Saigon một thoáng hương xưa…

Saigon – Gia Định xưa có hai con đường mang tên Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, một của tỉnh Gia Định, và một của đô thành Saigon. Ngày đó, ngoài việc được đặt tên đường, hình của Ông còn được in trên tiền giấy, cùng với hai anh hùng dân tộc khác là hai ngài Hưng Đạo Vương và Hoàng Đế Quang Trung, dù Ông và Nhà Tây Sơn vốn không cùng chiến tuyến.

Saigon thay tên, cũng như số phận nhiều con đường khác, đường Lê Văn Duyệt của đô thành đổi thành CMT8, còn đại lộ Lê Văn Duyệt của tỉnh Gia Định đổi thành Đinh Tiên Hoàng. Gần nửa thế kỷ thăng trầm cùng thế sự, đại lộ Lê Văn Duyệt của Gia Định xưa cuối cùng cũng được trả lại tên. Những gì liên quan đến Nhà Nguyễn vẫn còn là đề tài tranh cãi cho đến tận ngày hôm nay, và có lẽ sẽ còn nhiều năm về sau nữa, bởi lịch sử vốn không còn thuần túy là lịch sử nữa.

Mặc kệ những tranh cãi về ý thức hệ, trong tâm tưởng người dân miền Nam nói chung và người Saigon – Gia Định nói riêng, để Saigon – Gia Định có được như ngày hôm nay, Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt là một trong những người có công đầu.

Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt từng mấy chục năm cùng nằm gai nếm mật với Hoàng Đế Gia Long, mà một trong những chiến công hiển hách của Ông là ở đầm Thị Nại, trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử các cuộc nội chiến ở Việt Nam. Nhiều người thích thú với trận Xích Bích bên Tàu, cũng nhờ bộ phim Đại chiến Xích Bích với những tài tử lẫy lừng, nhưng không nhiều người biết rằng Thị Nại cũng là trận thủy chiến máu chảy thành sông trên đất Việt.

Nguyễn Vương thấy quá nhiều người tử thương, yêu cầu Ông tạm lui binh để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, Ông không nghe lệnh, thề chết xông lên cùng quân sĩ, cũng nhờ gió trời trợ giúp, toàn bộ chiến thuyền của Tây Sơn bị thiêu rụi như chiến thuyền của Tào Tháo. Sau trận này, thủy quân Tây Sơn gần như tan rã, và cục diện cuộc nội chiến đã thay đổi hoàn toàn.

Sau khi giang sơn về một mối từ Thăng Long đến Gia Định, Ông được hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định. Ông đã làm cho một vùng đất miền Nam trải dài từ xứ Bình Thuận, đến Đồng Nai, và kéo dài cho đến Cà Mau trở nên trù phú, dân miền Nam được sống bình yên, khác hẳn với dân miền Trung và miền Bắc lúc đó vẫn còn đang vất vả đói nghèo. Ông Crawfurd, người dẫn đầu đoàn ngoại giao Anh Quốc đã viết trong hồi ký về Saigon – Gia Định thời đó: “… Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn… Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng”. Ông còn là tổng chỉ huy giai đoạn hai của việc đào kênh Vĩnh Tế, con kênh quan trọng bậc nhất của miền Nam thời đó, mà sách vở chỉ nhắc nhiều đến công lao của người dưới quyền là Thoại Ngọc Hầu chứ đã quên Ông.

Được triều đình cử đi dẹp loạn, ông đã xử tham quan trước rồi mới kêu gọi những người làm loạn trở về đầu thú, bởi chính tham quan mới là mầm mống làm cho dân nghèo đi vào đường cùng nên buộc phải thành loạn đảng. Ông đã thẳng tay chém đầu tham quan Huỳnh Công Lý, là cha vợ của vua Minh Mạng.

Một lần khác, triều đình bổ nhiệm một tham quan khác là Bạch Xuân Nguyên vào Gia Định, Ông đã quyết liệt từ chối không tiếp nhận vì biết rõ đó là sâu mọt hại dân hại nước. Trung úy Hải quân Mỹ John White sau chuyến thăm đã viết trong hồi ký về Ông: “… Trong lòng tôi cό một sự nuối tiếc vô cùng là thời thế đã không trao quyền trị vì bán đảo tốt đẹp này vào tay Ông, một người biết cách biến vùng đất này thành một quốc gia giàu mạnh và hạnh phύc, tốt hơn vị vua độc tài kia…”.

Tác giả Trương Vĩnh Ký viết rằng, Sắc dụ đầu tiên cấm đạo Công giáo, ra lệnh triệt hạ nhà thờ, do Vua Minh Mạng ban bố năm 1827. Ông kêu lên, sao chúng ta lại bách hại người đồng đạo của Giám mục Bá Đa Lộc, họ từng đem gạo đến cho chúng ta ăn. Ông đã xé sắc dụ của Vua, và tuyên bố chừng nào Ông còn sống thì không được cấm đạo Công giáo ở đất Gia Định. Người Công giáo thời đó ở đất Gia Định biết ơn Ông, vì Ông đã che chở bảo bọc cho họ trước lệnh cấm truyền đạo của triều đình, nếu không có Ông, có lẽ họ sẽ khốn khổ hơn nhiều. Ông có tầm nhìn xa, là không có cường quyền nào có thể cấm đoán được một đức tin, và chuyện đạo Công giáo phát triển ở đất Việt cũng sẽ là chuyện hiển nhiên. Mấy trăm năm sau, Nhà thờ Đức Bà trở thành một trong những biểu tượng của Saigon.

Nói ngắn gọn, nếu Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công đầu đặt đơn vị hành chính cho Saigon – Gia Định nói riêng và cả miền Nam nói chung vào năm 1698, thì Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt chính là người có công đầu trong việc biến xứ sở này thành một thiên đường của dân Nam thời đó

Sau khi Ông về trời, triều đình đối xử tệ bạc với Ông, san bằng mộ của Ông, xử lăng trì cậu bé 6-7 tuổi cháu Ông, tàn sát hàng ngàn dân Gia Định chôn chung một mồ, để rồi mấy trăm năm sau người Saigon – Gia Định vẫn ngậm ngùi nhớ câu thơ buồn thê thiết:

“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông,

Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây,

Sống thời gươm bén cầm tay,

Chết thời một sợi lông mày cũng buông,

Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn…”

Nhưng ngay cả lúc bị triều đình cấm đoán, dân Gia Định nói riêng và dân miền Nam nói chung vẫn lén triều đình thờ Ông. Cũng không có gì khó hiểu, dân sáng suốt biết rõ nhất ai là người thương dân, mà ai thương dân thì sẽ được dân xem như bậc anh hùng và nhớ ơn ngàn đời.

Tôi cũng chỉ là một người tha hương, rời quê nghèo, chọn đất Saigon – Gia Định làm quê hương thứ hai chỉ hơn 25 năm thôi. Chỉ có 25 năm, không phải là dài cho một đời người, nhưng cũng đủ để những góc phố những con đường nơi đây ghi dấu vào lòng, mỗi lần đi xa thì lại nhớ, và mỗi lần trở lại Saigon thì có cảm giác như đã được về nhà.

Mấy trăm năm trước Ông đã nói “Dân Gia Định là dân cùng đường chạy về đây”, mấy trăm năm sau có lẽ cũng không sai, đất Saigon hôm nay đã cưu mang biết bao nhiêu phận người không còn đường sống ở quê phải tha phương cầu thực. Hàng ngày, tôi vẫn bắt gặp nhiều mảnh đời buồn đến từ miền Trung xa xôi, từ miền Tây, miền Đông, lặng lẽ kiếm sống giữa Saigon hoa lệ để nuôi một khát vọng vươn lên, và Saigon luôn dang rộng vòng tay để cưu mang tất cả, Saigon không kỳ thị một ai.

Suốt một thời đi mở cõi, mỗi tấc đất của miền Nam này đều thấm máu Tiền nhân. Sử sách nào dạy cho con cháu về cả một thời đi mở cõi Phương Nam, để tận hôm nay nước Việt được kéo dài đến tận mũi Cà Mau?

Mùa giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, người học trò nhỏ viết vội vài dòng, chút lòng thành kính, tưởng nhớ Tiền Nhân…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: