Liên Hiệp Quốc: Thách thức tuổi 75

United Nations
Cựu Tổng thống Liên xô Mikhail Gorbachov đọc diễn văn trước Đại hội đồng LHQ tháng 12-1988. Ảnh Wikimedia Commons

HIẾU CHÂN

Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra đời sau một cuộc đại chiến thế giới nhằm ngăn ngừa một cuộc đại chiến khác. Bảy mươi lăm năm sau, lễ tôn vinh những thành tích của nó bị che phủ bởi một trận đại dịch toàn cầu và căng thẳng gia tăng khắp thế giới; bản thân LHQ cũng đang bị giằng xé giữa hai cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ và Trung Quốc.

LHQ chính thức thành lập ngày 25 tháng Sáu năm 1945, khi khói súng của cuộc Thế Chiến thứ Hai chưa tan hết. Trước đó, ngày 25 tháng Tư 1945, đại diện chính phủ của 50 quốc gia đã mở hội nghị tại San Francisco và bắt đầu soạn thảo Hiến Chương LHQ. Bản Hiến Chương được chấp thuận ngày 25 tháng Sáu và LHQ chính thức ra đời.

Tại thời điểm thành lập, LHQ có 51 nước thành viên, hiện có 193 nước thành viên, bao gồm hầu hết các quốc gia có chủ quyền trên thế giới. Bộ máy của LHQ có 44,000 nhân viên và văn phòng ở khắp các châu lục, có nhiệm vụ cung cấp một diễn đàn toàn cầu trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có quyền có tiếng nói và phải được lắng nghe.

Theo Hiến Chương, mục đích chính của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh, bảo vệ nhân quyền, cung cấp viện trợ nhân đạo, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ luật pháp quốc tế.

LHQ2
Trụ sở Đại Hội Đồng và Ban Thư Ký LHQ tại New York. Ảnh Wikimedia Commons

Bất lực!

Ngay từ khi thành lập, LHQ đã gặp không ít khó khăn khi thực thi các nhiệm vụ trên. Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối: khối cộng sản do Liên Xô dẫn đầu và khối không cộng sản có Hoa Kỳ và Tây Âu làm trung tâm kéo dài nhiều thập niên đã cản trở những nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh của LHQ. Chiến tranh Lạnh kết thúc, khối cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu tan rã đã không làm cho thế giới hòa bình hơn, an toàn hơn. Hoạt động khủng bố và chiến tranh chống khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các chế độ độc tài chuyên chế, đại dịch truyền nhiễm toàn cầu, khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ thời Đại Suy thoái 1930-1932, tình trạng biến đổi khí hậu… dẫn tới nạn đói, làn sóng di dân khắp các châu lục… đang đặt nhân loại trước những hiểm họa chưa từng thấy. Và cũng đặt cho LHQ những thách thức khó vượt qua.

Trong khi LHQ là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo hàng đầu, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ có mặt ở hơn một chục khu vực bất ổn nhưng LHQ đã không thể chấm dứt những cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria, Yemen hay Libya. Xung đột giữa Israel và Palestine có tuổi đời dài bằng LHQ vẫn chưa giải quyết được sau rất nhiều nghị quyết và hội nghị của LHQ.

Thống kê của LHQ cho thấy trong thập niên vừa qua thế giới có tới 80 triệu người phải di tản khỏi nhà cửa; số người bị đói triền miên đã lên tới một phần tư tỷ người và một nạn đói khủng khiếp do hậu quả của đại dịch coronavirus đang ngấp nghé trước cửa thế giới.

Lời cầu xin của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về một cuộc ngưng chiến toàn cầu để tập trung phòng chống đại dịch gần như rơi vào những lỗ tai điếc. Lời cầu xin 10 tỷ đô la lập quỹ khẩn cấp ứng phó đại dịch để giúp những người cần giúp nhất được ông Guterres đưa ra đã lâu mà đến cuối tuần qua con số đóng góp cam kết của các nước chỉ mới đạt một phần tư mức yêu cầu.

“LHQ đang yếu đi rất nhiều,” bà Mary Robinson, cựu cao ủy nhân quyền của LHQ và là nữ tổng thống đầu tiên của Ái Nhĩ Lan, nhận định. Tổng thư ký Guterres than thở với hãng tin Reuters hôm thứ Hai 14-09: “Chúng ta đang đi theo một hướng rất nguy hiểm”. Đáng lo ngại hơn là vai trò của LHQ trong đời sống quốc tế ngày càng trở nên mờ nhạt, đến mức đã có nhiều tiếng nói đặt vấn đề về ý nghĩa và sự cần thiết của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.

Bế tắc vì cơ cấu quyền lực

Vấn đề một phần là do những diễn biến không thuận lợi của tình hình quốc tế mà trọng tâm là cuộc xung đột giữa các thể chế chính trị, biểu hiện trong cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, và một phần do cấu trúc căn bản của LHQ đã trở nên lỗi thời và kém hiệu quả.

Cơ cấu LHQ dành rất ít quyền lực cho cơ quan chính của nó là Đại Hội Đồng – nơi có đại diện của 193 quốc gia thành viên, mỗi thành viên một lá phiếu, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ. Quyền lực chính của LHQ nằm ở Hội đồng Bảo an 15 thành viên mà cốt lõi là năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết (veto), gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. Mười thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an được bầu lên theo nhiệm kỳ hai năm và chia đều cho các khu vực, nhưng thực chất quyền lực của các thành viên nhiệm kỳ này rất giới hạn. Việt Nam hiện là một thành viên được bầu của Hội đồng Bảo an LHQ, đang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng, song tiếng nói của Việt Nam hầu như chẳng có mấy trọng lượng. Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền ban hành và áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế, có quyền bố trí các lực lượng quân sự làm nhiệm vụ duy trì hòa bình khắp thế giới.

Năm thành viên thường trực (permanent member) của Hội đồng Bảo an đều không muốn thay đổi cơ cấu quyền lực này, không ai chịu từ bỏ quyền phủ quyết – một thứ đặc quyền làm cho họ đứng cao hơn mọi thành viên khác. Và sự bế tắc kinh niên của Hội đồng Bảo an đã diễn ra trong nhiều vấn đề quan trọng khi quan điểm của Hoa Kỳ thường bị phản đối mạnh mẽ, không chỉ từ sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc – hai chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới – mà đôi khi từ những lá phiếu của các đồng minh Anh, Pháp.

Bế tắc không chỉ có trong những vấn đề trọng đại như chiến tranh và hòa bình mà cả trong những công việc bình thường thuộc chức năng của LHQ, chẳng hạn như cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria tỵ nạn chiến tranh, điều tra vụ thảm sát tộc người Rohingya ở Miến Điện hoặc hỗ trợ y tế cho trẻ em Venezuela khi nền kinh tế nước này rơi xuống vực thảm họa.

HDBA LHQ
Phòng họp Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh Wikimedia Commons

Mâu thuẫn ngay trong đường lối

Cơ cấu quyền lực và Hiến Chương LHQ còn chứa đựng một mâu thuẫn lớn, không thể hóa giải được. Một mặt, Hiến Chương LHQ đề cao chủ nghĩa đa phương – tức là giải quyết mọi vấn đề trên căn bản đồng thuận, các bên làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp; mặt khác, các nguyên tắc của Hiến Chương nhấn mạnh vào chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Mỗi quốc gia có đường lối và lợi ích riêng nên dung hòa được những sự khác biệt để tiến tới đồng thuận là chuyện gần như không thể làm được.

Lấy sự bùng phát đại dịch Covid-19 làm ví dụ: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuộc LHQ yêu cầu các nước thành viên chia sẻ thông tin kịp thời và chính xác mỗi khi phát hiện bệnh truyền nhiễm, phối hợp với nhau tìm biện pháp khống chế dịch bệnh nhưng các nước có báo cáo hay che giấu, báo cáo kịp thời và chính xác hay bóp méo dữ liệu theo ý đồ chính trị của mình như trường hợp của Trung Quốc thì LHQ không có biện pháp chế tài nào cả ngoại trừ kêu gọi tinh thần tự nguyện tự giác của Bắc Kinh. Rồi trong công cuộc ứng phó với đại dịch, gần như mỗi nước ứng phó một cách khác nhau, tập trung bảo vệ lợi ích của nước mình mà sẵn sàng gây hại cho các nước khác; tình trạng đầu cơ trang bị bảo hộ cá nhân, cấm xuất cảng các mặt hàng y tế thiết yếu và cấm giao thương đi lại giữa các nước là những minh chứng.

Giáo sư Carrie Booth Walling, khoa chính trị Đại học Albion ở Michigan và chuyên gia về viện trợ nhân đạo của LHQ, nói việc các nước bị dịch Covid-19 trở nên “hướng nội” (turn inward) là điềm báo tệ hại cho LHQ và nguyên tắc ngoại giao của nó. “Điều thực sự gây kinh hoàng lúc này là tình trạng của chủ nghĩa đa phương nói chung và liệu các chính phủ và người dân có nhận ra giá trị của sự hợp tác đa phương hay không”, ông Walling nói.

Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo, Trung Quốc thay thế

Sự trỗi dậy của các chế độ chuyên chế và các nhà lãnh đạo độc tài làm cho vai trò của LHQ thêm mờ nhạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người thường xuyên chỉ trích LHQ, bác bỏ ý niệm về quản trị toàn cầu và than phiền về cái mà ông gọi là chi tiêu phung phí nguồn ngân sách hằng năm 9,5 tỷ đô la Mỹ của LHQ. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro gọi LHQ là “phòng họp của bọn cộng sản”. Thủ tướng Hungary Viktor Orban công khai chống đối chính sách bảo vệ người tỵ nạn của LHQ, còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giận dữ ngăn cản cuộc điều tra của ủy ban nhân quyền LHQ về những cái chết oan ức trong cuộc chiến chống ma túy của ông ta.

Dưới khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” của ông Trump, Hoa Kỳ gần đây đã rút ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi tố cáo tổ chức này bất lực trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 và là cái loa phát ngôn của Trung Quốc. Ông Trump cũng đã bãi bỏ hoặc cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan LHQ, chẳng hạn như Quỹ Dân số LHQ (UNPF), Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC) và cơ quan viện trợ cho người tỵ nạn Palestine.

Ông Trump cũng quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, Hiệp định P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran và đòi tái áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện lên nước Cộng hòa Hồi giáo, gây ra một vụ đối đầu quyết liệt trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi Hoa Kỳ co cụm lại thì Trung Quốc có cơ hội mở rộng quyền kiểm soát LHQ, đưa người vào nắm ghế lãnh đạo nhiều cơ quan LHQ như Ủy ban Kinh tế Xã hội, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Hội đồng Nhân quyền.

Trong một báo cáo phát hành tháng Năm 2019, nhan đề “Cộng hòa Nhân dân Liên Hiệp Quốc”, Trung tâm New America Secutity – một cơ quan nghiên cứu lưỡng đảng, nhận định các hành động của Trung Quốc ở LHQ là một phần trong hàng loạt nỗ lực nhằm tái định hình cách thức điều hành các tổ chức LHQ, xa rời khỏi các nguyên tắc của Phương Tây về dân chủ và nhân quyền.

Ảnh hưởng của Trung Quốc lên LHQ trong năm nay còn gia tăng rất mạnh sau khi một số quan chức Trung Quốc được chọn làm người lãnh đạo Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ. Điều trớ trêu là Trung Quốc – nước dẫn đầu về các tội ác vi phạm nhân quyền, cũng là nước bất tuân phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển, lại được cử người lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền LHQ và có thẩm phán tham gia Tòa quốc tế về Luật Biển!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên chỉ thị cho cấp dưới “phải giữ một vai trò tích cực trong việc dẫn dắt công cuộc cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu”. Thời cơ ngàn năm có một đã đến cho Trung Quốc khi chính phủ Mỹ dần dần rút ra khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu, bỏ lại một khoảng trống quyền lực mà Bắc Kinh nhanh chóng lấp vào.

TTK LHQ
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh Wikimedia Commons

Thế giới sẽ chia đôi

Các quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu của LHQ đều thống nhất nhận định chính sách tự cô lập nước Mỹ của ông Trump đã gây tổn hại trầm trọng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại LHQ cho dù Mỹ vẫn giữ vai trò cốt yếu là nước cung cấp trụ sở LHQ và đóng góp phần ngân sách lớn nhất cho tổ chức này. Sự sút giảm ảnh hưởng tại LHQ của Mỹ đã tạo cơ hội để Trung Quốc lấn tới trong những vấn đề như xung đột ở Biển Đông, đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong, giam cầm hàng triệu người Uighur (người Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương và lôi kéo hàng chục quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin vào cái bẫy nợ khổng lồ có tên “Một Vành Đai, Một Con Đường”!

Tổng thư ký LHQ Guterres dù thường hiếm khi phê phán lãnh đạo các nước thành viên, ông cũng phải buồn bã thừa nhận rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rối loạn và sự thù địch giữa hai nước có nguy cơ chia thế giới thành “hai khối”“có tác động rất lớn, đặc biệt là với các nước đang phát triển đang đứng giữa” hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. “Một cuộc đoạn giao [giữa Mỹ và Trung Quốc] có nguy cơ dẫn tới… những hình thức đối đầu quân sự nào đó, là điều hết sức không mong muốn,” ông Guterres nói.

(Theo NYT, Reuters, Wikipedia)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: