trúng số.

Cũng do chăn thả hoàn toàn tự nhiên như vậy nên thịt gia súc rất ngon. Nếu có dịp đến đây, bạn đừng bỏ qua món khorkhog (dê nướng đá) truyền thống. Thịt dê làm sạch được cắt miếng to bằng bàn tay, đá được chọn những viên nhẵn nhụi tầm nắm tay, đem nung nóng hàng giờ rồi xếp xen kẽ với thịt trong nồi cùng với rau củ, tỏi. Sau khi đậy nắp chặt, nồi thịt được mang nấu trên bếp. Sức nóng của đá và lửa bếp làm miếng thịt chín ngọt mềm, béo ngậy.

Sau bữa tối trong ánh hoàng hôn, đêm thảo nguyên lung linh hơn trong ánh lửa bập bùng và tiếng hát của các chàng trai, khi thì da diết với bài hát về mẹ, lúc lại hoang dã rộn ràng như vó ngựa tung bay trên cánh đồng thảo nguyên bạt ngàn ngút chân trời…

Nhà trên sườn đồi cỏ xanh
Bên trong một căn lều

Đạo Phật được bắt đầu truyền bá vào Mông Cổ từ thế kỷ 12. Hiện nay tôn giáo chính là Phật giáo Tây Tạng – một sự kết hợp giữa Đại thừa và Kim cương thừa xuất phát từ các giai đoạn sớm nhất của lịch sử Phật giáo Ấn Độ mà phương Tây gọi là Lạt ma giáo (Lamaism), do họ thấy người dân tôn sùng các vị Lạt ma. Vị Lạt ma thứ 4 vào thế kỷ 16 là người Mông Cổ và là Lạt ma duy nhất không xuất thân từ gốc Tây Tạng. Ông được người dân kính trọng tuyệt đối và treo ảnh thờ ở nơi trang trọng.

Người Mông Cổ đa số theo Phật giáo, nhưng song song vẫn tồn tại các hoạt động tâm linh cổ xưa như việc nhờ các shaman (thầy cúng, pháp sư), được xem như là những người làm cầu nối chuyển lời đến thần linh và các linh hồn nhờ giúp đỡ. Tương truyền khi xưa, trước mỗi lần xuất binh hay làm việc lớn, Thành Cát Tư Hãn luôn hỏi ý kiến các shaman. Khi ông chết thì các shaman cũng được chôn sống theo để tiếp tục trợ giúp đại hãn ở thế giới bên kia.

Một nơi thờ thần linh trên thảo nguyên mênh mông

Cho đến tận bây giờ lăng mộ Thành Cát Tư Hãn nằm chính xác ở đâu vẫn là một bí ẩn lớn với giới khảo cổ học thế giới. Có rất nhiều giả thuyết đưa ra nhưng không ai có bất cứ manh mối liên quan nào về nơi chốn hay cách thức chôn cất ông. Chỉ có những thông tin vô cùng ít ỏi là ông mất ở tuổi 67 khi đang chinh chiến ở Tây Bắc Trung Hoa.

Tương truyền, đoàn quân – trên đường mang thi hài ông về quê hương – đã giết hết tất cả người và cả súc vật nhìn thấy dọc đường. Sau khi chôn cất ông, người ta đã thả 1,000 con ngựa giày xéo mặt đất xóa sạch mọi dấu vết để không ai còn bất cứ manh mối nào mà có thể tìm đến quấy rối nơi yên nghỉ của ông. Với người Mông Cổ, ông được tôn thờ như một vị thần; và do vậy không ai có ý định tìm ra hay xúc phạm lăng mộ, trái với ý nguyện của ông là được an nghỉ trong bí mật.

Tác giả trên đồng cỏ bao la

Cảnh sắc của Mông Cổ dễ làm say đắm lòng người. Không chỉ có thảo nguyên rộng lớn lung linh huyền ảo với hoa và cỏ đua chen trên phủ khắp mặt đất, nơi bình minh và hoàng hôn luôn rực rỡ khác thường; mà còn có sa mạc hoang vu hút tầm mắt, có vùng núi cao với cảnh sắc không thua gì Thuỵ Sĩ, nhiều hồ rộng trải dài với hệ động thực vật vô cùng đa dạng.

Chuyến đi trong hai tuần mới chỉ khám phá được một phần nhỏ cảnh quan của đất nước rộng lớn này. Ngay khi vừa kết thúc, chúng tôi đã lên kế hoạch năm sau sẽ quay lại để đi thăm sa mạc Gobi, vùng núi Altai phía Tây và tìm hiểu kỹ hơn về các nét văn hóa tâm linh đặc biệt của người Mông Cổ, đất nước bí ẩn với những con đường đúng nghĩa freeway: Không giới hạn tốc độ, không bảng chỉ dẫn, không xác định phương hướng và không thể tìm thấy trên Google Map…

__________

Bài và ảnh: Hương Lê

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: