Nhiều chủ và thợ làm nail chưa biết nhiều về quyền lao động

Thợ và chủ tiệm nail cần phải biết nhiều hơn về quyền lao động. (minh họa: Anna Keibalo/Unsplash)

Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California và Trung Tâm Lao Động UCLA tổ chức một buổi hội thảo hôm Thứ Ba, 19 Tháng Ba, để nói về những điều quan trọng mà những người trong ngành nail cần biết, trong đó có dự luật AB 2444 để những người trong ngành này biết về quyền lao động.

Buổi hội thảo có sự điều hợp của bà Lisa Fu, giám đốc điều hành của Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh, và có sự tham dự của nhiều chuyên gia đóng góp cho nghiên cứu cùng một dân cử của California.

Diễn giả đầu tiên là bà Preeti Sharma, giáo sư trợ giảng của khoa Hoa Kỳ Học tại đại học Cal State Long Beach, nói về một số điểm quan trọng trong nghiên cứu.

Theo bà, trong một thập niên vừa qua, California có đến 127,480 thợ nail, tăng gần gấp ba lần; còn số tiệm nail lên đến 6,147 tiệm, tăng gần gấp đôi. Trong số thợ nail đó, một nửa đang làm việc ở Nam California.

Các tiệm nail được phân loại là “doanh nghiệp rất nhỏ” (microbusiness) vì có dưới 10 nhân viên. Thợ nail ở California có 85% là phụ nữ, trong con số đó là 84% phụ nữ gốc Á và rất nhiều người là dân nhập cư hay người tị nạn, chiếm đến 81% tổng số thợ nail ở California.

Có 82% những phụ nữ gốc Á theo nghề nail là người Việt Nam, và độ tuổi có nhiều người trong nghề này là 45 đến 60 tuổi, chiếm đến 45%.

Tuy có nhiều người trong nghề, nhưng họ bị trả lương dưới mức tối thiểu, có đến 80% nhận lương dưới $17.08/giờ, và mức lương trung vị của thợ nail là $10.94/giờ.

Tiếp lời Giáo Sư Sharma là anh James Huỳnh, nghiên cứu sinh cao học của Trung Tâm Lao Động UCLA, cho biết thợ nail bị phân loại nhân viên sai. Tuy làm việc toàn thời gian trong một năm, nhưng gần 30% bị phân loại thành người làm việc riêng (self-employed) chứ không phải là nhân viên của tiệm. Điều đó làm họ không nhận được giấy tờ thuế W-2, mà phải nhận giấy 1099, làm họ không nhận được các phúc lợi thất nghiệp.

Theo anh James, 15% thợ nail phải nhận các phúc lợi về thực phẩm như CalFresh hay SNAP, cùng các phúc lợi về nhà ở và y tế vì bị trả lương thấp.

Khảo sát của Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California và Trung Tâm Lao Động UCLA cho thấy 87% khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để thợ nail có điều kiện làm việc tốt hơn như lương bổng, cùng các phúc lợi như ngày nghỉ phép và nghỉ bệnh được trả lương, bảo hiểm y tế và được đào tạo tay nghề tốt hơn.

Sau bốn năm, ngành nail vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, với nhiều người chỉ làm nail bán thời gian trong khi vừa làm nghề khác để chi trả nhiều thứ.

Một điểm thu hút của ngành nail là không đòi hỏi nhiều để vào nghề như trình độ học vấn và sự thông thạo Anh Ngữ, với nhiều thợ nail chỉ có bằng trung học, và khoảng 25% có bằng đại học. Không chỉ vậy, hơn 50% thợ nail nhập cư chỉ thông thạo tiếng mẹ đẻ và không biết hoặc gần như không biết nói tiếng Anh.

Bà Mary Nguyễn, quản lý chính sách và nghiên cứu của Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California, nói về những cách mà California có thể thực hiện để giúp đỡ ngành nail.

Cách đầu tiên là tạo cơ hội đào tạo người trong ngành nail về quyền lao động trong ngôn ngữ và văn hóa của họ. Cách thứ hai là tạo ra những chương trình giáo dục, giao tế và có động lực giúp chủ tiệm chuyển tiếp thành cách làm việc tuân theo đúng luật lao động. Cách thứ ba là tạo ra một chiến dịch giáo dục khách hàng về sự quan trọng của trả tiền công bằng cho các dịch vụ tại tiệm nail qua sự hợp tác với các tổ chức cộng đồng, cùng chủ và thợ nail.

Cũng có mặt tại buổi hội thảo là Dân Biểu Alex Lee của California (Dân Chủ-Địa Hạt 24), tác giả của dự luật AB 2444.

Đa số người trong ngành nail là phụ nữ gốc Việt. (Hình: Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California)

Dự luật này yêu cầu Hội Đồng Làm Tóc và Thẩm Mỹ California phải thông báo với thợ và chủ tiệm nail về sự thay đổi luật phân loại nhân viên qua ngôn ngữ và văn hóa phù hợp.

Hội đồng đó phải tạo ra nhiều video hướng dẫn về luật lao động theo đúng ngôn ngữ và văn hóa của người trong nghề nail. Các cơ quan cấp giấy phép và những người xin giấy phép của ngành nail phải xem những video đó để được nhận hay gia hạn giấy phép.

Dân Biểu Lee cho biết: “Mỗi thợ nail đều xứng đáng được hưởng điều kiện làm việc đàng hoàng và mức lương xứng đáng với công sức của họ. Nhưng thực tế hiện nay không phải như thế. Chỉ riêng ở Santa Clara County và Alameda County đã có hơn 950 tiệm nail. Mục tiêu của tôi là bảo đảm nhân viên và chủ tiệm nail trong khu vực của tôi và trên toàn tiểu bang hiểu rõ hơn về luật lao động để không còn có chỗ hiểu nhầm về việc làm của mình. Dự luật AB 2444 sẽ đặt nền tảng giúp người lao động hiểu về quyền của mình và để chủ tiệm xây dựng một nơi làm việc công bằng.”

Buổi hội thảo còn có sự hiện diện của hai thợ nail lâu năm là bà Ánh Đoàn và bà Joanne Nguyễn để kêu gọi bảo vệ quyền lao động của người trong nghề này.

Bà Ánh cho biết bà trong nghề nail được 10 năm. Vì dễ kiếm được việc và không bị gò bó thời gian, đó là một nghề giúp nhiều người Việt Nam mới nhập cư vào Hoa Kỳ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tuy vậy, bà phải nghỉ việc vì COVID-19 cùng các vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp, nên bà kêu gọi bảo vệ quyền lợi lao động cho thợ nail, nhất là về y tế và sức khỏe.

Bà Joanne thì làm việc ở Los Angeles được tám năm, cho biết ngành nail giúp bà cân bằng giữa công việc và chuyện gia đình vì thời gian linh hoạt. Tuy bà nhận được giấy thuế W-2, nhưng nhiều người khác đang bị phân loại nhân viên sai vì thiếu hiểu biết về quyền lao động.

Bà còn nói nhiều thợ nail muốn tiếp tục làm việc, nhưng có nhiều rào cản khiến họ không làm việc thoải mái được. Nhiều thợ rất muốn có phúc lợi như nhiều ngành nghề khác như nghỉ bệnh và nghỉ phép có lương, có máy hút khói trong tiệm để giảm các vấn đề sức khỏe từ hóa chất cho thợ và khách hàng.

Vì vậy, bà Joanne ủng hộ dự luật AB 2444 để người lao động và chủ được đào tạo về luật lao động, tốt cho ngành nail.

California giữ một vai trò quan trọng trong ngành nail ở Hoa Kỳ vì có nhiều người trong nghề, có thị trường lớn, nhưng nhiều thợ và chủ tiệm nail vẫn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hiểu biết về luật lao động.

Không chỉ có nhân viên, mà chủ tiệm nail cũng không biết rõ về luật lao động vì các rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California và Trung Tâm Lao Động UCLA, California có số thợ nail được chứng nhận và tiệm nail nhiều nhất Hoa Kỳ, và do nhiều phụ nữ người Việt tị nạn làm chủ.

(minh họa: Giorgio Trovato/Unsplash)

Ngành nghề này luôn phát triển và thay đổi vì có công nghệ mới, có những xu hướng và kiểu mẫu mới, cùng giá cả vừa phải. Tiệm nail còn có một vai trò khác quan trọng trong xã hội vì là nơi khách hàng vừa sử dụng dịch vụ, vừa là nơi họ đến vì những mối quan hệ thân mật.

Tuy ngành nail chú trọng vào chăm sóc bản thân, nhưng hầu hết thợ nail vẫn bị trả lương không đủ và gặp nhiều vấn đề về lao động như các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Các vấn đề đó gồm có thường xuyên tiếp xúc với hóa chất dẫn đến nguy hiểm về hô hấp, về sinh sản và thậm chí ung thư.

Ngành nail ở California có nhân viên đa số là phụ nữ gốc Việt, là người tị nạn hoặc nhập cư, đang bị trả lương dưới mức tối thiểu và không được đánh giá đúng loại nhân viên. Điều đó làm họ không nhận được nhiều quyền lợi quan trọng.

Hiện nay, California không có đủ các cơ quan để thi hành luật lao động cho ngành nail, cũng như giáo dục về những đạo luật đó trong ngôn ngữ và văn hóa của người Việt Nam cho thợ và chủ tiệm nail.

Vì vậy, Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California và Trung Tâm Lao Động UCLA đưa ra nghiên cứu về ngành nail với bốn trọng điểm là thợ và chủ tiệm nail khắp California; lương bổng, cách trả lương, giá cả và khách hàng; nhu cầu của ngành nail; và cơ hội để phát triển ngành nail.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: