Va chạm máy bay trên không, cảnh báo không thể xem thường

Minh họa: harry-cunningham-unsplash

Số vụ tranh luận giữa các hãng hàng không và cơ quan quản lý về những “tai nạn suýt xảy ra” trên đường băng đang tăng mà một trong những nguyên nhân chính là thiếu nhân sự do đại dịch.

Những tín hiệu đáng lo

Trải qua 14 năm không có một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng gây chết người nào tại Hoa Kỳ, bầu trời dường như chưa bao giờ an toàn hơn. Nhưng đây không phải là kết luận từ một cuộc họp bất thường của các quan chức và cơ quan quản lý cấp cao ngành hàng không Mỹ vào Tháng Ba qua. Được Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration-FAA) triệu tập và tổ chức tại một hội trường bên ngoài thủ đô Washington, cuộc họp tập trung vào một loạt sự cố nghiêm trọng tại các sân bay Hoa Kỳ trong năm nay.

Đáng báo động nhất là vụ suýt va chạm vào một ngày sương mù đầu Tháng Hai, khi một chiếc máy bay chở hàng của FedEx suýt hạ cánh trên nóc chiếc máy bay chở khách của hãng Southwest Airlines đang cất cánh từ sân bay Austin, Texas, đe doạ tính mạng của 131 hành khách và phi hành đoàn. Tháng Một trước đó, một phi công rẽ nhầm đường băng ở New York cũng suýt dẫn đến va chạm.

Các quan chức quản lý đưa ra giả thuyết rằng, sự tiếp cận quá gần là do tần xuất các chuyến bay cao bất thường khi du lịch bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch. Một số đổ lỗi cho phi công mới thiếu kinh nghiệm hoặc các kiểm soát viên không lưu mất tập trung. Cũng có người nêu nguyên nhân sự mệt mỏi quá mức của những nhân viên tuyến đầu trong hàng không dân dụng vì lịch trình làm việc dày đặc, nhưng một số quan chức chính phủ đổ lỗi là do “chủ quan và tự mãn”.

Ed Sicher, chủ tịch hiệp hội phi công của American Airlines cho biết trong một phiên họp kín ngày 15 Tháng Ba: “Mọi bộ phận của hệ thống đều bị căng thẳng. Liên đoàn phi công đã gửi thông điệp khẩn đến các thành viên trong đó khuyến cáo hãy tập trung hơn nữa vào sự an toàn”. Không ai có thể nói chắc điều gì xảy ra sau những lần suýt va chạm nên mọi người đều bất an khi mùa du lịch bận rộn đã đến. “Vấn đề phải được đưa vào tầm ngắm của tất cả những bên liên quan trong suốt mùa hè này” – George Novak, chủ tịch Hiệp hội Hãng hàng không Quốc gia (National Air Carrier Association-NACA) nêu rõ trong một cuộc phỏng vấn – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Minh họa: leio-mclaren-unsplash

Thời an toàn đã qua?

Công nghệ không lưu tốt hơn và nhiều năm hợp tác giữa các hãng hàng không và các cơ quan quản lý đã làm giảm đáng kể số vụ tai nạn nghiêm trọng kể từ năm 2009, khi 50 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở ngoại ô New York. Chỉ có hai trường hợp tử vong liên quan đến các máy bay chở khách lớn kể từ đó. Năm 2018, một hành khách ngồi gần cửa sổ chuyến bay Southwest Airlines thiệt mạng vì một cánh quạt bị gãy khi đang bay phá thủng thân máy bay. Năm 2019, một hành khách thiệt mạng vì cánh quạt đâm vào khi một chuyến bay PenAir đang hạ cánh trên đường băng ở Alaska.

Nhưng nếu vấn nạn “suýt va chạm nghiêm trọng” giữa các máy bay chở khách trong năm nay tiếp tục diễn ra thì hậu quả sẽ nặng nề hơn các tai nạn trong hai thập niên qua. Tháng Một, khi một chiếc máy bay rẽ nhầm và suýt đâm vào một chiếc máy bay khác trên đường băng tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, FAA giải thích là do “phi công không làm đúng các quy định của liên bang”.

Ngoài ra còn có những lần suýt va chạm nghiêm trọng trong năm nay ở Santa Barbara, California, Baltimore và Boston. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (National Transportation Safety Board-NTSB) đang điều tra sáu lần suýt va chạm gần các sân bay nhưng chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Ngày 23 Tháng Năm, Chủ tịch NTSB Jennifer Homendy từ chối cho biết nguyên nhân, nêu lý do NTSB còn đang điều tra.

Với trường hợp ở Austin, Texas, người ta tập trung vào vai trò của những người kiểm soát không lưu có nhiệm vụ giữ an toàn cho hàng ngàn chuyến bay mỗi ngày trên khắp đất nước (nhưng có lúc họ để cho hai máy bay chở đầy hành khách chỉ cách nhau một khoảng cách nhỏ!). Trách nhiệm của các phi công cũng đang được xem xét. Cả phi công và kiểm soát viên trong vụ Austin đều không công khai danh tính. Theo một báo cáo sơ bộ của NTSB, thời tiết sáng hôm đó có sương mù bao trùm sân bay, khi hai máy bay cố cất và hạ cánh trên cùng một đường băng trong tầm nhìn hạn chế.

Các giải pháp

Tỷ lệ sự cố đường băng nghiêm trọng đã giảm trong những năm gần đây sau khi các cơ quan quản lý và ngành hàng không triển khai một nỗ lực phối hợp để giải quyết, gồm cả việc bổ sung các bộ cảm biến và đèn cảnh báo tại một số sân bay. Nhiều quan chức trong ngành lo ngại sự thiếu kinh nghiệm của phi công và kiểm soát chuyến bay sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Khi xảy ra đại dịch, các hãng hàng không đã cho “hạ cánh” phần lớn đội bay, cắt giảm số chuyến bay và khuyến khích nhân viên nghỉ hưu sớm.

Nay du lịch tăng trở lại nhanh hơn nhiều so với dự đoán nên các hãng hàng không phải vật vã bổ sung nhân sự. Điều đó có nghĩa là các phi công được thăng cấp nhanh hơn, từ sân bay nhỏ khu vực lên sân bay lớn hơn, từ máy bay nhỏ lên máy bay lớn hơn và nâng cấp sớm hơn từ first officer lên cơ trưởng. Một viên chức NTSB nói với các phóng viên: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là liệu quá trình đào tạo có được rút ngắn quá hay không?”.

Các quan chức hiện tại và trước đây của FAA cho biết cơ quan đã nhìn thấy những dấu hiệu cảnh báo từ mùa hè 2021. Khi du lịch bắt đầu phục hồi, FAA kêu gọi các hãng hàng không tăng cường giám sát nhân viên thiếu kinh nghiệm bay và chú ý sự mệt mỏi của các nhân viên tuyến đầu. FAA cũng bổ sung các kiểm soát viên không lưu mới, tăng cường công tác đào tạo và tiếp tục đào tạo những kiểm soát viên đang làm việc nhưng chưa được chuẩn nhận đầy đủ. Do năm 2020 FAA phải tạm thời đóng cửa học viện đào tạo kiểm soát viên chính vì đại dịch nên số lượng kiểm soát viên được đào tạo đầy đủ giảm xuống còn 10,268 trong năm đó, mức thấp nhất trong một thập niên.

Số lượng hiện đã được cải thiện phần nào nhưng FAA vẫn có ít nhân viên được đào tạo đầy đủ hơn tại các cơ sở không lưu, và số nhân viên mới tốt nghiệp cũng ít hơn 10 năm trước đó. Tại phiên họp kín ngày 15 Tháng Ba, David Garrison, phó chủ tịch cấp cao về an toàn và an ninh của Delta Air Lines, thừa nhận những thách thức về đào tạo là lý do khiến ngành hàng không phải vật lộn để trở lại bình thường. Giới chức an toàn hàng không đang rà soát lại các phương pháp theo dõi rủi ro hiện có để xem có bỏ sót gì không. Các hãng hàng không và cơ quan quản lý cũng chia sẻ dữ liệu kín về an toàn để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn trước khi chúng dẫn đến sự cố hoặc tai nạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: