Trung Quốc bất bình vì thế giới quay lưng!

Trong gian nan khốn khó mới biết ai là bạn ai là thù. Trung Quốc trước thử thách của dịch Covid-19 dường như không có nhiều bạn!

HIẾU CHÂN

Dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc đã khơi mào nỗi lo sợ một đại dịch toàn cầu và nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa nạn dịch tràn vào biên giới nước mình. Bắc Kinh rất bất bình trước cách hành xử đó, cho rằng nó ngụ ý rằng nỗ lực của Trung Quốc kiềm chế nạn dịch có nhiều thiếu sót. Các quan chức ngoại giao đang ra sức trấn an các chính phủ nước ngoài nhưng hầu như không có kết quả.

Trấn an

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần khẳng định với các lãnh đạo nước ngoài rằng chính phủ của ông không tiếc bất cứ nỗ lực nào trong cuộc “chiến tranh nhân dân” chống lại con virus đã giết chết hơn 1.500 người. Quốc vụ khanh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trong vài tuần qua đã liên tục gọi điện cho những người đồng nhiệm của hơn 20 quốc gia, kêu gọi họ bình tĩnh và tin tưởng ở chính phủ Bắc Kinh, không nên thực hiện các biện pháp như di tản công dân khỏi Trung Quốc, không đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc và không khuyến cáo công dân đừng đi tới Trung Quốc – những biện pháp mà Bắc Kinh cho là không cần thiết, chỉ gây lo sợ và không thân thiện.

Lời kêu gọi của Bắc Kinh tỏ ra không thuyết phục. Ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ – American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines – đều đã ngưng các chuyến bay chở khách giữa hai nước; các hãng hàng không quốc gia của Pháp, Anh quốc, Ai Cập, Qatar và Việt Nam, cũng như nhiều nước khác nữa, cũng đã làm như vậy. Có ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc hoặc những người đã ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh coi cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 là một “phép thử của tình hữu nghị” và bắt đầu lập danh sách các nước “bạn” phân biệt với các nước đối địch. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục triệu tập đại sứ các quốc gia châu Á và phương Tây đến để phàn nàn về cách ứng phó với dịch của các nước mà Bắc Kinh cho là không thân thiện. Trong những cuộc gặp gỡ ngoại giao đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chính sách phản ứng với dịch Covid-19, trong đó khuyến cáo các nước không nên hạn chế việc đi lại trên toàn cầu. Bộ trưởng Vương Nghị, tại một cuộc họp tuần trước, đã chỉ đạo giới quan chức ngoại giao Trung Quốc “Phải hướng dẫn các nước đánh giá tình hình dịch bệnh một cách khách quan và công bằng, ứng phó với tình hình một cách bình tĩnh và đúng đắn”.

Thế nhưng, mặc cho lời van nài của Bắc Kinh, nhiều nước – ngay cả những nước được coi là thân cận với Trung Quốc – vẫn đặt an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân nước mình là ưu tiên số một.

Bạn hữu đâu rồi?

Bắc Hàn – đất nước bị cô lập tới mức hầu như sống dựa vào Trung Quốc – là nước đầu tiên đóng cửa biên giới ngay từ tháng 1-2020. Nga, một người bạn khác của Trung Quốc, đóng các cửa khẩu giao thương đường bộ và đình chỉ chương trình miễn thị thực giữa hai nước. Iran đã đình chỉ vận tải hàng không với Trung Quốc trong khi Singapore từ chối cấp thị thực cho công dân Trung Quốc và cả với những người nước ngoài từng du lịch tới Trung Quốc gần đây. Singapore cũng là một trong hơn mười quốc gia đã di tản công dân ra khỏi thành phố Vũ Hán – trung tâm của nạn dịch. Pakistan lúc đầu đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, nhưng đảo ngược chính sách sau cuộc điện đàm giữa bộ trưởng ngạo giao hai nước.

Nhưng Bắc Kinh hận nhất là Mỹ và các chính phủ phương Tây. Quan chức Trung Quốc nhiều lần công khai tố cáo Washington không thân thiện, thậm chí thù nghịch khi ban hành các biện pháp “quá đáng” như đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Vũ Hán, di tản công dân và nâng mức cảnh báo du lịch tới Trung Quốc lên mức cao nhất – ngang với mức đang áp dụng cho Syria, Bắc Hàn, Iraq và Afghanistan.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của hãng Reuters bên lề hội nghị an ninh toàn cầu tại Berlin, Đức hôm thứ Sáu 14-02, Bộ trưởng Vương Nghị cũng dành nhiều thời gian để phê phán chính phủ Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ không có những biện pháp “không cần thiết, cản trở thương mại, giao thương và du lịch”. Ông Vương hết lời ca ngợi nỗ lực chống dịch của Trung Quốc với những biện pháp “đúng đắn nhất, tích cực nhất và quyết liệt nhất” mà “tôi không thấy quốc gia nào khác có thể làm được”! “Chúng tôi không chỉ bảo vệ cuộc sống, an toàn và sức khỏe của người dân Trung Quốc mà còn ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch ra thế giới, đóng góp vào y tế toàn cầu, và điều đó phải được công nhận”, ông Vương nói (sic) cứ như dịch Covid-19 không phải xuất phát từ Trung Quốc!

Ông Vương đặc biệt lên án các biện pháp của Hoa Kỳ và một số nước dân chủ. “Một số quốc gia đẩy mạnh nhiều biện pháp kiểm dịch hợp lý và dễ hiểu trong khi một số quốc gia phản ứng quá đáng, khơi mào cho mỗi hoảng sợ không cần thiết”, ông Vương nói và ngụ ý: “Tôi chắc các nước ấy phải suy nghĩ lại chuyện này khi tình hình biến chuyển và nạn dịch đang dần dần được kiểm soát. Họ phải dần dần gỡ bỏ những hạn chế đã áp đặt, bởi vì cuối cùng những quốc gia này cần phải giao thiệp với Trung Quốc,” ông Vương nói. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn dài 90 phút, ông Vương lảng tránh câu hỏi tại sao cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa trả lời đề nghị của Hoa Kỳ được gửi các chuyên gia y tế của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) đến Vũ Hán để hỗ trợ dập tắt dịch.

Hữu nghị viển vông!

Cũng có một vài nước đứng về phía Trung Quốc. Thủ tướng Cambodia Hun Sen – một ủng hộ viên trung thành của Bắc Kinh và nhận được viện trợ hào phóng từ Trung Quốc – đã coi thường mối đe dọa của dịch, thậm chí còn đề nghị được đi thăm thành phố Vũ Hán đang bị phong tỏa. Chuyến thăm đã không được thực hiện, nhưng ông Hun Sen vẫn đến được Bắc Kinh và tiếp kiến ông Tập Cận Bình. “Tình bạn thật sự thể hiện cả trong những lúc vui lẫn những lúc buồn, như nhân dân Cambodia đứng với nhân dân Trung Hoa trong khoảnh khắc đặc biệt này”, ông Tập nói với ông Hun Sen, theo tường thuật của báo chí nhà nước Trung Quốc.

Tuy vậy, truyền thông phương Tây nhanh chóng nhận ra tính chất đạo đức giả, hai mặt trong lối cư xử của Trung Quốc. Báo Wall Street Journal đưa tin, khi Mexico bùng phát bệnh dịch cúm heo (swine flu) năm 2009, Trung Quốc là nước duy nhất cưỡng bức những người Mexico đang có mặt ở Trung Quốc phải vào các trại cách ly kiểm dịch, đình chỉ các chuyến bay đi và đến Mexico cũng như ngừng cấp thị thực nhập cảnh cho người Mexico – những biện pháp mà chính phủ Mexico cho là phân biệt đối xử và không có cơ sở. “Trung Quốc không bao giờ thừa nhận họ đã sai và xin lỗi,” ông Jorge Guajardo, Đại sứ Mexico tại Trung Quốc thời kỳ đó kể lại trên Twitter tuần trước.

Để tránh gây kích động các nhà lãnh đạo Trung Quốc, một số quốc gia đã cố gắng cân bằng yêu cầu của người dân trong nước và làm hài lòng Bắc Kinh. Singapore chẳng hạn – đảo quốc từng bị điêu đứng bởi dịch SARS năm 2002-2003, một mặt công khai tán tụng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, mặt khác vẫn thi hành những biện pháp kiểm soát nhập cảnh mà Trung Quốc phản đối, đồng thời gửi hàng hóa, vật phẩm y tế hỗ trợ người dân vùng dịch. Hồi cuối tháng 1-2020, chỉ một ngày sau khi Tân Hoa xã đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Singapore “khâm phục những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc” Singapore quyết định đình chỉ việc cấp thị thực cho công dân Trung Quốc và người ngoại quốc đã ở Trung Quốc trong thời gian gần đây – trở thành một trong vài chính phủ nước ngoài đầu tiên đưa ra một biện pháp cứng rắn như vậy.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng hết lời khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc chống dịch, nhưng điều đó không ngăn cản chính phủ Hoa Kỳ tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của công dân Mỹ, bất chấp Trung Quốc phản đối hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen viết trên Facebook rằng “Bạn bè phải đứng bên nhau lúc giàu lẫn lúc nghèo”, nhưng hành xử của Singapore cho thấy họ sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích và sinh mạng người dân cho một thứ “tình hữu nghị” viển vông với một chế độ độc tài toàn tị hiểm ác như Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: