Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì liên quan đến ‘xã hội đen’?

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khi vừa xuống máy bay tối 14 Tháng Mười Một, 2023 – Ảnh cắt từ video của Công an tỉnh Thái Bình

Tin ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, thường trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội), Phó ban Dân nguyện Quốc hội bị bắt vào tối ngày 14 Tháng Mười Một ngay tại phi trường Nội Bài (Hà Nội) làm nhiều người bất ngờ. Có người còn cho rằng đó là tin “đểu”!

Ngay sau khi ông Nhưỡng bị bắt, lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Nhưỡng. Một nguồn tin cho biết công an đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Không chỉ khám xét nhà ông Nhưỡng ở Hà Nội, cơ quan Cảnh sát điều tra còn về tỉnh Thái Bình khám xét ngôi nhà có liên quan đến ông tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà.

Ngôi nhà này là nơi thờ cúng bố mẹ ông Nhưỡng. Thời điểm xảy ra việc khám xét, một người hàng xóm được gia đình ông Nhưỡng nhờ trông coi, dọn dẹp tại đây.

Việc ông Nhưỡng bị bắt và khám xét ngôi nhà kể trên khiến lãnh đạo xã, người dân địa phương hết sức bất ngờ. Theo người dân địa phương, ông Nhưỡng thường xuyên về quê vào các dịp lễ, Tết và có các hoạt động kêu gọi kinh phí hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn cũng như công tác an sinh xã hội.

Theo tin từ cơ quan điều tra, việc khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam với ông Lưu Bình Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường “quắt”) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Quyết định khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng – Ảnh cắt từ video của Công an tỉnh Thái Bình

Cường “quắt” là ai?

Vào Tháng Năm vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Cường về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Báo chí trong nước dựa theo theo tài liệu điều tra của công an cho biết, khi một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy), Phạm Minh Cường và đồng bọn tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để sử dụng làm “phương tiện” gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số tiền mà Cường và đồng bọn chiếm đoạt được của các doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng.

Cuối tháng 4/2022, đối tượng Cường “quắt” và 4 người khác cũng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam bị can để điều tra hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Đối tượng xã hội đen Phạm Minh Cường – Ảnh: CAND

Ngoài ra, cơ quan điều tra phát hiện Cường “quắt” có biểu hiện móc nối với một số người có tiền án, tiền sự tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như bảo kê hoạt động khai thác và cung cấp cát biển; hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng… tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Thái Bình.

Ông Nhưỡng bị bắt vì liên quan tới băng nhóm xã hội đen hay vì nội bộ đấu đá?

Tội của Cường “quắt” được liệt kê như thế trong tài liệu điều tra của công an gởi cho báo chí. Đọc xong, chẳng ai biết ông Lưu Bình Nhưỡng có liên quan gì đến hoạt động của Cường “quắt” cả (!?)

Kiểu đưa tin lập lờ này khiến nhiều người trên mạng xã hội cho rằng ông Lưu Bình Nhưỡng “bị chơi” vì ông được xem là “một trong số ít Đại biểu quốc hội được người dân kính trọng, luôn đứng về phía người dân”. Một người thốt lên rằng: “Đến như ông Nhưỡng cũng bị bắt, đất nước này thành nhà tù lớn!”

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện Quốc hội – Ảnh cắt từ video của Công an tỉnh Thái Bình

Tài khoản Nguyễn Thị Hong viết trên Facebook:

“Ôi trời cao có thấu Vị đại biểu quốc hội có tầm nhìn xa trông rộng… Ông yêu cầu phải thành lập riêng một toà án xử chuyên về luật đất đai, đó là tử huyệt của bọn bán nước hại dân, nên chúng sẽ bằng mọi giá để hại ông!”

Tuy nhiên, cũng có người không đánh giá cao ông Nhưỡng qua những phát ngôn “vì dân” của ông. Nhà giáo Chu Mộng Long viết:

“Dư luận rất cảm tính khi dựa vào mấy phát ngôn ‘vì dân’ của nhân vật nổi tiếng nào đó rồi phán đoán rằng vụ án chẳng qua là đấu đá nội bộ hay trả thù. Theo dõi Lưu Bình Nhưỡng, tôi thấy các phát ngôn của ông có ‘vì dân’, nhưng không có phát ngôn nào gây ‘thù ghét’ đối với chính quyền. Vì ông là người có chức quyền. Dân ta dễ rơi vào bẫy dân túy thật!

Triết gia M. Foucault nói: ‘Đừng tin vào ngôn ngữ!’ Cá nhân tôi không tin vào phát ngôn của ông nào, dù đó là Lưu Bình Nhưỡng hay Nguyễn Minh Thuyết…. Đặc biệt phát ngôn của thập loại giáo sư, tiến sĩ thì càng không tin!”

Ngôi nhà liên quan ông Nhưỡng tại Thái Bình cũng bị khám xét – Ảnh: VietnamNet

Blogger Võ Trần Phương Thảo cũng nghi ngờ về con người “trong sạch” của cựu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Trong một status, Phương Thảo phân tích:

“Nói cho các bợn fans Lưu Bình Nhưỡng vầy:

– Chức vụ to nhất của ổng: Phó chánh Văn phòng Ban Cải cách Tư pháp (hàm Vụ trưởng)

– Phó chủ nhiệm Ban Dân nguyện Quốc hội.

Cả 2 chức vụ trên có mức lương không quá 15tr, ổng có tham gia thỉnh giảng Luật tại một số trưởng ĐH thì qua báo cáo thuế thu nhập cá nhân là không hơn 15tr nữa…

Vậy ổng có tới 3 ngôi nhà tầm hơn 50 tỷ ở HN, 2 ngôi nhà tầm 30 tỷ ở Sài Gòn, 1 biệt thự ở Nha Trang… tiền ở đâu???

Vấn đề bảo kê giang hồ hay đồng lõa giang hồ quê ổng thu phế các doanh nghiệp khai thác cát – CA Thái Bình bắt ổng là chuẩn…Còn vụ chạy án nữa thì từ từ các bợn sẽ được cập nhật trong thời gian tới!

@Nhà và tài sản của Lưu Bình Nhưỡng CA soi từ lâu – đã tiến hành các biện pháp ngăn chặn tẩu tán…”

Blogger Thanh Hieu Bui (tức Người Buôn Gió) cũng có cái nhìn khác về ông Nhưỡng. Qua phân tích hoạt động của ông Nhưỡng trong một thời gian dài, Thanh Hieu Bui nhận định:

“Nếu Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vào những năm trước, thực sự là nỗi mất mát của nhân dân khi mất đi một tiếng nói tâm huyết.

Nhưng vào thời điểm này, Lưu Bình Nhưỡng đã là một anh hùng biến chất.

Người ta hay nói, ai rồi cũng sẽ khác. Nói về quan trường ngày nay, thì ai rồi cũng biến chất hợp hơn.

Việc Lưu Bình Nhưỡng quan hệ với giang hồ xã hội đen Thái Bình là việc có từ nhiều năm nay. Việc Cường Cát đòi doanh nghiệp nộp tiền lấy cát cũng chẳng phải việc lớn. Tội Nhưỡng cưỡng đoạt tài sản cùng với Cường Cát là tội tào lao. Nhưỡng không ngu đến vậy, giữa Cường Cát và Nhưỡng có mối quan hệ thân tình. Cường Cát lợi dụng đó để đi tống tiền doanh nghiệp khai thác cát, các doanh nghiệp này cũng là bọn mafia chứ cũng không phải làm ăn tử tế gì”.

Xem ra giả thiết về vụ đấu đá nhau ở thượng tầng lãnh đạo là có khả năng xảy ra. Một bên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (có Tô Lâm hậu thuẫn), một bên là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Nhưỡng là người Huệ đề bạt làm Phó ban Dân nguyện, nay Nhưỡng bị bắt thì uy tín của Huệ bị giảm nhiều, dù mới đây Huệ được phiếu tín nhiệm cao ngất ngưởng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông Nhưỡng có bằng tiến sĩ luật và từng đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021). Tháng Chín năm 2018, ông Nhưỡng được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện cho tới nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: