‘Vở tuồng Hạo Nam’ đã được hạ màn

Ảnh: Zing
Thời Sự
Thời Sự
‘Vở tuồng Hạo Nam’ đã được hạ màn
/

Cuối cùng, sau bốn ngày phô trương lực lượng, múa may quay cuồng, diễn tuồng đạo đức, vở kịch nhạt nhẽo đã hạ màn. Đạo diễn đồng ý chấp bút cho diễn viên đọc lời kết, báo tử.

Chẳng có gì ngạc nhiên. Chẳng có gì gọi là “phép màu” như thiên hạ luận đầy trên mạng xã hội. Một vở tuồng đã thành công rực rỡ khi kẻ viết kịch bản biết nắm bắt yếu điểm của khán giả: Lòng thương cảm. Độc hơn nữa, hơn ai hết, những kẻ đồng chấp bút biết rõ nhược điểm của những khán giả đó – những khán giả đã quen bị bịt mắt, bịt miệng, thở bằng loại khí dưỡng độc hại đầy chất u mê.

Cha mẹ của bé Hạo Nam. Ảnh: Zing

Chính xác là đến 6 giờ 36 phút chiều ngày Thứ Tư, 4 Tháng Giêng (với Vnexpress), 6 giờ 39 phút chiều (với Thanh Niên), 6 giờ 40 phút chiều (với Zing, Tuổi Trẻ), báo chí đồng loạt ĐƯỢC đăng tin có chữ “tử vong” hoặc “điều kỳ diệu đã không xảy ra” và…cọc bê tông dài 35m vẫn chưa thể rút lên.

Tất cả các bài viết liên quan vẫn là những chi tiết dư thừa, những yếu tố kỹ thuật nhạt nhẽo, những câu trả lời phỏng vấn không logic được sử dụng để kết thúc bốn ngày câu vẽ, đùa giỡn trước cái chết của một đức trẻ, tung hứng với niềm tin, hy vọng của những con người yếu thế, nghèo khổ.

“Tối 4-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết bằng các biện pháp nghiệp vụ, pháp y xác định cháu Hạo Nam (cháu bé rơi vào trụ bê tông) đã tử vong. Ông Bửu đồng thời thông báo các lực lượng sẽ thay đổi phương án cứu hộ.” (trích Tuổi Trẻ). Sau bốn ngày “tận lực của hàng trăm con người” và “sự chỉ đạo từ Bộ, ngành, Trung Ương”, tối ngày thứ tư, họ vẫn tiếp tục thay đổi phương án cứu hộ khi xác định Hạo Nam đã chết. Trong suốt bốn ngày loay hoay diễn tấn trò, lực lượng pháp y không thể thực hiện biện pháp nghiệp vụ?

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phạm Ngôn/Zing

“Trước câu hỏi về phương án cứu hộ sắp tới, ông Bửu nói trước đây việc giải cứu tiến hành song song cố gắng duy trì sự sống cho cháu bé. Song đến nay, bé trai không còn, lực lượng chức năng sẽ thay đổi biện pháp để sớm kết thúc cứu hộ.” (trích Vnexpress). Bằng cách nào họ biết bé trai không còn? Hay chỉ qua phương pháp nghiệp vụ của lực lượng pháp y? Vậy trong bốn ngày qua, lực lượng pháp y cho rằng Hạo Nam còn sống? Hàng loạt câu hỏi, hàng trăm chi tiết của một sự kiện mà lẽ ra báo chí phải có nhiệm vụ mở ra cho người dân.

Báo chí ấy cũng là một người chiếu đèn sân khấu. Đạo diễn bảo cho đèn sáng chỗ nào, thì chỗ kia phải tối.

Nếu số phận của Hạo Nam bắt cậu bé phải ra đi vào buổi trưa hôm ấy, thì ước gì, cậu bé và gia đình khốn khổ của cậu đừng phải trải qua thêm bốn ngày bĩ cực trong một gánh hát vô lương. Phải chi, họ được vấn an, được nghe sự thật từ giây phút đầu tiên. Phải chi, có thêm thật nhiều người hiểu rõ bản chất của tấn tuồng được dàn dựng sẵn, thì cả ekip bất tài đó đã không có đất diễn.

ĐỌC THÊM:

Ekip của ‘Vở tuồng Hạo Nam’ đã thành công. Bọn chúng đã thành công trong cách mua chuộc lòng từ tâm và cách nuôi hy vọng của khán giả công chúng. Bài báo của Zing ghi lại lời tâm sự tràn đầy hy vọng của một người dân nhỏ bé, thấp cổ bé miệng.

“Anh Tuấn Anh (42 tuổi, TP.HCM) dẫn chứng trường hợp cậu bé Rahul Sahu (10 tuổi) được giải cứu an toàn sau 104 giờ mắc kẹt dưới hố khoan sâu hơn 24 m hồi tháng 6/2022 tại Ấn Độ, để nuôi hy vọng rằng may mắn tương tự sẽ đến với bé Nam.

“Cả hai là bé trai và cùng 10 tuổi. Bé trai Ấn Độ đã được cứu sống an toàn, giờ hãy cùng cầu nguyện cho Hạo Nam của chúng ta, mong chờ phép màu đến với em”, anh mong mỏi.” (trích Zingnews).

Tay phóng viên của Zing mừng rỡ khi tìm được một khán giả như thế. Mà chính tay phóng viên này cũng không hiểu câu chuyện giải cứu cậu bé Ấn Độ Rahul Sahu đã diễn ra như thế nào. Rahul Sahu có thể sống sót sau 100 giờ kẹt trong hố sâu hơn 25 m vì cậu được quân đội Ấn, hơn 500 người của National Disaster Response Force (Lực lượng ứng phó thảm hoạ quốc gia) và cảnh sát địa phương tập trung giải cứu.

Họ mang đến những dụng cụ tối tân, như máy ‘rô bốt cứu hộ’ giếng khoan được điều khiển từ xa (Gujarat) cũng đã được triển khai trong chiến dịch giải cứu. Họ truyền thức ăn, oxy xuống giếng, nơi Rahul bị kẹt, và luôn đảm bảo rằng có tín hiệu sống từ cậu bé.

Lực lượng cứu hộ đang giải cứu cậu bé Rahul. Ảnh: DNA

Tay phóng viên đó và cả người dân Tuấn Anh không có cơ hội (?) để tìm kiếm được hình ảnh của hàng trăm người cứu hộ cật lực, xông xáo, đúng nghĩa làm việc ngày đêm để cứu Rahul Sahu.

Hạo Nam không may mắn như thế. Những người thương yêu Hạo Nam, luôn cầu nguyện cho Hạo Nam cũng không may mắn được vỗ tay, trào nước mắt như người dân Ấn Độ khi Rahul được mang ra khỏi hố sâu.

Nhiều người đã lan truyền tấm ảnh này trên mạng xã hội, nói rằng đó là bé Thái Lý Hạo Nam. Ảnh: Facebook Long An

Khốn cùng hơn nữa, ekip của ‘Vở tuồng Hạo Nam’ còn tìm ra được một nhóm người “nhanh nhảu đoảng”. Họ chỉ biết tìm đọc những gì họ muốn đọc, tin những gì họ muốn tin. Những con người này mất tri giác đến mức họ tin vào một tấm ảnh lan truyền trên mạng, được cho là hình ảnh bé Hạo Nam, và họ kết luận: “Gương mặt này thì trọng lượng cơ thể không thể rơi vào ống cọc 25 cm.”

Ekip của ‘Vở tuồng Hạo Nam’ rất cần những khán giả như thế.

Cậu bé, hãy bay cao, đừng quay trở lại nơi này nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: