Khi hạt bụi biết suy niệm

Ngẫm nghĩ cuối năm
Minh họa: frank-mckenna-unsplash

Hằng năm, cứ Đông đến, tôi thường tẩn mẩn đọc lại bài cổ thi “Đăng U Châu đài ca” của thi sĩ Trần Tử Ngang đời Đường bên Tàu rồi nghĩ ngợi lung tung. Bài thơ quá nổi tiếng, hầu như ai cũng thuộc, chỉ 22 chữ mà gói trọn cả một niềm băn khoăn vạn cổ: “Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ.”

Các nhà khoa học tính ra, mỗi người sống hôm nay đang hưởng thành quả của mười người đã sống và đã mất. Tính đại khái từ thuở loài người ra đời trong các hang động Châu Phi 300,000 năm trước, thì với tám tỷ người hiện diện hôm nay đã có 80 tỷ cuộc đời lao động, xây dựng đã mất đi, đã tan biến từ thuở hồng hoang đến hiện đại, để lại những thành quả vật chất và tinh thần hết sức to lớn: Những đền đài Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, những Trường Thành, lăng tẩm ở Ấn Độ và Trung Quốc, những triết lý sâu sắc Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… ảnh hưởng lớn tới xã hội hiện nay.

Thành quả lớn nhất có lẽ là những gì được tạo ra trong một thế kỷ qua, khi con người lần đầu tiên có thể bay cao hơn chim, lặn sâu hơn cá, thật sự là chủ nhân ông của vũ trụ. Lần đầu tiên con người đã có thể rời quê xứ của mình là Trái đất để đặt chân tới một thiên thể khác, khám phá những hành tinh xa xôi bên rìa Thái Dương hệ; đã có một chiếc máy nhỏ trong túi áo kết nối được với cả thế giới bằng âm thanh và hình ảnh trong thời gian thực!

Cổ nhân thì “bất kiến” nhưng di sản của họ chúng ta vẫn nhận được, vẫn thụ hưởng được. Nhìn về sau, nếu thời gian tồn tại trung bình của một loài sinh vật trên mặt đất, từ khi sinh thành đến khi diệt chủng, là một triệu năm thì loài người còn tới 700,000 năm để sống và phát triển. Chúng ta còn vô số những thế hệ cháu chắt là “người sẽ đến” thế giới này. Chúng ta “bất kiến” những “lai giả” đó nhưng tin đó sẽ là những con người phát triển hơn, văn minh hơn và hạnh phúc hơn chúng ta hàng triệu lần nếu như đà tiến hóa của loài người tiếp diễn với tốc độ như trong một thế kỷ qua. Chúng ta hy vọng con cháu sẽ tìm ra cách thức di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng để chinh phục các thiên hà, tìm ra những phương thuốc trường sinh bất lão… hoàn thành giấc mơ vĩnh cửu của loài người.

Nhưng có thật như vậy không? Nhà tiên tri lừng danh người Pháp, Michel Nostradamus (1503-1566) tiên đoán thế giới sẽ sụp đổ vào năm 3797 sau ngày Thiên Chúa giáng sinh, tức nhân loại chỉ còn 1,774 năm sống trên mặt đất, và sẽ bị diệt vong nếu không di cư tới một hành tinh khác.

Tôi thì không lạc quan như thầy Nostradamus.

Cuối Tháng Mười 2022, tạp chí ngoại giao Foreign Affairs nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra số báo đầu tiên, đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: Bước phát triển sâu sắc nhất trong một trăm năm qua chính là khả năng của loài người chấm dứt sự tồn tại của chính mình! Con người thực hiện năng lực đó qua việc làm biến đổi khí hậu, gây ra đại dịch với những mầm bệnh truyền nhiễm không có sẵn trong tự nhiên, tạo ra một thứ “trí khôn nhân tạo” (artificial intelligence) không kiểm soát được, cùng nhiều công nghệ khác mà hôm nay chúng ta chưa hình dung ra.

Biến đổi khí hậu do con người đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch (than đá, xăng dầu) phát ra khí thải CO2 làm Trái đất nóng lên, gây hậu quả trầm trọng như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, băng tan và nước biển dâng ngày càng dữ dội là chuyện đã được bàn luận nhiều, xin phép không nhắc lại nữa. Nếu không có hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, nhân loại sẽ khó mà tồn tại khi nhiệt độ môi trường vượt quá ngưỡng chịu đựng mà các nhà khoa học xác định là tăng thêm 3 độ Celsius so với nhiệt độ trung bình thời trước cách mạng công nghiệp.

Trước đây dịch bệnh là chuyện của trời, của “thời khí” mà con người phải chống đỡ bằng các phương thuốc điều trị và chủng ngừa. Đại dịch COVID-19 làm thay đổi quan niệm đó: Cái mầm bệnh vô hình vô ảnh truyền qua mọi biên giới quốc gia có thể là sản phẩm của tự nhiên mà cũng có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Việc tạo ra virus mới có khi xuất phát từ thiện chí trên con đường tìm kiếm những phương thuốc hiệu quả, cũng có khi do ác tâm muốn có một loại vũ khí giết người hàng loạt để phục vụ tham vọng chính trị.

Hơn 80 năm kể từ khi Picasso cho ra mắt tác phẩm phản chiến “Guernica”, nhân loại vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh máu lửa binh đao

Dù thiện chí hay ác tâm thì con người cũng đã có năng lực tạo ra những mầm bệnh vô cùng độc hại, giết chết hàng triệu người, làm sụp đổ nhiều nền kinh tế chỉ trong thời gian ngắn như đại dịch COVID đã chứng tỏ. Thế giới có hàng trăm phòng thí nghiệm trình độ cao như Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán bên Tàu, không ai biết trong tương lai gần liệu các cơ sở thí nghiệm này còn cho ra cái gì nữa, có tàn độc hơn con virus SARS-CoV-2 hay không.

“Trí khôn nhân tạo” là thứ đem lại niềm hãnh diện khi con người làm ra được thứ máy móc “giống người”, có thể đảm nhiệm, thậm chí làm tốt hơn con người trong nhiều công việc đòi hỏi kiến thức, trí thông minh và khéo léo như vẽ tranh, chẩn đoán bệnh, phân tích dữ kiện, lái xe, hay đánh cờ, chơi bài xì phé v.v…

Nhưng cũng như nhiều phát minh khác, trí khôn nhân tạo là con dao hai lưỡi: Nó đang được sử dụng để theo dõi và giám sát hàng triệu người Trung Quốc để bảo vệ quyền cai trị độc tôn của Đảng Cộng sản (ĐCSTQ), được dùng để điều khiển các loại vũ khí chính xác tự tìm và diệt mục tiêu theo lệnh đặt trước ở chiến trường Ukraine… Tuy hiện nay các sản phẩm trí khôn nhân tạo vẫn còn hoạt động theo chỉ thị của người điều khiển nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ “học máy” (machine learning) chẳng mấy chốc các cỗ máy “giống người” sẽ học được cách suy luận, cách ra quyết định, không phụ thuộc vào sự chỉ huy của con người và thậm chí chống lại con người khi có một trục trặc nào đó. Phù thủy sai khiển âm binh, nhưng cũng có lúc bị âm binh hại là chuyện vẫn thường có.

Năng lực hủy diệt khủng khiếp của loài người bắt đầu được báo động khi trái bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai – một sức tàn phá gấp hàng ngàn lần so với những thứ bom mìn đã tạo ra trước đó. Sau bom nguyên tử, người ta tiếp tục làm ra bom khinh khí, còn gọi là bom hạt nhân, có sức hủy diệt lớn hơn bom nguyên tử hàng ngàn lần. Người ta còn thu nhỏ quả bom hạt nhân thành một “đầu đạn”, gắn nó lên một hỏa tiễn đạn đạo bắn tới mọi nơi trên địa cầu thay vì phải dùng máy bay chở đi thả.

Đã có thời thế giới tin rằng bom nguyên tử, bom hạt nhân sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng thêm một lần nữa, vì kẻ gây hấn tất yếu sẽ bị tiêu diệt trong đòn trả đũa của đối phương; “răn đe hạt nhân” trở thành nền tảng cho chính sách đối ngoại của các cường quốc. Nhưng niềm tin đó đang lung lay dữ dội khi Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Mỹ, Anh, Pháp – ba cường quốc hạt nhân trong khối NATO – tất nhiên sẽ không để cho Putin múa gậy vườn hoang và đòn trả đũa chắc chắn sẽ dẫn tới chiến tranh nguyên tử – kéo cả châu Âu và thế giới vào một cuộc hủy diệt không lường trước được.

Có một sự kiện mà nhiều quan sát viên chính trị không để ý: Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cho khai mạc Đại hội thứ 20 vào Chủ Nhật 16 Tháng Mười 2022, khác với thông lệ là họp vào ngày làm việc. Hôm đó ông Tập đã đọc một bài diễn văn nảy lửa, kêu gọi xây dựng một quân đội mạnh để thực hiện tham vọng giành lại vị thế bá chủ thế giới, vương quốc trung tâm của “thiên hạ” như thời đế chế Trung Hoa xưa.

Con người ở hầu hết mọi nơi thế giới vẫn tàn phá Trái đất trong khi hành tinh chứng kiến ngày càng nhiều sự “trả đũa” khốc liệt của Mẹ thiên nhiên (ảnh: Unsplash)

Tham vọng của Tập liên quan gì tới ngày khai mạc đại hội? Ngày 16 Tháng Mười có một ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử của ĐCSTQ, được ca ngợi trong sách giáo khoa và viện bảo tàng, vì vào ngày 16 Tháng Mười 1964, Trung Quốc đã chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên với sự trợ giúp của đồng minh Liên Xô. Mở đại hội trong ngày kỷ niệm sáng chế bom nguyên tử, thâm ý của Tập là lên dây cót tinh thần cho dân Hoa Lục và gửi tín hiệu tới các đối thủ rằng hãy coi chừng vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh!

Vũ khí hạt nhân, từ chỗ một biện pháp răn đe, đang dần trở thành một mối đe dọa thực tế. Từ năm 1947, các nhà khoa học nguyên tử của tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists đã lập ra cái gọi là Đồng hồ Ngày Tận thế (Doomsday Clock) – một đồng hồ tượng trưng để cảnh báo mối nguy về chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu. Thời điểm tận thế được quy ước là lúc đồng hồ chỉ 24:00 đêm. Khi mới ra đời, đồng hồ tận thế chỉ 23:53, tức là bảy phút trước nửa đêm. Từ đó kim đồng hồ tiến hoặc lùi tùy vào mối nguy chiến tranh hạt nhân trên thế giới tăng hay giảm: Khi Liên Xô thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên năm 1949, kim đồng hồ nhích lên 23:57 (cách ba phút); rồi lùi xuống 23:48 (cách 12 phút) năm 1963 khi Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân; nhích trở lại mức 23:57 năm 1984 khi Mỹ và Liên Xô tái chạy đua vũ trang.

Thời điểm nhân loại cách xa ngày tận thế nhất là năm 1991, đồng hồ chỉ 23:43 (cách 17 phút) sau khi Mỹ và Liên Xô ký hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START-1 và sau đó là sự tan rã của Liên Xô, kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sau 23 lần điều chỉnh, kim đồng hồ tận thế hôm nay đang chỉ mức 23:58:20; chỉ cách 1 phút 40 giây – mức gần nửa đêm nhất được ghi nhận, nghĩa là nguy cơ nhân loại bị hủy diệt đã cận kề!

Kiếp người quả lẻ loi, nhỏ bé như hạt bụi giữa trời đất vô cùng! Nhưng đó là hạt bụi có tâm và biết suy niệm.

Chiến tranh hạt nhân, đại dịch, Trái đất nóng lên… làm cho tương lai của loài người trở nên hết sức bấp bênh và mờ mịt! Trời đất vô cùng, con người nhỏ bé mà tham vọng lại quá lớn. Ai là người đến sau ta (lai giả) chúng ta không biết được. Và cũng không biết họ có đến được hay không nếu ngay từ bây giờ nhân loại không ngăn chặn được nguy cơ bị hủy diệt từ những hành động của chính mình. Chỉ nghĩ đến đó thôi đã muốn gõ bàn mà than “Độc sảng nhiên nhi thế hạ” như thi sĩ họ Trần đời xưa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: