Thương mại thời ông Trump: Những sự thật còn lại

Các chính sách thương mại của Tổng thống Trump đã thất bại như thế nào?
Douglas A. Irwin (*) – Hiếu Chân dịch 

Thương mại là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump năm 2016. Ông coi thương mại là cuộc thắng-thua, được ăn cả ngã về không; ông đổ tội cho thâm hụt thương mại đã thủ tiêu sản xuất công nghiệp của vùng trung tâm nước Mỹ, gọi hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement, NAFTA) là “thảm họa”, và lên án Trung Quốc về cung cách thương mại không công bằng. Ông nghĩ cứng rắn trong thương mại sẽ mang lại cho ông lợi thế để đạt được những thỏa thuận tốt hơn.

Tổng thống Trump tự gọi mình là một “người của thuế suất” (tariff man), áp thuế 25% lên sản phẩm nhôm và thép nhập cảng và phát động thương chiến chống Trung quốc. Ông rút ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), tái thương lượng NAFTA và đe dọa rút ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO).

Thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử đem lại một cơ hội đánh giá lại chính sách thương mại của ông. Bốn năm qua, chúng ta học được điều gì? Nhiều điều, nhưng đặc biệt là các sự thật kinh tế xưa cũ vẫn còn giá trị.

  • Thuế suất không làm giảm thâm hụt thương mại: 

Thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2019 lên tới 864 tỷ Mỹ kim, cao hơn năm 2016 khoảng 100 tỷ Mỹ kim.

Nếu một quốc gia nhập cảng nhiều hơn xuất cảng thì có vẻ tăng thuế suất sẽ làm giảm nhập cảng và thu hẹp chênh lệch thương mại. Nhưng thật ra không phải như vậy. Các nhà kinh tế học từ lâu đã chỉ ra rằng thâm hụt thương mại là do các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là dòng chảy tài chính quốc tế. Nền kinh tế mạnh thời trước đại dịch Covid, cùng với chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ bảo đảm tiêu dùng ở mức cao và hàng nhập cảng tiếp tục đổ vào. Kết quả là: Thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2019 lên tới 864 tỷ Mỹ kim, cao hơn năm 2016 khoảng 100 tỷ Mỹ kim.

Tại sao thuế suất không giúp giảm thâm hụt thương mại? Không ngạc nhiên là các nước khác đã trả đũa bằng cách tăng thuế suất lên hàng xuất khẩu của chúng ta. Khi chính phủ tăng thuế lên hàng Trung quốc, hàng hóa chỉ đơn giản là chuyển sang Việt Nam và các nhà cung cấp khác chứ không phải chuyển sản xuất về nước.

  • Thuế suất là do người tiêu dùng trả, hủy hoại công ăn việc làm và gây tổn thương cho nền kinh tế

Ông Trump nhấn mạnh Trung quốc phải trả thuế suất tăng, thêm khoảng 15% tới 25%, mà ông áp lên khoảng 300 tỷ Mỹ kim hàng hóa Trung quốc xuất cảng vào Mỹ. Trong thực tế, thuế suất này được chuyển qua người tiêu dùng Mỹ, người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn khi mua hàng, một cách trực tiếp khi mua hàng hóa nhập cảng hoặc gián tiếp cho các nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm trung gian làm cho giá thành sản xuất tăng lên và cuối cùng sẽ nâng giá bán hàng tới người tiêu dùng.

Lấy sắt thép làm ví dụ. Giá thép cao do thuế nhập cảng có thể cứu được một số công việc làm trong ngành công nghiệp thép, nhưng không nhiều lắm. Ngành công nghiệp này dùng nhiều vốn liếng và không còn sử dụng hàng chục ngàn công nhân như những năm xưa. Trong thập niên 1980, người ta phải mất 10 tiếng đồng hồ mới làm ra một tấn thép, bây giờ chỉ cần một tiếng đồng hồ.

Thuế suất cao được chuyển qua người tiêu dùng Mỹ, người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn khi mua hàng, một cách trực tiếp khi mua hàng hóa nhập cảng hoặc gián tiếp cho các nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm trung gian.

Trong thực tế, bảo hộ ngành thép bằng thuế suất là chính sách hủy hoại việc làm. Các nhà kinh tế học ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) phát hiện ra rằng thuế suất cao áp vào thép và nhôm đã làm cho ngành công nghiệp chế tạo mất đi khoảng 75,000 công việc làm.

Vì sao lại như vậy? Vì lượng công nhân được thuê mướn trong những ngành công nghiệp sử dụng sắt thép thì đông hơn nhiều so với công nhân ngành sản xuất thép. Giá thép cao “trừng phạt” các nhà sản xuất nội địa ở các ngành sử dụng nhiều sắt thép, chẳng hạn các công ty sản xuất máy móc và thiết bị nông nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường nội địa và quốc tế, làm giảm xuất cảng và tăng nhập cảng. Hãng xe hơi Ford nói giá thép cao khiến cho họ mất thêm khoảng 1 tỷ Mỹ kim trong thời gian 2018-19.

Rộng hơn nữa, thuế suất kéo lùi nền kinh tế. Hồi tháng Giêng 2020, Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thuế suất cao sẽ giảm tổng sản lượng quốc gia (GDP) thực tế trong năm nay ở mức 0.5% và tăng giá hàng tiêu dùng khoảng 0.5%, khiến cho thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình Mỹ bỉ giảm 1,277 Mỹ kim.

  • Các hiệp định thương mại là một phần cốt yếu của thế giới toàn cầu hóa ngày nay. 

Khi vận động tranh cử năm 2016, ông Trump lên án hiệp định NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất xưa nay và dọa sẽ rút ra khỏi NAFTA. Các chính trị gia Cộng Hòa ở các tiểu bang nông nghiệp – mà lượng hàng xuất cảng sang Mexico đã tăng vọt sau khi hiệp định này được thực hiện năm 2015 – đã thuyết phục ông nên tái đàm phán thay vì hủy bỏ NAFTA.

Ông Trump khoe rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Nhưng ông không bao giờ xác định được điều khoản nào trong hiệp định là bất công với người Mỹ bởi vì không hề có một điều khoản như vậy. Ông ghét một số hậu quả phát sinh từ NAFTA – chẳng hạn như nhập cảng nhiều hơn từ Mexico – trong khi ông bỏ qua những lợi ích của nó với người tiêu dùng, cũng như sự gia tăng xuất cảng hàng hóa Mỹ sang Mexico.

Hậu quả là gì? NAFTA đổi tên thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), giữ nguyên quy định thuế suất 0% lên hàng hóa trao đổi giữa ba quốc gia đồng thời siết chặt thêm các quy định trong lĩnh vực xe hơi. Cuối cùng thì đơn giản là NAFTA quá quan trọng nên không thể bỏ được.

  • Thay đổi cung cách thương mại của Trung quốc là đúng và đã trễ nhưng cần một chiến lược thận trọng.

Chính phủ của ông Trump tách riêng Trung quốc vì cung cách thương mại không công bằng của nước này và tăng thuế suất lên phần lớn hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Ở đây, quan điểm của chính phủ là đúng: Bắc Kinh không tuân thủ luật lệ, hoặc luật lệ không bao quát được mô hình tư bản nhà nước của Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận nặng tay của chính phủ bị phản tác dụng.

Mặc dù tổng thống nhấn mạnh rằng “chiến tranh thương mại là tốt, và dễ thắng”, thực sự thương chiến rất tốn kém và rất khó thắng. Tăng thuế suất đi kèm với trả giá đắt: Việc tăng thuế suất của ông Trump ngay lập tức bị trả đũa bằng những biện pháp chống nông sản xuất cảng của Mỹ, khiến chính phủ phải bỏ ra hàng chục tỷ Mỹ kim để cứu nguy cho các nông dân bị thiệt hại.

Bắc Kinh không tuân thủ luật lệ, hoặc luật lệ không bao quát được mô hình tư bản nhà nước của Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận nặng tay của chính phủ bị phản tác dụng

Đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đã bị xếp vào kho, việc mua hàng của Trung quốc vẫn giảm nhiều so với cam kết của họ và xuất cảng của Mỹ vẫn bị trì trệ. Một thỏa thuận về những rào cản có tính cơ cấu của Trung quốc vẫn chưa được đàm phán, nếu còn một cơ hội đàm phán như thế. Cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ Mỹ đã làm cho Bắc Kinh dồn nhiều nỗ lực hơn cho mô hình tư bản nhà nước, đẩy những nhà cải cách vào thế phòng thủ.

Washington cần một chiến lược hiệu quả để đối phó với Trung quốc, một chiến lược bao gồm các đồng minh của Mỹ thì mới có hy vọng thành công. Khi ông Trump rút ra khỏi hiệp định TPP mà không suy nghĩ hoặc nghiên cứu, chúng ta đã mất một cơ hội để thiết lập các luật lệ và vun đắp mối quan hệ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tất cả những chuyện này dẫn tới hàng loạt hậu quả đáng thất vọng – nhưng hoàn toàn đoán trước được, và thật không may đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ và làm cho các đồng minh xa lánh. Tổng thống đã tìm cách làm giảm thâm hụt thương mại, tăng số công ăn việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo, thay đổi chính sách của Trung quốc và nhắm tới những thỏa thuận thương mại tốt hơn. Nhưng rất tiếc tất cả những chuyện này đều không đạt kết quả.

(*) Giáo sư kinh tế học Đại học Dartmouth, tác giả sách: “Xung đột thương mại: Lịch sử chính sách thương mại Mỹ”

Nguồn: Wall Street Journal

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: