Ghép tim heo cho người, cuộc cách mạng kỹ thuật sinh học

Tuần trước, tin ông David Bennett, một bệnh nhân nam 57 tuổi sống ở tiểu bang Maryland, sắp qua đời, được phẫu thuật cấy ghép một quả tim heo biến đổi gen đã gây rúng động cộng đồng y học và được ca ngợi như “bước đột phá trong kỹ thuật sinh học (bioengineering) và hứa hẹn một kỷ nguyên mới cấy ghép nội tạng nguyên khối (solid organ transplantation)”.

Đột phá mang tính cách mạng hứa hẹn cứu sống nhiều người

Dù kinh nghiệm của chúng ta với loại cấy ghép mang tính cách mạng và “táo bạo” này vẫn còn khiêm tốn, cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa, nhưng tiến bộ khoa học cũng giúp cung cấp một cái nhìn lạc quan hơn về một tương lai sáng sủa, khi một bệnh nhân chờ ghép tạng sẽ chỉ còn chờ vài ngày, vài tuần thay vì vài tháng, thậm chí nhiều năm để đến phiên mình.

Đứng trên tinh thần lạc quan này, hàng chục nghìn người Mỹ (và đông hơn trên toàn thế giới) đang chờ cấy ghép sẽ có thêm một hy vọng nữa khi họ bồn chồn chờ cuộc gọi báo sắp được ghép tạng. Đặc biệt là các bệnh nhân bị suy tim sung huyết (congestive heart failure). Những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận trong thời gian chờ có thận. Những người bị bệnh gan, suy phổi…cũng hy vọng kỹ thuật mới sẽ sớm giúp họ giữ lại mạng sống.

Hiện đã có hơn 100,000 người được đưa vào danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ (theo số liệu của tổ chức hỗ trợ United Network for Organ Sharing). Nhưng năm 2021, chỉ có khoảng 41,000 ca ghép tạng được thực hiện, dù là năm cao nhất kể từ năm 1988 (theo UNOS). Trước nhu cầu quá lớn, nhiều bệnh nhân không biết chờ đợi đến bao giờ. Những người chờ đợi quá thời hạn cho phép sẽ chết.

Lý do hàng đầu là thiếu tạng hiến tặng. Đã 54 năm kể từ khi bác sĩ Christiaan Barnard tiến hành ca ghép tim đầu tiên trên người với trái tim của anh Denise Darvall, 25 tuổi, bị chấn thương sọ não (và chết não) trong một tai nạn xe hơi, vào ngực ông Louis Washkansky, 53 tuổi, người sắp chết vì suy tim. Washkansky chỉ sống thêm được 18 ngày, nhưng bệnh nhân thứ hai của bác sĩ Barnard sống được đến 18 tháng với trái tim cấy ghép trong lồng ngực.

Nửa thế kỷ tiếp theo, kỹ thuật phẫu thuật đã được cải tiến rất nhiều để có thể bảo tồn và cấy ghép các cơ phận nguyên khối như tim, thận, phổi, gan. Một số tiến bộ đã tạo ra các loại thuốc mới chống thải hồi cho phép bệnh nhân sống thêm nhiều năm mà không sợ nội tạng ghép bị cơ thể đào thải.

Hiện nay, phần lớn những người được ghép tim sống sót không dưới 10 năm. Trong khi tính an toàn và hiệu quả của phẫu thuật ghép tạng đã được cải thiện đáng kể trong vài thập niên qua, việc cung cấp cơ phận để ghép vẫn còn là vấn đề lớn. Nhiều người có thể sống nhưng phải chết vì không tìm được nội tạng tương hợp.

Chờ đợi kết quả và còn nhiều việc phải làm

Có nhiều rào cản đối với hiến tạng, từ sự miễn cưỡng của gia đình, lý do tôn giáo, chủng tộc đến sự thiếu hiểu biết chung của xã hội về mục tiêu cứu người của tạng cấy ghép. Thậm chí, một người chết não có thể cứu được vài người hay giúp cuộc sống của họ chất lượng hơn. Kết quả của các rào cản này là tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng không bao giờ khắc phục được, mức cầu luôn vượt xa cung một bước dài.

Vì vậy, ý nghĩa đột phá của ca phẫu thuật thành công trên ông Bennett không chỉ là ghép tim đơn thuần, mà còn mở ra nguồn cung nội tạng cho phẫu thuật ghép cơ phận trên người. Kỹ thuật Xenotransplantation (để chỉ việc ghép tạng lấy từ một động vật không phải người) đã được làm thử nhưng không thành công trong quá khứ.

Năm 1984, cô bé Stephanie Fae Beauclair (người được gọi là Baby Fae) sinh ra với hội chứng tim trái giảm sản (hypoplastic left heart syndrome). Trong một nỗ lực để cứu sống em, các bác sĩ đã thay tim em bằng trái tim của một con khỉ đầu chó. Nhưng em chi sống được 21 ngày sau phẫu thuật vì trái tim bị cơ thể bác bỏ (lúc đó chưa có thuốc chống đào thải).

Để cơ quan hiến tặng không phải của con người hoạt động hoàn hảo trong cơ thể người, nó phải tương tự về mặt giải phẫu, đồng thời phải hoạt động tốt trong môi trường mới (cơ thể mới) và không bị từ chối (từ chối cơ phận ghép là nguy cơ mà tất cả những người ghép tạng phải đối mặt và càng khó khăn hơn rất nhiều khi tạng ghép lấy từ một nguồn không phải con người).

Dù trái tim của một con heo trưởng thành về mặt giải phẫu học giống trái tim người, nhưng để có thể ghép cho ông Bennett, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland phải chỉnh sửa 10 gen ở con heo. Một số gen được vô hiệu hóa hoặc bị loại bỏ để ngăn tim heo bị đào thải cấp tính trong cơ thể người.

Một gen nữa phải sửa để ngăn trái tim heo tiếp tục phát triển ngoài kích thước cho phép sau cấy ghép. Một số gen của người cũng được chuyển cho heo để ngăn những bất thường về đông máu trong trái tim ghép. Dĩ nhiên, giống như các ca ghép tạng khác, các loại thuốc chống thải ghép mạnh cũng được sử dụng.

Chúng ta sẽ biết tương đối sớm liệu cuộc phẫu thuật táo bạo mang tính cách mạng này có phục hồi được sức khỏe của ông Bennett, đưa ông trở lại cuộc sống gần như bình thường hay không. Trong khi khả năng hồi phục của bệnh nhân là không chắc chắn lắm, thậm chí có thể mất một khoảng thời gian dài, nhưng điều chắc chắn là cuộc phẫu thuật ngoạn mục đã mở ra cánh cửa mới của công nghệ sinh học: Cho phép ghép cho người các cơ phận được chế tạo sinh học và tạo ra nguồn cung nội tạng gần như không giới cho ai cần. Lúc đó cung sẽ vượt xa cầu.

Mặc dù con đường phía trước chắc chắn còn nhiều thách thức từ sinh lý, kỹ thuật đến đạo đức, nhưng một ngày nào đó chúng ta có thể nhìn vào ca cấy ghép tiên phong và “can đảm” này giống như cách chúng ta kỳ vọng khi nhìn vào ca ghép tim đầu tiên của bác sĩ Christiaan ​​Barnard.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: