Cách thành lập “Nhóm 5 người” để bảo trợ đồng bào tị nạn

Ảnh: Ben Mater/Unsplash

Kính thưa quý vị đồng hương,

Thật là cảm động, chỉ một vài ngày sau khi phổ biến bài viết Số phận đồng bào tị nạn Việt Nam đang nằm trong tay cộng đồng hải ngoại, tôi đã nhận được cả trăm email, text cùng điện thoại, hỏi thăm phương cách nào để có thể tiếp tay giúp đỡ hoặc bảo trợ cho đồng bào của chúng ta đang sống vất vưởng tại Thái Lan, qua kế hoạch “Bảo Trợ Tư Nhân” mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa phát động, dưới sự điều hành của cơ quan Welcome Corps, với mục đích là để tạo cơ hội cho người Mỹ bảo trợ và chào đón những người tị nạn tìm kiếm tự do, và giúp đỡ họ làm lại cuộc đời.

Để trả lời chung những câu hỏi liên quan đến việc thành lập các “Nhóm 5 Người” (Group of 5) cùng các điều kiện đòi hỏi để được tham gia kế hoạch này, chúng tôi xin lần lượt trình bày và giải thích từng bước mà cơ quan Welcome Corps yêu cầu các đương đơn phải hoàn tất.

1/.Phải là một nhóm 5 người, ở chung cùng thành phố hay quận hạt. Có thể là bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc bất cứ người nào trên 18 tuổi, là thường trú nhân hoặc công dân Mỹ.

2/.Tất cả các thành viên trong nhóm năm người phải hoàn tất quy trình kiểm tra lý lịch (background check).

3/.Ít nhất một thành viên trong nhóm phải tham dự lớp huấn luyện “Welcome Corps Essentials”, trực tuyến (online), và có thể được hoàn tất trong khoảng từ 4 đến 5 giờ đồng hồ.

4/.Hoàn thành kế hoạch định cư (Welcome Plan). Kế hoạch định cư này yêu cầu các nhóm bảo trợ giải thích phương cách họ sẽ giúp đỡ những người tị nạn được bảo trợ trong 90 ngày đầu tiên ở Hoa Kỳ như thế nào?

5/.Hồ sơ cam kết (commitment form). Tất cả các thành viên trong nhóm năm người đều phải ký vào hồ sơ cam kết của nhóm bảo trợ tư nhân.

6/.Chương trình gây quỹ (fundraising). Gây quỹ hoặc tự đóng góp tiền bạc là cách để nhóm năm người tạo ra các nguồn lực tài chính và hiện vật cần thiết (in-kind resources), hầu có thể chào đón và hỗ trợ cho những người tị nạn mới đến. Mỗi đầu người tị nạn sẽ cần một số tiền là US$2,425.

7/.Gửi đơn đăng ký (application submission). Hoàn tất đơn đăng ký của nhóm bảo trợ thường mất khoảng 45 phút đến một giờ đồng hồ. Bạn nên thu thập tất cả thông tin và tài liệu cần thiết trước khi bắt đầu nộp đơn.

Nếu quý vị cần biết thêm chi tiết về tiến trình thành lập nhóm bảo trợ tư nhân và cách lập hồ sơ bảo lãnh, xin liên lạc với chúng tôi:

-Nam Lộc, [email protected]

-Hoặc trưởng nhóm thiện nguyện viên hỗ trợ cộng đồng, giáo sư Nguyễn Xuân Can, [email protected]

-Hay vào website của Welcome Corps để tìm hiểu thêm.

Chân thành cảm ơn lòng nhân ái của quý vị và chúng ta cùng chúc nhau mọi điều an lành, thuận lợi. Xin hãy đoàn kết để giúp đỡ những người cùng dòng máu nhưng thiếu may mắn trong hơn chúng ta trên dặm đường đi tìm kiếm tự do.

Buổi gặp gỡ với cơ quan định cư US Committee for Refugees and Immigrants (ảnh tác giả cung cấp)

________

Vài nét về giáo sư Nguyễn Xuân Can, trưởng nhóm thiện nguyện viên:

Ông và một số thân hữu tình nguyện bỏ thì giờ để làm việc trực tiếp với cơ quan Welcome Corps, kết nối và liên lạc để hỗ trợ các “Nhóm 5 Người” trong cộng đồng chúng ta vượt qua mọi trở ngại ngõ hầu hoàn tất các thủ tục nộp đơn xin bảo trợ người tị nạn. Ông Nguyễn Xuân Can năm nay 60 tuổi, hiện là giáo sư tại Đại học George Mason ở Virginia, và là thành viên hội đồng quản trị của The Institute of World Politics tại Washington D.C.

Vào ngày 23 Tháng Mười 2023 vừa qua, giáo sư Can đã có mặt cùng tiến sĩ Nguyễn Võ Long – chủ tịch Phong Trào Việt Hưng, với các thành viên và bà Kim Mỹ (Kimmy Duong Foundation), cùng chúng tôi và đại diện cộng đồng người Việt tại Houston, Texas, thực hiện một cuộc vận động với quý vị dân cử tại Hoa Thịnh Đốn, nhằm kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ nhận toàn bộ người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan trong tổng số 125 ngàn người tị nạn mà nước Mỹ dự trù cho định cư trong tài khóa 2024.

Đặc biệt là cuộc gặp gỡ với các viên chức lãnh đạo cơ quan định cư US Committee for Refugees and Immigrants nhằm thúc đẩy và cộng tác với họ trong cuộc tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn Việt Nam giữa bối cảnh chiến tranh phức tạp đang xảy ra trên thế giới khiến ngày càng tăng thêm số người tị nạn phải bỏ nước ra đi.

Một trong những mối quan tâm thực tế nhất mà chúng ta cần phải để ý và tiếp tục tranh đấu là dù có bước qua Giai đoạn 2, tức Phase 2 mà cơ quan Welcome Corps gọi là “Naming”, cho phép các nhóm bảo trợ được chọn người tị nạn theo ý mình muốn, nhưng chưa chắc là Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đưa Việt Nam vào danh sách các nhóm ưu tiên. Viễn ảnh tiêu cực là số lượng người được nhận vào của chương trình Private Sponsorship trong năm nay sẽ không còn chỗ cho đồng bào tị nạn của chúng ta.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: