Người lao động sẽ còn ‘chơi vơi’ giữa ‘bão tố’ sa thải hàng loạt

(minh họa: Luca Bravo-Unsplash)

Năm 2023 là một năm của sự sa thải. Hơn 305,000 công nhân tại Hoa Kỳ đã bị cho nghỉ việc, bắt đầu đáng chú ý nhất là ở các công ty công nghệ, nhưng sau đó lan rộng sang các ngành công nghiệp khác.

Aaron Terrazas, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Glassdoor, nói với CNBC Make It: “Nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra những quyết định khó khăn để giảm số lượng nhân viên, đặc biệt là với sự bất ổn về mặt kinh tế vào đầu năm 2023.”

Tuy nhiên, với nạn sa thải hàng loạt, mức độ hài lòng và gắn kết của nhân viên cũng giảm sút, đồng thời áp lực ngày càng tăng đối với các nhà quản lý cấp trung, điều mà Terrazas dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Báo cáo của The Glassdoor 2024 Workplace Trends, hồi Tháng Mười Một năm 2023 sau khi phân tích tình hình của nhân viên hơn 100 công ty trải qua đợt sa thải lớn, đã tìm ra những khía cạnh về sự hài lòng của nhân viên, quản lý cấp trung trở xuống đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là những gì mà Terrazas nghi ngờ các công ty sẽ làm để nâng cao tinh thần của các nhân viên trong năm mới và sự không hài lòng của nhân viên sẽ được các nhà quản lý cấp trung cảm nhận như thế nào.

Chính sách ‘khuyến khích’ và ‘chịu phạt’

Báo cáo cho thấy 30 ngày đầu tiên sau đợt sa thải đã chứng kiến xếp hạng tổng thể của công ty giảm trên tất cả các khía cạnh về mức độ hài lòng của nhân viên.

Hơn nữa, mặc dù xếp hạng ổn định đối với hầu hết các hạng mục này theo thời gian, Glassdoor nhận thấy xếp hạng về văn hóa và giá trị cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống vẫn tiếp tục giảm, thậm chí kéo dài năm tháng sau khi họ bị sa thải.

Điều này có lẽ là do sự ảnh hưởng của việc sa thải đối với nền văn hóa công sở, sự gắn kết của các nhân viên và các vấn đề về cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ được cảm nhận nhiều hơn về lâu dài.

Terrazas cho biết, về mặt căn bản, tăng lương là cách nhanh nhất để nâng cao tinh thần của nhân viên. Tuy nhiên, ông lập luận rằng ngân sách doanh nghiệp đang khó khăn, nên ít có khả năng phương pháp này sẽ được áp dụng.

Các nhà kinh tế học thường phân biệt các chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết và hiệu suất của nhân viên như ‘khuyến khích’ hay ‘chịu phạt’. ‘Khuyến khích’, chẳng hạn như tăng lương, “thưởng nóng” hoặc “tặng” bữa trưa miễn phí tại văn phòng, nhưng ‘chịu phạt’ lại gây ảnh hưởng xấu đến sự hài lòng của các nhân viên.

Nhận thấy rằng sự hài lòng và sự gắn kết của nhân viên đều đang bị ảnh hưởng, Terrazas cho biết các nhà tuyển dụng sẽ “không muốn dựa quá nhiều vào hình thức ‘chịu phạt’.” Do cả hai lựa chọn đều không thoả đáng, ông tin rằng thay vào đó họ sẽ tập trung vào sự kết hợp giữa các biện pháp khuyến khích và chịu phạt, bằng cách chỉ thưởng cho những nhân viên chịu khó làm việc, và gắn bó với công ty.

Các nhà quản lý cũng nên lắng nghe nhân viên mình, từ cấp thấp nhất đến cấp cao hơn, xem họ có cảm thấy hài lòng trong công việc hay không, vì đây là điều rất quan trọng. (minh họa: Heelena Lopes/ Unsplash)

Terrazas cho biết, việc ghi nhận những nhân viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tại nơi làm việc để khuyến khích sự gắn kết của nhân viên là một ví dụ về chính sách khen thưởng. Ông khuyên các nhà quản lý cũng nên lắng nghe nhân viên mình, từ cấp thấp nhất đến cấp cao hơn, xem họ có cảm thấy hài lòng trong công việc hay không, vì đây là điều rất quan trọng.

Quản lý cấp trung cũng sẽ bị ảnh hưởng

Theo Terrazas, đợt sa thải là một giai đoạn khó khăn đối với các nhà quản lý cấp trung và họ khó có thể làm việc lại bình thường như trước đó trong năm nay.

Các nhà quản lý cấp trung cũng sẽ cảm thấy áp lực từ cả hai đầu của hệ thống phân cấp tại nơi làm việc trong thời điểm khó khăn này: Họ được giao nhiệm vụ thúc đẩy nhân viên cấp dưới tăng năng suất và thực thi các chính sách mà có lẽ chẳng ai thích thú, là phải làm việc nhiều hơn, mà “lương lậu” thì không thấy đề cập tới, thậm chí nhiều nơi còn bị cắt giờ làm, để giảm chi phí.

Trong khi phải thực thi các chính sách cắt giảm chi phí này, các nhà quản lý cấp trung cũng trở thành nạn nhân của những chính sách tương tự như “con bài thí mạng của sự bành trướng tổ chức.”

Terrazas cho biết: “Với các công ty tập trung vào năng suất và những lĩnh vực họ có thể cắt giảm chi phí, thì các nhà quản lý cấp trung đương nhiên là mục tiêu tiết kiệm các chi phí đó. Bản thân họ đang phải đối mặt với căng thẳng về việc sa thải khi các công ty đang tìm cách giảm tối đa bộ máy làm việc, mà ‘đối tượng’ hầu hết là người quản lý cấp trung.”

Làm gọn nhẹ bộ máy tổ chức là xu hướng đang phát triển không chỉ liên quan đến cắt giảm chi phí, mà còn với sự thúc đẩy ngày càng tăng đối với tuần làm việc bốn ngày. Nhà phân tích Josh Bersin nói với CNBC Make It vào tháng trước, rằng lợi ích của các tổ chức tinh gọn là rất quan trọng để chuyển đổi thành công sang chính sách làm việc bốn ngày một tuần.

Báo cáo cho thấy đối với các công ty lớn, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các nhà quản lý cấp trung đã giảm mạnh. Không những thế, thị trường lao động nói chung sẽ dự báo là một bức tranh u ám, mà ảnh hưởng nhiều nhất chẳng ai khác hơn, chính là người lao động.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: