Mỹ tuyên bố Trung Quốc phạm tội diệt chủng

Edward Wong và Chris Buckley/NYT – H.C. dịch

Hôm thứ Ba 19-01, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng và tội ác chống lại loài người qua việc đàn áp trên diện rộng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương miền tây bắc Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng trại tập trung và cưỡng bức triệt sản.

Hành động cấp bách

Đây có thể là hành động cuối cùng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, thực hiện vào ngày cuối cùng và là đỉnh điểm của cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm về cách trừng phạt những gì mà nhiều người coi là sự vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất của Bắc Kinh trong nhiều thập niên. Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi trong bốn năm qua; các quan chức và chuyên gia chính sách đối ngoại ở khắp các lĩnh vực chính trị ở Hoa Kỳ đều cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với bất kỳ chính quyền Mỹ nào trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên tới.

“Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này vẫn đang tiếp diễn và chúng ta đang chứng kiến một ​​nỗ lực tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống của nhà nước đảng trị Trung Quốc”,

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

“Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này vẫn đang tiếp diễn và chúng ta đang chứng kiến một ​​nỗ lực tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống của nhà nước đảng trị Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức Trung Quốc đã “tham gia vào việc cưỡng bức đồng hóa và cuối cùng xóa bỏ một nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo dễ bị tổn thương.”

Việc xác định các hành động tàn bạo là một hành động hiếm hoi của Bộ Ngoại giao và có thể buộc Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joseph R. Biden Jr.. Năm ngoái ông Biden nói rằng các chính sách của Bắc Kinh tương đương với “tội diệt chủng”. Các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác có thể sẽ làm theo Mỹ, chính thức lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cách đối xử với người Hồi giáo thiểu số và áp dụng các biện pháp trừng phạt. 

Tuyên bố là lời tố cáo gay gắt nhất của bất kỳ chính phủ nào chống lại chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương. Theo công ước quốc tế, tội diệt chủng là “ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.”

Ông Pompeo, các luật sư của Bộ Ngoại giao và các quan chức khác đã tranh luận trong nhiều tháng về quyết định này, nhưng vấn đề đã trở nên cấp bách trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump. 

Diệt chủng hay tội ác chống nhân loại?

Cũng như hầu hết các chính sách ứng phó với Trung Quốc, vấn đề Tân Cương từ lâu đã không có được sự đồng thuận trong chính quyền Mỹ: ông Pompeo và các phụ tá an ninh quốc gia ủng hộ các biện pháp cứng rắn chống Bắc Kinh trong khi Tổng thống Trump và các cố vấn kinh tế hàng đầu gạt bỏ mối lo ngại của họ.

Trước khi đưa ra quyết định, các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tranh cãi sôi nổi về việc liệu các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương có đáp ứng đủ tiêu chuẩn của tội diệt chủng hay họ chỉ phạm tội ác chống lại loài người, một tiêu chuẩn thấp hơn. Ông Pompeo quyết định sử dụng cả hai.

Một quan chức cao cấp cho biết căn cứ chính đáng nhất cho tội ác diệt chủng của Trung Quốc là sử dụng biện pháp cưỡng bức triệt sản, kiểm soát sinh đẻ và chia rẽ gia đình để hủy hoại bản sắc người Duy Ngô Nhĩ.

Một số quan chức phản đối hành động chỉ ra rằng Bộ Ngoại giao chưa bao giờ tuyên bố chính phủ Miến Điện (Myanmar) có hành vi diệt chủng đối với người Hồi giáo Rohingya mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tội ác này. Năm 2017, Bộ cho biết Myanmar đã phạm tội “thanh lọc sắc tộc”.

Phản ứng rộng rãi

Ông Biden, trong nhiều thập niên tại vị, đã từng là một người phê phán thành tích nhân quyền của Trung Quốc, cũng đã sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để mô tả các chính sách đàn áp của nước này. Hồi tháng 8, ông đưa ra một tuyên bố gọi các hành động của Trung Quốc là “tội ác diệt chủng” và thúc giục tổng thống Trump làm điều tương tự. Ông nhấn mạnh, ông Trump “cũng nên xin lỗi vì đã dung túng cho cách đối xử kinh hoàng này đối với người Duy Ngô Nhĩ.”

Ông Biden đã đề cập đến một lời kể của John R. Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, người đã tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình rằng tổng thống Trump đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2019 rằng hãy tiếp tục xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương, “mà ông Trump cho rằng đó là việc chính xác phải làm”. Ông Bolton viết rằng ông Trump đã đưa ra nhận xét tương tự trong chuyến công du đến Trung Quốc năm 2017.

Ông Bolton và các phụ tá khác cho biết ông Trump nhiều lần phớt lờ khuyến nghị của họ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt về vấn đề Tân Cương để tránh gây cản trở cho các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Trump ít khi bày tỏ quan tâm đến nhân quyền, và trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, ông đã công khai coi ông Tập là bạn.

Ông Pompeo đưa ra quyết định chỉ một ngày trước khi ông Biden nhậm chức. Tuyên bố này có thể làm cho quan hệ của chính quyền Biden với Bắc Kinh thêm phức tạp nhưng cũng mang lại một đòn bẩy. Tại phiên điều trần trước Thượng viện vào chiều nay thứ Ba, ứng cử viên của ông Biden cho vị trí ngoại trưởng, ông Antony J. Blinken nói ông đã có kế hoạch xử lý “sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc, Nga và các quốc gia độc tài khác”.

Một số quan chức Bộ Ngoại giao nói họ hy vọng hành động này sẽ thúc đẩy các quốc gia khác có đường lối công khai cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc.

Trước khi có tuyên bố lên án mới từ Washington, một tiểu ban của Quốc hội Canada cũng đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất rằng hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là tội diệt chủng. Tháng Mười năm ngoái, tiểu ban này kết luận rằng đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

Trong nhiều năm, các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã thúc giục chính quyền có lập trường quyết liệt hơn. Một báo cáo thường niên do Ủy ban Điều hành về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ công bố hôm thứ Năm cho biết có bằng chứng về “tội ác chống lại loài người – và có thể là tội diệt chủng – đang xảy ra” ở Tân Cương. Ủy ban nhấn mạnh rằng luật ngân sách thông qua vào tháng 12-2020 yêu cầu chính phủ Mỹ xác định trong vòng 90 ngày liệu Trung Quốc có các hành vi tàn bạo trong khu vực hay không. Nhiều nhà lập pháp đã thúc đẩy chính quyền Trump đưa ra quyết tâm chống lại Trung Quốc.

Hồi tháng 10-2019, chính quyền Trump đã đưa các sở cảnh sát ở Tân Cương và một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Kể từ đó, Mỹ đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt khác chống lại các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản. Hôm thứ Tư tuần trước, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập cảng các sản phẩm bông vải và cà chua từ khu vực này.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trước đây về tội diệt chủng và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở Tân Cương. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tuần trước, các quan chức nước này đã lên án các chính trị gia và nhóm người Mỹ vì đã đưa ra những cáo buộc như vậy. “Sự bịa đặt không che giấu về ‘tội ác diệt chủng’ ở Tân Cương là âm mưu của thế kỷ,” Từ Quế Hương (Xu Guixiang), phó giám đốc tuyên truyền của tỉnh Tân Cương nói trong cuộc họp báo. “Người dân các dân tộc được lựa chọn các biện pháp kiểm soát sinh sản an toàn, hiệu quả và phù hợp. Không có vấn đề ‘triệt sản bắt buộc’ nào như vậy trong khu vực”.

Đáp lại lời chỉ trích của các quan chức Mỹ, Trung Quốc đã nhấn mạnh một số thất bại của chính quyền Trump trong quản trị đất nước, chẳng hạn như để cho 400.000 người Mỹ chết vì đại dịch coronavirus và vụ tấn công chết người vào Điện Capitol do một đám đông được ông Trump kích động.

Tân Cương không chỉ có trại cải tạo mà nhiều chính sách đàn áp khác

Quyết tâm của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh vấn đề Tân Cương đã trở thành vấn đề trung tâm về nhân quyền của Hoa Kỳ và các đồng minh trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã thực hiện sự kiểm soát chặt chẽ các dân tộc thiểu số chiếm hơn một nửa dân số 25 triệu của khu vực Tân Cương. Tín ngưỡng Hồi giáo, ngôn ngữ và văn hóa gốc Thổ Nhĩ Kỳ làm cho dân tộc này khác biệt với đa số người Hán của Trung Quốc.

Căng thẳng trở nên trầm trọng từ năm 2009, khi người Duy Ngô Nhĩ tham gia vào các cuộc bạo động sắc tộc, giết chết khoảng 200 người Hán ở Urumqi, thủ phủ của tỉnh trong những vụ xung đột và bạo lực. Lực lượng an ninh Trung Quốc bắt đầu một cuộc đàn áp sâu rộng. Các cuộc tấn công và nhiều cuộc đàn áp khác đã xảy ra trên khắp các thị trấn của người Duy Ngô Nhĩ trong những năm sau đó, cũng như ở một số thành phố bên ngoài Tân Cương.

Kể từ năm 2017, chính quyền Tân Cương do ông Tập thúc ép đã đẩy mạnh các chính sách nhằm biến người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các dân tộc thiểu số khác thành những người ủng hộ trung thành của đảng Cộng sản. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Trung Quốc đã phạm “tội ác chống lại loài người ít nhất là từ tháng 3-2017.”

Lực lượng an ninh Trung Quốc đã giam giữ hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh – có thể là một triệu hoặc hơn theo một số ước tính – trong các trại cải tạo nhằm truyền bá lòng trung thành với đảng Cộng sản và phá bỏ sự tuân theo đạo Hồi. Chính phủ Trung Quốc nói các trại này là những trường dạy nghề lành tính và cho rằng những con số ước tính về lượng tù nhân là không chính xác. Nhưng các cựu tù nhân và gia đình đã rời khỏi Trung Quốc đã mô tả điều kiện sống khắc nghiệt, cách dạy dỗ thô thiển và các cai ngục ngược đãi họ.

Các trại cải tạo đã bị quốc tế thu hút sự lên án ngày càng tăng của quốc tế, bao gồm các chuyên gia nhân quyền, những cố vấn của Liên hiệp quốc cũng như Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Các nhà báo và học giả bắt đầu viết bài về các trại và hệ thống giám sát công nghệ cao phức tạp ở Tân Cương từ năm 2017, trước khi các chính phủ nước ngoài bắt đầu thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, các trại cải tạo chỉ là một phần trong chiến dịch rộng lớn của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm biến đổi mạnh mẽ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các dân tộc thiểu số khác. Các biện pháp khác bao gồm điều chuyển lao động, chính sách văn hóa giáo dục và kiểm soát dân số.

Dưới thời ông Tập, chính quyền tỉnh Tân Cương đã mở rộng và tăng cường các chương trình lâu dài nhằm chuyển người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh từ các vùng nông thôn sang làm việc trong các nhà máy, thành phố và canh tác thương mại. Chính phủ Trung Quốc nói rằng việc điều chuyển công việc này là hoàn toàn tự nguyện và mang lại sự thịnh vượng cho các dân tộc nghèo khó. Tuy nhiên, một số chương trình đặt ra mục tiêu về số lượng người được chuyển việc, hạn chế số người được tuyển chọn hoặc từ bỏ công việc của họ – dấu hiệu của lao động cưỡng bức.

Các trường học đã bỏ phần lớn các lớp học bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, buộc học sinh phải học bằng tiếng Trung Quốc. Các học giả Duy Ngô Nhĩ tìm cách bảo tồn và quảng bá văn hóa của họ đã bị bắt giữ, và việc xuất bản sách báo bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ bị hạn chế rất nhiều. Các quan chức buộc trẻ em phải vào trường nội trú, tách khỏi cha mẹ của chúng.

Trong một báo cáo năm ngoái, Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ chuyên về vấn đề Tân Cương cho biết, các chương trình ở Tân Cương đã tìm cách ngăn chặn sự gia tăng dân số Duy Ngô Nhĩ bằng cách buộc phụ nữ phải triệt sản vĩnh viễn hoặc mang các dụng cụ ngừa thai. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phản đối những con số và kết luận trong báo cáo của ông Zenz mà không phản bác rằng chính phủ Bắc Kinh muốn làm giảm sự gia tăng dân số của người Duy Ngô Nhĩ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trong tháng này viết trên Twitter rằng phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã được “giải phóng” và “không còn là những cỗ máy sinh con”. Twitter sau đó đã gỡ bỏ bình luận và nói với một phóng viên rằng bài đăng đã vi phạm các quy tắc chống lại “phi nhân hóa”.

Nguồn: U.S. Says China’s Repression of Uighurs Is ‘Genocide’ – The New York Times (nytimes.com)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: