Các nhà báo đối lập Nga lưu vong trước nguy cơ bị đầu độc

Trái sang: Natalia Arno, Elena Kostyuchenko và Irina Babloyan (ảnh: womeninjournalism.org)

Phương Tây đang điều tra khả năng các nhà hoạt động và nhà báo đối lập Nga sống ở nước ngoài bị đầu độc.

Cảnh giác là không thừa

Theo những người biết rõ vấn đề, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các nhà điều tra Đức đang điều tra khả năng hai nhà báo Nga và một nhà hoạt động người Nga ở Mỹ và châu Âu bị đầu độc. Những phụ nữ này cho biết họ đột ngột xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, nhức đầu và mệt mỏi. “Tội” của họ là có các bài viết và phát biểu chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Các công tố viên Berlin cho biết đang điều tra đơn tố cáo của bà Elena Kostyuchenko sau khi bà đột ngột bị ốm trên chuyến tàu từ Munich đến Berlin. “Đã điều trị ở thủ đô nước Đức nhưng tôi vẫn thấy mệt mỏi và không thể làm việc quá vài giờ mỗi lần” – bà nói. Irina Babloyan, một nhà báo truyền thanh khác, cho biết bà phát bệnh ở thủ đô Tbilisi của Georgia và cũng được điều trị ở Berlin.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, FBI đã phỏng vấn bà Natalia Arno vào tháng trước và đang xét nghiệm độc tố trong máu của bà. Arno là nhà hoạt động đối lập lâu năm, người đã thành lập Quỹ Nước Nga Tự do (Free Russia Foundation, tổ chức hỗ trợ tổ chức công dân và có các phân tích thẳng thắn về tình hình nước Nga). Đang sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, bà cho biết bị ốm vào đầu Tháng Năm sau khi cửa phòng khách sạn bà ở tại Praha hé mở và mùi nước hoa lạ xuất hiện trong phòng. Đêm đó, bà thức dậy với cơn đau răng dữ dội và cơn đau lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Cơ quan điều tra chưa kết luận ba người có bị đầu độc không, nếu có thì chất độc gì và ai chịu trách nhiệm. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists-CPJ) cho biết những thông tin về các vụ nghi đầu độc được báo cáo trước tiên trên tờ The Insider là “cực kỳ đáng báo động”. Carlos Martínez de la Serna, Giám đốc chương trình tại CPJ, đề nghị: “Chính quyền Đức và Georgia nên xử lý những vụ này một cách nghiêm túc và nên làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mạng sống của các nhà báo Nga sống lưu vong”.

Moscow đã tăng áp lực lên các nhà báo độc lập ở Nga kể từ khi xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Ngay sau khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine, Quốc hội Nga đã thông qua một đạo luật quy định án tù nặng đối với bất kỳ ai xuất bản những gì mà chính quyền xem là thông tin sai lệch về hoạt động của Nga ở Ukraine. Luật này đã khiến một số cơ quan báo chí, gồm Novaya Gazeta và Ekho Moskvy phải đình chỉ hoạt động. Các phương tiện truyền thông phương Tây như CNN, New York Times và WSJ cũng rút phóng viên.

Phương Tây nên ứng phó thế nào trước vụ đầu độc các nhà báo Nga có trụ sở tại Mỹ và châu Âu?

Trong quá khứ, Kremlin từng sử dụng chất độc như một biện pháp để bịt miệng những người chỉ trích, gồm thủ lĩnh phe đối lập đang bị cầm tù Alexei Navalny và Alexander Litvinenko, một cựu đặc vụ KGB. Litvinenko chết sau khi uống trà có chứa chất đồng vị phóng xạ chết người. Navalny bị đầu độc tại Nga nhưng được phép đưa sang Đức và được cứu sống kịp thời. Moscow nhiều lần bác bỏ liên quan đến cái chết của Litvinenko và bác bỏ kết luận của châu Âu là Navalny bị đầu độc.

Cách nay vài tháng, cơ quan An ninh Liên bang Nga (Federal Security Service-FSS) đã bắt giữ Evan Gershkovich, một phóng viên của tờ WSJ với cáo buộc hoạt động gián điệp dù WSJ và chính phủ Mỹ kịch liệt phủ nhận (Washington khẳng định Gershkovich không phải là gián điệp, chưa bao giờ làm việc cho chính phủ và bị bắt giữ trái pháp luật).

Phần mình, Elena Kostyuchenko làm việc tại Novaya Gazeta trong 17 năm và đang đưa tin ở Ukraine thì tờ báo ngưng hoạt động vào Tháng Ba năm ngoái. Bà chuyển đến Berlin và bắt đầu làm việc cho tờ báo tiếng Nga Meduza, rồi tới Munich vào Tháng Mười 2022.

Bị các triệu chứng đầu tiên khi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc gồm đổ mồ hôi, mệt mỏi, buồn nôn và đau bụng, Kostyuchenko kể lại: “Thoạt đầu tôi nghĩ mình đang bị nhiễm Covid-19, nhưng xét nghiệm cho thấy hoạt động gan bất thường và có máu trong nước tiểu”. Bà cho biết cảnh sát Đức đã thẩm vấn bà vào Tháng Mười Hai và lấy mẫu máu để phân tích chất độc. “Hiện các nhà điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng” – bà nói.

Người phát ngôn của văn phòng công tố viên ở Berlin xác nhận một cuộc điều tra về tội cố ý giết người đã được thực hiện, từ lá đơn của Kostyuchenko. Cảnh sát Berlin cũng đã phỏng vấn bà Irina Babloyan vào tháng trước và văn phòng công tố Berlin cũng có cuộc trò chuyện với bà nhưng vụ việc được đóng lại sau khi có kết luận bà không bị đầu độc ở Đức. “Tôi đang ở Tbilisi vào Tháng Mười năm ngoái thì bị đau bụng đột ngột và đỏ ở tay. Tôi đến Đức để điều trị và nghĩ đây chỉ là phản ứng dị ứng. Nhưng không phải thế!” – bà nói.

Cả ba người phụ nữ cho biết họ quyết định kể lại trải nghiệm của mình như một lời cảnh báo cho những đồng nghiệp khác. Babloyan bộc bạch: “Có rất nhiều đồng nghiệp và nhà báo độc lập Nga ở khắp nơi trên thế giới và họ hãy biết cách tự bảo vệ mình. Nhiều nhà báo đến châu Âu và tin họ đã được an toàn. Nhưng chúng tôi, người Nga, thì không!” Ám sát, đầu độc và cả… rơi máy bay là phương thức quen thuộc của Putin để diệt các “khắc tinh” và giữ vững quyền lực. Những đối thủ của ông đều bị lên án tử, chỉ chưa biết là sẽ đến lúc nào, bằng cách nào và ở đâu. Bộ máy an ninh của Putin có các đội sát thủ đi lùng sục những nhân vật đối lập khắp thế giới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: