Chuyện ba người bạn

Ảnh minh hoạ: Tran Phu/Unsplash

Góc đường White, thành phố Spring, có một quán cà phê nhỏ, bàn kê ra tận hành lang phía ngoài, nơi dành riêng cho những khách quen, có thói quen hút thuốc, thích ngồi nhâm nhi ly cà phê và ngắm xe cộ xuôi ngược ngoài đường? Sáng nay bỗng thấy có một vị khách… lạ! Vị khách đó tuổi chừng ngoài sáu mươi, bởi mái tóc đã thấy muối nhiều hơn tiêu, song da dẻ vẫn còn hồng hào, tráng kiện. Khách không hút thuốc, nhưng trên tay cầm một tờ báo, lại là tờ báo tiếng Việt, và trông cái tít tên tờ báo TN, chắc chắn là báo in ở trong nước? Vị khách thỉnh thoảng cầm tờ báo lên vạch vạch ra xem, rồi gấp lại để trên bàn, vẻ mặt tư lự, ánh mắt đăm chiêu, như có điều tâm sự, khó thố lộ…

Chợt nhìn đôi mắt khách hoe đỏ, miệng lẩm bẩm: “ Vậy là tụi nó bị vô khám hết rồi!..”

***

Quảng Trị, mùa Hè đỏ lửa năm 1972, có ba đứa trẻ trai, tuổi chừng 15, 16, không biết vì lạc gia đình, hay do người thân, cha mẹ bị chết mà dắt díu nhau lang thang, ngơ ngác trong dòng người chạy loạn tứ tung trên “đại lộ kinh hoàng”, đầy những vỏ đạn đồng, xác người chết và tiếng pháo rít nổ trên đầu. Máu và nước mắt loang lổ trên mặt, trên hai vạt áo, nhàu nhĩ, nhăn nhúm. Một chiếc xe GMC chở lính Việt Nam Cộng Hòa chạy ngang qua và dừng lại, kéo ba đứa trẻ lên xe hỏi han, chăm sóc, rồi chiếc xe chạy hướng về phía Huế, theo sau những đoàn người chạy loạn.

Tờ mờ sáng hôm sau, xe đến ga Lăng Cô, ba đứa trẻ xin xuống, nói quá giang tàu lửa vào Đà Nẵng tìm người quen.

Tiếng tàu xình xịch chạy, lắc lư, nghiêng ngả, như bước đường đời phiêu linh của ba đứa, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, lăn lóc ôm nhau ngủ ở một toa trống, chở lỉnh kỉnh hàng hóa. Chúng ngủ say sưa và mơ những giấc mơ êm đềm…

Khi chúng giật mình thức dậy vì những tiếng còi tàu rền vang, thì tàu đã vượt quá ga Nha Trang. Có đứa chợt hốt hoảng bật khóc, nhưng có một đứa, có vẻ… chững chạc, hiểu biết hơn, trấn an: “Thôi, để tàu vào luôn Sài Gòn, tao có địa chỉ nhà chú tao. Chú tao làm cảnh sát trong đó…”.

Vào tới Sài Gòn, ba đứa lang thang thế nào ở chợ Bến Thành lại “bị hốt” đưa vào trại “mồ côi” mà khi đó có người gọi là trại “tế bần” để nuôi dưỡng!

Đứa có chú làm cảnh sát, sau đó được bảo lãnh ra, còn hai đứa kia, người ta không thể nào liên lạc được với người thân vì những cái tên và địa chỉ chúng đưa ra, chưa thể tìm ra được. Tội nghiệp, vì thương bạn, thằng được bảo lãnh, hàng tuần đều mang đồ ăn tới để chia sẻ và an ủi bạn, cho đến khi chiến sự ngày càng lan rộng…

Dân chúng chạy khỏi vùng giao tranh khi Việt cộng tấn công Sài Gòn trong Tết mậu Thân 1968 – Ảnh: Tim Page/Corbis/Getty Images

***

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Sài Gòn bị cưỡng chiếm, cả miền Nam rơi vào tay “bên thắng cuộc”, thể chế, màu cờ và hàng triệu cảnh đời bị đảo lộn, đổi thay. Ba đứa bạn năm xưa, giờ đã là những chàng trai tuổi 18, 19, tình cờ gặp lại nhau trong sân… Thành Đoàn, thành phố. Một trong ba đứa, giờ đã là “cán bộ Thành Đoàn”, vì có cha là “liệt sĩ” hy sinh tại cổ thành Quảng Trị năm xưa, đứa đang chuẩn bị “đăng Thanh niên Xung phong” và đứa trước đây có chú làm cảnh sát, chuẩn bị “đi xây dựng vùng kinh tế mới”. Mỗi đứa một cảnh đời, phân biệt và có ranh giới cụ thể…

Cũng theo dòng hồi ức miên man của người đàn ông trung niên, thằng làm cán bộ Đoàn, sau đó được đi học bổ túc văn hóa, rồi “chuyên tu, tại chức” lấy cử nhân, rồi thạc sĩ, sau đó được đưa lên làm giám đốc một chỗ “ngon cơm”, lên xe, xuống ngựa, vênh vang cùng với đời, thỉnh thoảng ba thằng cũng gặp gỡ nhau, hỏi thăm nhau, và thực tình, thằng làm giám đốc, cũng có giúp đỡ chút ít cho cả hai đưa bạn kia…

Đứa đăng Thanh niên Xung phong, tới năm 1979, khi giặc Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc và Khmer Đỏ đánh vào biên giới Tây Nam đã viết đơn xin qua bộ đội để chiến đấu “giữ nước” theo niềm tin mà nó đang “phụng sự”. Gian khổ, chiến đấu một thời gian, nó được đưa đi học trường Lục quân, để “tạo nguồn” cán bộ cho quân đội. Song không hiểu sao, một thời gian sau, nó “được” cho xuất ngũ và sau đó… xuống tóc, gia nhập cửa thiền. Và cũng nhanh chóng được làm trụ trì một ngôi chùa ở một tỉnh miền Tây trù phú. Cũng lạ, thời buổi của vô thần, mà chùa chiền, đền thờ cứ thi nhau mọc lên như nấm, vợ con của cán bộ là những người mê tín số một, nhờ phán đoán số mệnh, cúng sao, giải hạn, “chủ trì” chùa ngày càng phất lên như diều gặp gió. Tướng mạo phương phi, phốp pháp, đổi xe đời mới như thay áo…  Âu cũng là số phận?

***

Thằng bé năm xưa “già dặn” khôn lanh hơn, sau ngày “giải phóng” lại có một cuộc đời bi kịch và nhiều trắc trở bởi có cha là “tử sĩ”, cũng hy sinh trong trận chiến cổ thành Quảng Trị, thêm chú là sĩ quan cảnh sát, bị đưa đi “học tập… mút mùa Lệ Thủy”, vợ con tử nạn, sau chuyến vượt biên đầy giông bão, bỏ lại nó đơn độc, trong căn lều trống trước, hụt sau trên vùng kinh tế mới Dương Minh Châu, ngút ngàn cỏ tranh và bom đạn còn sót lại sau chiến tranh.

Qua hai mùa làm rẫy, chai sần tay, vẫn không đủ khoai, sắn bỏ vào miệng. Nó bỏ rẫy, theo một số bạn bè lên rừng… đốt than, vì lúc này, than củi khan hiếm. Bị bắt vì tội phá rừng, đang trong tù, thì thằng bạn làm giám đốc tìm tới thăm và bảo lãnh cho về Sài Gòn, thằng bạn làm “chủ chùa” cũng từ miền Tây lên “bố thí của tam bảo” cho một ít tiền, khuyên tìm “nghề lương thiện” làm ăn. Có lẽ hai đứa cũng cám cảnh năm xưa trong trại tế bần, hàng tuần nó đều xin chú đến thăm, mà trả ơn cho nó.

Sài Gòn 1989 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Nó dành tiền ra thuê nhà trọ và một chiếc xe xích lô đạp để hành nghề kiếm sống. Một năm trôi qua trong khó khăn, tủi nhục, nó đã nhận ra làm nghề lương thiện trong “xã hội mới, con người mới” hiện nay, là khó mà ngóc đầu lên được. Nó bỏ nghề đạp xe xích lô để ra bán chợ trời và tìm đường vượt biên. Hơn mười lần vượt biên bằng đường biển, đều thất bại, quay về với thân thể bầm dập, tả tơi. May mà có sư “chủ chùa” vẫn còn chút lương thiện, nhớ tình bè bạn, mà cho nó trốn tránh, tá túc một thời gian.

Nương cửa thiền, nhưng lòng dạ nó luôn bất an, lo lắng. Bởi nó biết, đây cũng là nơi “buôn thần, bán thánh”, đổi chác lợi lộc, công danh, thậm chí cả tiền, tình, mà bản tính thẳng thắn của nó không thể nào chịu được. Nó bỏ trốn lên Tây Ninh, để tìm đường vượt biên bằng đường bộ…

Từ Chàng Riệc, rồi Kà Tum, Sa Mát, nó theo đám con buôn thuốc lá qua Cam Bốt, tìm người dẫn đường đến Poi Pét để qua đất Thái xin tỵ nạn.

Ở trại tỵ nạn bên Thái Lan gần ba năm, nhờ một người quen, nó liên lạc được với người chú giờ đã qua Mỹ theo diện HO tiếp tục bảo lãnh, để nó được nhận vào Hoa Kỳ. Cuốn phim ký ức, thoáng đó mà đã gần cuối đời người! Giờ đây, thằng bé năm ấy, đã trở thành người đàn ông trung niên, tuổi đã ngoài sáu mươi, có một cuộc sống khá đầy đủ và sung túc ở xứ sở tự do, nơi ông đã nhận là quê hương thứ hai từ khi rời tổ quốc ra đi…

Hai thằng bạn khi xưa, tưởng đã thật “hạnh phúc” ở xứ “thiên đường”, giờ đã thành những tên tù “tham nhũng, đục khoét đất nước” đã bị lộ, và sẽ còn hàng trăm ngàn tên khác “chưa bị lộ” đang phải ngày đêm sống nơm nớp, chờ ngày để “đồng chí, đồng liêu” xét xử…

Ông cảm thấy đắng đót và ngậm ngùi…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: