McDonald’s trong lửa khói Trung Đông

Chiến dịch tẩy chay các thương hiệu Mỹ lại bùng nổ ở Trung Đông (ảnh: Saeed Qaq/Anadolu Agency/Getty Images)

Mọi chuyện bắt đầu vào đầu Tháng Mười khi một cửa hàng nhượng quyền McDonald’s ở Israel do công ty Alonyal Limited điều hành cho biết họ sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho binh lính Israel cũng như các bệnh viện. Những cửa hàng nhượng quyền McDonald’s khác trong khu vực lập tức lên tiếng, rằng họ không dính dáng gì đến chuyện này.

Họ không muốn vạ lây “ăn đạn”, trong không khí nồng nặc mùi khói súng. Một số cửa hàng McDonald’s nhượng quyền không chỉ không đứng về phía Israel mà thậm chí còn quyên góp cho Gaza để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine.

Với hơn 40,000 cửa hàng trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, McDonald’s là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất toàn cầu và có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ – mặc dù phần lớn trong chuỗi cửa tiệm McDonald’s đều thuộc sở hữu địa phương theo hệ thống nhượng quyền thương mại.

Bởi được xem là “đại diện Mỹ” nên McDonald’s thường bị vạ lây khi xảy ra xung đột chính trị, đặc biệt những nhà hàng McDonald’s tại khu vực nhạy cảm Trung Đông. Đầu những năm 2000, khi cuộc nổi dậy (intifada) lần thứ hai bùng nổ, các nước Ả Rập kêu gọi tẩy chay McDonald’s. Trong cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập ở Cairo năm 2011, loạt nhà hàng thức ăn nhanh quanh Quảng trường Tahrir đã bị tấn công, và biến thành trạm sơ cứu cho người biểu tình.

Một tiệm McDonald’s ở Cairo, Ai Cập (ảnh: Peter Macdiarmid/Getty Images)

Cơn bão chính trị một lần nữa lại ào ào kéo đến đe dọa mái vòm vàng của McDonald’s, đặc biệt khi số người chết ở Gaza tăng từng ngày bởi những cuộc oanh kích của Israel.

Một tuần sau cuộc tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười của Hamas, chuỗi cửa hàng nhượng quyền McDonald’s ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Lebanon và khắp Vịnh Ba Tư đã đưa ra những tuyên bố khác biệt với những cửa hàng McDonald’s trên đất Israel, đại loại chuyện ủng hộ Israel của chuỗi McDonald’s trên đất Do Thái “là một hành động cá nhân và riêng tư, chứ không phải xuất phát từ sự chấp thuận hay chỉ đạo” của tập đoàn nhượng quyền McDonald’s “trong thế giới Ả Rập của chúng ta” – như tuyên bố của Công ty Dịch vụ ăn uống Al Maousherji, nơi điều hành hệ thống McDonald’s ở Kuwait.

Hệ thống nhượng quyền McDonald’s ở Qatar, Kuwait, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi đã tổ chức chiến dịch quyên góp cho Gaza.

Phần mình, Tập đoàn McDonald’s, khi được hỏi về các hoạt động chính trị và từ thiện của những công ty nhượng quyền, đã nói rằng ưu tiên hàng đầu của họ là sự an toàn cho người dân cũng như đội ngũ nhân viên McDonald’s nói chung. Dù vậy, thế giới Ả Rập đang bắt đầu chiến dịch tẩy chay McDonald’s. Một số địa điểm thậm chí bị phá hoại.

Ở Ai Cập, chiến dịch kêu gọi tẩy chay McDonald’s đang bùng nổ trên mạng xã hội. “Nhà hàng nổi tiếng này cung cấp đồ ăn cho [Israel] mà chúng ta ăn hàng ngày. Họ mở tiệm khắp Ai Cập, tất cả chúng ta đều biết nhưng tôi không muốn nêu tên… nhà hàng này tính đến thời điểm hiện tại lẽ ra không nên tồn tại,” ngôi sao TikTok Ahmad Nagy nói.

Một tiệm McDonald’s ở Tel Aviv, Israel (ảnh: Alexi Rosenfeld/Getty Images)

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn McDonald’s “chết”. Người dẫn chương trình trò chuyện nổi tiếng của Ai Cập, Amr Adib, nói với khán giả vào ngày 14 Tháng Mười rằng đừng tẩy chay các cửa hàng nhượng quyền McDonald’s ở Ai Cập, đơn giản vì chúng  thuộc sở hữu của tỷ phú Ai Cập Yaseen Mansour. Chuỗi McDonald’s đã mang lại việc làm cho vô số người Ai Cập. “Việc đóng cửa McDonald’s có ích gì… Chỉ tổ làm tổn thương người đàn ông này (Yaseen Mansour) và làm tổn hại đến sinh kế của người dân”, Amr Adib nói. Manfoods cho biết họ cung cấp “hơn 40,000 cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho công dân Ai Cập”.

Tham gia chiến dịch tẩy chay McDonald’s, nhà hàng địa phương Tafwela đăng một quảng cáo trên Facebook, nói rằng họ sẵn sàng thuê những nhân viên nghỉ việc trong hệ thống McDonald’s nhượng quyền. “Bất cứ ai muốn ngừng làm việc ở những nơi hỗ trợ những kẻ giết anh em của chúng ta, hãy nói chuyện với chúng tôi và vì ý Chúa, chúng tôi sẽ trả cho bạn một mức lương hậu hĩnh”. Đáp lại làn sóng chỉ trích, ngày 15 Tháng Mười, Manfoods tuyên bố sẽ quyên góp 20 triệu pound Ai Cập ($650,000) cho việc cứu trợ ở Gaza.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng nhượng quyền McDonald’s ở Israel lại đối phó với những tin đồn rằng họ đang ủng hộ người Palestine. Dọa sẽ lôi cổ ra tòa những kẻ phao tin vớ vẩn, McDonald’s ở Israel cho biết họ đã quyên góp 100,000 bữa ăn cho lực lượng an ninh và bệnh viện địa phương, đồng thời giảm giá 50% cho các thành viên của lực lượng cứu hộ và an ninh.

Những lời kêu gọi tẩy chay McDonald’s không phải hiếm trong khu vực vốn quanh năm suốt tháng đụng độ nhau như lò lửa Trung Đông. Trong đợt intifada thứ hai (Tháng Chín 2000 đến Tháng Hai 2005), McDonald’s và hàng loạt sản phẩm Mỹ đã bị tẩy chay khắp thế giới Ả Rập. Thời điểm đó, Reuters cho biết công ty nhượng quyền McDonald’s ở Ả Rập Saudi đã phải quyên tiền cho các bệnh viện của người Palestine để xoa dịu cơn thịnh nộ công chúng nhắm vào họ. Năm 2003, khi cuộc chiến Iraq nổ ra, một cửa hàng McDonald’s ở Beirut đã bị đánh bom khiến năm người bị thương.

Một nghiên cứu của Đại học Minnesota năm 2008 cho thấy các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như McDonald’s thường áp dụng những chiến lược như quyên góp để làm nguội lò lửa. Họ đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp đối với nền kinh tế địa phương để dập tắt những lời kêu gọi tẩy chay. Ngoài ra, họ cũng khôn khéo thực hiện chiến lược nội địa hóa sản phẩm, chẳng hạn McDonald’s tung ra bánh cuộn McFalafel vào năm 2001 ngay ở thời điểm cơn bão intifada đang càn quét Trung Đông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Acrylic nails
Móng tay acrylic (acrylic nails) là một kiểu móng tay nhân tạo từ việc sử dụng một loại polymer (bột) và một monomer (lỏng), kết hợp với nhau sẽ tạo…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: