Cuộc đời ở xứ người

Ảnh Uyên Nguyên

Ngày này, cách đây 33 năm, gia đình tôi đến Melbourne.

Quyết định dời cả nhà từ Pháp sang Úc là một quyết định rất quan trọng nhưng lại cũng đầy bất ngờ. Có vẻ như một định mệnh.

Tháng 3 năm 1989, tôi được mời thuyết trình trong một cuộc hội nghị văn học tại Chicago do Hội Giáo dục Việt-Mỹ tổ chức. Diễn giả gồm bốn người: nhà văn Nguyễn Mộng Giác (trình bày về văn học hải ngoại), nhà thơ Viên Linh (về văn học miền Nam), Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và tôi trình bày về văn học miền Bắc. Điều hợp buổi thảo luận là nhạc sĩ Cung Tiến và giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Trong phần thảo luận, nhiều người khen là bài nói chuyện của tôi gây ấn tượng mạnh. Điều đó cũng dễ hiểu. Lúc bấy giờ, ở hải ngoại hầu như không mấy người biết văn học miền Bắc hay văn học cả nước sau 1975. Người Việt thời đó phần lớn đều di tản trước và trong khi miền Nam sụp đổ, số còn lại, sau 75, ở trong các trại cải tạo cả mấy năm liền. Không ai đọc, đừng nói là nghiên cứu, cái gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong số thính giả, có giáo sư Nguyễn Xuân Thu, chủ nhiệm ngành Đông Dương học tại một trường đại học ở Úc. Anh nhiệt liệt khen bài nói chuyện của tôi. Anh khen tôi còn trẻ, kiến thức rộng, có tài văn chương, nói năng hấp dẫn. Sau đó, trong giờ giải lao, anh đến chỗ tôi đứng, chuyện trò. Rồi anh xin địa chỉ của tôi ở Paris để, khi có dịp đi Pháp, anh sẽ ghé thăm.

Khoảng năm rưỡi sau, anh Nguyễn Xuân Thu mới đi Pháp. Tôi mời anh về nhà ăn tối. Anh cho biết ở thành phố Melbourne, nơi anh sống, ngành Việt học phát triển rất mạnh ở các đại học. Số người, Việt cũng như Úc, ghi danh học rất đông. Chỉ có vấn đề là thiếu người dạy. Không tìm ra người thực sự có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ cũng như văn học Việt Nam. Anh hỏi tôi có muốn sang Úc dạy không. Sau khi hỏi thêm một số chi tiết, tôi đồng ý. Lúc ấy, tôi đã bắt đầu chán làm báo. Tôi nghĩ việc dạy đại học sẽ hợp với mình.

Công việc bảo lãnh của anh Thu tiến hành nhanh hơn tôi tưởng. Chỉ mấy tháng sau, Đại sứ quán Úc báo tin cho tôi biết gia đình tôi được cấp visa thường trú (permanent resident) tại Úc. Không một cuộc phỏng vấn. Gia tài duy nhất tôi mang theo sang Úc là khoảng hơn 1000 cuốn sách mà tôi mua và được tặng trong mấy năm ở Pháp. Tôi gửi bưu điện. May, khi tôi đến Úc, sách đã tới. Anh Thu nhận giùm.

Ngày 24 tháng 2 năm 1991, cả gia đình tôi đặt chân xuống Melbourne. Về căn nhà trọ, hai đứa con tôi, một bảy tuổi và một hai tuổi rưỡi, chạy nhảy đầy hoan hỉ. Cả hai khen nhà rộng. Mà rộng thật, so với căn hộ tôi thuê ở Paris: chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách. Thấy hai đứa con vui, tôi rất mừng. Như vậy, ấn tượng đầu tiên về nơi cư trú mới rất tốt đẹp.

Trên nguyên tắc, nếu muốn, sau vài năm, tôi có thể trở lại Pháp sinh sống. Tuy nhiên, mảnh đất hiền hoà của Úc quyến rũ tôi. Hai năm sau, đầu năm 1993, tôi nộp đơn xin vào quốc tịch Úc. Hôm phỏng vấn, sau khi hỏi tên tuổi, cô nhân viên Bộ Di trú hỏi: “Anh làm nghề gì?” Tôi đáp: “Tôi đi dạy.” Cô hỏi tiếp: “Anh dạy ở đâu?” Tôi đáp: “Tôi dạy ở Đại học Victoria.” Cô reo lên: “Wow! Anh dạy đại học hả? Mà anh dạy môn gì vậy?” Tôi đáp: “Tôi dạy tiếng Việt và văn chương Việt.” Cô nói: “Tuyệt quá. Vậy, thôi. Khỏi phỏng vấn. Xin chúc mừng những công dân mới của Úc!” Cô chìa tay ra bắt.

Cuộc “phỏng vấn” nhập tịch kéo dài chưa tới 2 phút.

***
Chú thích: Giáo sư Nguyễn Xuân Thu sau này là người có công vận động thành lập trường Đại học RMIT ở Việt Nam.

(Tựa gốc: 33 năm ở xứ người)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: